top of page

Quan điểm: "Bảo thủ" trong thời đại Trump có nghĩa là gì?

Updated: Oct 7, 2020

Translated from The Christian Science Monitor What does it mean to be ‘conservative’ in the Trump era?


Harry Bruinius, ngày 11 tháng 1, 2019

Tổng thống Trump tập hợp với những người ủng hộ tại Sân bay Khu vực Middle Georgia ở Macon, Georgia, ngày 4 tháng 11 năm 2018


Là một nhà văn và nhà tư tưởng bảo thủ, F.H. Buckley khá nổi tiếng về sự hóm hỉnh và khiếu hài hước.


Là giáo sư ở Trường Luật Antonin Scalia tại Đại học George Mason, ông đã viết về đạo đức của tiếng cười, mô tả cựu Tổng thống Barack Obama là "vị vua một thời và tương lai" (từ để chỉ vua Arthur) và cáo buộc giới thượng lưu giàu có của Mỹ thích "phim khiêu dâm hai lúa", thuật ngữ ông dùng cho những câu chuyện chính trị hạ nhục 

tất cả những con nghiện “đáng thương hại” đang sống ở những nơi như tiểu bang West Virginia.


Tuy nhiên, khi ông trở thành một trong những nhà trí thức hàng đầu bảo vệ cho chủ nghĩa dân tộc không hối lỗi của Tổng thống Trump, nhiều đồng liêu hữu khuynh của ông bắt đầu đặt nghi vấn về uy tín bảo thủ của ông Buckley, giống như họ đã đặt vấn đề đối với đương kim tổng thống.

Và nhà viết kịch bản trước đây của Trump, người đã sớm tình nguyện giúp đỡ chiến dịch nổi dậy của ông, đã bằng nhiều cách cố tình khiêu khích, đôi khi chiếm đoạt từ vựng của cánh tả để mô tả năng lượng dân tộc chủ nghĩa đang bắt đầu chiếm lĩnh Đảng Cộng hòa, điều mà nhiều người cho rằng đã thách thức cốt lõi của nguyên tắc bảo thủ hơn bao giờ hết.

Buckley nói: “Tôi đã trải qua khoảnh khắc khi một thành viên nổi tiếng của Quốc hội nói Đảng Trà (Tea Party) là “những người theo chủ nghĩa Mác cánh hữu”. Và tôi nghĩ, “Aha, đó chính là tôi nè.” Ông nói rằng ở Canada, đất nước nơi ông sinh ra, ông ấy thậm chí có thể được coi là một phần của truyền thống  “Red Torys” (tạm dịch “Torys Đỏ”), trong đó các nhà tư bản và người bảo thủ xã hội duy trì sự ủng hộ mạnh mẽ và nhiệt tình đối với mạng lưới an sinh xã hội.


Buckley nói: “Nhưng bây giờ, thật ra tôi là một thành viên của 'Đảng Công nhân Cộng hòa'”, không có liên hệ gì với người cha đỡ đầu quá cố của phong trào bảo thủ hiện đại, William F. Trong cuốn sách gần đây nhất của ông với tựa đề nghiêm túc mà đầy tính trớ trêu “Đảng Công nhân Cộng hòa”, Buckley đề xuất rằng đó phần nào là phân tích mang tính chủ nghĩa Mác cánh hữu đối với một kiểu chiến tranh giai cấp đang nổi lên ở trung tâm chính trị Hoa Kỳ ngày nay. Ông cho rằng đây cũng là một đảng từ bỏ “chủ nghĩa bảo thủ chính thức” đang hấp hối của các tổ chức chuyên gia chiến lược và các tạp chí quan điểm cánh hữu được tài trợ tốt.


Nhiều người trong số này từ lâu đã sử dụng hình ảnh “kiềng ba chân” để mô tả ba nguyên tắc cơ bản tạo nên nền tảng cho sự đồng thuận bảo thủ thời hậu chiến. William F. Buckley Jr., người đã giúp xây dựng cơ sở hạ tầng về mặt trí thức và thể chế, là người đầu tiên trình bày những nguyên tắc này một cách mạch lạc, bao gồm các cam kết diện rộng đối với thị trường tự do và vai trò hạn chế của chính phủ, các giá trị xã hội của đạo Judeo-Christian (tạm dịch Do Thái-Kitô giáo), và một Bộ Quốc phòng hùng mạnh.


Nhưng nhiều người thấy kiềng ba chân bảo thủ truyền thống này bắt đầu lung lay dưới thời Trump. Và mặc dù ngay từ đầu đã có những tiếng nói không ủng hộ Trump (“Never Trumpers”), tiếp tục không thừa nhận tổng thống và xem ông là là mối đe dọa đối với các nguyên tắc hậu chiến lâu đời, một số khác xem sự gián đoạn Trump gây ra là một điều tốt - họ xem việc đắc cử của ông ta là một sự xáo trộn trí tuệ rất cần thiết.


Steven Teles, giáo sư về khoa học chính trị tại trường Đại học Johns Hopkins ở Baltimore nói: “Có thể cho rằng, sự xuất hiện của Trump là rất tốt cho thế giới những ý tưởng bảo thủ bởi vì ông ấy đã nới lỏng rất nhiều quan điểm chính thống hiện có, nới lỏng cảm quan của nhiều người về nơi mà thuộc về và những gì họ có thể lên tiếng. Kể từ khi có Trump, ý thức về bản chất giai cấp của Đảng Cộng hòa đã bắt đầu bị lung lay và điều đó là rất tốt để khởi mầm những đối thoại mang tính trí thức.”

Bắt nguồn từ 'chủ nghĩa tự do cổ điển'

Về nguyên tắc, những người bảo thủ thường sử dụng thuật ngữ “chủ nghĩa tự do cổ điển” để mô tả gốc rễ tư duy của họ, đặc biệt là khi nói đến cái “chân” thị trường tự do không bị chính phủ can thiệp trong cái kiềng ba chân truyền thống. Là một lý tưởng theo chủ nghĩa tự do có từ thời Khai sáng châu Âu, chủ nghĩa tự do cổ điển khẳng định quyền tự chủ của cá nhân cao hơn quyền lực của nhà nước và tuyên bố rằng sở hữu tài sản và giao kết hợp đồng với người khác là quyền cơ bản của con người. 


Các nguyên tắc kinh tế “tự do” như vậy đã tạo nên nền tảng của nền kinh tế toàn cầu mới. Trong những năm 1990, ngay cả Đảng viên Dân chủ Bill Clinton cũng đã lãnh đạo đảng của ông nắm lấy các cơ sở tư bản chủ nghĩa của các hiệp định quốc tế như NAFTA, ý tưởng cho rằng thương mại tự do toàn cầu có thể tạo ra một “chu kỳ lành mạnh” trong tăng trưởng kinh tế và những tầng lớp trung lưu lao động mới ở các quốc gia từng được gọi là “ Thế giới Thứ ba” nhưng hiện được dán nhãn lại là“ thế giới đang phát triển ”.


Nhiều người tin rằng những tầng lớp trung lưu mới này, giờ đây có tiền để chi tiêu, sẽ thúc đẩy kinh tế tăng trưởng hơn nữa và các thành viên của nó sẽ tự nhiên hướng đến các giá trị dân chủ tự do. Các nhà đầu tư cũng tỏ ra hào hứng trước viễn cảnh “các thị trường mới nổi” trên toàn thế giới.


Các nguyên tắc kinh tế bảo thủ này cũng gắn liền với trọng tâm truyền thống của phong trào là xây dựng một nền quân đội Mỹ hùng cường “cơ bắp”. Sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ, một số nhà tư tưởng “tân bảo thủ” bắt đầu ủng hộ việc sử dụng lực lượng quân sự một cách hung hăng và chủ động hơn, vừa để chống khủng bố sau vụ 11/9 vừa để bảo vệ chuỗi cung ứng toàn cầu.


Patrick Deneen, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Notre Dame ở South Bend, Indiana, cho biết: “Bạn thấy điều đó trong bài diễn văn nhậm chức thứ hai của George Bush, nơi ông diễn giải nó như một loại sứ mệnh của Mỹ. Họ tin vào sứ mệnh tích cực hơn của Mỹ trong việc bảo vệ và thậm chí mở rộng nền dân chủ trên thế giới, nhìn nhận sứ mệnh của họ theo một cách gần như kiểu Wilsonian, tạo ra một thế giới an toàn cho nền dân chủ.”


Ngày nay, cả hai trụ cột của chủ nghĩa bảo thủ này đều đang gặp căng thẳng. Phong trào này từ lâu đã bao gồm những người có khuynh hướng cô lập hơn, tất nhiên, nhưng các nhà tư tưởng tân bảo thủ hiện nay đã mất hầu hết ảnh hưởng trí thức của họ, và ấn phẩm hàng đầu của họ, The Weekly Standard, một trong những tiếng nói bảo thủ không bao giờ ủng hộ Trump tích cực nhất đã bị đóng cửa vào tháng trước sau khi các chủ sở hữu giàu có của nó rút vốn đi.


Giáo sư Deneen, tác giả của cuốn sách năm 2018 Tại sao Chủ nghĩa Tự do thất bại nhận xét:  “Và những gì bạn thấy bây giờ, thậm chí ở bên kia thế giới ở Châu Âu, là sự bác bỏ loại giả định kinh tế theo chủ nghĩa tự do, chủ nghĩa toàn cầu của cái gọi là sự đồng thuận tân tự do, hoặc tự do cổ điển. Giờ đây, có một nền tảng kinh tế dân tộc chủ nghĩa rõ ràng hơn nhiều chú trọng mạnh mẽ vào việc xây dựng lại tầng lớp sản xuất lao động tay chân, đến mức tham gia vào các cuộc chiến thương mại để bảo vệ ngành sản xuất của Mỹ bằng cách áp đặt thuế quan, và những cách khác nữa.”


Kết quả là, những người bảo thủ ủng hộ Trump đôi khi nghe rất giống các đối thủ cánh tả của họ. Tháng trước, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Elizabeth Warren của tiểu bang Massachusetts nói rằng Trump đã đúng khi rút quân đội Mỹ ra khỏi Syria. Cả bà và Thượng nghị sĩ Bernie Sanders  của tiểu bang Vermont và những người ủng hộ họ đều chống lại chủ nghĩa toàn cầu và “các hiệp định thương mại tự do ăn cắp việc làm” giống như đương kim tổng thống và những người ủng hộ ông.


“Chiến binh giai cấp” của cánh hữu

Đừng quên rằng những nhà tư tưởng như Buckley vẫn giữ vững niềm tin vào thị trường tự do và một nền quốc phòng mạnh mẽ. Nhưng vì là một “chiến binh giai cấp”, ông lại quan tâm đến một số vấn đề truyền thống của cánh tả, bao gồm những bất bình đẳng về thu nhập và phân chia giai cấp ngày càng gia tăng, mà ông cho rằng đã bắt đầu làm hoại tử sự cơ động xã hội vốn là trái tim của Giấc mơ Mỹ.


“Bình đẳng về cơ hội là gì khi bạn bị tàn tật nặng? Nó là như thế nào nếu bạn, vì một lý do nào đó, bị phân biệt đối xử?”, Buckley nói, phê phán một lập luận lỗi thời của phe bảo thủ. “Tôi cho rằng nếu chỉ nói ‘chúng ta đều có một cơ hội như nhau mà, và đây là một bộ luật hợp đồng hoàn hảo, hãy cứ tự nhiên nhé’ thì đâu có đủ. Công dân còn có những nghĩa vụ nhất định. Mỗi người bảo thủ ở những quốc gia khác đều hiểu rõ điều này. Bạn biết đấy, Margaret Thatcher nếu còn sống sẽ không từ bỏ một hệ thống Medicare”.


Và ông hoàn toàn chống lại cái mà ông gọi là sự trỗi dậy của một “tầng lớp mới”, vốn gợi nhớ đến một mô tả cũ hơn về giai cấp thống trị đặc quyền ở Liên Xô. Buckley dùng nó để mô tả một tầng lớp những người có công ăn việc làm theo chủ nghĩa cấp tiến, thuộc vào tốp 10% những người làm ra hơn $200,000 mỗi năm và “rất thông thạo về những quy tắc đầy kỹ thuật và ngôn ngữ “Newspeak” (từ tiểu thuyết 1984 của George Orwell) luôn thay đổi, được dùng để loại trừ những kẻ lạc hậu, những kẻ lập dị và những người thiếu chuẩn mực.” Đối với Buckley, giai cấp này bao gồm cả những nhân vật bảo thủ như cựu tổng thống George W. Bush, John Podhoretz và Bill Kristol - lại một cú tát vào chủ nghĩa bảo thủ “chính thống” - cũng như những người điều hành các phương tiện truyền thông, các tổ chức giáo dục và dĩ nhiên là cả bộ máy hành chính liên bang.


“Và điều đó đưa chúng ta đến với nghịch lý của cuộc bầu cử năm 2016, khi ứng cử viên cấp tiến của một Tầng Lớp Mới phản cách mạng và quý tộc bị đánh bại bởi một nhà tư bản cách mạng đề ra một con đường đi đến sự dịch chuyển xã nội”, ông viết trong cuốn Đảng Công nhân Cộng hòa.


Chủ nghĩa bảo thủ hay “tự do cổ điển” của sự tự do cá nhân thường được dựa trên một khái niệm phổ quát trừu tượng, nhưng Buckley lại cho rằng chủ nghĩa dân tộc bảo thủ phải mang một “tình huynh đệ đặc biệt với những người cùng là công dân với mình.”


“Nếu bạn là một người theo chủ nghĩa tự do, như nhiều nhà tư tưởng cánh hữu chính thống, bạn sẽ không có sự phân biệt đó,” ông nói. “Nhưng nếu bạn là một người theo chủ nghĩa dân tộc, bạn sẽ nói rằng, có những thứ được dành riêng cho công dân mà những người không phải công dân không được hưởng.”


Nhưng ông nói rằng điều này khác xa đối với chủ nghĩa dân tộc dựa trên sắc tộc. “Không có chỗ đứng cho chủ nghĩa dân tộc da trắng trong văn hóa Mỹ”, ông viết trong sách của mình, dù ông cũng cho rằng những người di cư như mình - ông trở thành công dân Mỹ vào năm 2014 - nên cố gắng hòa nhập. Người dân ở những quốc gia khác có thể noi theo những nguyên lý của Tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ, nhưng “trở thành người Mỹ cần phải có nhiều điều kiện hơn: quốc tịch Hoa Kỳ, và một tình yêu dành cho những thế chế Mỹ mà không được sở hữu bởi bất kỳ một sắc tộc nào khác… Nó không phải là một văn hóa da trắng, văn hóa da đen hay văn hóa Mexico. Chính vì vậy mà người Mỹ nào thật sự thù ghét sự đa văn hóa Mỹ thì không phải là một người Mỹ thực thụ”.


Tuy vậy, phần lớn các lập luận “Nước Mỹ Trên Hết” phê phán thị trường tự do toàn cầu đều thách thức các nguyên lý bảo thủ truyền thống về chủ nghĩa tự do bởi tác động của nó lên người lao động Mỹ và sự phân chia giai cấp ngày càng lớn.


“Câu hỏi lớn hơn ở đây là liệu sự bất bình đó có phải là một thách thức thật sự đối với một số các nguyên lý cơ bản hay không, hay nó là một thách thức đối với cách mà những người bảo thủ áp dụng các nguyên lý này,” theo Jonathan Adler, giáo sư luật và giám đốc Trung tâm Luật và Quy định Kinh doanh tại trường đại học Case Western Reserve ở Cleveland.


“Có sự bất mãn với chủ nghĩa tư bản hay không?”, ông đặt vấn đề. “Hay có phải đó là sự bất mãn với một chế độ chính trị đã bị tiêm nhiễm chủ nghĩa thân hữu, khả năng thao túng chính quyền và sự bảo hộ dành cho một số ngành kinh tế. Cái chủ nghĩa tự do trong tôi muốn nói rằng đó là trường hợp thứ hai, vì khi người ta phàn nàn về "giới quý tộc toàn cầu", thì họ đang nói đến những một lớp những người cầm quyền miệng thì nói tới cơ chế thị trường nhưng lại dang rộng vòng tay với việc lũng đoạn thị trường để làm lợi cho những ngành kinh tế và những cá nhân có nhiều quan hệ."


Những người ủng hộ chủ nghĩa dân tộc bảo thủ cũng bác bỏ chủ nghĩa dân tộc da trắng mang âm hưởng "máu mủ và đất đai" (một khẩu hiệu Đức Quốc Xã) của những kẻ cực đoan cánh hữu thuộc phong trào alt-right (cánh hữu khác), và rằng trọng tâm của những mối gắn kết quyền công dân mang trong nó một hứa hẹn Mỹ về quyền tự do và bình đẳng không phân biệt màu da hay tín ngưỡng.


Tương lai của Đảng Cộng hoà

Nhưng nhiều nhân vật bảo thủ vẫn quan ngại rằng phong trào dân tộc của Trump có xu hướng bài ngoại và thậm chí là phân biệt chủng tộc.


"Tương lai của Đảng Cộng hòa không có chỗ đứng cho chủ nghĩa Trump", Lauren Wright, giảng viên chính trị và chính sách công tại trường đại học Princeton ở New Jersey. "Cử tri Mỹ đang trải qua những thay đổi về nhân khẩu bất lợi cho đảng [Cộng hòa]. Người ta chỉ cần đọc văn kiện kiểm điểm năm 2012 của đảng để thấy những hứa hẹn về việc gây ấn tượng tốt hơn với cử tri trẻ, dân thiểu số và phụ nữ, nhưng lại đi ngược hoàn toàn những điều này vào năm 2016.", bà viết trong email.


"Những chính sách tài khóa thận trọng và chủ nghĩa thị trường tự do đã nhường chỗ cho sự tự cô lập, chủ nghĩa bảo hộ kinh tế và nỗi bất an kinh tế quốc gia", tiến sĩ Wright nói tiếp. "Những giá trị gia đình, trách nhiệm đạo đức, lòng trắc ẩn và lòng tin vào sự bình đẳng, phẩm cách và mong muốn được tự chủ và tự do của mỗi con người đã bị biến thành sự phỉ báng những người nhập cư và nỗi sợ của người khác mình."


Nhưng Buckley nói rằng trụ cột thứ ba của "kiềng ba chân" tư tưởng bảo thủ truyền thống, sự cam kết với những giá trị Thiên Chúa, là căn bản đối với bất kì một nền chính trị theo khuynh hướng tự do cổ điển nào. Đảng Công nhân Cộng hòa bác bỏ "tư tưởng bảo thủ chính thống", ông nói, "vì họ hiểu sai về John Locke, người luôn cho rằng sẽ không có nghĩa lý gì nếu không lấy tôn giáo làm nền tảng cho những khái niệm tự do cổ điển."


Đảng Công nhân Cộng hòa sẽ không bao giờ tự gọi họ là một phong trào Do Thái-Kitô Giáo, nhưng như trào lưu "Tory Đỏ" ở Canada và Anh Quốc, những tổ chức tôn giáo và người có đức tin đều đề cao các chương trình an sinh xã hội hào phóng cho người dân, chứ không chỉ là những hoạt động thiện nguyện mang động cơ tôn giáo.


"Chúng ta thuộc về tập quán Do Thái-Kitô Giáo, hay là tập quán của mọi tôn giáo, mà trong đó con người khác với loài vật hay cỏ cây, nên chúng ta phải sống có trách nhiệm với nhau."



Dịch: Le Tran và Justin Truong

Biên Tập: K. Tran

コメント


bottom of page