Translated from the NY Times article This Is the Only Country My Mother Calls Her Own
Mẹ tôi nhập cư vào nước Mỹ vào năm 1989. Mùa hè này, giữa đại dịch và với đầy những bất ổn, lần đầu tiên mẹ tôi đi bầu cử.
Katherine J. Chen
Ms. Chen là tác giả của cuốn tiểu thuyết “Mary B.”
Ngày 2 tháng 9, 2020
Ran Zheng
Đối với mẹ tôi, câu chuyện bắt đầu từ trung tâm thương mại mà mẹ tôi làm việc, nơi bà sẽ lấy những quần áo mới ra từ thùng trong kho, treo lên giá, chờ để được bày bán. Đó là hồi tháng 3 khi người quản lý cửa hàng và những người đồng nghiệp đang trò chuyện với nhau gần mẹ tôi. Chủ đề của cuộc trò chuyện đó: những thông tin mới nhất về virus corona. Khi mẹ tôi, một người nhập cư từ Trung Quốc, tham gia vào cuộc trò chuyện buổi sáng hôm ấy, thì người quản lý đó đã nhìn vào mắt mẹ tôi và trả lời một cách lạnh nhạt: “Bà hẳn là biết rõ hơn bất kì ai trong chúng tôi cơ mà.” Khi đại dịch ngày một tồi tệ, tình cảnh mà mẹ tôi phải đối mặt ở nơi làm việc cũng ngày một tệ hơn.
Mỗi khi mẹ tôi bước vào căn phòng, tất cả mọi người đều kiếm cớ để chuồn ra khỏi đó, như đàn kiến bị vỡ tổ ở buổi dã ngoại. Những người đồng nghiệp mà mẹ tôi nghĩ rằng bà có mối quan hệ tốt với họ thì ném những chiếc thùng xuống đất và vào tường mỗi khi bà đi qua để cố ý làm mẹ tôi sợ hãi. Cuối cùng mẹ tôi cũng không đếm xuể được số lần khi bà ấy chào hỏi ai đó, giữ đúng khoảng cách giãn cách xã hội và đeo khẩu trang đầy đủ, chỉ để nhận lại những bóng lưng của sự im lặng. Mỗi ngày, vào đầu giờ chiều, mẹ tôi luôn trở về nhà với những câu chuyện mới. Kể cả khi mẹ tôi im lặng, là đứa con duy nhất của bà, tôi vẫn cảm nhận được sự bực bội và nỗi tức giận của mẹ. Mẹ tôi là một người phụ nữ mạnh mẽ. Người thiếu nữ Thượng Hải ấy vào năm 1989 đã bỏ lại sau lưng căn hộ một phòng tồi tàn của gia đình ở Trung Quốc để chạy trốn một cuộc sống không có ngày mai dưới bàn tay của Đảng Cộng Sản và chạy trốn khỏi người anh trai bạo hành - người đã làm cuộc sống của bà ấy và bố mẹ bà không khác gì địa ngục. Sự nghèo khó thuở ban sơ đã bồi dưỡng cho mẹ tôi một tính cách kiên cường và một tinh thần không ngại gian khổ. Tuy vậy, những điều ấy cũng chẳng đủ để giúp bà chuẩn bị cho đại dịch này. Mẹ tôi chịu đựng sự căm ghét và gây hấn một cách lộ liễu như một điều “bình thường mới”, bà cũng chịu đựng những lời nói mang đầy nỗi thù hằn từ vị tổng thống cùng những cố vấn theo phe ông trên những bản tin thời sự. Khi cái chết của George Floyd làm dậy lên những làn sóng trong cộng đồng chúng ta, cho dù chúng ta cũng chẳng phải là người Da Đen. Và khi mẹ tôi nhìn thấy con gái của George Floyd trên bản tin thời sự, bà ấy đã khóc. Là một người nhập cư, một người da màu, một người phụ nữ, một người không thông thạo tiếng Anh, và không có đủ kỹ năng và trình độ học vấn cần thiết để thăng tiến trong môi trường làm việc, thật sự dễ dàng để mẹ tôi cảm thấy rằng bà chẳng hề được quyền lên tiếng, ngay cả ở tại đất nước mà bà ấy đã tìm đến như một chốn bình yên. Cần phải có sự quyết tâm tuyệt đối và ý chí kiên định để sống và tồn tại qua từng ngày với sự tự hào và lòng tự trọng, khi những người khác chỉ chực chờ bào mòn sự tự hào và lòng tự trọng ấy với sự thù hận của họ. Vậy nên, tháng 6 vừa rồi, mẹ tôi đã làm một điều mà bà ấy chưa từng làm trong cuộc đời. Mẹ đã đi bầu cử. Tôi vẫn nhớ như in khung cảnh mẹ tôi đã mở cái phong bì bầu cử qua thư ở New Jersey bên chiếc bàn bếp, cẩn thận như một đứa trẻ đang kìm nén nỗi tò mò. Một tập sách mỏng được in khổ lớn dùng để hướng dẫn cách điền thông tin và cách chọn một ứng cử viên, và sau đó mẹ để tờ giấy đó vào một phong bì tách biệt riêng. Mẹ tôi làm điều này một cách chậm rãi, như thể bà ấy đang thực hiện một nghi lễ thiêng liêng, như thể bà ấy đang lắp ráp các bộ phận phức tạp trong những chiếc đồng hồ đắt tiền như những người thờ làm đồng hồ lành nghề. Mẹ không nói với tôi rằng bà đang có ý định bỏ phiếu, nhưng mẹ để dành việc mở phong bì và điền phiếu cho khoảnh khắc yên bình nhất trong ngày: sau bữa cơm tối, khi chén dĩa đã được rửa sạch, và quần áo đã được gấp lại và cất đi. Mẹ chỉ gọi tôi một lần để hỏi, “Từ ‘municipal’ (cấp thành phố, thị trấn) có nghĩa là gì?” Và khi tôi lúng túng tìm bản dịch tiếng Trung, bà nói, “Thôi không sao,” và lấy một quyển từ điển Anh-Trung cũ nát từ trong ngăn kéo ra để tra cứu. Mẹ đã hoàn thành quá trình bỏ phiếu một cách lặng lẽ gần như khi bắt đầu. Sau khi phong bì thứ hai được dán kín, bà thay chiếc váy ngủ bằng chiếc áo thun, quần đùi và dép. Sau đó, bà đeo khẩu trang đi xuống sảnh của tòa nhà chung cư để bỏ phiếu vào hòm thư. Và bà quay trở lại, cũng lặng lẽ như thế. Tuy nhiên, tôi có thể cảm nhận được sự trang trọng của khoảnh khắc này, sức nặng trong không khí, sự biến chuyển nhẹ nhàng như cảm giác giật mình khi một giọng nói vang lên, khi tất cả những từ ngữ được viết hoa một cách trân trọng trong ngữ vựng tiếng Anh - Sự Thật, Hy Vọng, Tự Do - dường như cựa quậy trong khoảnh khắc, và thức tỉnh sau cơn mê dài. Mẹ tôi đã nói với tôi rằng đây là quốc gia duy nhất mà bà nhận thức và gọi là nhà, ngay cả khi, trong những tháng gần đây, những chuyến đi vốn không có gì phức tạp đến cửa hàng tạp hóa và trung tâm mua sắm địa phương đã trở thành những buổi rèn luyện sự kiên nhẫn và sự bền bỉ. Đây là đất nước của mẹ, nơi mà mẹ đã sống và gắn bó trong hơn 30 năm. Bà sống một cuộc đời đơn sơ; bà không có tham vọng, không có khát vọng nào lớn hơn là có nơi ăn chốn ở và một việc làm ổn định Mẹ tôi đã dạy và làm gương cho tôi những điều này: Những lời xúc phạm, sự đau lòng, sự bất công và nguồn gốc sâu xa của chủ nghĩa kỳ thị có hệ thống đã bám rễ sâu vào đất nước này, không thể xóa bỏ hay phủ nhận cơ hội để thay đổi hàng ngày, thậm chí hàng giờ, vốn dĩ thấm sâu và là một phần của sự chắp vá phức tạp của đất nước này ngang bằng với lịch sử đầy thù hận và đẫm máu của nó. Chúng ta phải cố gắng đừng quên điều đó, dù có khó khăn đến đâu. Mẹ tôi vẫn chưa quên, và lần đầu tiên trong đời, bà không còn thu mình vào trong đám đông những người không có tiếng nói ở quốc gia này. Mẹ đã đi bầu, và đến tháng 11 này, mẹ sẽ đi bầu lần nữa.
Người dịch: Khanh Doan, Khoa Le, and Chloe
Biên tập: Khanh Doan & Khoa Le
Kommentare