top of page

Báo cáo: Trung Quốc xả khí thải nhà kính 'vô địch' thế giới


Theo một báo cáo mới đây, lượng khí thải nhà kính của Trung Quốc nhiều hơn tất cả các nước phát triển gộp lại.

By BBC News, on 08-05-2021, 01:00:00

Theo một báo cáo mới đây, lượng khí thải nhà kính của Trung Quốc nhiều hơn tất cả các nước phát triển gộp lại. Nghiên cứu thực hiện bởi tập đoàn Rhodium cho thấy Trung Quốc chiếm 27% lượng khí thải toàn cầu năm 2019. Mỹ đứng thứ hai, chiếm 11%, trong khi Ấn Độ xếp thứ ba, với 6.6%. Các nhà khoa học cảnh báo rằng nếu Mỹ và Trung Quốc không đạt được thỏa thuận, biến đổi khí hậu sẽ rất khó đối phó. Báo cáo của tập đoàn Rhodium của Mỹ cũng nói thêm rằng Trung Quốc xả khí thải nhiều gấp 3 lần so với 30 năm trước. Quốc gia Châu Á khổng lồ này do có số dân nhiều nhất thế giới nên lượng khí thải tính trung bình mỗi đầu người vẫn thua xa so với Mỹ, nhưng nghiên cứu chỉ ra rằng con số này đã tăng gấp 3 lần trong 20 năm qua. Biểu đồ khí thải nhà kính

Trung Quốc cam kết mức khí thải bằng 0 vào 2060 với mức thải cao nhất trễ nhất vào năm 2030. Chủ tịch nước Tập Cận Bình lặp lại lời hứa của mình tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu, tổ chức bởi Tổng Thống Mỹ Joe Biden, vào tháng vừa rồi. Chủ tịch nước Tập Cận Bình cho biết, “Quyết định chiến lược trọng yếu này được đưa ra dựa trên ý thức trách nhiệm xây dựng tương lai tươi sáng cho cả nhân loại và nhu cầu phát triển bền vững của chúng tôi.” Tuy nhiên, Trung Quốc lại phụ thuộc rất nhiều vào than đá. Quốc gia này hiện có 1058 nhà máy nhiệt điện than đang hoạt động - chiếm nửa công suất điện toàn cầu. 197 nước đã ký Hiệp định Paris 2015 để hạn chế biến đổi khí hậu dưới mức 2C. Tuy nhiên, con đường đi đến mục tiêu này vẫn còn rất xa. Trọng tâm của Hiệp định Paris là “Đóng Góp Theo Định Hướng Quốc Gia" (NDCs). Đây sẽ là những mục tiêu chính cho việc cắt giảm khí thải. NDCs thể hiện các cam kết riêng trong việc cắt giảm khí thải của từng quốc gia - theo Hiệp định Paris - và để thích nghi với hậu quả của biến đổi khí hậu. Theo Climate Action Tracker, một tổ chức khoa học độc lập theo dõi công tác chống biến đổi khí hậu toàn cầu, Trung Quốc được đánh giá là “trì trệ” và “chưa nhất quán với mục tiêu dưới mức 2C”. Đặc phái viên về khí hậu của Tổng Thống Biden, John Kerry, đã có chuyến công du tới Trung Quốc vào tháng vừa rồi để bàn luận với người đồng cấp về giải pháp chung chống biến đổi khí hậu, dù quan hệ 2 nước vẫn đang căng thẳng trên nhiều vấn đề khác. Trong một tuyên bố chung, cả 2 nước cam kết hợp tác với nhau và các nước khác để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, bao gồm cả việc cắt giảm khí thải. Tháng 11 vừa rồi, các nhà lãnh đạo đã họp tại hội nghị thượng đỉnh quan trọng về khí hậu COP26 ở thành phố Glasgow, Anh Quốc nhằm thúc đẩy các mục tiêu đề ra trong Thỏa thuận Paris.

Người dịch: Nhan Tran

Biên tập: Tri Luong


Комментарии


bottom of page