Một bức thư ngỏ được xuất bản trên tạp chí Harper, có chữ ký của hơn 150 nhà văn và trí thức nổi tiếng nhằm bênh vực tự do ngôn luận đã gây ra phản ứng dữ dội. Chào mừng đến với truyền thông xã hội năm 2020.
Jennifer Rubin, ngày 8 tháng 7, 2020
Translate from the Washington Post 10 rules to preserve common sense in the debate about free speech
“Trong khi thông điệp nổi trội của họ thừa nhận rằng trên khắp cả nước đang diễn ra sự đánh giá lại về nạn phân biệt chủng tộc và bất công xã hội, đồng thời đề cao “những yêu cầu vốn đã bị bỏ ngỏ về việc cải cách ngành cảnh sát,” thì thông điệp đó cũng lập luận rằng các phong trào phản kháng đã giúp "làm lung lay các quy tắc của chúng ta về tự do tranh luận và chấp nhận khác biệt để đạt được sự thống nhất về ý thức hệ.”... Bức thư - hãnh diện với chữ ký của các biểu tượng văn hóa như nhạc sĩ nhạc jazz Wynton Marsalis, biên đạo múa Bill T. Jones và nhà hoạt động nữ quyền Gloria Steinem, và những người của công chúng như nhà sử học Nell Irvin Painter và tác giả Malcolm Gladwell - đã thu hút nhiều phản ứng trái chiều trên phương tiện truyền thông xã hội, làm dấy lên một cuộc tranh luận trực tuyến sôi nổi về tự do ngôn luận và “văn hóa tẩy chay” (cancel culture).”
Những người ký bức thư tuyên bố, “Các thế lực ngụy dân chủ đang ngày càng bành trướng trên toàn cầu và có một đồng minh đầy quyền lực là Donald Trump, kẻ thật sự là mối đe dọa đối với nền dân chủ,” nhưng cảnh báo rằng phe đối lập không nên rơi vào cái bẫy không khoan nhượng và giáo điều cứng nhắc. Một số người ký thư đã bị chỉ trích là đạo đức giả bởi trước đây họ đã bị cáo buộc tìm cách sa thải các giáo sư đại học. Những người chỉ trích cũng đặt vấn đề rằng họ nhận thấy nhóm ký thư đã ưu tiên quan tâm đến tự do ngôn luận hơn các vấn đề sinh tử như đại dịch coronavirus chủng mới và sự tàn bạo của cảnh sát. Vẫn còn những người khác cáo buộc những người ký tên, trong đó gồm nhiều người nổi tiếng và có thu nhập rất cao, đã tìm cách miễn trừ những lời chỉ trích. Sự màu mè và kể lể dường như không tương thích với lời đề nghị nhẹ nhàng rằng “cách để đánh bại những tư tưởng xấu xa là thông qua việc trải chúng ra, tranh luận và thuyết phục, chứ không phải bằng cách cố gắng bịt miệng hoặc cầu mong chúng biến mất. Chúng tôi từ chối mọi lựa chọn giữa công lý và tự do, những điều không thể tồn tại mà không có nhau.”
Sai lầm lớn nhất của những người ký tên có thể là đã cố gắng để có một cuộc đối thoại nghiêm túc trên Twitter, nơi khuếch tán sự thô tục, chế giễu, những ý nghĩ bộc phát nhất thời, thay vì những không gian khác. Khi bạn có nguy cơ bắt đầu một cuộc tranh luận trên mạng xã hội, hãy cho phép tôi đề xuất một số quy tắc để làm rõ cho cuộc đối thoại về tự do ngôn luận.
Những lời chỉ trích gay gắt, thậm chí bất công, không phải là tước đi quyền tự do ngôn luận của cá nhân. Mà chính là lấy tự do ngôn luận đáp lại tự do ngôn luận. Nếu các nhà văn và diễn giả đang tìm kiếm một lớp bong bóng bảo vệ để che chắn họ khỏi những người chỉ trích, thì họ đang sống trong một thế giới ảo. (Tôi không nghĩ rằng đây là những gì mà những người ký thư đã nghĩ đến.)
Tự do ngôn luận không bao gồm việc miễn trừ trách nhiệm đối với những dối trá và/ hoặc sự phỉ báng. Nếu một nhà xuất bản sa thải một nhà văn hoặc chọn không xuất bản tác phẩm của một tác giả vì các lỗi lầm có thật, thì đây không phải là một sự hạn chế tự do ngôn luận. Các trường đại học hỗ trợ tự do học thuật nhưng cũng có trách nhiệm duy trì sự chính trực trong trí tuệ; họ không có nghĩa vụ phải tuyển dụng những kẻ phủ nhận thảm sát Holocaust (thảm họa diệt chủng Do Thái) hoặc nhóm Da Trắng thượng đẳng.
Không phải mọi phát ngôn đều có quyền xuất hiện ở cấp quốc gia. Một tờ báo lớn hoặc một trang web có độ phủ rộng có quyền biên tập (tự do ngôn luận!) để quyết định những gì sẽ xuất bản hoặc những gì sẽ bỏ đi. Một số cách nói quá tầm thường, ngu ngốc, không đúng lúc hoặc kém văn minh để thu hút sự chú ý. Không có nghĩa vụ phải xuất bản cho một nhà văn theo đuổi chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, hoặc bài xích các cuộc biểu tình ôn hòa, hay người ủng hộ sự đàn áp cử tri.
Việc tổ chức một cuộc tẩy chay, như là mạng tin tức truyền hình cáp, ủng hộ việc coi thường các biện pháp chống coronavirus hoặc phát tán các thuyết âm mưu là một hành động tự do ngôn luận. Tìm cách đánh bại một chính trị gia đương nhiệm (ví dụ: Dân biểu Steve King), người đưa ra những bình luận mang tính phân biệt chủng tộc không phải là “đàn áp tự do ngôn luận.” Việc kêu gọi dân Mỹ không mua một cuốn sách được viết bởi một người đã che giấu thông tin quan trọng trước Quốc hội, mà những thông tin đó quan trọng để bảo vệ nền dân chủ của chúng ta, không phải là một sự vi phạm về tự do ngôn luận.
Không cần thiết phải mua lấy sự xuất hiện của một người của công chúng trên các ấn phẩm lớn để khiến cho độc giả nhận thức được một quan điểm nhất định nào đó. Tin tức báo chí và các cuộc phỏng vấn có cơ hội để giáo dục công chúng về phân biệt chủng tộc, kỳ thị, bài ngoại và những tư tưởng thù địch - và sau đó nghe được sự phản bác/cải chính của những tư tưởng đó.
Cuộc tranh luận về “văn hóa tẩy chay” (cancel culture) nhắm chính xác vào những người có quyền lực để tẩy chay họ (ví dụ: chính phủ, cơ quan báo chí, trường đại học). Việc chửi bới những người muốn đuổi việc bạn và muốn người khác hủy đăng ký mua báo không hề hiệu quả.
Các công ty quảng cáo có quyền chọn cách tiêu xài tiền của họ. Nếu họ không muốn thương hiệu của mình dính dáng đến một tờ báo hoặc muốn sử dụng ngân sách quảng cáo của họ để buộc các nền tảng mạng xã hội thực thi các điều khoản dịch vụ của riêng mình (ví dụ như việc đuổi những kẻ quấy rối ra khỏi nền tảng, giảm bớt nỗ lực chèn ép cử tri), họ có thể đem tiền đi quảng cáo nơi khác.
Không có gì xấu khi có những tranh luận dữ dội, thậm chí nổi nóng, về các vấn đề nhạy cảm cao độ. Tuy nhiên, những cuộc đối thoại như vậy trên mạng xã hội sẽ không đưa đến sự tranh luận văn minh, trung thực hoặc có thể cung cấp thông tin gì. Thực tế, các nền tảng như Facebook đóng góp rất lớn vào sự phân cực chính trị và thói vô văn hóa vấy nhiễm những tranh luận công khai của chúng ta. Rất cần có các diễn đàn thay thế cho hình thức tranh luận trực tiếp hoặc qua mạng. (Tôi đã đăng ký một diễn đàn như vậy, tên là Persuasion, được điều hành bởi một trong những người ký thư, Yascha Mounk, một người bạn và là đồng nghiệp có chuyên môn đáng quý của tôi.)
Thật dễ dàng để nói rằng “có những việc quan trọng hơn để đấu tranh” so với văn hóa tẩy chay (cancel culture) hoặc đàn áp ngôn luận. Nhưng tự do ngôn luận là tiền đề cho một xã hội dân chủ, tự do, một xã hội có thể tự vận hành thành công và giải quyết những vấn đề đó. Chúng ta có thể và phải bảo vệ tự do ngôn luận; cùng lúc với việc chúng ta đang lên án sự tàn bạo của cảnh sát, các mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng và phân biệt chủng tộc có hệ thống.
Tôi đã đề cập rằng truyền thông mạng xã hội là một thứ phản cảm đối với tranh luận lịch sự, tôn trọng hay chưa?
Translation by Ha Vi Nguyen and Jessie Le
Edited by Jessie Le
Comments