Alexis Goldstein ngày 13 tháng 7, 2020
Translated from The New Republic's article: The Government Is Walking Blind Into the Coronavirus Housing Crisis
Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã để lại những bài học đắt giá về việc trục xuất và tịch biên bất động sản, nhưng có vẻ như những nhà cầm quyền lại chẳng học hỏi được điều gì.
Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 chứng kiến những sự thất bại ở trên mọi mức độ của các thể chế tinh hoa . Từ lời hứa không thành của Chủ Tịch Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang (Federal Reserve) Alan Greenspan rằng thị trường chứng khoán sẽ tự điều chỉnh. Đến các nhà hoạch định chính sách đã không nghe những nhà hoạt động cộng đồng nhiều lần lên tiếng cảnh báo về phương pháp cho vay tiền bóc lột và phân biệt chủng tộc. Và sự thất bại trong việc giải cứu các chủ đất, vơi tốc độ và sự quan tâm không tương xứng tương tự như những gì mà các ngân hàng lớn trong nước đã nhận được.
Nhưng đằng sau những thất bại trên là một vấn đề thầm lặng và tiềm ẩn - một vấn đề bực mình hơn vì nó tương đối dễ để giải quyết : Trong cuộc và sau cuộc khủng hoảng năm 2008, không ai biết chính xác bao nhiêu trường hợp bị đã bị đuổi khỏi nhà hay bị tịch biên bởi vì không hề có một hệ thống hiện hữu nào để theo dõi và ghi nhận bao nhiêu gia đình đã bị mất nhà mất cửa. Hơn chục năm sau, lúc mà Hoa Kỳ đang dán mắt nhìn chăm chú vào một cuộc khủng hoảng nữa đang tiến đến bởi trận đại dịch coronavirus, vẫn chưa có một cơ sở dữ liệu liên bang nào ghi nhận các trường hợp bị trục xuất và bị tịch biên. Chúng ta đang mộng du từ cuộc khủng hoảng này sang một cuộc khủng hoảng kế tiếp - và hệ quả có thể sẽ rất nghiêm trọng đối với thường dân Mỹ.
Thập niên trước, vì chính phủ không có đủ dữ liệu ghi nhận con số bị tịch biên, các nhà hoạch định chính sách đã phải dựa vào nguồn dữ liệu cung cấp bởi các cơ quan tư nhân mà chính các cơ quan này đã gây ra hoặc làm cho cuộc khủng hoảng trầm trọng hơn - ví dụ như Hiệp Hội Ngân Hàng Thế Chấp (Mortgage Bankers Association), một nhóm đại diện cho ngành thế chấp và họ đã vận động mãnh liệt nhằm chống lại các quy định của nhà nước; hay công ty thông tin về địa ốc RealtyTrac, một công ty được hưởng lợi nhiều từ cuộc khủng hoảng về tịch biên. Sam Jewler và Chris Herwig ghi nhận năm 2012, sự thiếu sót dữ liệu ở cấp bậc liên bang đã dẫn đến những con số phỏng đoán loạn xạ về các trường hợp bị tịch biên. Ở Chicago, con số ước tính về các tài sản bị bỏ hoang có thể từ 5,000 (con số chính thức của thành phố và quận lỵ), tới 18,000 (như tờ The Chicago Tribune viết) đến hơn 100,000 (theo như chứng nhận của các nhà hoạt động về vấn đề gia cư của thành phố).
Không có một ước tính chính thức nào về tổng số bao nhiêu trường hợp bị tịch biên trong cuộc khủng hoảng trước. Ký giả Laura Gottesdeiner, trong cuốn sách A Dream Foreclosed: Black America and the Fight for a Place to Call Home, ước lượng khoảng 10 triệu người bị tịch biên - một con số gần bằng dân số của tiểu bang Michigan. Năm 2009, Ban Giám Sát Quốc Hội (Congressional Oversight Panel) ghi nhận rằng khi không có con số chính xác, mọi người ai cũng “quờ quạng”. Sự thiếu dữ kiện dẫn đến nhiều hệ quả cho các nhà hoạch định chính sách, khiến cho họ chẳng thể làm ngay cả những thứ căn bản, như là việc phân phối tài nguyên đến những vùng bị ảnh hưởng nặng, hoặc là xác định xem bao nhiêu gia đình vô gia cư và những gia đình này đã đi đâu sau khi họ mất nhà. Sự vắng bóng của những dữ kiện đáng tin cậy cũng dẫn đến vấn đề trầm trọng ‘đi bầu đi” cho nỗ lực tranh cử, bởi vì địa chỉ trong hồ sơ cử tri không còn đúng nữa.
Để giải quyết vấn đề này, năm 2020, luật Cải Cách Phố Wall và Bảo Vệ Người Tiêu Dùng Dodd-Frank có nhiệm vụ lập ra một cơ sở dữ liệu để ghi lại danh sách những người chủ nhà hoặc chậm trễ trong việc trả tiền vay hàng tháng hoặc bị tịch biên. Có
Chương Trình Cơ Sở Dữ Liệu về Thế Chấp Toàn Quốc (National Mortgage Database Program) đấy, nhưng số lượng dữ kiện trong đó rất là nhỏ: chỉ có chừng 5% toàn bộ hồ sơ vay thế chấp nằm trong số dữ liệu này. Cục Bảo Vệ Tài Chính Người Tiêu Dùng (Consumer Financial Protection Bureau) cung cấp danh sách ẩn danh những trường hợp chậm trễ trong việc trả tiền vay thế chấp hàng tháng, tuy nhiên các dữ kiện này lại dựa vào số lượng 5% kể trên. Mười năm kể từ khi đạo luật Dodd-Frank ra đời, cơ sở dữ liệu về tịch biên mà luật pháp đòi hỏi vẫn chưa thấy đâu. Như người ta thường nói, “không thể quán xuyến được những gì không thể đo lường.”
Trong lúc Quốc Hội đã cố gắng để giải quyết tối thiểu những điểm mù về tình trạng tịch biên hàng chục năm trước, họ đã quên không giải quyết sự khủng hoảng ngầm ảnh hưởng tới những người thuê nhà trong cùng thời điểm đó. Thiên hạ gọi cuộc khủng hoảng năm 2008 là cuộc khủng hoảng tịch biên, nhưng nó cũng là cuộc khủng hoảng trục xuất nhà cửa của những người đi thuê. Các gia đình vô gia cư tăng đột ngột. Các công ty cổ phần tư thu mua bất động sản cho thuê, làm cho số chủ nhà cho thuê giảm vì gom gộp lại dẫn tới cách làm ăn bóc lột vì người thuê không có nhiều lựa chọn. Người thuê nhà cũng bị mất chỗ ở vì chủ nhà bị tịch biên. Cuộc khủng hoảng về nhà cửa vẫn còn tồn tại với chúng ta: Bản báo cáo năm 2018 bởi tổ chức ủng hộ nhà cửa giá phải chăng, một tổ chức vô vị lợi, Liên Minh Quốc Gia Nhà Ở Cho Người Lợi Tức Thấp (National Low Income Housing Coalition NLIHC) cho thấy lợi tức trung bình của những người đi thuê nhà còn không đủ để thuê một căn hộ khiêm tốn.
Tệ hại hơn nữa là cuộc khủng hoảng về nhà thuê này đã có từ trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, và nó là một vấn đề mà những nhà hoạch định chính sách ở Mỹ đã ngó lơ hàng mấy chục năm nay. Sự thiếu dữ kiện về người thuê bị đuổi nhà chỉ là một phần hư thối của cả một hệ thống mục nát. Những cơ quan chính phủ với nhiệm vụ kiểm soát những kỳ thị về nhà cửa, giải quyết nạn vô gia cư, và quán xuyến nhà cửa công cộng, Bộ Phát Triển Nhà Ở và Đô Thị (Department of Housing and Urban Development HUD), có một ngân sách dưới $50 tỷ một năm. Nhưng số tiền lời trên các khoản vay mua nhà được khấu trừ vào thuế hàng năm lên đến $112 tỷ hao hụt nguồn thu. Điều này có nghĩa là, trên toàn quốc, những người mua nhà được phụ cấp nhiều hơn gấp đôi đối với những người đi thuê. Điều này chưa kể tới những tốn kém ngoài lề như chi phí xây cất hệ thống đường xá, hệ thống cầu cống, và những chi phí hạ tầng cơ sở khác cần thiết để xây dựng và bảo tồn vùng ven đô.
Và bây giờ cuộc khủng hoảng nhà ở hiện tại càng trở nên phức tạp hơn bởi những cú sốc về kinh tế và lao động của trận dịch coronavirus. Dự Án Phòng Thủ Trục Xuất Covid-19 (Covid-19 Eviction Defense Project), một nỗ lực tư được tài trợ bởi các nguồn từ thiện, không phải từ chính phủ, ước tính khoảng 20% của 110 triệu người thuê nhà ở Mỹ có khả năng bị đuổi khỏi chỗ ở vào cuối tháng 9. Ảnh hưởng lan tỏa của những vụ đuổi nhà này không chỉ giới hạn về mặt kinh tế. Trong cuốn sách Evicted, Matthew Desmond đưa ra tài liệu ảnh hưởng nặng nề trên sức khoẻ của những người bị đuổi nhà như thế nào. Những phụ nữ bị đuổi nhà, hai năm sau vẫn còn có những dấu hiệu khủng hoảng tinh thần dai dẳng. Chính phủ Mỹ khó mà sẵn sàng để theo dõi ảnh hưởng về sức khỏe của người thuê bị đuổi khi mà ngay cả chính việc đuổi nhà còn chưa được theo dõi, nói chi đến việc có những tài nguyên liên bang để giúp người thuê tìm hiểu xem họ có được bảo vệ trong những đạo luật ban hành cấm đuổi nhà trong thời kỳ đại dịch hay không. Trong khi Liên Minh Quốc Gia Nhà Ở Cho Người Lợi Tức Thấp (NLIHC) đang nỗ lực để gom góp vào một chỗ các dữ kiện chọn lọc được từ các cơ quan chính phủ khác nhau, thì Fannie Mae và Freddie Mac vẫn còn những dữ kiện không công bố cho quần chúng, khiến cho những con số của NLIHC không được toàn diện lắm. (NLIHC đã thúc giục các cơ quan quản lý công bố các dữ kiện này để người đi thuê nắm được các dữ liệu cần thiết để tự bảo vệ chính mình).
Những người ủng hộ đã cố gắng điền vào chỗ trống những thiếu sót về dữ liệu từ phía chính phủ. Các nhóm cộng đồng như Anti-Eviction Mapping Project của San Francisco và City Life Vida Urbana của Boston cũng đã lập ra hệ thống theo dõi các trường hợp bị đuổi khỏi nhà. Ông Desmond lập ra Eviction Lab để dựng một cơ sở dữ liệu về đuổi nhà để trám vào chỗ trống mà chính phủ liên bang để lại. Nhưng chương trình này, mà các nhà hảo tâm gồm Gates Foundation và Chan Zuckerberg Initiative, đã bị chỉ trích vì dựa vào dữ kiện của những công ty môi giới dữ kiện lớn và đếm không đủ các trường hợp bị đuổi nhà. Ông Desmond là người đầu tiên đề nghị dự án cơ sở dữ liệu xuyên bang về đuổi nhà và ông vẫn tiếp tục hậu thuẫn nó.
Ông nói với tờ báo The New Republic rằng “lẽ ra chính phủ Mỹ phải là người theo dõi và ghi nhận một cách tuyệt đối vấn đề khẩn cấp nhất có tính cách đạo đức mà người dân đang phải đối diện hôm nay.” Để có thể thực sự theo dõi con số trường hợp bị trục xuất khỏi nhà, chúng ta cần chính phủ liên bang vào cuộc. Vào khoảng cuối năm 2019, Thượng Nghị Sĩ Michael Bennet và Rob Portman giới thiệu đạo luật khủng hoảng đuổi nhà “Eviction Crisis Act”để xây dựng một cơ sở dữ liệu cho vấn đề, cũng như là để tạo ra những chương trình thử nghiệm để giúp những người thuê nhà có nguy cơ bị đuổi tránh được tình trạng ấy. Hiện tại, dự luật này còn đang lơ lửng ở Uỷ Ban Ngân Hàng Thượng Viện.
Đạo luật CARES, gần đây được thông qua để đáp ứng với sự tàn phá kinh tế của trận đại dịch, tạo nên một lệnh cấm đuổi nhà trong những tài sản cho thuê được liên bang hỗ trợ cho tới 24 tháng 7. Lệnh cấm này đã được gia hạn tối thiểu tới cuối tháng 8 cho việc tịch biên hay đuổi nhà trên những căn nhà một gia đình. Dầu vậy, không phải ai cũng được sự bảo vệ này. Những người thường trú bất hợp pháp có thể sẽ không tận dụng quyền lợi này, bởi vì họ sợ gặp nguy hiểm nếu đi khai báo khi bị đuổi nhà. Và những người thuê nhà của chủ nhà không nhận trợ giúp của chính phủ sẽ phải dựa vào luật của từng tiểu bang về lệnh cấm đuổi nhà của địa phương. (Eviction Lab đã biên soạn một phiếu điểm ghi lại các chương trình bảo vệ của từng tiểu bang và khi nào thì hết hạn.) Ở Wisconsin, Thống Đốc Tony Evers cấm tất cả việc đuổi nhà cho tới cuối tháng năm. Nhưng một khi lệnh cấm hết hạn, con số các vụ đuổi nhà của thành phố Milwaukee ở Wisconsin đã tăng 13 phần trăm so với con số của tháng sáu năm trước.
Để giải quyết sự thất bại của CARES trước vấn nạn khủng hoảng về đuổi nhà, Dân Biểu Maxine Waters (D) và Denny Heck (D), cùng với Thượng Nghị Sĩ Sherrod Brown (D) đã giới thiệu một đạo luật chi $100 tỷ đồng cho chương trình trợ cấp khẩn cho người thuê nhà. Các nghị sĩ Dân Chủ đã bỏ cả một ngày để phát biểu trước Thượng Viện vấn đề này vào ngày 1 tháng 7. Hạ viện cũng thông qua một dự luật hạ tầng cơ sở vào ngày 1 tháng 7 gồm cả “Dự Luật Nhà Ở là Hạ Tầng Cơ Sở” của dân biểu Waters, dư luật này đã dành $70 tỷ đồng cho việc sửa chữa cần thiết một triệu căn nhà cho thuê của chính phủ. Trừ dự luật làm cơ sở dữ liệu về đuổi nhà của hai Thượng Nghị Sĩ Bennet (D) và Portman (R), mà Thượng Nghị Sĩ Todd Young (R) cũng đồng ký tên, đảng Cộng Hoà cũng cho biết là sẽ không có hứng thú thảo luận đến những trường hợp bị đuổi nhà sắp ồ ạt tới với bất kể là cứu trợ tiền thuê hay gia tăng ngân sách cho nhà chính phủ. Sự khan hiếm các số liệu về nạn đuổi nhà đã khiến các nhà lập pháp, các nhà hoạt động, và các cộng đồng không thể có được một sự thông hiểu thấu đáo về phạm vi của vấn đề để mà ủng hộ cho việc cải cách.
Sự thụ động của Quốc Hội chịu trách nhiệm cho sự thất bại trong việc thực hiện những cơ sở dữ liệu cần thiết để theo dõi việc đuổi nhà, sự thất bại trong việc cung cấp tài nguyên cần thiết cho hệ thống nhà chính phủ và những giải pháp khác cho những người thuê nhà có nguy cơ cao, và là sự thất bại trong việc chặn đứng các trường hợp đuổi nhà trong thời hạn đại dịch. Nếu Quốc Hội bây giờ làm rối tung chương trình trợ giúp khẩn cấp cho người thuê, những người này sẽ phải đối đầu với hai cuộc khủng hoảng cùng một lúc, đó là mất chỗ ở và trở thành đối tượng dễ bị lây nhiễm coronavirus - một hệ quả không thể tránh của tình trạng vô gia cư và bấp bênh nhà cửa. Sự thiếu hụt một hệ thống liên bang để theo dõi cả việc tịch biên lẫn đuổi nhà đồng nghĩa với điều chúng ra sẽ không bao giờ có được khái niệm chính xác về ảnh hưởng của những thiệt hại gây ra bởi trận dịch , chứ đừng nói đến việc cải thiện nó. Chúng ta sẽ, dù vậy, phải sống với những hệ quả.
Translated by Minhly Pham
Copy edits by Khanh Doan Dang
Comments