top of page

7 cuốn sách thiếu nhi hay về chủ đề bản sắc và chủng tộc của các tác giả gốc Á

Translated from Cold Tea Collective's article 7 BOOKS ABOUT IDENTITY, RACE BY ASIAN AUTHORS FOR CHILDREN

By Courtney Chu, on 15-11-2021, 03:00:00

Đã quá lâu rồi, chúng ta không được thấy sự đại diện công bằng trên các phương tiện truyền thông chính thống. Đó là chưa kể đến tình trạng thiếu thốn những ấn phẩm thiếu nhi do người châu Á chấp bút. Đa số người trưởng thành có thể nhận biết được tình trạng thiếu đa dạng và tự mình đi tìm những tiếng nói và quan điểm mới. Nhưng ít có ai trong số họ phải chịu ảnh hưởng sâu sắc từ vấn đề khan hiếm đại diện truyền thông Á châu bằng nhóm tuổi trẻ em và thanh thiếu niên. Khi còn đang trong tuổi ăn tuổi lớn, việc không nhìn thấy hình ảnh của bản thân trên tivi, phim ảnh hoặc sách vở có thể gây ra tổn thương nghiêm trọng. Điều này có thể ảnh hưởng đến cách trẻ em nhìn nhận thế giới và các nhóm chủng tộc khác. Thậm chí là đến cách các em nhìn nhận bản thân mình. May mắn thay, sự hiện diện kịp thời của các bộ phim điện ảnh và truyền hình như Shang-Chi, Moana, Never Have I Ever đã góp phần đa dạng hóa các chương trình của trẻ em. Tuy nhiên, ngoài phim ảnh ra thì chúng ta cũng có thể lắng nghe các câu chuyện của người gốc Á bằng nhiều cách khác. Đơn cử là những tác phẩm thiếu nhi do người châu Á viết. Đây là danh sách 7 tác phẩm tôn vinh trải nghiệm của người gốc Á ở Bắc Mỹ dành cho trẻ em và thanh thiếu niên. Xoay quanh chủ đề quý trọng thân thể (body acceptance) và văn hóa, mỗi cuốn sách đi sâu vào những tâm tư nỗi niềm phức tạp của cộng đồng người gốc Á tại Bắc Mỹ theo cách này hay cách khác. I AM GOLDEN — EVA CHEN Thanh thiếu niên gốc Á thường có khuynh hướng tự ti hơn hẳn so với các nhóm sắc tộc khác ở Hoa Kỳ. Eva Chen, tác giả người Mỹ gốc Hoa ăn khách, cố gắng thay đổi xu hướng đáng báo động này với I Am Golden (tạm dịch: Tôi thật quý báu) Quyển truyện minh họa đẹp mắt này nói về chủ đề yêu thương bản thân và khuyến khích trẻ em hãy xem những điểm khác biệt của mình là thế mạnh. I Am Golden sẽ xuất bản vào tháng 2. INSIDE OUT & BACK AGAIN — THANHHÀ LAI Tiểu thuyết danh giá Inside Out & Back Again (tạm dịch: Đi rồi cũng quay về) là câu chuyện trưởng thành cảm động của một cô gái tuổi mới lớn cùng gia đình tháo chạy khỏi Sài Gòn trong chiến tranh Việt Nam. Dựa trên những trải nghiệm cá nhân của tác giả Lại Thanh Hà, tác phẩm đào sâu vào cuộc di cư, niềm đau, nỗi sợ, và sự nguôi ngoai về sau mà rất nhiều người gốc Á đã trải qua khi gia đình họ di cư đến Bắc Mỹ. Những người trẻ đang chuẩn bị hay đang gặp khó khăn với việc thay đổi hoàn cảnh có thể tìm thấy sự an ủi từ cuốn tiểu thuyết dí dỏm mà nhẹ nhàng này. THE NAME JAR — YANGSOOK CHOI Di cư đến một nơi xa lạ vốn đã là một điều rất gian nan. Nhưng nếu bạn bị nổi bật vì cái tên tiếng Hàn thì những cảm xúc về việc làm sao để được chấp nhận và trở nên một phần của cộng đồng sẽ còn phức tạp gấp bội. Cả cha mẹ lẫn trẻ em đều có thể đồng cảm với nỗi lo rằng mình sẽ bị lạc loài vì cái tên. Rằng mình sẽ bị kỳ thị vì nó. Trong số những ấn phẩm thiếu nhi của người gốc Á, cuốn sách minh họa dễ thương The Name Jar (tạm dịch: Chiếc hũ đựng tên) sẽ trấn an các em nhỏ đang chuẩn bị bước vào một ngôi trường hay môi trường mới. Câu chuyện bao hàm nhiều bài học về sự yêu thương và chấp nhận — đối với người khác và cả bản thân. PASHMINA — NIDHI CHANANI Đôi khi, những người gốc Á được sinh ra hoặc lớn lên ở Bắc Mỹ sẽ gặp khó khăn trong việc kết nối với văn hóa của tổ tiên mình, nhất là khi cha mẹ họ ngại nói về chuyện quê hương. Pashmina, cuốn tiểu thuyết bằng tranh đã thắng giải của tác giả người Mỹ gốc Ấn Ndihi Chanani, kể về hành trình khám phá bản thân, học cách hòa hợp hai nền văn hóa và hai thế giới trong khi tìm hiều về lịch sử gia đình mình của một cô gái trẻ. THE BIG BATH HOUSE — KYO MACLEAR Nhận thức về ngoại hình (body image) và tiêu chuẩn cái đẹp thường là những chủ đề gây tranh cãi trong văn hóa của các nước Á châu. Chuẩn mực sắc đẹp thường rất hạn hẹp, và nghiên cứu cho thấy phụ nữ người Mỹ gốc Á có tỉ lệ mắc chứng rối loạn ăn uống cao hơn so với các nhóm phụ nữ da màu khác. Cuốn sách minh họa đáng yêu này ra đời là để đối phó với những xu hướng trên. Thông qua câu chuyện của một bé gái cùng gia đình đến nhà tắm công cộng, The Big Bath House (tạm dịch: Nhà tắm lớn) đề cao những nét văn hóa truyền thống của người Nhật cũng như nét đẹp của mọi hình dáng cơ thể (body positivity). EYES THAT KISS IN THE CORNERS — JOANNA HO Sự kì thị nhằm vào đôi mắt của người gốc Á chúng ta trên đất Bắc Mỹ có một lịch sử lâu đời. Thậm chí, nhiều người còn tìm đến miếng dán kích mí và phẫu thuật thẩm mỹ để thay đổi đặc điểm này cho giống người phương Tây hơn. Eyes That Kiss In The Corners (tạm dịch: Khóe mi chúm chím) là một quyển sách minh họa sâu lắng về đề tài quý trọng và yêu thương bản thân, đồng thời đề cao giá trị của bản sắc dân tộc, văn hóa và gia đình. LAST GAMER STANDING — KATIE ZHAO Bất cứ ai đã xem qua một buổi livestream trên ứng dụng Twitch đều có thể xác nhận về thái độ hung hăng của cộng đồng game thủ, đặc biết là đối với phái nữ và người da màu. Tiểu thuyết Last Gamer Standing (tạm dịch: Game thủ sống sót cuối cùng) khám phá văn hóa chơi game dưới góc nhìn của một nữ game thủ người Mỹ gốc Hoa nhỏ tuổi, người phải trực tiếp đối diện với những vấn đề này. Câu chuyện không chỉ là bài học cảnh tỉnh dành cho người chơi game, mà còn là thông điệp động viên độc giả theo đuổi ước mơ của mình.


Người dịch: Kevin Do

Biên tập: Bảo Trân & Vũ Yên

Comments


bottom of page