top of page

Covid-19: Nghiên cứu mới khẳng định đeo khẩu trang làm giảm lây nhiễm

Translated from Nature's article Face masks for COVID pass their largest test yet

By Lynne Peeples, on 09-09-2021


Khẩu trang có tác dụng bảo vệ chống lại COVID-19. Đó là kết luận của một thử nghiệm lâm sàng theo tiêu chuẩn vàng- lấy mẫu ngẫu nhiên tiến hành tại Bangladesh.


Những người chỉ trích quy định đeo khẩu trang luôn viện dẫn việc thiếu các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên để chứng minh tác dụng của khẩu trang. Và nghiên cứu này là cái họ cần biết.


Hành khách đeo khẩu trang tại Bangladesh

Kết luận này củng cố thêm các kết luận từ hàng trăm nghiên cứu quan sát mô tả và nghiên cứu trong phòng thí nghiệm trước đó. Thử nghiệm lâm sàng này tuân theo quy trình nghiêm ngặt cho thấy khẩu trang phẫu thuật có khả năng bảo vệ cao, nhưng khẩu trang vải có tác dụng bảo vệ không bằng. Đây là nghiên cứu lấy mẫu ngẫu nhiên với gần 350.000 người trên khắp các vùng nông thôn Bangladesh. Các tác giả của nghiên cứu nhận thấy rằng khẩu trang phẫu thuật - chứ không phải khẩu trang vải - làm giảm sự lây truyền của SARS-CoV-2 ở các ngôi làng nơi nhóm nghiên cứu phân phối khẩu trang và quảng bá việc sử dụng chúng. Ashley Styczynski, một nhà nghiên cứu bệnh truyền nhiễm tại Đại học Stanford ở California và là đồng tác giả của thử nghiệm cho biết: “Cuộc tranh luận về khẩu trang nên kết thúc tại đây". Deepak Bhatt, nhà nghiên cứu tại Trường Y Harvard ở Boston, Massachusetts, người đã công bố nghiên cứu tác dụng của khẩu trang, cho biết nghiên cứu mới này “giúp ta tiến thêm một bước về cách thức tiến hành khoa học theo chuẩn nghiêm ngặt”. Styczynski và cộng sự đã bắt đầu với chiến lược thúc đẩy việc đeo khẩu trang, với các biện pháp như nhắc nhở đeo khẩu trang tại những nơi công cộng. Tỷ lệ sử dụng khẩu trang đã tăng gấp ba lần, từ chỉ 13% ở các làng đối chứng (không có sự nhắc nhở) lên 42% ở các làng áp dụng biện pháp nhắc nhở. Sau đó, các nhà nghiên cứu so sánh số trường hợp COVID-19 trong cả hai nhóm làng. Người ta nhận thấy rằng số trường hợp có triệu chứng ở các làng có nhắc nhở thấp hơn so với các làng đối chứng. Mức giảm thiểu ca bệnh khoảng 9%. Các nhà nghiên cứu cho rằng mức giảm nguy cơ bị bệnh có thể lớn hơn nhiều, một phần vì họ không thử nghiệm SARS-CoV-2 ở những người không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhưng không đáp ứng định nghĩa của Tổ chức Y tế Thế giới về bệnh tật. Vật liệu làm khẩu trang tạo sự khác biệt

Khẩu trang phẫu thuật giảm nguy cơ bị bệnh 11%, khẩu trang vải giảm nguy cơ bị bệnh 5%. Điều này củng cố thêm kết quả trong phòng thí nghiệm trước đây. Theo Mushfiq Mobarak, nhà kinh tế học tại Đại học Yale ở New Haven, Connecticut, cũng là đồng tác giả của nghiên cứu cho biết: "ngay cả sau khi giặt 10 lần, khẩu trang y tế có thể lọc được 76% những phần tử có kích thước nhỏ tương tự virus SARS-CoV-2; trong khi khẩu trang vải 3 lớp có hiệu suất lọc chỉ 37% trước khi giặt hoặc sử dụng. Monica Gandhi, một bác sĩ bệnh truyền nhiễm tại Đại học California, San Francisco nói: “Thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên duy nhất về việc dùng khẩu trang trong đại dịch đã được công bố cho đến nay chỉ đánh giá mối quan hệ giữa tình trạng nhiễm trùng của một cá nhân với việc tự báo cáo việc dùng khẩu trang của người đó. Với nghiên cứu mới này, bằng cách chọn ngẫu nhiên các ngôi làng, nó cải thiện việc đánh giá cả việc tuân thủ đeo khẩu trang và sự lây nhiễm ở cấp cộng đồng." Khẩu trang sẽ vẫn là một tuyến phòng thủ đặc biệt quan trọng ở Bangladesh và các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình khác, nơi việc tiếp cận với vaccine vô cùng khó khăn. Mobarak cho là: “Nếu điều này thay đổi cách diễn ngôn ở Hoa Kỳ, nơi khẩu trang đang bị chính trị hóa một cách không cần thiết, thì đó là món quà tặng kèm hữu ích."


Lược dịch: Chau Tran

Comentarios


bottom of page