top of page

Cuối cùng người Mỹ gốc Á cũng có những siêu anh hùng xứng tầm


Từ nhỏ đến lớn, tôi cũng như nhiều người bạn gốc Á của mình đã luôn khao khát được thấy người Á châu trên truyền thông.

By Jeff Yang, on 02-09-2021, 01:00:00

Giới thiệu tác giả: Jeff Yang biên soạn hai tuyển tập về siêu anh hùng người Mỹ gốc Á là “Bí Danh” (Secret Identities) và “Vỡ Vụn” (Shattered). Ông còn là đồng tác giả của cuốn sách sắp xuất bản “Sự trỗi dậy: Lịch sử văn hóa đại chúng Mỹ gốc Á từ những năm 90” (Rise: A Pop History of Asian America From the Nineties to Now). Từ nhỏ đến lớn, tôi cũng như nhiều người bạn gốc Á của mình đã luôn khao khát được thấy người Á châu trên truyền thông. Chúng tôi hào hứng đến mức, mỗi khi xem TV mà bắt gặp phân cảnh nào đó có một ngôi sao khách mời gốc Á, hay thấy một gia đình châu Á đóng quảng cáo, chúng tôi liền phấn khích hò reo rồi còn huy động cả gia đình đến phòng khách xem chung. Chúng tôi sẽ thường nghiền ngẫm tiểu sử danh nhân, quyết điều tra cho ra “dân châu Á nằm vùng,” tức những người nổi tiếng được chứng nhận có huyết thống Á châu. Phoebe Cates, có nè! Joseph Gordon-Levitt, không có rồi. Ngày ấy nay đã đến, khi Marvel rục rịch trình làng “Shang-Chi và Huyền Thoại Thập Luân,” bộ phim Mỹ bom tấn kinh phí khủng đầu tiên có nhân vật chính là một siêu anh hùng gốc Á hàng chuẩn giá thật. Lần này, ngôi sao Lưu Tư Mộ (Simu Liu) sẽ tung hoành ngang dọc bằng nhiều pha hành động mãn nhãn. Sự kết hợp giữa võ thuật Trung Hoa ngoạn mục cùng kỹ xảo điện ảnh Hollywood trứ danh hứa hẹn sẽ cho ra đời một siêu phẩm hoành tráng độc nhất vô nhị. Lần đầu chúng ta diện kiến nhân vật chính, anh sử dụng một cái tên Tây hằng ngày là “Shaun”. Kịch bản xây dựng anh là một nhân viên đậu xe hiền lành dễ tính, chỉ biết ấp úng và bối rối gật đầu mỗi khi bị người ta coi thường. Anh chuyên năn nỉ cô bạn thân máu nóng Katy (Nora “Awkwafina” Lum) đừng gây sự hay làm lớn chuyện. Anh sống một lòng một dạ với lời mà nhiều bậc cha mẹ Á châu thường khuyên nhủ con cái: “Cây đinh nào ló lên sẽ bị đóng xuống,” họ dặn dò. Họ khuyến khích chúng ta hãy cố hòa nhập, cố ngụy trang văn hóa bản sắc, và tránh gây chú ý trong các tình huống có thể khiến chúng ta rơi vào tầm ngắm của những hành động kỳ thị mà có lẽ là chính họ đã phải trải nghiệm.

Lưu Tư Mộ trong vai Shang-Chi, người tung hoành ngang dọc bằng các thế võ Trung Hoa ngoạn mục. Nguồn: Jasin Boland/Marvel Studios Nhưng khán giá không phải chờ lâu đến khi Shaun trút bỏ hình tượng cù lần của mình và hiên ngang trở thành nhân vật chính, Shang Chi, người có khí chất oai phong lẫm liệt thu hút mọi ánh nhìn và chiếm trọn toàn bộ màn ảnh, việc mà chỉ các siêu anh hùng mới làm được. Đối với những bạn trẻ đã bỏ ngoài tai lời căn dặn sống an phận thủ thường như chúng ta, sự xuất hiện hào hùng của Shang Chi chính là cú phản bác vô cùng thỏa mãn. Đừng bao giờ cao giọng. Đừng bao giờ gây chú ý. Đừng bao giờ đòi hỏi. Tất cả đều là những lời khuyên mang dụng ý tốt, nhưng hậu quả chúng đem lại thật khôn lường: nhiều người trong chúng ta đã không dám vỗ ngực khẳng định truyền thống gốc Á của mình.


Awkwafina trong vai Katy, cô bạn thân máu liều của Shang Chi, và Lưu Tư Mộ trong vai Shang-Chi, anh chàng nhân viên đậu xe hiền lành dễ tính, chỉ biết ấp úng và bối rối gật đầu mỗi khi bị người ta coi thường, phim “Shang-Chi và Huyền Thoại Thập Luân.” Nguồn: Jasin Boland/Marvel Studios Phil Yu, Philip Wang, và tôi chuẩn bị xuất bản một cuốn sách nói về lịch sử người Mỹ gốc Á từ những năm 90 cho đến hiện tại. Trong quá trình phỏng vấn thu thập tư liệu, một vài nhà báo người Mỹ gốc Á thổ lộ với chúng tôi rằng vì sợ sẽ bị đóng khung vào một chuyên mục sắc tộc nhất định mà họ tránh viết bài về chính cộng đồng của mình. Các văn sĩ người Mỹ gốc Á mà chúng tôi tiếp xúc đã hạn chế để nhân vật chính là người Á châu trong tiểu thuyết của họ. Và theo nhiều nghệ sĩ biểu diễn người Mỹ gốc Á mà chúng tôi gặp gỡ, họ đã phải quen dần với việc người khác chỉ xem họ là nhân vật phụ, trên màn ảnh lẫn ngoài đời thường. Theo chia sẻ của Sandra Oh (diễn viên chính của “The Chair”, bộ phim hài kịch đang sốt gần đây của Netflix), khi cô được chọn tham gia vào dự án phim trinh thám phong cách mèo-vờn-chuột “Killing Eve,” cô cứ đinh ninh đó sẽ là một vai diễn định kỳ hoặc nhân vật phụ nào đó. “Tôi lướt qua kịch bản, và tôi không thể tìm ra một [nhân vật] bác sĩ hay lễ tân Á châu nào cả,” cô hồi tưởng. “Và đó là lúc quản lý nói rằng bên đoàn phim muốn tôi đóng vai chính. Vai Eve. Nhân vật có cái tên nằm chễm chệ trên tiêu đề. Chính trong khoảnh khắc ấy, tôi nhận ra rằng tư tưởng kỳ thị chủng tộc nội bộ (internalized racism) đã ăn sâu vào tiềm thức và con đường sự nghiệp của tôi cho đến thời điểm đấy. Tôi thậm chí còn không nhìn ra được nhân vật mà mình phải thủ vai. Từ một người trẻ đầy hy vọng và không biết sợ trời đất, tầm nhìn của tôi trở nên mịt mù đến mức cả bản thân mình mà cũng không thấy nổi.”

Ban đầu Sandra Oh cứ đinh ninh mình sẽ đóng một vai nhỏ, thay vì là ngôi sao cho bộ phim “Killing Eve.” Nguồn: Nick Briggs/BBC America, via Associated Press Shang-Chi không phải là nhân vật chính gốc Á đầu tiên mà chúng ta từng thấy trong phim điện ảnh. Nhưng anh sẽ là một cái tên cửa miệng, vì anh là siêu anh hùng bom tấn trên màn ảnh rộng của Marvel. Ngày nay, dù là trên các màn hình, thiết bị hay bất kỳ mặt trận truyền thông nào, người người nhà nhà già trẻ lớn bé chúng ta đi đâu cũng gặp các siêu anh hùng. Shang-Chi sẽ mở ra một kỷ nguyên điện ảnh mới cho thương hiệu thành công nhất trong lịch sử toàn cầu. Sau anh, [chúng ta] sẽ thấy nhiều anh hùng gốc Á hơn: Gemma Chan và Kumail Nanjiani trong vai Sersi và Kingo của “Eternals,” Iman Vellani trong vai Ms. Marvel của “The Marvels.” Nhờ có các vai diễn này mà lần đầu tiên, một thế hệ người Mỹ gốc Á trẻ tuổi sẽ được chứng kiến bản thân là tâm điểm chủ đạo trên những màn hình to lớn bậc nhất. Cả thế giới cũng sẽ được diện kiến khoảnh khắc này, đây là điều còn quan trọng hơn nữa — khi người khác nhìn nhận chúng ta là anh hùng, họ buộc phải nhìn nhận chúng ta là con người. Đó có thể là sự khác biệt mang tính sống còn. Xuyên suốt chặng đường lịch sử của chúng ta trên đất nước này, sự phục tùng và sự coi nhẹ đã dẫn đến biết bao hậu quả thảm khốc cho người Mỹ gốc Á, hết bị bóc lột, bị loại trừ, cho đến bị giam giữ thời chiến tranh. Bây giờ, chúng ta lại trải qua chuyện này thêm lần nữa vào thời kỳ Covid, khi cơn đại dịch đã đổ thêm dầu vào ngọn lửa thù địch bài ngoại của đất nước chúng ta và châm ngòi cho một chuỗi bạo lực nhằm vào các thành viên dễ bị tổn thương nhất trong cộng đồng chúng ta. Một phân cảnh trong “Shang-Chi” đã thành công biểu đạt tầm quan trọng cũng như tính thức thời của bộ phim. Khi bị nhóm côn đồ bao vây trên chuyến xe buýt San Francisco, Shang-Chi bất thình lình xuất chiêu, tả xung hữu đột. Người bạn thân lâu năm Katy của anh đến là không tin vào mắt mình. “Cậu ai?” cô chất vấn. Đối với cô, đây là một Shaun hoàn toàn mới. Đối với các hành khách khác trên chuyến xe, những người reo hò cổ vũ anh và lia lịa chụp ảnh selfie, đây là một vị anh hùng hoàn toàn mới. Tất cả bọn họ chỉ đơn giản là công nhận bản chất con người anh. Chẳng phải mỗi người chúng ta đều xứng đáng như vậy hay sao?


Người dịch: Đông Phong

Biên tập: Vũ Yên

Hozzászólások


bottom of page