top of page

Đại dịch bộc lộ bất công chủng tộc lâu dài mà một mình ngành Y không thể khắc phục được

Updated: Jul 4, 2020

Ngày 27 tháng 6 năm 2020.


Bác sĩ William Strudwick đứng trước Bệnh Viện Trường Đại Học Howard, nơi ông làm việc tại khoa cấp cứu.

Tyrone Turner/WAMU


Bác sĩ William Strudwick đang hoàn thành ca làm tại Bệnh Viện Trường Đại Học Howard tại Washington, DC thì vợ anh, Maria, nhắn tin. Năm ngày sau khi George Floyd bị giết, Cole, con trai 19 tuổi của họ, muốn tham gia biểu tình.


Lúc ấy là 9 giờ. Trời đổ tối, Strudwick cân nhắc, anh không thể tiên đoán hành động của những người biểu tình sẽ ra sao -- hay cách cảnh sát sẽ đối xử với con trai anh như thế nào. Anh nhắn lại vợ một từ: “Không.”


“Khi tôi về nhà thì nó không có ở đó, nên tôi gọi cho nó,” Strudwick nói. “Và chúng tôi nói qua điện thoại rằng nó phải về nhà ngay lập tức.”


Strudwick cảm thấy nhẹ nhõm khi đứa con trai tuổi mới lớn của mình đã về nhà đêm đó.

Theo Sở Y tế thành phố, khoảng một trong sáu bác sĩ ở D.C là người Mỹ gốc Phi như Bác sĩ Strudwick. Con số này hơn gấp 3 lần so với tỷ lệ trung bình quốc gia mặc dù vẫn là chiếm phần nhỏ khi so với dân số ở D.C có 46% là người Da Đen.


Những người Mỹ gốc Phi chiếm phần lớn số ca tử vong do COVID-19 của thành phố, và một số họ được khám bởi những bác sĩ này. Đối với Bác sĩ Strudwick, Bác sĩ Janice Blanchard tại Bệnh Viện Trường Đại Học George Washington và Bác sĩ Marcee Wilder tại Trung Tâm Y Tế Hợp Nhất (United Medical Center), làm việc trong bối cảnh đại dịch làm cho họ cảm thấy có trách nhiệm - và đôi khi là tuyệt vọng.


Wilder, hiện 38 tuổi, lớn lên ở New York và cho biết thời thơ ấu của cô ở Harlem không khác gì nhiều với môi trường hiện giờ ở khu phố cô đang làm việc, nơi chủ yếu là người Mỹ gốc Phi sinh sống.


“Tôi nhìn thấy mình trong cộng đồng này.” Wilder nói. “Vậy nên việc nhìn họ đau khổ khá là khó chịu đối với tôi.”


Blanchard, hiện 51 tuổi, cho biết cô hoạt động để chống lại thiên kiến ngầm, điều có thể dẫn đến việc các người bệnh Da Đen có sức khoẻ kém hơn.


“Theo tôi, là một bác sĩ Da Đen, trách nhiệm của tôi là phải làm mọi thứ trong khả năng của mình để đảm bảo một bệnh nhân Da Đen được điều trị công bằng,” Blanchard nói. Đối với nhiều bệnh nhân nhiễm COVID thì điều đó là chưa đủ. “Bạn gần như cảm thấy bất lực khi bạn không thể giúp họ.”


Một trung tâm y tế cho người Da Đen

Strudwick, 57 tuổi, được sinh ra tại nơi vốn là Bệnh Viện “Của Người Tự Do”, được thành lập vào năm 1862, với mục đích chữa trị cho những người từng là nô lệ trước đây. Hiện tại, bệnh viện này thuộc Trường Đại Học Howard, nơi cả cha và mẹ của Strudwick học để trở thành bác sĩ. Lớn lên tại Washington, D.C., việc đi theo bước chân của họ dường như là chuyện hiển nhiên.


“Thị trưởng là người Mỹ gốc Phi. Tất cả các bác sĩ tôi gặp đều là người Mỹ gốc Phi. Luật sư và chính trị gia cũng vậy,” Strudwick hồi tưởng. “Thế nên bạn chẳng thấy bất kỳ giới hạn nào trong những gì bạn có thể làm.”


Tầng lớp trung lưu Da Đen đó đã bị cô lập từ đại dịch, Strudwick nói. Vì vậy, anh bối rối khi thấy bạn mình đột ngột qua đời. Họ bằng tuổi nhau và nuôi con cùng một lúc -- hai người đàn ông Mỹ gốc Phi này như có hai cuộc sống song hành. Thế nhưng, bạn anh qua đời tại nhà. Gia đình của bạn anh đổ tội cho dịch COVID-19. Bác sĩ Strudwick tự hỏi rằng có phải bạn anh đã âm thầm vật lộn với việc chi trả chi phí y tế.


“Anh ấy đã nên được chăm sóc y tế. Anh ấy đã nên gọi cho tôi,” anh nói.

Bác sĩ Janice Blanchard đứng trước Bệnh Viện Trường Đại Học George Washington, nơi cô làm việc tại khoa cấp cứu.

Tyrone Turner/WAMU

Trở ngại trong việc cô lập các gia đình lớn

Thất vọng này không phải là điều gì mới đối với Bác sĩ Janice Blanchard — cô cho rằng các hướng dẫn sức khoẻ cộng đồng cho COVID-19 không phù hợp với đời sống của một số bệnh nhân của cô tại Bệnh Viện Trường Đại Học George Washington. Cô nhớ lúc cô gọi báo kết quả dương tính COVID-19 cho một bệnh nhân Mỹ gốc Phi qua điện thoại và nghe tiếng của một gia đình đông người.


“Và rồi, kiểu như, tôi nói một cách ngớ ngẩn,” cô kể, “Tôi bảo họ cách ly xã hội… với bảy người ư?”


Lớn lên tại Chicago, Blanchard kể rằng gia đình cô cũng không có nhiều điều kiện: mẹ cô là một giáo viên còn ba cô là một tài xế lái xe buýt. Trong lúc đối đầu với đại dịch, Blanchard và Wilder đã viết một bài cho báo Y Học Cấp Cứu (Academic Emergency Medicine) với các bác sĩ Da Đen khác tại D.C. Họ cho rằng COVID-19 gây ra tử vong nhiều hơn cho bệnh nhân da màu mà có bệnh mãn tính - họ mắc phải những căn bệnh này do họ không có nguồn lương thực dinh dưỡng, không có không gian vận động, và không có nhà cửa và thu nhập ổn định.


“Người Da Đen và Da Nâu chúng tôi trước đây đã bị tụt lại phía sau rồi, đúng không? Bây giờ còn thêm COVID tàn phá cộng đồng nặng nề hơn nữa,” Blanchard nói.


'Chúng tôi cần đồng minh'

Số người chết do nhiễm COVID-19 cao nhất ở D.C. là ở Phường 8, một khu vực chủ yếu người Mỹ gốc Phi sống và cũng là khu vực duy nhất trong thành phố có bệnh viện công lập, nơi Wilder hiện đang công tác. Khi bệnh nhân của cô, một người đàn ông ở độ tuổi 70, thở hổn hển vì nhiễm COVID-19, Wilder giải thích cho con gái ông tại sao cơ hội sống sót của ông không cao.

Bác sĩ Marcee Wilder đứng trước Trung Tâm Y Tế Hoa Kỳ, một bệnh viện công lập dành cho cư dân Phường 7 và 8. Cô nói bệnh nhân của cô dễ bị COVID-19 hơn vì họ ít tiếp cận với nguồn thực phẩm tốt cũng như không có thu nhập ổn định và sự chăm sóc sức khỏe đáng tin cậy.

Tyrone Turner/WAMU


“Khi tôi rời khỏi phòng, tôi nhớ cô ấy có hỏi 'nếu bố tôi không sống được, tôi có được đến gặp ông ấy không?' Và tôi phải nói không với cô ấy,” Wilder nói.


Ông ấy qua đời chưa đầy một tuần sau đó.


Wilder cho biết bệnh nhân này có huyết áp cao, làm xấu đi cơ hội sống sót của ông. Cô bảo cái chết của ông phản ánh điều kiện bất lợi tại khu phố này.


“Không có gì có thể cải thiện tình hình ngay cả khi UMC (United Medical Center - nơi bác sĩ Wilder làm việc) là một bệnh viện mới trị giá 20 tỷ đô la, điều đó không thay đổi những gì chúng tôi đang chứng kiến trong đại dịch COVID,” cô nói. “Đây không phải là một vấn đề liên quan đến ngành y. Đây là một vấn đề liên quan đến các yếu tố xã hội góp phần quyết định cho sức khỏe con người, tình trạng đói nghèo, và việc xã hội đẩy các cộng đồng này ra ngoài lề.”


Cả ba bác sĩ cho biết gần đây, mức tăng trưởng của số ca nhiễm COVID-19 chậm lại. Nhưng Wilder nói rằng với bản thân mình là người Da Đen, cô cảm thấy tâm lý mình bị đè nặng khi nghĩ về cái chết của George Floyd và nhóm người nào bị ảnh hưởng nặng nề nhất từ vi rút corona.


“Chúng tôi cần đồng minh. Chúng tôi cần người ở vị trí có quyền lực thấy được những con người ở đây và quyết định rằng đây là lúc để hành động,” cô nói.


Đó là lý do vì sao cô đi diễu hành cho công lý chủng tộc cùng với chồng cô và đứa con nhỏ của cô vào đầu tháng sáu. Tình cờ, Blanchard cũng tham dự cuộc biểu tình này, mang theo nước khử trùng tay và giơ cao bảng hiệu với dòng chữ “Sinh Mạng Người Da Đen Đáng Được Trân Trọng” trước Toà Bạch Ốc. Và Strudwick cùng vợ đi bộ ba dặm rưỡi từ nhà để dự cuộc biểu tình này.


Cả ba bác sĩ nói đại dịch này đã bộc lộ bất công chủng tộc kéo dài - và chỉ riêng ngành y thì không thể khắc phục được.


Translation by T. Nguyen

Copy edited by Nhan Nguyen

Comments


bottom of page