top of page

Cha Mẹ Tôi Đến Định Cư ở Hoa Kỳ Để Có Cuộc Sống Tốt Hơn. Đây Là Những Lý Do Tôi Muốn Rời Đi

Updated: Aug 4, 2020

“Tôi phải tự hỏi rằng ba mẹ tôi, trong bối cảnh hiện giờ, liệu có còn muốn đặt chân đến nước Mỹ nữa hay không.”


Maz Do, ngày 25 tháng 7 năm 2020


Hơn 40 năm trước, gia đình cha tôi đã chạy trốn Chiến tranh Việt Nam và di tản sang Mỹ. Ông đã bỏ lại em trai và ông bà nội (họ đi theo một hành trình khác) và định cư tại một trại tị nạn ở vùng Trung Tây nước Mỹ. Ông ấy kể với tôi rằng ông đã phải ăn cá từ những lạch nước phía sau trại - loài cá mà người Mỹ không bao giờ muốn đụng vào, và mặc dù bị nhiễm bệnh, ông vẫn tiếp tục ăn miễn là có thứ để ăn. Cuối cùng, mọi người đã chuyển đến bang California và đoàn tụ dưới một mái nhà. Trong những ngày đó, cha tôi, các anh em và bà nội ngủ chung trên một tấm nệm - họ đã có những lúc ngủ không yên, tôi chắc điều đó.


Cha tôi đã cố gắng để vào được UCSD, và ở đó, ông đã gặp mẹ tôi, bà đã rời khỏi Indonesia để theo học đại học ở Mỹ. Một thập kỷ sau họ kết hôn. Trong những năm 90, bằng nỗ lực cộng với vận may không ngờ, họ đã vượt vũ môn hóa rồng. Họ mua nhà, mua xe, trở thành công dân, và sẵn sàng truyền lại những thành công của họ cho thế hệ sau. Trên mọi khía cạnh, họ đã hiện thực hóa giấc mơ Mỹ. Tôi phải tự hỏi rằng ba mẹ tôi, trong bối cảnh hiện giờ, liệu có còn muốn đặt chân đến nước Mỹ nữa hay không.

Từng giờ, người Mỹ nhận được những tin tức ngày càng điên rồ về một đại dịch đã khiến cả đất nước phải quỵ xuống. Tuy nhiên, bằng chứng từ các quốc gia khác cho tôi thấy rằng, chính phủ hoàn toàn có thể cung cấp cho mọi người trang bị bảo vệ cá nhân thích hợp, thu nhập bổ sung hàng tháng trong suốt đại dịch COVID-19, dịch vụ y tế miễn phí và dễ tiếp cận, và giảm số lượng ca nhiễm xuống mức an toàn. Như một lời ẩn dụ đanh thép, hầu hết các tổn hại của nước Mỹ do đại dịch đều là tự mình hại mình. Trong khi số ca tử vong đang tiếp tục phá kỷ lục cho đến tận tháng 7, thì ở những nước khác, họ đã mở cửa nhà hàng, nhà sách và rạp chiếu phim. Một rạp chiếu phim trong tối, một ly nước lạnh, những miếng bỏng ngô giòn tan ... cảm giác những thú vui bình thường như thế vẫn còn ở xa vời.


Tôi tự thấy bản thân cực kỳ may mắn vì còn có thể nghĩ đến việc xem phim. Tôi vẫn còn chỗ ở, tôi không có nợ nần, và tôi có đủ tiền để chi trả những nhu cầu thiết yếu. Tôi đã và vẫn đang hưởng lợi từ đặc quyền tự nhiên của bản thân bằng vô số cách hữu hình và vô hình. Tôi là một công dân Mỹ, một người dị tính, một “người thiểu số gương mẫu,” tốt nghiệp từ một trường đại học tư thục đắt đỏ mà không cần vay tiền học phí. Tôi 23 tuổi, khỏe mạnh và hiện sống ở New York, nơi cho phép tôi tiếp cận những cơ hội đáng giá (nếu như không bị trấn lột tiền thuê nhà). Tuy nhiên, cho dù với những lợi thế đó, ngay cả trước đại dịch, tôi nhận ra mình đã phải đối mặt với các câu hỏi tồn tại về những chính sách ưu tiên hèn hạ của chính quyền hiện nay, và những chính quyền trong quá khứ.


"Ở đây, hay ít nhất theo quan niệm phổ biến, bất cứ ai cũng có thể thành đạt. Đó là điều tuyệt vời về đất nước này. Hầu hết mọi người sẽ không bao giờ dám nghĩ rằng rời khỏi Mỹ lại là một điều tốt."


Tôi có đủ đặc quyền để có thể cân nhắc việc chuyển đến một quốc gia khác một cách khả thi, và để tôi có thể viết bài viết này. Cha mẹ tôi đến từ những quốc gia không có các quyền con người, quyền công dân, chuẩn mực xã hội, cơ hội việc làm, hay những tiện nghi mà chúng ta luôn cho là phải có hàng ngày.


Khi tôi nói với cha tôi rằng tôi đã nghĩ đến việc chuyển đến một đất nước khác, ông đã phản ứng một cách kinh ngạc vả bối rối. Tất cả những khó khăn vất vả - trong suốt những năm ông ấy bị xa cách cha mẹ, bất ổn về tài chính, bị phân biệt chủng tộc ở trường, và sau đó, tại nơi làm việc - để làm gì nếu không phải để đưa tôi đến vùng đất cơ hội? Tôi không biết cảm giác nhịn đói trong nhiều ngày như thế nào, hoặc là không thể (liên tục) phát biểu suy nghĩ của bản thân. Ở đây, hay ít nhất theo quan niệm phổ biến, bất cứ ai cũng có thể thành đạt. Đó là điều tuyệt vời về đất nước này. Hầu hết mọi người sẽ không bao giờ dám nghĩ rằng rời khỏi Mỹ lại là một điều tốt.


Mẹ tôi, một người luôn suy nghĩ xa hơn, cho rằng nó không phải là một ý tưởng tồi. Khi tôi nói với bà ấy rằng tôi muốn chuyển đến Montreal, bà đã nhắn tin cho tôi: “Đúng rồi, với khí hậu ấm lên toàn cầu, thì Canada là một nơi không tệ?”


"Mặt khác, sự lặp đi lặp lại những sai lầm ngày càng vô phương cứu chữa và đậm bản sắc Mỹ khiến tôi phải tự hỏi điều cấm kỵ này: Phải chăng đất nước này không còn có thể cứu vãn được nữa."


Cha mẹ tôi đã sống cả đời theo bản năng sinh tồn. Có vẻ theo một cách nào đó, họ đã truyền lại tính cách đó cho tôi; tôi luôn chờ đợi điều xấu nhất xảy đến.” Nhưng hoàn toàn có khả năng là những đặc quyền của bản thân đã khiến tôi không nhìn thấy những gì tôi đang có.


Một phần trong tôi tự hỏi tại sao tôi không nên tiếp tục ở lại và tranh đấu để đất nước này trở thành một nơi tốt đẹp hơn. Tôi có thể tham gia thêm nhiều cuộc biểu tình. Tôi có thể tham gia tình nguyện tại các phòng khám cho người tị nạn. Tôi có thể tiếp tục bỏ phiếu. Tôi có thể quyên góp nhiều hơn cho các tổ chức tương trợ, quỹ hỗ trợ tiền tại ngoại. Tôi đã làm những điều này, mặc dù chưa bao giờ là đủ cả.


Một mặt, việc quyên góp và giúp đỡ bằng mọi cách cho dù nhỏ bé cỡ nào vẫn khiến tôi cảm thấy tốt hơn, có hy vọng hơn. Mặt khác, sự lặp đi lặp lại những sai lầm ngày càng vô phương cứu chữa và đậm bản sắc Mỹ khiến tôi phải tự hỏi điều cấm kỵ này: Phải chăng đất nước này không còn có thể cứu vãn được nữa.


Vâng, các quốc gia khác cũng chiều dài lịch sử về việc phân biệt chủng tộc, chủ nghĩa thực dân, bất bình đẳng và bạo lực tương tự. Nhưng đáng nói là cả thế giới bị sốc bởi cách cảnh sát của chúng ta máu lạnh hạ sát người da đen vô tội. Các nhà lãnh đạo dân cử của chúng ta trắng trợn thiên vị việc bảo vệ quyền sử dụng súng của đàn ông hơn là sinh mạng của trẻ em. Thật là điên rồ khi Mỹ, quốc gia giàu nhất trong lịch sử thế giới, chiếm 4% dân số thế giới, nhưng tận 25% số ca nhiễm COVID-19.


Hơn thế nữa, trò lừa đảo vĩ đại, hay còn gọi là “tinh thần Mỹ”, đã được diễn dịch thành một sự kiếm lời trên khổ đau của người khác một cách lố bịch. Ngay bây giờ, những con kền kền Phố Wall đang xem sự gia tăng các vụ trục xuất người thuê nhà là một “miếng mồi béo bở”, một “cơ hội kinh doanh địa ốc chỉ có một trong đời”. Trong đời ai?

"Tôi không muốn ở đây nữa. Tôi nhận ra mình nói điều này với tư cách là một người rất may mắn. Tuy nhiên, với tất cả sự may mắn và đặc quyền của mình, tôi hiện không có bảo hiểm sức khỏe."


Tôi không muốn ở đây nữa. Tôi nhận ra mình nói điều này với tư cách là một người rất may mắn. Tuy nhiên, với tất cả sự may mắn và đặc quyền của mình, tôi hiện không có bảo hiểm sức khỏe. Cha mẹ tôi kỳ vọng là khi trưởng thành, tôi sẽ có thể tự lo cho mình. Nhưng khi các lựa chọn rẻ nhất cũng tốn đến 500 đô la mỗi tháng thì chẳng khác nào không có lựa chọn. Tôi sợ rằng nếu tôi bị gãy mắt cá chân hoặc nhiễm COVID-19 và phát hiện bản thân mắc bệnh nền, tôi sẽ phải rút hết tiền tiết kiệm ra để tự cứu mình. Tôi thuê một căn hộ nhưng tôi không dám mơ tưởng là sẽ sở hữu căn nhà riêng của mình.

Tôi đã bỏ tiền vào qũy hưu trí 401k, nhưng tôi không biết rằng nó sẽ còn tồn tại, hoặc có đủ đến lúc tôi cần hay không. Nếu tôi mất công việc tay trái đang giúp tôi kiếm sống, tôi sẽ phải dựa vào trợ cấp thất nghiệp. Hiện tại, số tiền này là 600 đô la mỗi tuần cộng thêm các trợ cấp xã hội khác, nhiều hơn số tiền mà một người kiếm được khi làm công việc trả lương 15 đô la mỗi giờ. Số tiền trợ cấp 600 đô la này dự kiến ​​sẽ kết thúc sau hai tuần nữa, trong khi Quốc hội vẫn chưa quyết định liệu họ có còn tiếp tục chương trình này nữa hay không.


Tôi liên tục phải chịu đựng những sự thay đổi quan điểm tùy tiện của một chính phủ tập trung vào những trò giận dỗi trên Twitter hơn là sinh mạng người dân. Sự may mắn ở nước Mỹ là không có mạng lưới bảo hiểm xã hội để chống đỡ tôi lúc sa cơ, trong khi những kẻ buôn bán tình dục, gây chiến, cướp cạnhiếp dâm được bảo vệ khỏi sự trừng phạt. Không tài nào hiểu nổi.


Gia đình tôi luôn nhắc nhở tôi rằng họ đến Mỹ để tạo cuộc sống tốt hơn cho tôi. Câu chuyện của tôi không phải của riêng tôi - nó là câu chuyện chung của hàng triệu người Mỹ thế hệ đầu tiên. Tuy nhiên, thế hệ của tôi có lẽ là những người đầu tiên chứng kiến nước Mỹ suy tàn, sụp đổ ngay trước mắt chúng ta. Hơn một phần ba thanh niên ở Mỹ tin rằng có những quốc gia tốt hơn Mỹ. Tôi là một trong số đó.


"Gia đình tôi luôn nhắc nhở tôi rằng họ đến Mỹ để tạo cuộc sống tốt hơn cho tôi. Câu chuyện của tôi không phải của riêng tôi - nó là câu chuyện chung của hàng triệu người Mỹ thế hệ đầu tiên"


Đúng, bạn vẫn có thể tìm thấy thành công ngoạn mục ở Mỹ, nhưng sống ở đây là một canh bạc mà cuộc đời bạn chính là món tiền cược. Mặc dù Trump nỗ lực trong việc cố gắng ngăn chặn người nhập cư từ ngoài vào - và thành thật mà nói, Trump là một triệu chứng của sự thối rữa, chứ không phải là sự thối rữa - không mấy ai nghĩ đến chuyện giữ người từ bên trong ra đi. Oái ăm thay, các nước khác giờ đang đóng cửa khẩu biên giới với người Mỹ.


Khi họ mở cửa trở lại, tôi nghĩ rằng tôi sẽ hướng về một nơi khác. Tôi muốn đi đến một nơi mà chăm sóc sức khỏe được coi là một quyền cơ bản thay vì là một đặc quyền, và nơi mà một khẩu súng không được coi là đáng giá hơn mạng người. Một nơi mà đóng góp kinh tế của tôi không phải là thứ quyết định tự do của tôi. Một nơi mà công lý thực sự không phải là chuyện viển vông, hay thậm chí là bất khả thi.


Khi rời khỏi Mỹ, tôi sẽ hy vọng tôi có thể tiếp tục thú vui điển hình kiểu Mỹ, điều mà bây giờ hết sức bất khả thi: mơ mộng, mơ ước, và ước mơ.


Phỏng Dịch bởi Tegan Tran and L. Ta

留言


bottom of page