top of page

Chính sách “sáng nắng chiều mưa” của Trump đối với Trung Quốc và TikTok

Sheelah Kolhatkar, ngày 15 tháng 8, năm 2020


Translated from the New Yorker article Trump’s Incoherent Policy on TikTok and China

Việc Trump chĩa mũi dùi vào TikTok phân tán sự chú ý khỏi các biện pháp phức tạp cần thiết nhằm lật tẩy cách làm kinh tế của Trung Quốc. Ảnh từ Reuters.


Vào ngày 31/7, Tổng thống Trump đã đứng phát biểu giữa tiếng rên rỉ của động cơ chiếc Marine One (trực thăng chính thức của Tổng thống) trên thảm cỏ của Tòa Bạch Ốc rằng “Chúng tôi đang để mắt đến TikTok”. Ông nói theo kiểu vòng vo thường thấy, “Chúng tôi có thể cấm ứng dụng TikTok. Chúng tôi có thể làm cách khác. Có vài lựa chọn, nhưng rất nhiều chuyện đang diễn ra nên chúng tôi phải chờ mới quyết.”


Chính quyền Trump đã khai chiến kinh tế (dẫu gián đoạn) với Trung Quốc được một thời gian, và TikTok, một ứng dụng để mọi người chia sẻ những clip ngắn cực kỳ phổ biến, hiện đang là tâm điểm. TikTok là sản phẩm của công ty công nghệ trụ sở tại Bắc Kinh tên ByteDance, do Zhang Yiming - một trong những doanh nhân công nghệ thành công nhất Trung Quốc - thành lập năm 2012. TikTok ra mắt vào năm 2017 nhưng chưa có lượng người dùng cao ở Mỹ trước khi công ty ByteDance mua thêm Musical.ly, một mạng xã hội đã có tên tuổi của Mỹ. Kể từ thời điểm đó, TikTok phát triển vun vút. Theo một ước tính, ứng dụng TikTok đã được tải xuống 2 tỷ lần và vượt mặt Instagram của Facebook, trở thành nền tảng được thanh thiếu niên, người nổi tiếng, và những người có ảnh hưởng lựa chọn, khiến Facebook phải cấp tốc cho ra đời một sản phẩm chia sẻ clip ngắn của mình tên Reels. (Dịch vụ mới này bị tờ Times gọi là “thảm họa”.) Vào ngày 5/8, Bộ trưởng Ngoại giao Mike Pompeo tuyên bố rằng Mỹ, đang quan ngại về an ninh quốc gia, sẽ tiến hành một chiến dịch rộng khắp chống lại các ứng dụng của Trung Quốc, cũng như hứa sẽ hạn chế những ứng dụng phổ biến khác của Trung Quốc như WeChat. Ngay hôm sau 6/8, Thượng viện đã thông qua một dự luật cấm cài TikTok trong điện thoại công, và Trump đã ký một số sắc luật ghi rằng TikTok sẽ bị cấm vận hành ở Mỹ trong 45 ngày nếu không được công ty Mỹ mua lại. Nhằm đáp lại, Tiktok đã bắt tay bàn thảo việc bán lại quyền vận hành tại Mỹ cho Microsoft.


Trong một cuộc họp ngắn vào tháng 5, Trump thẳng thắn nói về những bức xúc với Trung Quốc của mình. “Trong nhiều thập kỷ qua, chúng vơ vét nước Mỹ theo cách vô tiền khoáng hậu,” ông nói. “Trung Quốc đã càn quét nhà máy, cướp việc làm, phá hủy các ngành công nghiệp, đánh cắp tài sản trí tuệ của chúng ta, và vi phạm các cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới.” Tuy nhiên, động cơ trong việc chỉ chĩa mũi dùi vào Tiktok của Trump không rõ ràng. Chỉ biết rằng, Tiktok là một trong những công ty công nghệ hiếm hoi thật sự gây ra mối đe dọa thương mại đối với các “ông lớn” đang thống trị ngành công nghệ Mỹ. Google, Amazon, Apple, và Facebook là mục tiêu của những cuộc điều tra chống độc quyền của chính quyền liên bang và quốc hội; Facebook phải đối mặt với áp lực cạnh tranh từ Tiktok lần đầu kể từ khi bắt đầu mua lại hầu hết những đối thủ mới nhằm xây dựng vị trí độc quyền trên mạng xã hội Mỹ. Với cá nhân Trump, Tiktok đóng vai trò quan trọng khiến ông thất bại trong việc cải thiện hình ảnh của mình tại cuộc vận động tranh cử ở Tulsa, tiểu bang Oklahoma vào tháng 6. Sau khi đội ngũ của Trump hứa hẹn xa vời về số lượng người dự kiến tham gia một cuộc vận động, Brad Parscale, quản lý chiến dịch tranh cử lúc bấy giờ, đã tweet rằng họ có hơn một triệu yêu cầu mua vé; ngoài thực tế, sở cứu hỏa địa phương báo cáo rằng chỉ có 6200 người có mặt. Ngay hôm sau, các bản tin cho rằng chính thanh thiếu niên trên ứng dụng TikTok đã hiệp lòng phá hoại cuộc vận động bằng cách đăng ký vé nhưng không có ý định sử dụng. Việc truyền thông tăm tia sự kiện này trở thành một nỗi thẹn cho chiến dịch của Trump.


Trump và những thành viên trong Chính quyền của mình lập luận chống TikTok dựa trên những lo ngại về khả năng lượng dữ liệu cá nhân khổng lồ mà ứng dụng thu này thập và lưu giữ rơi vào tay chính quyền Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc thường có mối quan hệ chặt chẽ với chính quyền, và theo lý luận trên, Tiktok sẽ không có quyền kháng cự yêu cầu TikTok phải trao lại thông tin nhạy cảm về người sử dụng ở Mỹ từ viên chức Trung Quốc. “Có vẻ như nó (ứng dụng TikTok) thu thập một lượng dữ liệu khổng lồ về các cá nhân và hoạt động của họ trên ứng dụng này cũng như trên điện thoại người dùng,” bà Teresa Scassa, trưởng Ban nghiên cứu Canada về luật và chính sách thông tin tại Trường Đại học Luật Ottawa, cho biết. “Nó không khác mấy các ứng dụng mạng xã hội khác. Nhưng dữ liệu được thu thập là rất nhiều.”


Bà Scassa nhắc đến một điều trớ trêu rằng: các công ty Mỹ cũng là những nhà thu thập dữ liệu người dùng khổng lồ và chính họ đã hung hãn chống lại những nỗ lực hạn chế mức thông tin được thu thập cũng như cách chúng được khai thác; điều này đã làm cho Mỹ trở thành một trong số ít nước phương Tây không có bộ luật bảo mật dữ liệu quốc gia hoàn thiện. Bà nói, “Nước Mỹ đã tạo nên một ngành công nghiệp dữ liệu khổng lồ; Facebook và các công ty khác đã biến dữ liệu thành một thứ hàng hoá. Lĩnh vực này quan trọng trong nền kinh tế là thế nhưng dữ liệu cá nhân lại không được pháp luật bảo vệ, còn các công ty thì cũng ‘qua lại’ với chính quyền.” Dữ liệu được Facebook, Google, và các công ty Hoa Kỳ khác nắm giữ có thể sẽ rơi vào tay cơ quan hành pháp hoặc an ninh quốc gia, cũng có thể bị tin tặc xâm nhập. Bà Scassa chỉ ra rằng Canada và các quốc gia trong khối liên minh châu Âu lo ngại rằng dữ liệu cá nhân của công dân nước mình, vốn chính quyền Mỹ có quyền truy cập, có thể bị chia sẻ với các công ty Mỹ. Một số tiểu bang đã tự thực hiện các bước cải thiện việc bảo vệ dữ liệu trong quyền hạn pháp lý của họ, nhưng vẫn chưa hề có một đạo luật bảo vệ dữ liệu quốc gia hoàn thiện. Điều này tạo nên nhiều lo ngại về quyền riêng tư khi các cá nhân chia sẻ dữ liệu với các công ty. Và cũng vì lý do này, Toà Án Công Lý Châu Âu đã đưa ra một quyết định khiến việc truyền dữ liệu cá nhân từ Liên minh châu Âu đến Mỹ trở nên khó khăn hơn.


Nhu cầu cần có các biện pháp phức tạp hơn để đối phó với cách làm kinh tế của Trung Quốc ngày càng rõ ràng trước mắt hai đảng Dân Chủ và Cộng Hoà. Nhưng sự ngoan cố của Trump về TikTok chỉ đóng vai trò phân tâm và làm nổi bật sự lúng túng của chính quyền này trong việc đương đầu với thử thách này. Ông Robert Kuttner, tác giả cuốn sách The Stakes: 2020 and the Survival of American Democracy (Năm 2020 và sự sống còn của nền Dân Chủ Hoa Kỳ), đã nói với tôi rằng, “Mối quan hệ Mỹ-Trung cần được cải thiện lại từ đầu, vậy mà Trump chỉ làm những điều vặt vãnh nọ kia để giật tít báo chí, thay vì chấp nhận các chính sách thay đổi có hệ thống.” Vấn đề với Trung Quốc bắt đầu từ hai thập kỷ trước khi nước này được gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới vào năm 2001, vốn được coi là một động thái mang lợi ích kinh tế rộng khắp. Tổng thống Bill Clinton đã miêu tả sự kiện đó là “một bước tiến lịch sử hướng tới sự phát triển thịnh vượng của Mỹ, cải cách của Trung Quốc, và hoà bình thế giới.” Các công ty Mỹ tận dụng cơ hội này để tiếp cận lực lượng lao động nước ngoài rẻ mạt và người tiêu dùng nước Mỹ được cung cấp hàng hoá giá rẻ do Trung Quốc sản xuất. Tuy nhiên, điều này không hề tốt đối với người lao động Mỹ. Hàng triệu việc làm trong lĩnh vực sản xuất đã bị cắt giảm từ năm 1999 đến 2011 khi các công ty Mỹ chuyển cơ sở sản xuất của họ ra nước ngoài.


Ngày nay, các công ty Trung Quốc thường bị công ty Mỹ cáo buộc về chuyện họ thấy không công bằng: đối thủ thì nhận được các khoản trợ cấp hào phóng từ chính phủ Trung Quốc, đặc biệt là trong các ngành có tính cạnh tranh cao, còn các công ty công nghệ Mỹ phải hợp tác với các công ty Trung Quốc để kinh doanh ở đó, phải chuyển giao sáng tạo cho các đối thủ cạnh tranh chuyên nhân cơ hội sao chép. Theo ông Kuttner, có những cách khôn ngoan có thể thay đổi tình hình này, chẳng hạn như đầu tư mạnh vào các công ty Mỹ trong những ngành công nghệ quan trọng, phát triển chuỗi cung ứng nội địa để các công ty Mỹ bớt phụ thuộc vào sản phẩm do Trung Quốc sản xuất, và thúc đẩy thực thi các quy định thương mại hiện có. Một số bước sẽ phá vỡ lối suy nghĩ lâu nay về lợi ích của thương mại tự do và cách nó hoạt động, nhưng chúng có thể mang lại lợi ích kinh tế chiến lược lâu dài hơn. Ông nói tiếp, “Nếu bạn đang thiết lập lại hệ thống, bạn sẽ nghiêm túc nhìn nhận một sự thật rằng Trung Quốc rõ ràng là một đối thủ về mặt địa chính trị lẫn địa kinh tế, và bạn phải quyết định nước Mỹ có nên xem lại việc tiến hành các chính sách công nghiệp và tập trung vào các ngành công nghiệp quan trọng như Trung Quốc đã làm hay không. Khi đó, buộc phải sửa đổi một số cách nghĩ của cả hai đảng về cách hoạt động thương mại cho đúng.”


Vẫn có nhiều việc phải làm. Tuy nhiên, cũng giống như những gì ông ấy đã làm khi đối phó với đại dịch coronavirus, Trump chỉ giải quyết hời hợt mà bỏ qua mấu chốt của vấn đề, khiến đại dịch trở nên tồi tệ và lan rộng. Kuttner nói, “Nếu bạn nhìn vào những gì Trump đã thực sự làm được, thì nó rải rác khắp nơi: thuế quan trên diện rộng, trợ cấp nông nghiệp, thỏa thuận nhất thời với Trung Quốc. Chả có chút chiến lược nào cả. Bề ngoài thì tuân theo tinh thần của chủ nghĩa dân tộc về kinh tế, nhưng nó không làm thay đổi đáng kể mối quan hệ của chúng ta với Trung Quốc. Toàn hành động bốc đồng mà thôi."


Người dịch: Vy Nguyen và Chloe

Biên tập: K.Tran

Comments


bottom of page