top of page

Đảng Cộng hòa sẽ đi về đâu?

Đảng Cộng hòa trông hoàn toàn thất bại ở mọi nơi mà Trump trực tiếp tiếp cận. Tuy nhiên, dưới các góc nhìn khác vẫn tồn tại sự sôi nổi của cánh hữu.


David Brooks ngày 7 tháng 8, 2020


Translated from New York Times article Where do Republicans go from here?


Johnathan V. Last cho rằng Tổng thống Trump sẽ tại vì mãi mãi. Ông Last là biên tập viên của The Bulwalk, một trang mạng bảo thủ không mấy thân thiện với Trump, lập luận rằng nếu thất cử vào tháng Mười một, Trump sẽ đổ thừa rằng thua vì bị gian lận. Ông sẽ buộc các đảng viên Đảng Cộng hòa phải ủng hộ cáo buộc đó. Ông sẽ có một chương trình truyền hình, xách động các cuộc biểu tình, và thậm thụt tái tranh cử vào năm 2024.


Trump vẫn sẽ là trung tâm của tất cả những gì Cộng Hoà. Các đảng viên Cộng hòa với nhiều tham vọng sẽ phải tự buộc mình với một đế chế đang hấp hối nếu vẫn còn muốn có tương lai với đảng. Nguyên cả đảng Cộng hòa sẽ trở thành cuồng Trump và sẽ bị bại não thêm bốn năm nữa.


Tôi bái phục Last vì ông đã đưa ra một viễn cảnh sau cuộc bầu cử 2020 thậm chí còn bi quan hơn cả tôi nghĩ!


Tiên đoán của tôi là nếu Trump thất cử kỳ này, hàng triệu đảng viên Cộng hòa sẽ cho rằng họ cũng chẳng ưa gì một gã thua cuộc và láo lếu như vậy. Trump sẽ bị họ quên lãng như họ từng làm với Sarah Palin. Nhưng có một thứ sẽ tồn tại, đó là chủ nghĩa Trump.


Quan điểm thế giới căn bản của Trump về vấn đề nhập cư, thương mại, chính sách đối ngoại, vv...vv… sẽ uốn nắn Đảng Cộng hòa cho nhiều chục năm tới, giống như quan điểm của Reagan trước đây. Hàng ngàn người bảo thủ sáng suốt hơn sẽ gầy dựng lại một đảng mới sau năm 2020, nhưng là một đảng được dựng lên dựa vào khuôn khổ mà Trump đã thiết lập.


Tôi cho rằng chủ nghĩa Trump sẽ tồn tại lâu dài hơn Trump bởi vì lịch sử của một Đảng Cộng hòa hiện đại là lịch sử của sự thay đổi về tư tưởng.


Nếu bạn lớn lên với những giá trị bảo thủ và trong thời đại của Đảng Cộng hòa vào những thập niên 1980 và 1990, bạn đã ít nhiều sống trong những luận thuyết của Ronald Reagan-Margaret Thatcher. Đó là sự giới hạn quyền lực của chính phủ, khuyến khích nền dân chủ toàn thế giới, xây dựng thị trường tự do năng động trong nước và trau dồi những cá nhân có đầy nhiệt tình, năng nổ, ngay thẳng, có đầu óc kinh doanh, có tư tưởng độc lập, trung thành với bạn và mạnh mẽ với thù.

Chính trị của Ronald Reagan tồn tại lâu hơn thời gian ông tại chức /credit Dirck Halstead/The LIFE Images Collection/Getty Images


Trong nhiều thập niên kế, giới bảo thủ rất hài lòng với mô hình đó. Nhưng sau nhiều năm, họ bắt đầu thấy những giới hạn của nó. Nó chống chính phủ đến nỗi không thể dựa vào chính phủ để giải quyết các vấn đề chung. Nó chú tâm đến việc đào tạo cá nhân tới nỗi không có một danh từ nào để thúc đẩy ý thức về cộng đồng cũng như trách nhiệm cá nhân trong tập thể. Thành ra, họ đã nhảy thoát khỏi mô hình của Reagan và cố tạo ra một mô hình bảo thủ mới hơn, cập nhật hơn.


Bước nhảy vọt của tôi đến khá sớm. Vào ngày 15 tháng 9 năm 1997, tôi và William Kristol đã viết một bài cho tờ Wall Street Journal về việc mà chúng tôi gọi là Chủ Nghĩa Bảo Thủ Vĩ Đại Quốc Gia (National Greatness Conservatism). Chúng tôi lập luận rằng Đảng Cộng hòa đã trở nên quá chống đối chính phủ. Chúng tôi đặt câu hỏi “Làm sao người dân Mỹ có thể yêu nước được nếu họ ghét chính phủ của họ?” Chỉ có sự tái xuất chủ nghĩa dân tộc mạnh mẽ của Alexander Hamilton, Henry Clay, và Theodore Roosevelt mới có thể cứu vãn được các dự án quốc gia đầy hoài bão, hạ tầng cơ sở, các chương trình liên bang nhằm gia tăng sự năng động của xã hội.


Cuộc tranh cử của ông John McCain vào năm 2000 được coi là gần với Chủ Nghĩa Bảo Thủ Quốc Gia Vĩ Đại nhất. George W. Bush đã đánh bại McCain với bước nhảy vọt của riêng mình, với Chủ Nghĩa Bảo Thủ Nhân Ái (Compassionate Conservatism). (Khi mà ai đó chêm thêm một danh từ hay một cụm từ để diễn giải “Chủ Nghĩa Bảo Thủ”, người đó đã làm một bước nhảy vọt.) đây là một nỗ lực để kết hợp giáo huấn xã hội Thiên Chúa Giáo với chủ nghĩa bảo thủ.

Ông John McCain trong cuộc vận động tranh cử năm 2000. Henry Ray Abrams/Agence France-Presse - Getty Images


Trong những thập niên qua cũng có nhiều người nhảy vọt. Nhóm đảng viên Cộng hòa Sam’s Club, do Reihan Salam và đồng nghiệp của tôi là Ross Douthat dẫn đầu, đã mở đường cho việc kết nối Đảng Cộng hòa với những mối quan tâm của tầng lớp lao động. Những đảng viên Cộng hòa vùng quê tán dương các cộng đồng ở thị trấn và địa phương. Các nhà Cải cách cố gắng dùng chính phủ để xây dựng nền tảng gia đình cũng như khu hàng xóm vững chắc. Trung tâm Niskanen là một trung tâm tư vấn cho những ai nhảy vọt qua từ chủ nghĩa tự do.


Hầu hết các chính trị gia chính gốc Đảng Cộng hòa đã bác bỏ những điều này. Họ đã bị mắc kẹt chủ yếu do từ quán tính ngu ngốc và sự mù quáng theo chủ nghĩa Reagan mặc dù ông mất đã lâu và ngay cả khi các vấn đề của quốc gia giờ đã hoàn toàn khác hẳn với những gì xảy ra khi ông còn sống. Năm này qua năm khác, các chính khách của Đảng Cộng hòa đã bám vào một mô hình đã chết, phát triển các chiến dịch tranh cử chống đối Washington và không hề có một triết lý điều hành tích cực nào khi họ đắc cử.


Bước nhảy vọt của Steve Bannon cuối cùng đã đạt được những gì không ai trong chúng ta có thể làm được. Donald Trump và Steve Bannon đã lật đổ mô hình của Reagan và áp dụng xu hướng bảo thủ bình dân - chủ nghĩa dân tộc dựa trên giai cấp - vốn đã bị bỏ trong một góc xó nào đó của phe cánh hữu.

Năm 2016, Steve Bannon cho thấy ông hiểu các động lực thúc đẩy cử tri Đảng Cộng hòa/credit Stephen Crowley/The New York Times


Bannon và Trump đã bắt trúng mạch của các cử tri Đảng Cộng hòa. Cả hai đều hiểu rằng bất bình và sợ hãi sẽ thúc đẩy được họ nhiều hơn là hy vọng và cơ hội. Nhiều đảng viên Đảng Cộng hòa cảm thấy họ bị đẩy ra khỏi đất nước của họ bởi tầng lớp trí thức, bởi chủ nghĩa đa văn hoá, bởi chủ nghĩa cực đoan phi tôn giáo.


Trong cuộc tranh cử năm 2016, Trump và Bannon đã từ bỏ cương lĩnh chính thống của Đảng Cộng hòa như cải cách quyền lợi, hạn chế ngân sách, tự do thương mại, cải cách nhập cư toàn diện. Cả hai đã đi theo chủ nghĩa bảo thủ máu-và-đất kiểu Âu Châu. Đóng cửa nhập cư. Đóng cửa giao dịch. Ta không có gì để cống hiến cho thế giới và ta phải tự bảo vệ chính ta.


Thật là thú vị nếu Trump lãnh đạo với một bộ máy chính quyền đồ sộ nhưng lại thiên về dân túy. Nhưng ông đã hất Bannon ra và giao quyền cho Jared Kushner cùng một đám các ông già vẫn còn mắc kẹt với mô hình của Reagan. Việc này mang đến nhiều cố chấp, bất tài, và cắt giảm thuế cho giới nhà giàu.

Tổng thống Trump cùng Jared Kushner tại Nhà Trắng năm 2017. Tom Brenner/The New York Times


Việc đánh đổ mô hình Reagan của Trump và Bannon đã mở đường cho rất nhiều chính trị gia của Đảng Cộng hòa thực hiện những bước nhảy vọt của riêng mình. Trong ba năm qua, thật thú vị khi chứng kiến một loạt người thuộc đảng Cộng hòa thoát ly khỏi những quan điểm chính thống cũ và bắt đầu những suy nghĩ mới. Bạn có thể thấy tầm mắt của họ đã được mở rộng: Đột nhiên tôi có thể tự suy nghĩ cho chính bản thân mình. Tôi thấy mình có nhiều cơ hội hơn mình nghĩ.


Sự tự do mới được khai phá của họ không đối nghịch ông Trump, nhưng vì tầm nhìn chính trị của vị tổng thống này không thực sự rõ ràng, trong mô hình của ông ấy vẫn có rất nhiều chỗ để khai triển.


Tương lai của Đảng Cộng hòa sau năm 2020, hậu Trump nằm trong những bước nhảy vọt đó. Và tương lai đó được đại diện bởi một nhóm nhỏ các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa độ tuổi 40, bao gồm Marco Rubio, Josh Hawley, Tom Cotton và Ben Sasse. Họ vào chính trường khi chủ nghĩa Reagan đã lỗi thời. Mặc dù theo chủ nghĩa dân túy, ba trong số họ có bằng cấp cao cấp từ Harvard hoặc Yale. Họ cũng không thân thiết với nhau mấy. Dù đoàn kết bởi một mục tiêu chung, họ lại bị chia rẽ bởi những tham vọng riêng.


Mỗi người đều có một viễn cảnh riêng trong đầu về hướng đi của đất nước, nhưng tất cả đều bắt đầu với những tiền đề nhất định của ông Trump:


Mọi chuyện đều không ổn. Thị trường tự do không hoạt động hiệu quả. Lương bổng thì trì trệ. Một thiểu số tập đoàn nắm trong tay quá nhiều quyền lực. Trung Mỹ đang ngày càng khó khăn. Nền kinh tế tư bản đang chao đảo. Xã hội Mỹ đang sa sút thảm hại. Nếu chủ nghĩa Reagan từng là “Hãy để mọi thứ tự do”, thì giờ đây là “Nắm lại để kiểm soát.”


Chủ nghĩa kinh tế tự do không phải là giải pháp. Chỉ riêng thị trường tự do là không đủ để giải quyết vấn đề của chúng ta. Tăng trưởng G.D.P thôi không phải là vấn đề quan trọng nhất về chính trị. Chúng ta cần những chính sách để tăng cường bảo vệ những đơn vị cốt lõi của xã hội như gia đình, hàng xóm, đức tin, quốc gia. Chúng ta cần những chính sách để xây dựng nên sự đoàn kết, không chỉ là tự do.


Tầng lớp lao động là trung tâm của Đảng Cộng hòa. Đã từng có một thời, những doanh nhân và chủ doanh nghiệp là trái tim trong viễn cảnh của Đảng Cộng hòa. Giờ đây, rõ ràng là đảng cần phải dừng chăm bẵm tầng lớp doanh nghiệp mà chuyển đổi trọng tâm sang những chủ cửa hàng, thợ sửa ống nước, người làm công ăn lương. Họ cần phải nhấn mạnh phẩm giá của lao động và tôn vinh những người không làm tiền triệu, không muốn được trợ giúp, mà chỉ muốn xây dựng cuộc sống của tầng lớp trung lưu trong một xã hội ổn định và trật tự. Ở Anh, Đảng Bảo thủ đã chiếm đa số nhờ dựa trên tầng lớp lao động và đó là những gì đảng Cộng hòa cần làm ở đất nước này.


Trung Quốc đã thay đổi mọi thứ. Sự trỗi dậy của một siêu cường độc tài 1.4 tỷ dân tương đương với việc họ sẽ không tuân thủ luật chơi của thị trường tự do. Chính phủ Hoa Kỳ không thể làm ngơ và để Trung Quốc nắm quyền kiểm soát những công nghệ tân tiến nhất. “Đảng Cộng hòa sẽ phải làm quen với ý tưởng rằng những chính sách liên quan đến công nghiệp được dùng để chống lại Trung Quốc,” theo lời ông Mike Gallagher, một ngôi sao đang lên của Đảng Cộng hòa, nói với tôi.


Tầng lớp quản lý đang phản bội nước Mỹ. Rất nhiều quan chức hậu Reagan có vẻ đang có xu hướng thiên tả. Nhưng những đảng viên Đảng Cộng hòa này rất sốt sắng sử dụng chính phủ để đối phó với tầng lớp quản lý. Giải pháp để kiềm chế quyền lực của các tập đoàn là không giao quyền cho Elizabeth Warren cùng những kẻ quản lý liên bang. Có sự khác biệt giữa trao quyền cho giới lao động và trao cho giới thượng lưu Washington.

Từ những cơ sở chung này, bốn thượng nghị sĩ đi theo các hướng khác nhau.

Thượng nghị sĩ Marco Rubio tán thành “chủ nghĩa tư bản lợi ích chung”.

Erin Schaff/ The New York Times


Tầm nhìn của Rubio dựa trên lý tưởng của ông trong việc giảng dạy xã hội Công giáo. Một năm trước, ông đã viết một bài luận cho First Things với tựa đề “Kinh tế học là gì” (What Economics Is For), lập luận rằng mục đích của thị trường không phải là để tăng trưởng mà là cho phép mỗi người nhìn thấy được nhân phẩm trong công việc mình làm.


Ông tiếp tục luận điệu đó với một bài phát biểu tại Catholic University - Đại học Công giáo kêu gọi “chủ nghĩa tư bản vì lợi ích chung” (hãy nhớ những gì tôi đã nói về việc sửa đổi các cụm từ), trong đó ông chỉ trích chủ nghĩa tư bản đương đại vì nỗi ám ảnh của nó tập trung vào việc tối đa hóa giá trị cổ đông.


Lập trường cơ bản của ông là chủ nghĩa tư bản Mỹ đã trở nên quá quan trọng về tài chính. Nó cần được cân đối với sản xuất. Ông cũng ủng hộ “chính sách công nghiệp thân Mỹ” để đáp ứng những thách thức từ Trung Quốc.


Hawley là người ủng hộ chủ nghĩa dân túy nhất trong nhóm. Niềm tin cốt lõi của ông là tầng lớp trung lưu Mỹ đã bị phản bội bởi giới thượng lưu, ở mọi cấp độ - chính trị, văn hóa, tài chính. Tầng lớp lãnh đạo hiện đại đặt tiêu chuẩn của mình trên toàn cầu hóa, chủ nghĩa vũ trụ - trong khi người Trung Mỹ có một tiêu chuẩn khác - gia đình, quê hương, cội nguồn, quốc gia. Giới thượng lưu của các tập đoàn đã tập trung được nhiều quyền lực đến mức giờ đây họ đã có thể đè bẹp được quần chúng.

Thượng nghị sĩ Josh Hawley nói rằng giới thượng lưu của Mỹ đã phản bội tầng lớp trung lưu. Doug Mills/ The New York Times


Tháng Mười Một năm ngoái, trong một bài phát biểu, Hawley đã tìm cách lật ngược chính sách đối ngoại 70 năm qua của Đảng Cộng hòa. Ông cho rằng cánh hữu đã sai lầm khi cố gắng truyền bá các tiêu chuẩn của Mỹ ra nước ngoài. Ông phát biểu: “Chủ nghĩa đế quốc vi phạm các nguyên tắc của chúng ta và nó đe dọa cá tính của chúng ta. Mục đích của chúng ta giờ đây phải là ngăn chặn chủ nghĩa đế quốc chứ không phải áp dụng nó; phải ngăn chặn sự thống trị chứ không phải nuôi nấng nó.”


Cotton tuy tầm nhìn chính trị kém phát triển hơn nhưng lại thuộc về phe “diều hâu." Cho dù đó là vấn đề về Trung Quốc, cánh tả, nhập cư hay Big Tech, Cotton đều có thái độ quá khích. Anh ta nhìn thấy một thế giới hỗn loạn và hay hướng đến những lựa chọn khó khăn nhất để tránh khỏi những đe dọa. Anh ta là kẻ thù lớn nhất của "quốc gia bị chê bai" như Trung Quốc. Ông ấy cũng muốn cắt giảm mạnh tình trạng nhập cư hợp pháp.

Thượng nghị sĩ Tom Cotton là một “diều hâu” kiêu cường.

Erin Schaff / The New York Times


Sasse là người có nhiều khuynh hướng xã hội nhất trong số được liệt kê. Là một người bị ảnh hưởng bởi nhà chính trị gia Tocqueville của Pháp, ông lưu ý rằng hầu hết những người Mỹ bình thường đều không bận tâm đến nền chính trị quốc gia. Tầm nhìn của ông tập trung vào các hiệp hội nhỏ - các tổ dân phố, đội bóng đá trung học, nhà thờ và trung tâm sinh hoạt cộng đồng - nơi mọi người tìm thấy niềm vui, sự thỏa mãn và cả những nguồn hỗ trợ lớn nhất cho họ. Ông nói, công việc của chính phủ là “tạo ra một khuôn khổ tự do có trật tự” để mọi người có thể biến gia đình và hàng xóm trở thành tâm điểm của cuộc sống của họ.


Ông cũng là người nghi ngờ chính phủ và chính trị nhất hiện nay. “Tôi nghĩ các chính trị gia đều là những kẻ phá hoại,” ông ấy nói với tôi qua cuộc điện thoại vào tháng trước. “Mục tiêu mà Đảng Cộng hòa làm là cố gắng thiêu rụi Đảng Dân chủ, cũng như Đảng Dân chủ muốn đốt cháy Đảng Cộng hòa. Đó là lý do tại sao có rất ít sự tin tưởng trong chính trị."

Thượng nghị sĩ Ben Sasse miêu tả các chính trị gia là những kẻ đốt nhà. Gabriella Demczuk for The New York Times

Đứng sau những nhân vật công chúng này là những tín đồ kiêm bình luận viên ủng hộ chủ nghĩa Cộng hòa của Tầng lớp Lao động mới, bao gồm Oren Cass, Henry Olsen, luật sư Vance, Michael Brendan Dougherty, Saagar Enjeti, Samuel Hammond, và Tucker Carlson.


Chẳng hạn như Cass đã lập ra viện nghiên cứu American Compass để thúc đẩy Đảng Cộng hòa đi trên con đường mà Trump đã vẽ ra. Từng là cố vấn cho Mitt Romney, Cass cho rằng các nhà kinh tế theo xu hướng thị trường tự do chú ý quá nhiều đến mức tăng trưởng G.D.P. cũng như sức tiêu dùng, trong khi hình thức tăng trưởng và ảnh hưởng của nó đến sự ổn định của các hộ gia đình mới là những thước đo quan trọng. Chính phủ nên xem mọi người là những nhà sản xuất tư nhân và tạo ra những loại công việc cho phép họ chứng minh được thực lực thông qua công việc.


Theo ông, kinh tế công nghiệp — sản xuất, giao thông vận tải, cơ sở hạ tầng — mới là cốt lõi của nền kinh tế bởi nó kiến tạo ra của cải trong thế giới vật chất. “Đầu tư vào nền kinh tế như hiện giờ đã hoàn toàn làm giảm giá trị trong việc tạo ra các sản phẩm,” ông nói với tôi trong một cuộc phỏng vấn gần đây. “Bạn có một nhà đầu tư mạo hiểm chỉ chú trọng vào các công ty phần mềm trong lĩnh vực công nghệ; trong khi dòng tài chính cổ phần tư nhân là về việc mua và kinh doanh các công ty.” Chính phủ cần tham gia vào “tiền phân phối" để dẫn hướng đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và cả những khu vực Trung Mỹ hiện đang bị bỏ hoang của đất nước.


Cass nói: “Lực lượng lao động Mỹ không thể thay đổi thành những gì nền kinh tế muốn. Chúng ta phải thay đổi nền kinh tế để những lao động Mỹ có cơ hội để thành công.”

Dòng người xếp hàng để tìm kiếm sự giúp đỡ giữa nạn thất nghiệp vào tháng Sáu ở tiểu bang Kentucky. Bryan Woolston/Reuters


Hiện tại, các phe phái khác nhau đang “ăn thua đủ" với nhau bằng những lời lẽ châm biếm trên Twitter. Tương lai dân trí của chủ nghĩa bảo thủ sẽ được tranh cãi tại một loạt các diễn đàn tại Trung tâm Nghiên cứu Xã hội, Văn hóa và Hiến pháp thuộc Viện Doanh nghiệp Hoa Kỳ do học giả Yuval Levin tổ chức. Levin mang họ đến với nhau vì “Mọi người nên nói chuyện với nhau, không phải về nhau.”


Levin cho rằng những quan điểm phổ biến thời hậu-Trump chú trọng quá nhiều về kinh tế. Ông lập luận rằng vấn đề cốt yếu không nằm ở kinh tế mà là xã hội: sự xa cách. Hàng triệu người Mỹ cảm thấy họ không có thể tin tưởng ai. Họ cảm thấy không ai giúp đỡ họ. Trump không phải là một giải pháp cho cho khác khao đoàn kết xã hội của họ, nhưng niềm khác khao đó có thể là một động lực tốt.


Levin nói: “Điều cần thiết không chỉ là mở rộng chủ nghĩa bảo thủ kinh tế tăng trưởng không chỉ ưu tiên cho gia đình, cộng đồng và quốc gia, mà còn mở rộng chủ nghĩa bảo thủ xã hội liên quan đến đạo đức tình dục và tự do tôn giáo để ưu tiên gia đình, cộng đồng và quốc gia. Liên minh có thể trở thành một lực lượng chính trị hùng mạnh nếu các cánh khác nhau của họ cùng hội tụ những ưu tiên này, mà mỗi bên không từ bỏ các mục tiêu lâu dài của mình.”


Đảng Cộng hòa trông hoàn toàn thất bại ở mọi nơi mà Trump trực tiếp tiếp cận. Tuy nhiên, dưới các góc nhìn khác vẫn tồn tại sự sôi nổi của cánh hữu. Nhưng nếu có một điều tôi đã học được trong nhiều thập kỷ, đó là đừng bao giờ đánh giá thấp sức mạnh tồn tại của mô hình chết Reagan.


Thời báo Wall Street Journal như một người bảo vệ xác sống cảnh giác, luôn muốn phản bác lại tất cả những người bất đồng chính kiến. Cựu đại sứ Liên Hợp Quốc Nikki Haley và Thượng nghị sĩ Pat Toomey của Pennsylvania là những người bảo vệ trung thành cho Chủ nghĩa Bảo thủ Chính phủ Tối thiểu. Thượng nghị sĩ Ted Cruz dường như đang định vị bản thân cho cuộc tranh cử tổng thống năm 2024, tìm cách ghép tất cả các phiên bản tiền-Trump và pro-Trump thành vũ khí cho bản thân.


Và nếu Joe Biden đánh bại Trump, và dường như khả năng xảy ra ngày càng cao, rất có thể đảng Cộng hòa sẽ từ bỏ bất kỳ tầm nhìn tích cực nào và quay lại trở thành một đảng chống chính phủ — một đảng phái phản đối bất cứ điều gì Biden đang làm.


Nhưng về lâu dài, một số phiên bản của Chủ nghĩa Cộng hòa của Giai cấp Lao động sẽ định nghĩa lại Đảng Cộng hòa vì đó là tầng lớp tập trung đại đa số cử tri. Khi đứng giữa ngã ba đường, các chính trị gia đảng Cộng hòa sẽ chọn cử tri của họ thay vì những nhà tài trợ của họ.


Thứ hai, tập trung vào tầng lớp lao động là cách duy nhất để không bị mất cử tri. Đảng sẽ thất bại nếu giữ khăng khăng nhóm cử tri Da trắng với trình độ trung học. Để sống sót với tư cách là một Đảng đa số, Đảng Cộng hòa phải xây dựng một liên minh đa chủng tộc giữa tầng lớp lao động của cácngười da trắng, cộng đồng gốc Tây Ban Nha và một số người Da đen.


Tuy nhiên, những cải cách này sẽ không hiệu quả trừ khi đảng Cộng hòa có thể ngừng thể hiện sự phân biệt chủng tộc của mình — ý tôi là họ phải ngừng theo về phía những kẻ phân biệt chủng tộc trong đảng và ngừng thể hiện bản thân và coi mình là đảng của người Da trắng — bên cạnh đó tiến hành cuộc đấu tranh giai cấp giữa những người lao động thuộc nhiều tầng lớp trong liên minh của họ cũng như những nhà quản lý trí thức và giới công sở trong liên minh Dân chủ.


Rubio, Hawley, Sasse và Cotton đang nhích dần đến Đảng Cộng hòa tương lai. Khả năng họ sẽ thành công là bao nhiêu? Dự đoán là dưới 50-50.


Người dịch: Duong Nguyen, Minhly Pham, Christina Vo

Biên tập: Paul Nguyen

Comments


bottom of page