top of page

Gói đầu tư cơ sở hạ tầng 1,2 nghìn tỷ USD có gì?

Translated from THE WASHINGTON POST's article What’s in the $1.2 trillion infrastructure package


By Heather Long, on 05-11-2021, 13:00:00

Dự luật lưỡng đảng bao gồm 550 tỷ USD đầu tư mới vào đường bộ, cầu, internet băng thông rộng và nhiều khoản khác. Dự luật được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều việc làm. Cuối cùng thì dự luật đầu tư cơ sở hạ tầng lưỡng đảng cũng được chuyển đến Tổng thống Biden để ký ban hành. Vào thứ Sáu, sau nhiều tháng tranh luận gay gắt giữa các bên bất đồng trong nội bộ Đảng Dân chủ, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Đảng Dân chủ - bang California) đã bảo đảm việc thông qua dự luật cơ sở hạ tầng trị giá 1,2 nghìn tỷ USD để nâng cấp đường bộ, cầu, đường ống, bến cảng, internet băng thông rộng cùng nhiều công trình công cộng khác. Thượng viện đã thông qua các biện pháp này trên cơ sở lưỡng đảng vào đầu tháng 8, nhưng sau đó Hạ viện lại trì hoãn thông qua khi các nghị sĩ cấp tiến từ chối ủng hộ nếu không có sự đảm bảo rằng gói chi tiêu xã hội lớn hơn của Biden cũng được phê duyệt. Gói cơ sở hạ tầng gồm 550 tỷ USD đầu tư hoàn toàn mới, bao gồm các khoản đầu tư vào trạm sạc xe điện và xe buýt trường học không phát thải. Chi tiêu chủ yếu được chi trả mà không tăng thuế. Phần lớn nguồn vốn đến từ tiền cứu trợ coronavirus chưa sử dụng và tiến hành thắt chặt lợi nhuận từ các khoản đầu tư tiền mã hóa (crypto). Theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO), dự luật sẽ làm thâm hụt ngân sách tăng thêm khoảng 256 tỷ USD.


Tóm tắt 550 tỷ USD đầu tư mới theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội: Gần một nửa trong gói 1,2 nghìn tỷ USD hướng tới đầu tư mới vào giao thông, điện nước và khắc phục ô nhiễm. Tuy tổng chi tiêu mới là 550 tỷ USD, các thượng nghị sĩ thường gọi dự luật này là gói 1,2 nghìn tỷ USD vì nó đã bao gồm nguồn vốn thông thường được phân bổ mỗi năm cho đường cao tốc và các dự án khác.

Giao thông 284 tỷ USD

  • Đường bộ và cầu 110 tỷ USD

  • Đường sắt 66 tỷ USD

  • Giao thông công cộng 39 tỷ USD

  • Sân bay 25 tỷ USD

  • Cảng 17 tỷ USD

  • Xe điện 15 tỷ USD

  • An toàn đường bộ 11 tỷ USD

  • Kết nối lại cộng đồng 1 tỷ USD

Điện nước 240 tỷ USD

  • Cơ sở hạ tầng điện 65 tỷ USD

  • Băng thông rộng 65 tỷ USD

  • Cơ sở hạ tầng nước 55 tỷ USD

  • Phục hồi dự phòng 47 tỷ USD

  • Hạ tầng cấp nước miền Tây 8 tỷ USD

Xử lý ô nhiễm 21 tỷ USD 5 tỷ USD còn lại là các khoản dự phòng nhỏ để hỗ trợ các nhóm khác nhau. Kế hoạch này đã nhận được sự ủng hộ đáng kể từ các đảng viên Dân chủ và Cộng hòa.

Dưới đây là nội dung tóm tắt chi tiết hơn của Đạo luật Việc làm và Đầu tư Cơ sở hạ tầng gồm 2.700 trang.

Tổng chi tiêu mới: 550 tỷ USD So với 2,3 nghìn tỷ USD mà Biden ban đầu đề xuất vào mùa xuân thì dự luật lưỡng đảng thấp hơn rất nhiều, nhưng vẫn là một con số đáng kể trong 5 năm tới. Khoản chi này được thanh toán một phần bằng tiền cứu trợ coronavirus chưa sử dụng, viện trợ thất nghiệp liên bang chưa sử dụng, doanh thu bán dầu thô từ Cục Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược, tăng thêm phí xử lý ô nhiễm đối với một số địa điểm theo luật Superfund và phí hải quan, và hoãn chi phí hệ thống chăm sóc sức khỏe Medicare trong một năm. Một phần nguồn vốn cũng đến từ việc tiến hành thu thuế chặt chẽ hơn đối với các nhà đầu tư tiền mã hóa khi họ bán và ghi nhận lợi nhuận. Các chuyên gia về ngân sách cho rằng dự luật này có khả năng làm thâm hụt ngân sách thêm khoảng 350 tỷ USD trong thập kỷ tới. Dự báo của Văn phòng Ngân sách Quốc hội CBO nói rằng phải tính thêm 90 tỷ USD nữa vì dự luật “cho phép” khoản chi tiêu này mặc dù về mặt kỹ thuật nó không được tính là chi tiêu. Gói kích thích đầu tư mang lại bao nhiêu việc làm?

Các thượng nghị sĩ và Nhà Trắng tuyên bố số lượng công việc khổng lồ mà dự luật này sẽ tạo ra. Nhiều công việc trong mảng xây dựng không yêu cầu bằng đại học, mặc dù vẫn yêu cầu một số kỹ năng đặc biệt. Mark Zandi, kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics, ước tính có thể tăng khoảng 660.000 việc làm vào năm 2025. Thú vị rằng, xây dựng lại là một trong số ít ngành có tốc độ tăng trưởng việc làm chậm trong những tháng gần đây. Dự luật bao gồm kinh phí và khoản dự phòng để có thêm các chương trình đào tạo việc làm và thu hút nhiều phụ nữ hơn tham gia ngành xây dựng và vận tải đường bộ. Điều gì xảy ra với tiền mã hóa (crypto)?

Dự luật bị trì hoãn vài ngày do tranh luận về một điều khoản yêu cầu báo cáo nghiêm ngặt hơn về lãi lỗ của tiền mã hóa cho Sở Thuế (IRS). Mục tiêu nhằm đảm bảo các nhà đầu tư tiền mã hóa nộp thuế đầy đủ, nhưng cũng có lo ngại rằng thuật ngữ này quá rộng nên các nhà phát triển tiền mã hóa cũng sẽ phải đóng thuế. Cuối cùng, Thượng viện đã không thay đổi thuật ngữ trong dự luật này, nhưng Bộ Tài chính đã tuyên bố rằng sẽ không thu thuế đối với các nhà phát triển tiền mã hóa. Các khoản đầu tư lớn khác là gì?

Cầu đường: 110 tỷ USD. Khoản mục có giá trị lớn nhất trong dự luật là xây dựng và sửa chữa cầu đường trên cả nước. Nhiều thượng nghị sĩ tuyên bố các dự án ở tiểu bang của họ sẽ được hưởng lợi từ nguồn kinh phí. Thượng nghị sĩ Joe Manchin III (Đảng Dân chủ - bang West Virginia) và Lisa Murkowski (Đảng Cộng hòa – bang Alaska) đều góp phần vào việc xây dựng kế hoạch lưỡng đảng, và điều đáng chú ý là dự luật bao gồm các khoản tài trợ cụ thể dành riêng cho đường cao tốc Appalachian và Alaska. Ngoài ra còn có khoản tài trợ cho nghiên cứu giao thông vận tải tại các trường đại học, các tuyến đường cao tốc của Puerto Rico và cho các nỗ lực nhằm “giảm tắc nghẽn” ở các thành phố.

Đường sắt: 66 tỷ USD. Vốn được Biden yêu thích, hệ thống đường sắt chở khách của Hoa Kỳ nhận được một khoản tài trợ lớn để nâng cấp và bảo trì. Nguồn kinh phí đáng kể được dành cho Hành lang Đông Bắc, tuyến đường đông đúc từ Boston đến D.C. Dự luật cũng bao gồm kinh phí đảm bảo an toàn cho đường sắt vận chuyển hàng hóa và kêu gọi các nhà ga phải có nhân viên túc trực nếu có trung bình 40 hành khách mỗi ngày. Một số người thất vọng vì dự luật không kêu gọi đầu tư đường sắt cao tốc như ở các nước khác. Lưới điện: 65 tỷ USD. Kế hoạch dành kinh phí đáng kể cho “độ tin cậy và khả năng phục hồi của lưới điện,” một cách nói hoa mỹ để đề cập đến việc cập nhật các đường dây cáp và điện cũ hơn, và các khoản đầu tư để đảm bảo lưới điện không bị tin tặc đột nhập tấn công. Phần này cũng bao gồm kinh phí để hỗ trợ sự phát triển và thích ứng của công nghệ năng lượng sạch như một phần trong nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. Internet băng thông rộng: 65 tỷ USD. Dự luật có trọng tâm chính là mở rộng internet băng thông rộng ở các vùng nông thôn và các cộng đồng có thu nhập thấp. Đây là ưu tiên của lưỡng đảng trong nhiều năm, nhưng Nhà Trắng ước tính rằng khoảng 30 triệu người Mỹ vẫn không truy cập được đường truyền Internet ổn định, điều này đã trở thành một vấn đề lớn đối với việc học tập và làm việc trong giai đoạn đại dịch. Khoảng 14 tỷ USD kinh phí nhằm đảm bảo hóa đơn Internet hàng tháng rẻ hơn đối với người Mỹ có thu nhập thấp.

Dự luật cơ sở hạ tầng của Thượng viện tạo tiền để cung cấp băng thông rộng hơn và giá cả phải chăng hơn. Nước sinh hoạt (đặc biệt là đường ống nước): 55 tỷ USD. Sau cuộc khủng hoảng ô nhiễm chì ở thành phố Flint, bang Michigan, trọng tâm mới là đảm bảo cơ sở hạ tầng cấp nước của Hoa Kỳ được nâng cấp. Dự luật bao gồm 15 tỷ USD dành riêng cho việc thay thế ống nước bằng chì. Ngoài ra còn có 10 tỷ USD để làm sạch các hóa chất nhân tạo được gọi là các chất per- và polyfluoroalkyl. Dự luật cũng dành kinh phí cho nước sạch đối với các cộng đồng bộ lạc. ‘Phục hồi dự phòng’: 47 tỷ USD. Kinh phí phục hồi chủ yếu thuộc hai nhóm: an ninh mạng và giảm thiểu biến đổi khí hậu. Kinh phí giúp bảo vệ cơ sở hạ tầng khỏi các cuộc tấn công cùng với việc xử lý hạn hán, lũ lụt, giảm nhẹ cháy rừng, xói mòn bờ biển và các vấn đề quan trọng khác ảnh hưởng đến nhiều vùng của quốc gia khi các kiểu thời tiết ngày càng khắc nghiệt hơn.

Giao thông công cộng: 39 tỷ USD. Các thượng nghị sĩ và Nhà Trắng đã trích dẫn ước tính của Bộ Giao thông Vận tải rằng 40% xe buýt và 23% tàu điện ngầm và toa xe lửa đang ở trong tình trạng tồi tệ. Khoản tài trợ sẽ góp phần đáng kể đối với việc nâng cấp. Ngoài ra, một phần kinh phí còn để giúp người cao tuổi và người Mỹ khuyết tật dễ tiếp cận các tuyến xe buýt mới và phương tiện công cộng hơn. Sân bay: 25 tỷ USD. Vào năm 2014, Biden đã có một mô tả nổi tiếng về sân bay LaGuardia của Thành phố New York là sân bay “của một quốc gia đang phát triển.” Dự luật bao gồm tài trợ cho các nâng cấp và mở rộng quan trọng tại các sân bay của Hoa Kỳ. Khoảng 5 tỷ USD dành riêng cho việc nâng cấp các tháp và hệ thống kiểm soát không lưu.

Khắc phục hậu quả: 21 tỷ USD. Phần này của dự luật bao gồm các quỹ dọn dẹp nhà máy bỏ hoảng và địa điểm ô nhiễm nặng theo luật Superfund, các mỏ bỏ hoang và các giếng dầu khí cũ cần được bịt lại. Bến cảng: 17 tỷ USD. Các cơ sở hạ tầng cảng khác nhau có sự đầu tư đáng kể. Khoảng một nửa kinh phí được giao cho Binh chủng Công binh. Ngoài ra còn có kinh phí cho Cảnh sát biển và các bến phà cũng như cho nỗ lực giảm lượng khí thải xe tải tại bến cảng. An toàn đường bộ: 11 tỷ USD. Phần lớn kinh phí là dành cho việc đảm bảo an toàn trên đường cao tốc, nhưng cũng gồm kinh phí nhằm đảm bảo an toàn cho người đi bộ, đường ống cống và thậm chí là ngăn ngừa các sự cố xe cộ liên quan đến động vật.

Hạ tầng cấp nước khu vực phía Tây: 8 tỷ USD. Khi các vùng phía Tây tiếp tục chịu hạn hán, dự luật dành nhiều tỷ để đầu tư vào các cơ sở xử lý, lưu trữ và tái sử dụng nước nhằm giúp giảm thiểu những vấn đề này. Thượng nghị sĩ Kyrsten Sinema (Đảng Dân Chủ – bang Arizona.) là một trong những người dàn xếp chính, và bang của bà là một trong số nhiều bang ở phía Tây gặp phải vấn đề hạn hán trong những năm gần đây. Trạm sạc xe điện: 7,5 tỷ USD. Mỹ hiện có khoảng 43.000 trạm sạc. Biden đã đặt mục tiêu một nửa số ô tô mới sẽ chạy điện vào năm 2030, điều này sẽ đòi hỏi số lượng trạm sạc nhiều hơn đáng kể trên toàn quốc.

Xe buýt chạy điện dành cho trường học: 7,5 tỷ USD. Dự luật thúc đẩy đáng kể việc thay thế xe buýt trường học hiện tại bằng xe buýt không khí thải. Nguồn kinh phí dành riêng cho người có thu nhập thấp, khu vực nông thôn và các bộ lạc nhằm thay thế các đội xe. Còn gì khác trong dự luật? Đã có một cuộc vận động hành lang sôi động cho gói đầu tư này, và kết quả là nhiều điều khoản nhỏ được đưa vào nhằm hỗ trợ các nhóm khác nhau. Chẳng hạn như, kinh phí cho việc phục hồi cá hồi, yêu cầu các bang thực thi luật cấm khui đồ uống có cồn trong ô tô và một điều khoản cho phép các bang sử dụng một phần kinh phí của họ cho các đường mòn với mục đích giải trí. Ngoài ra còn có kinh phí để nghiên cứu về “sự an toàn cho động vật hoang dã khi băng qua đường” và kinh phí cho chương trình “đường phố lành mạnh” để mở rộng độ che phủ của cây nhằm giảm nhiệt đô thị. Và có một dòng trong dự luật khuyến khích nhiều dịch vụ ăn uống hơn trên các tuyến đường Amtrak ngay cả khi doanh thu không hòa vốn, điều này có lẽ mang lại sự thích thú đối với những người đam mê đi tàu hỏa như Biden. Dự luật cũng cố gắng nhanh chóng cấp phép cho các dự án cơ sở hạ tầng, một vấn đề mà chính quyền Trump cũng đã cố gắng giải quyết. Tác giả Heather Long Heather Long là một phóng viên kinh tế. Trước khi gia nhập tờ The Washington Post, cô là phóng viên kinh tế cấp cao của CNN, phụ trách chuyên mục và phó tổng biên tập của Patriot-News ở Harrisburg, Pa. Cô cũng làm việc tại một công ty đầu tư ở London.


Người dịch: Minh Nguyen Tuan

Biên tập: Derek


Comments


bottom of page