top of page

12 tin đồn vô căn cứ về vaccine nói chung và Covid-19 vaccine nói riêng

Nhân viên y tế cộng đồng và các bác sĩ đã “chiến đấu” chống lại những thông tin sai lạc về vaccine trên 20 năm qua. Dù cho không có chứng cứ nào về mối liên hệ giữa vaccine và bệnh tự kỉ hay các bệnh mãn tính khác, ngày càng có nhiều phụ huynh từ chối đưa trẻ đi tiêm phòng.

Các lo ngại về mức độ an toàn của vaccine là phản ứng chính đáng. Nhưng các nghiên cứu đã cho thấy những lời đồn đáng sợ về vaccine là không có căn cứ.




#1: Vaccines gây bệnh tự kỷ


Khởi nguồn từ bài báo khoa học năm 1997 của Andrew Wakefield, bác sĩ phẫu thuật người Anh, đăng trên The Lancet. Báo cáo cho rằng vaccine measles, mumps, rubella (MMR) làm tăng số trẻ bị tự kỷ ở Anh.


Bài báo này bị rút khỏi The Lancet do: vi phạm đạo đức nghiên cứu, sai nghiêm trọng quy trình nghiên cứu, có xung đột lợi ích về tài chính. Andrew Wakefield bị rút bằng hành nghề.


Giả thuyết này vẫn được các nhà khoa học xem xét cẩn thận. Vài nghiên cứu quy mô được tiến hành nhưng không tìm ra mối liên quan giữa vaccine và tự kỷ. Hơn nữa, người ta còn thấy các dấu hiệu của tự kỷ xuất hiện trước khi em bé được tiêm vaccine MMR. Một số bằng chứng còn cho thấy tự kỷ có thể được hình thành khi trẻ còn trong bụng mẹ.


#2: Miễn dịch tự nhiên tốt hơn miễn dịch do vaccine


Trong một số trường hợp, điều này là đúng. Nhưng khi ta so sánh giữa nguy cơ và lợi ích, tiêm ngừa vẫn có lợi ích vượt trội.

Ví dụ, nếu bạn muốn nhiễm bệnh sởi tự nhiên để có miễn dịch mạnh hơn, bạn nên biết nguy cơ tử vong khi nhiễm tự nhiên là 1/500. Ngược lại, nguy cơ bị phản ứng dị ứng nghiêm trọng khi tiêm vaccine MMR là 1/1,000,000 liều tiêm.

#3: Vaccines chứa các chất độc hại


Gồm: formaldehyde (phooc môn), mercury (thủy ngân) hay aluminum (nhôm)...


Điều này chỉ đúng khi các chất đó ở một hàm lượng cao nhất định. FDA chỉ cho phép các chất này hiện diện trong vaccine dưới ngưỡng có thể gây độc. Thực tế, trong quá trình trao đổi chất, cơ thể chúng ta tạo ra hàm lượng formaldehyde còn cao hơn nhiều lượng có trong vaccine. Chưa có bằng chứng nào cho thấy lượng mercury hay aluminum dùng trong vaccines có thể gây độc.


#4: Vaccines làm người bị bệnh thay vì phòng bệnh


Vaccines tạo ra các triệu chứng nhẹ giống như triệu chứng của bệnh mà nó chống lại. Điều này làm nhiều người hiểu lầm.


Thực tế, hệ miễn dịch của người sau khi tiêm vaccine đang phản ứng lại với vaccine.

Trong quá khứ, có duy nhất một trường hợp vaccine gây bệnh đó là vaccine ngừa bại liệt OPV. Vaccine này không còn được dùng nữa. Từ bài học đáng tiếc đó, quy trình nghiên cứu và cấp phép cho vaccine trở nên nghiêm ngặt hơn và vaccine cũng an toàn hơn trong vài thập niên gần đây.


#5: Vaccine gây vô sinh


Khoa học không tìm ra chứng cứ vaccine làm hại đến thai nhi. Sự thật là:


a/ đã có hơn 69,000 phụ nữ mang thai tiêm vaccine chống covid-19, không có dấu hiệu nào cho thấy bào thai bị tổn hại. Ngược lại, những em bé đó khi sinh ra có hệ miễn dịch đã được “huấn luyện” chống lại virus gây covid-19.


b/ tạp chí “New England Journal of Medicine” đã theo dõi 35,691 phụ nữ mang thai. So với nhóm chứng không tiêm vaccine, phụ nữ mang thai có tiêm covid vaccine không hề có nguy cơ sẩy thai cao hơn.


c/ cũng không có chứng cứ cho thấy covid vaccine làm suy giảm “chức năng làm chồng làm cha” ở nam giới. Ngược lại, nếu bị covid, nguy cơ mất khả năng sinh sản còn lớn hơn, đặc biệt là ở những nam giới có tuần hoàn máu kém, có thể dẫn đến rối loạn cương dương.



#6: Covid vaccine không an toàn vì phát triển và sản xuất quá nhanh


Tình huống khẩn cấp của đại dịch khiến chúng ta phải phản ứng nhanh chóng nhưng quy trình phát triển, sản xuất, thử nghiệm vaccine vẫn phải đảm bảo. Sự ra đời nhanh chóng của covid vaccine là do nguồn lực khổng lồ (tài chính, nhân lực nghiên cứu/ sản xuất, tình nguyện viên) đổ vào quá trình này trên toàn cầu.



#7: COVID-19 vaccines có các tác dụng phụ nghiêm trọng


Sự thật: những báo cáo về tác dụng phụ nghiêm trọng của vaccine là cực kỳ hiếm.


Theo CDC, từ 14/12/2020 đến 23/08/2021, người Mỹ đã tiêm được 363 triệu liều Covid-19 vaccine. Trong đó, hệ thống ghi nhận các biến cố bất lợi sau tiêm- VAERS cập nhật 6,968 ca tử vong (tương đương 0.0019% số người tiêm vaccine). Lưu ý: FDA bắt buộc lực lượng y tế phải báo cáo tất cả các trường hợp tử vong sau khi đã tiêm vaccine không cần biết cái chết đó có liên quan đến vaccine hay không. Những biến cố bất lợi được báo cáo sau khi tiêm vaccine kể cả tử vong không có nghĩa là do vaccine gây ra.


#8: COVID-19 vaccines không hiệu quả vì vẫn bị bệnh sau khi tiêm


Sự thật: hầu như người đã tiêm COVID-19 vaccine không phát bệnh, hiệu quả bảo vệ nằm trong khoảng 66% đến 100% tùy vaccine.


Vẫn có một tỉ lệ nhỏ người bị nhiễm đột phá - breakthrough cases sau khi tiêm đủ liều vaccine. Họ có thể có hoặc không có triệu chứng. Nhưng vaccine gần như giúp giảm nhẹ các triệu chứng bệnh. Nếu bạn đã tiêm đủ liều, nguy cơ bạn bị bệnh nặng phải nhập viện hoặc tử vong thấp hơn nhiều so với người chưa tiêm.



#9: COVID-19 vaccines hiện có không chống được biến thể mới


Sự thật: tại Mỹ, biến thể delta (B.1.617.2) đang lưu hành phổ biến trong cộng đồng. Hệ số lây nhiễm của nó gấp đôi các biến thể trước đây và có thể gây bệnh nặng hơn. Kết quả nghiên cứu cho thấy tuy hiệu quả của vaccine giảm sút trước biến thể này nhưng vaccine vẫn bảo vệ người nhiễm khỏi phát bệnh nặng.


#10: COVID-19 vaccine có chứa microchip hoặc đầu dò nano giúp chính quyền theo dõi và kiểm soát người dân


Sự thật: chưa từng có vaccine mang microchip ra đời, và vaccine cũng không theo dõi hay lấy thông tin của con người.


Lời đồn này bùng lên sau khi Bill Gates- The Gates Foundation bàn luận về chứng chỉ vaccine điện tử. Kỹ thuật mà ông Gates nói đến không phải là microchip và cũng chưa được thực hiện. Kỹ thuật này cũng không liên quan gì đến phát triển, thử nghiệm, và sản xuất phân phốiCOVID-19 vaccines.


#11: COVID-19 vaccines sẽ biến đổi gen của người


Sự thật: COVID-19 vaccines đầu tiên có mặt trên thị trường là loại RNA thông tin (mRNA). Theo CDC, mRNA vaccines đóng vai trò như là người hướng dẫn tế bào trong cơ thể người làm sao tạo những protein có khả năng kích hoạt hệ thống miễn dịch. mRNA này không hề “nói chuyện” hay “đụng chạm” gì với DNA của tế bào. Sau khi mRNA làm xong

nhiệm vụ hướng dẫn của nó, tế bào người sẽ phân hủy chúng và loại thải chúng đi.


#12: COVID-19 vaccines được làm ra từ mô của bào thai


Sự thật: cả hai loại COVID-19 vaccine từ Pfizer/BioNTech và Moderna đều không chứa hoặc phát triển từ tế bào của thai nhi vì công nghệ chúng sử dụng hoàn toàn khác.


Loại vaccine của Janssen/Johnson & Johnson có thể được sản xuất theo công nghệ adenovirus và tế bào “cháu chắt chút chít” của tế bào thai nhi trong lịch sử. Nhưng bản thân vaccine Janssen/Johnson & Johnson không hề chứa tế bào thai nhi nào. Ngoài ra, Vatican đã nhấn mạnh hãy tiêm vaccine và đừng phân biệt nguồn gốc phát triển.



Tài liệu nguồn:



Dịch và tổng hợp: Chau Tran

Comments

Couldn’t Load Comments
It looks like there was a technical problem. Try reconnecting or refreshing the page.
bottom of page