top of page

Giải mã văn hóa cưỡng hiếp

Định nghĩa văn hoá cưỡng hiếp và cách ngăn chặn nó.


Jordyn Haime, ngày 1 tháng 10, 2020


Translated from UNH Today article Deconstructing Rape Culture

Văn hoá cưỡng hiếp – một cụm từ bạn có thể nghe tới nhưng không thực sự biết nghĩa của nó. Cho đến khi khi bạn hiểu văn hóa cưỡng hiếp là gì, thì thật khó để nhận biết các dấu hiệu của loại văn hóa này. Nhiều người thậm chí còn phủ nhận rằng chúng ta đang sống trong văn hóa cưỡng hiếp, và đổ lỗi cho sự quá khích của các blogger theo chủ nghĩa nữ quyền – như tôi đây. Tôi hôm nay sẽ giải thích văn hóa cưỡng hiếp là gì, bằng cách nào mà chúng ta lại đang sống trong thứ văn hóa ấy, và những gì bạn cần làm để đối phó với nó. Bước đầu tiên phải là am hiểu và nhận diện được nó.


Văn hóa cưỡng hiếp được định nghĩa bởi Trung tâm Phụ nữ tại Đại học Marshall (Women's Center at Marshall University) là “một môi trường cho phép nạn cưỡng hiếp và xâm hại tình dục được bình thường hóa và được miễn trừ trong các phương tiện truyền thông và văn hóa đại chúng. Văn hóa cưỡng hiếp được duy trì qua việc sử dụng “ngôn ngữ áp bức phụ nữ” (misogynistic language), sự vật thể hóa cơ thể phụ nữ, và sự tán tụng nạn quấy rối tình dục, từ đó tạo ra một xã hội coi thường quyền lợi và sự an toàn của phụ nữ.


Văn hóa cưỡng hiếp đang ở xung quanh ta. Nó là người đàn ông mặc trang phục Halloween in chữ “ bác sĩ phụ khoa” (gynecologist, người thường tiếp xúc với vùng kín của phụ nữ trong chăm sóc ý tế) trong hành lang ký túc xá vào năm đầu đại học. Nó là đứa bạn cùng lớp mà đã nói rằng nó vừa bị “cưỡng dâm” bởi bài thi. Nó hiện hình trong biển hiệu “bỏ lại con gái cô chú ở đây” trước một câu lạc bộ sinh viên nam ở đại học. Nó là câu nói “con nhỏ đó muốn vậy mà” chỉ vì cách “con nhỏ đó” ăn mặc hay vì cô ấy đã quá chén. Nó là khi Louis C. K. quay lại hành nghề chỉ sau một án phạt ngắn hạn. Nó là bài hát “Blurred Lines” của nhạc sĩ Robin Thicke (với những câu từ như “Gái ngoan, anh biết em muốn làm"). Nó là khi người đàn ông trong một vở hài kịch lãng mạn đã lén theo dõi nạn nhân của hắn đến khi hắn “đạt được” sự chú ý của cô ấy. Nó là đoạn băng ghi âm của ngài đương kim tổng thống nói về việc nắm lấy cái l*n của phụ nữ và làm bất cứ điều gì ông ta muốn, nhưng lại được thế giới miễn bỏ như một cuộc trò chuyện vô thưởng vô phạt giữa cánh đàn ông. Nó là một quốc gia vẫn còn tranh luận về việc có nên tin vào lời tố cáo cưỡng hiếp của một người phụ nữ đối với một người đàn ông chuẩn bị trở thành một Thẩm phán Tối cao của Hoa Kỳ. Nó là một văn hóa của việc đổ lỗi cho nạn nhân và sự bất công trong một hệ thống pháp lý mà luôn đặt nặng tương lai của kẻ hiếp dâm thay vì đếm xỉa vào sang chấn cả đời của nạn nhân bị tấn công tình dục.


Hãy cùng xem một ví dụ gần đây của văn hóa cưỡng hiếp: vụ án của Brock Turner, kẻ hiếp dâm từ Stanford. Vào năm 2015, Turner, vốn là một vận động viên bơi lội ở Đại học Stanford, đã cưỡng hiếp một cô gái đang bất tỉnh sau một bãi rác tại một bữa tiệc. Vụ việc được chứng kiến bởi hai học sinh đi ngang qua và đã can thiệp. Cô gái ấy hoàn toàn không nhớ bất cứ những gì đã xảy ra với mình.


Dan A. Turner, bố của hung thủ, đã lý lẽ trong một bức thư rằng con trai ông chỉ nên chịu án tù treo vì “cuộc sống thằng bé sẽ không bao giờ trở thành những gì nó đã mơ ước và chăm chỉ đạt được… đó là cái giá quá đắt cho một hành động kéo dài chỉ 20 phút mà một thằng bé mới sống hơn 20 năm phải trả suốt đời.” Ngoài thư của bố Turner, thẩm phán cũng nhận được hàng tá các lá thư khác biện hộ cho Turner. Trong một lá thư, cựu công tố viên Margaret M. Quinn nói rằng, “Không có gì đáng tranh cãi về việc Brock đã phạm sai lầm đêm đó – anh ta đã phạm sai lầm khi quá chén đến độ mà không thể nhận thức được rằng cô gái đó đã quá say. Tôi biết Brock không đến bữa tiệc đó với ý định tổn thương hay dụ dỗ bất kỳ ai.” Qua đó, bà Quinn đã kêu gọi những án phạt khác ngoài án tù cho Turner.


Như thể việc xâm hại tình dục nên được miễn bỏ như là “20 phút hành động” vì cuộc đời hung thủ quan trọng nhường nào. Như thể sự say xỉn có thể biện hộ cho sự xâm hại tình dục như là một “lỗi lầm” mà không cần hình phạt thích đáng nào. Như thể anh ta sẽ không làm điều như vậy một lần nữa. Bức thư đó của bà Quinn đã được thẩm phán đọc qua, và người đó đã cho Turner một bản án 6 tháng thay vì 14 năm. Turner đã chịu chỉ 3 tháng tù và rồi còn được cho ra tù sớm.

Khác với phần lớn các vụ xâm hại tình dục khác, đây là một vụ án hội tụ mọi yếu tố cần thiết: nhân chứng, bằng chứng, một nạn nhân rõ ràng và một hung thủ. Nhưng ngay cả vậy, một kẻ hiếp dâm vẫn được thiên vị trong tòa. Trong bản án gốc của Turner, thẩm phán đã âu lo rằng một bản án khắc nghiệt hơn sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến anh ta. Không có gì lạ khi Mạng lưới quốc gia về Xâm hại tình dục và Loạn luân (RAINN) ước tính rằng chỉ dưới 1% số thủ phạm phải chịu án tù, và 2 trong 3 vụ xâm hại tình dục không được báo cáo đến cảnh sát. Những trường hợp như Turner đã khiến các nạn nhân xâm hại tình dục không đủ can đảm để vùng dậy và báo cáo khi họ bị tấn công . Đây chính là văn hóa cưỡng hiếp; nó ép buộc nạn nhân giữ im lặng.


Thật đáng buồn khi văn hóa cưỡng hiếp vẫn còn phổ biến trong xã hội chúng ta. Nhưng một khi chúng ta có thể nhận thức được nó, chúng ta có thể bắt đầu lột tả nó. Trước tiên, điều quan trọng nhất bạn có thể làm là tin lời nạn nhân. Lên tiếng phản đối văn hóa cưỡng hiếp khi bạn nhìn thấy nó; tuyên truyền về văn hóa cưỡng hiếp như một thứ đi ngược với các chuẩn mực xã hội. Hãy trò chuyện với những người xung quanh về văn hóa cưỡng hiếp, và lên tiếng chỉ trích những câu đùa cợt về xâm hại tình dục. Sẽ mất một thời gian để văn hóa cưỡng hiếp – một thứ văn hoá cũng đậm chất Mỹ như là món bánh táo (apple pie)– được hoàn toàn xóa bỏ. Nhưng khi ngày càng có nhiều nạn nhân vùng dậy với những câu chuyện của họ, và khi sự chú ý từ truyền thông và công chúng tiếp tục gia tăng, chúng ta có thể đạt đến đó – từng bước một.


Translation by Nhi Nguyen

Edited by Cookie Duong

Commentaires


bottom of page