top of page

Dòng chảy lịch sử nhân vật nữ anh hùng người Châu Á trên màn ảnh Hollywood

Translated from Nerdist's article THE EVOLUTION OF THE ASIAN HEROINE IN HOLLYWOOD

By Laura Sirikul, on 21-07-2021



Màn ảnh Hollywood vốn luôn khắt khe với những vai diễn người Mỹ gốc Á. Chỉ 5 năm trước, buổi lễ trao giải Oscars đã cho ba trẻ em gốc Á ăn mặc như kế toán của công ty PricewaterhouseCoopers để bêu riếu người gốc Á. (Lễ trao giải thưởng này châm biếm người Á qua khuôn mẫu rằng người Á sẽ giỏi toán và đi lắp ráp iPhone.) Chỉ gần đây thôi ta mới chứng kiến được những bước tiến lớn trong công cuộc đem tới nhiều gương mặt châu Á trên màn ảnh hơn. Sự thành công của phim Crazy Rich Asians vào năm 2018 được coi là bước mở đường cho các kịch bản về người Á trên màn ảnh hay trên truyền hình được thủ vai và/hoặc được đạo diễn bởi người Á kiều. Với lời hứa hẹn sự đa dạng và hoà nhập, các trường quay đang dần nhận ra thế mạnh của những dự án phim được điều hành bởi người châu Á - những công trình đã giúp gia tăng sự xuất hiện của các vai diễn Á trên màn ảnh từ năm 2014. Tuy nhiên, chất lượng của những vai diễn hiện có dành cho người gốc Á mới thực sự là vấn đề chính ở đây. Nhất là đối với phụ nữ Á, bởi hình ảnh của họ luôn bị gán với sự gợi dục phản cảm hoặc nhân vật hồng nhan hoạ thuỷ.


Lịch sử của những hình ảnh truyền thông độc hại

Kể từ những ngày đầu trên màn ảnh Hollywood, phụ nữ Á bị chia thành hai hình mẫu gợi dục. Hình mẫu Bông Sen/Búp Bê Trung Hoa đã thắt chặt quan niệm rằng phụ nữ Á mong manh và dễ bảo. Góp phần lớn trong việc duy trì lâu dài hình mẫu này là Full Metal Jacket (1987), một bộ phim xoay quanh chiến tranh Việt Nam và được giới phê bình đánh giá cao. Trong phim này, một cô gái mại dâm người Việt nói với toán lính Mỹ: “Em hứng quá. Em yêu các anh từ rất lâu rồi.” (Nguyên tác: “Me so horny. Me love you long time.”) Lời thoại này đã được dùng trong bài “Me So Horny” của nhóm 2 Live Crew, và bài ”Baby Got Back" đình đám của nhóm Sir-Mix-a-Lot năm 1992. Lời thoại này cũng được nhắc đến rong cảnh quay của các phim The 40-Year-Old Virgin, South Park, Family Guy, và một số tựa khác. Theo truyền thống, nếu hình tượng phụ nữ Á trên truyền thông không là Bông Sen thì sẽ là Long Nương. Hình mẫu này mô tả những người phụ nữ Á là xảo quyệt và nguy hiểm. Trước giờ, hình mẫu này đã gắn liền với nữ diễn viên Anna May Wong, người đóng vai mỹ nhân xảo quyệt trong phim The Thief of Baghdad(1924) và Daughter of the Dragon (1931). Hàng thập kỷ sau những vai diễn của Wong, Hollywood vẫn không rút kinh nghiệm từ lỗi lầm của họ. Một ví dụ là giai đoạn khởi nghiệp của diễn viên Lucy Liu. Từ những năm 90 đến những năm 2000, cô ấy phải chịu diễn những vai lạnh lùng, kiểm soát tình dục như vai Ally McBeal và phim Kill Bill của đạo diễn Quentin Tarantino. (Tuy nhiên, Liu đã lên tiếng bảo vệ cho phim Kill Bill.) May thay khi sự nghiệp của cô càng phát triển, Liu tìm được vai diễn phù hợp với mình trong phim Charlie’s Angels, Elementary, và Why Women Kill—những thước phim không do sắc tộc của cô mới thành công. Sự chuyển mình chậm chạp của tính đại diện trên phim ảnh Một nghiên cứu gần đây của Tiến sư Nancy Wang Yuen, Tiến sư Stacy L. Smith, và Viện Sáng kiến Hòa nhập Annenberg của Đại học Southern California đã đánh giá những nhân vật chính và có lời thoại người Châu Á và đảo Thái Bình Dương (API) trong 1300 phim đạt tổng doanh thu cao nhất từ 2007 đến 2019. Nghiên cứu này cho thấy trong 51,159 diễn viên có lời thoại, chỉ 5.9% là người API, trong khi dân số Mỹ người API trên thực tế là 7.1%. Báo cáo cũng cho thấy những vai diễn này vẫn rất rập khuôn, thường rơi vào các vai diễn phụ mang tính biểu trưng, từ trợ lý cho đến kẻ xấu. “Mọi người thường hỏi tôi liệu sự đại diện của người Mỹ gốc Á/ Thái Bình Dương có đang cải thiện hay không,” Yuen phát biểu trong một cuộc thông cáo báo chí liên quan đến nghiên cứu trên. Bà là Phó giáo sư tại Đại học Biola và tác giả cuốn Reel Inequality: Hollywood Actors and Racism (tạm dịch: Thước phim Bất bình đẳng: Diễn viên Hollywood và Phân biệt chủng tộc). Bà nói tiếp: “Không may thay, khi sự đại diện chỉ mang tính hình thức, Hollywood hầu như chẳng màng tới việc hòa nhập nhóm thiểu số là bao. Vào năm 2019, 30% các vai chính hoặc thứ chính người API đều là diễn viên API duy nhất hoặc không tương tác với bất cứ diễn viên API nào khác trên màn ảnh.” Những khuôn mẫu này có những hậu quả lâu dài liên quan đến cách xã hội thực nhìn nhận phụ nữ Mỹ gốc Á. Kẻ xả súng trong một tiệm spa ở Atlanta năm 2021 khiến 8 người tử vong (trong đó 6 người là phụ nữ gốc Á) nói rằng chứng cuồng dâm đã thôi thúc hành động này. Điều này khẳng định hơn quan niệm rằng phụ nữ châu Á đã bị gắn chặt với các hình mẫu gắn liền với sự tình dục hoá quá độ. Với tỷ lệ tội ác vì thù ghét nhắm đến người Mỹ gốc Á ngày càng tăng, Tổ chức Stop AAPI Hate báo cáo rằng phụ nữ Á dễ trở thành nạn nhân bị tấn công vì thù ghét gấp hai lần nam giới. (Phụ nữ chiếm 68% những vụ tội ác vì thù ghét người châu Á được trình báo.) Tuy nhiên, rất nhiều báo cáo cho thấy sự chuyển mình chậm chạp trong tính đại diện trên truyền hình và phim ảnh. Giữa năm 2018 và 2019, Viện Sáng kiến Hoà nhập Annenberg của ĐH Southern California đã được Netflix uỷ thác một cuộc nghiên cứu để duyệt lại nội dung kịch bản của họ để thực hiện cam kết nỗ lực hòa nhập chủng tộc. Bài nghiên cứu cho thấy diễn viên chính/ đồng diễn viên chính người Á lần lượt chiếm 4% và 7% các dàn diễn chính, tức đang tiến tới tỷ lệ đại diện tương xứng với dân số thực. Tương tự, báo cáo Boxed In mùa 2019-2020 của Trung tâm Nghiên cứu Phụ nữ trên Truyền hình đã nghiên cứu các hệ thống truyền hình, các kênh truyền hình cáp cơ bản và cao cấp, và các dịch vụ phát trực tuyến cho thấy phụ nữ Á chiếm 8% những diễn viên nữ chính trên màn ảnh, tăng 1% so với mùa trước đó. Báo cáo về sự đa dạng trong phim Hollywood năm 2021 của ĐH UCLA đã khảo sát 185 phim được phát hành tại rạp và các nền tảng xem phim năm 2020. Kết quả cho thấy số vai diễn Á đang gia tăng gần đến con số đại diện cho dân số Mỹ, trong đó số vai nữ đang xấp xỉ hoặc vượt qua số vai nam. “Tôi nghĩ điều này rất triển vọng,” Tiến sĩ Ana-Christina Ramón, Giám đốc Điều hành Ban Nghiên cứu và Hoạt động Dân sự của Khoa Khoa học Xã hội tại ĐH UCLA, chia sẻ với Nerdist: “Đối với phim truyền hình, có thể thu hẹp khoảng cách trong khoảng thời gian ngắn như 6 hoặc 9 tháng. Nhưng đối với phim điện ảnh, sẽ phải mất ít nhất 1 đến 3 năm. Vậy nên tôi thấy có rất nhiều tiềm năng và sẽ có nhiều nhân vật đại diện hơn. Và không chỉ là có thêm nhiều dự án được tài trợ bởi người Mỹ gốc Á mà còn được đạo diễn hoặc sản xuất bởi người Mỹ gốc Á.” Danh sách những dự án tiềm năng Hình ảnh phụ nữ Châu Á trên truyền thông bắt đầu có sự thay đổi. Các bộ phim dài tập và chiếu rạp đã thổi hồn vào tuyến nhân vật này. Chỉ trong hai năm vừa qua, những tựa phim như The Half of It, The Farewell, Always Be My Maybe, Shadow and Bone, Never Have I Ever, PEN15, Kung Fu, Plan B, Devs, Nora from Queens, The Babysitter’s Club, bộ ba phim To All The Boys và Killing Eve đã đa dạng hóa chân dung của những cô gái gốc Á, không còn giới hạn con người họ trong khuôn khổ sắc tộc. Những bộ phim như Never Have I Ever, PEN15, The Half of It và To All The Boys đều xoay quanh những cô gái trẻ trên hành trình chấp nhận tính dục của bản thân. Thay vì đi theo những lối mòn từ trước, những người phụ nữ này làm chủ những “cuộc phiêu lưu tình ái” theo cách của riêng họ. Thoạt tiên, Lara Jean Covey (Lana Condor thủ vai) trong bộ To All The Boys của Netflix có vẻ theo hình tượng Bông Sen. Ban đầu cô trốn tránh thừa nhận những mơ mộng lãng mạn của mình khi những lá thư của cô đến tay những chàng trai cô từng thầm yêu. Nhưng rồi, nội tâm Lara Jean trở nên có chiều sâu hơn, phá tan khuôn mẫu ban đầu khi dần lấy được sự tự tin qua ba mùa phim. Lara Jean đã cho phép phụ nữ Châu Á trở thành nhân vật chính trong một câu chuyện tình, vượt khỏi cái bóng quân sư. Hơn nữa, sự thành công của series này đã “bật đèn xanh” cho hàng loạt những câu chuyện khác của thiếu nữ da màu xuất hiện. Plan B của Hulu cũng có điểm tương đồng với To All the Boys, trong đó nhân vật chính là một thiếu niên ở vùng Trung Tây gốc Nam Á kiểu mẫu có vẻ ngượng ngùng và chăm học. Tuy nhiên, Sunny (Kuhoo Verna thủ vai) đã đi ngược lại định kiến khi giống như nhiều thiếu niên dậy thì khác, cô cũng thủ dâm và qua đêm với người khác sau khi say xỉn tại một bữa tiệc. Trong Never Have I Ever và PEN15, các nhân vật chính đều phải đối mặt với những thách thức tuổi mới lớn. Họ trải qua nhiều tình huống đáng xấu hổ để tìm được chỗ đứng của bản thân và trở thành những nhân vật có chiều sâu hơn. Kung Fu của đài CW, bản làm lại của bộ phim võ thuật bị tẩy trắng năm 1972, đã đưa diễn viên Olivia Liang trở thành nữ chính của dự án có dàn diễn viên chủ đạo là người Châu Á đầu tiên trên sóng truyền hình. Dù tập trung nhiều vào võ thuật, Kung Fu vẫn khai thác những khía cạnh khác của nhân vật ngoài cảnh đấu võ. Hầu hết các nhân vật đều mang gốc Á, tạo ra nhiều nét tính cách để khán giả dễ liên hệ. Trả lời phỏng vấn cho tờ The Nerds of Color, Liang chia sẻ: “Điều này có thể gây hoang mang vì trong ngành giải trí, chúng tôi luôn chỉ xuất hiện trong im lặng, đấm đá vài cú rồi biến mất. Đúng, trong phim vẫn có võ thuật, nhưng lúc này điều đó được hợp lý hóa vì khán giả đã làm quen với tuyến nhân vật. Chúng ta hiểu họ đang đấu tranh cho điều gì.” Kung Fu cũng có sự góp mặt của giám đốc sản xuất kiêm đồng đạo diễn Christina M. Kim, người thấu hiểu được những sự rập khuôn với người Châu Á. Tại buổi hỏi đáp của Kung Fu với tổ chức CAPE, cô nói: “Khi bắt tay vào làm bản mới, tôi coi việc tái thiết lập kịch bản rất quan trọng. Nhân vật chính phải do một người [Mỹ] gốc Á vào vai. Thứ hai, tôi muốn tạo nên một nữ chính mạnh mẽ. Tôi đã rất háo hức được đưa dự án vào bối cảnh hiện đại và đại diện cho [hình ảnh người Châu Á quen thuộc với tôi].” Ramón đồng ý rằng khi những người thuộc sắc tộc thiểu số như Kim được đứng sau hậu trường, các bộ phim sẽ có thêm chiều sâu, cả về nhân vật lẫn nội dung. “Chỉ có mặt trên màn ảnh thôi là chưa đủ,” Ramón đánh giá. “Sự xuất hiện sẽ có sức nặng khi bản thân êkip tạo ra nó cũng chưa được nhìn nhận một cách xứng đáng.” Vài năm gần đây, Jess Ju, Giám đốc Dự án và Vận hành của CAPE, đã tìm được rất nhiều nội dung đặc sắc do những người Mỹ gốc Á tạo ra. Cụ thể hơn, cô quan tâm tới những dự án do phụ nữ viết và dàn dựng, có phụ nữ vào vai chính và qua đó thách thức những định kiến. “Never Have I Ever [viết bởi Mindy Kaling và Lang Fisher] được ra mắt đầu năm 2020 và trở thành bộ phim được quan tâm nhất trên Netflix,” cô phân tích với tờ Nerdist. “Câu chuyện tuổi mới lớn xuất sắc này có lấy một vài mô-típ lặp lại như cô nữ chính cố quá và thuộc dạng thiểu số điển hình. Dù vậy, cô cũng vô cùng vụng về, mặt dày và dũng cảm. Cô giữ mối quan hệ phức tạp nhưng tình cảm với gia đình mình và đối mặt với những trải nghiệm ‘ai rồi cũng có’ như sự nuối tiếc hay chuyện tình dục theo hướng vô cùng hài hước. Tiếp theo có thể kể đến bộ phim The Half of It của biên kịch/đạo diễn Alice Wu. Elle [Leah Lewis thủ vai] dù vẫn là nàng mọt sách nhưng kịch bản còn là hành trình mở lòng của cô với xu hướng tính dục, đồng thời là câu chuyện tuyệt đẹp về tình yêu lãng mạn lẫn tình yêu bạn bè. Tôi nghĩ điều đó đã đã thật sự chạm tới khán giả.” Tương lai cho phụ nữ người Mỹ gốc Á trên màn ảnh

Chúng ta vẫn còn một chặng đường dài khi nhắc tới sự đại diện và quyền bình đẳng dành cho những câu chuyện về người gốc Á. Nhiều dự án phim vẫn còn mang những tư tưởng tiêu cực, ví dụ như nhân vật Mindy của diễn viên Hàn kiều Ashley Park trong Emily in Paris, một tiểu thư Đại lục giàu có, cổ xúy cho hình ảnh “đàn bà Châu Á nào cũng như nhau." Trong bộ phim The Boys, nhân vật chủ chốt Kimiko (Karen Fukuhara đóng) vẫn lựa chọn làm Bông Sen và nhẫn nhục chịu đựng dù có năng lực siêu nhiên; một quyết định khiến đạo diễn Eric Kripke sau đó cảm thấy tiếc nuối. Vấn đề còn lan sang sự xóa sổ người Châu Á khỏi màn ảnh: Girls5eva, một trong những series của Peacock, đã nhanh chóng giết bỏ nhân vật gốc Á duy nhất của mình (cũng do Ashley Park thủ vai). Ở mảng truyền hình, sắp tới sẽ có một số diễn viên Châu Á làm nữ chính với những vai diễn nặng đô hơn. Trong bộ phim mới The Cleaning Lady của đài FOX, Elodie Yung vào vai một bác sĩ người Cam-pu-chia tới Mỹ để tìm cách cứu chữa cho đứa con trai ốm yếu. Hoàn cảnh đưa đẩy cô vào làm người quét dọn cho một tổ chức tội phạm, khiến cô phải dùng tới trí thông minh cùng kỹ năng để thâm nhập vào thế giới ngầm. Diễn viên Maggie Q sẽ là đồng nữ chính của hài kịch một góc máy Pivoting trong vai một bác sĩ quyết định “đổi đời” với một lĩnh vực mới toanh. Dịch vụ Disney+ sẽ chuẩn bị giới thiệu hai bộ phim có người Mỹ gốc Á thủ vai chính do Marvel Studios sản xuất. Hailee Steinfield, diễn viên có dòng máu Philippines, sẽ hóa thân thành nhân vật Kate Bishop, “đệ tử” của Clint Barton (Jeremy Renner) trong series Hawkeye. Trong bộ Ms. Marvel, diễn viên gốc Pakistan Iman Vellani sẽ thủ vai Kamala Khan – một thiếu niên đạo Hồi người Mỹ gốc Pakistan hâm mộ Captain Marvel và có năng lực thay đổi kích cỡ và hình hài cơ thể theo ý muốn. Ở mảng điện ảnh, trong năm nay sẽ có năm nữ diễn viên Châu Á góp mặt vào các “bom tấn” bao gồm bộ phim Gunpowder Milkshake vừa được công chiếu (Michelle Yeoh), Eternals (Gemma Chan, người được đặt ở vị trí chính của poster), Shang-Chi and the Legend of the Ten Rings (Akwafina) và The Matrix 4 (Priyanka Chopra và Jessica Henwick). Ju đánh giá: “Chúng ta cần nhớ rằng một vài vai diễn theo hướng tích cực hay phá cách sẽ không dỡ bỏ được hơn 150 năm phụ nữ Châu Á bị tình dục hóa. Hình ảnh khêu gợi quá độ này là một chiến lược hợp thức hóa hành vi hung bạo trắng trợn và gây ảnh hưởng tới vị thế của phụ nữ Châu Á trên đất nước này, dù là có chủ đích hay âm thầm.” Ju nhìn nhận sự thay đổi tích cực và mong rằng những người phụ nữ gốc Á sẽ sớm có được những câu chuyện trọn vẹn và thể hiện rõ con người họ. “Chúng tôi chỉ muốn nhân vật của mình có chiều sâu mà thôi.” Với số lượng diễn viên nữ gốc Á được nhận vai chính/đồng vai chính tăng lên và tỉ lệ thuận với cường độ xuất hiện, sự đại diện và quyền bình đẳng dành cho những câu chuyện tô đậm “tính người” của cộng đồng này đang được nhân rộng. Những sản phẩm đang và sắp được ra mắt, đặc biệt là do êkíp người Mỹ gốc Á thực hiện, nhấn mạnh vào tính tự chủ và xây dựng những câu chuyện vượt xa khuôn khổ sắc tộc. Chậm nhưng chắc, phụ nữ gốc Á đang dần trở thành nhân vật chính trong câu chuyện của mình, nhưng quá trình này sẽ còn được đẩy nhanh hơn nữa nếu có thêm cơ hội cho họ.


Người dịch: Linh Nguyen & Phuong Dang

Biên tập: Ren Dinh

Comentários


bottom of page