Translated from NPR's article How Ivermectin Became The New Focus Of The Anti-Vaccine Movement
By Pien Huang, on 19-09-2021
Dr. Bristow nói: “Mọi người cứ nghi ngờ là ivermectin đang bị chính phủ “kiểm duyệt”, trong khi thực tế các nhà khoa học đang tích cực tìm hiểu về nó. Chúng tôi đang cố gắng đánh giá hiệu quả tiềm năng của ivermectin trong việc ngăn ngừa nhập viện và làm giảm các triệu chứng Covid nhanh hơn”.
Từ tháng 7 đến tháng 8, chồng của Julie Smith là Jeffrey bị Covid-19 và ngày càng trở nặng. Ông đang được điều trị tại khoa cấp cứu tại bệnh viện gần nhà, ngoại ô Cincinnati, Ohio. Bệnh viện dùng thuốc kháng virus, huyết tương sau khi hồi phục của người đã khỏi Covid, steroids để trị cho ông ấy nhưng liên tục bị bệnh nhân từ chối. Sau đó, bệnh nhân trở nặng phải thở máy và bước vào cửa sinh tử, bà Smith khởi kiện vào ngày 20 tháng 8. Theo đơn kiện, bà cảm thấy bệnh viện đã bỏ cuộc, không muốn tiếp tục chữa cho chồng bà, nhưng bà vẫn muốn cứu chồng. Bà đã tìm kiếm các thông tin trên mạng, bà muốn bắt bệnh viện phải chữa trị cho chồng bà bằng thuốc ivermectin, loại thuốc giết ký sinh trùng rẻ tiền thường được dùng cho người và động vật từ thập niên 80.
Cơ quan sức khoẻ U.S. và các bác sĩ không khuyến nghị dùng thuốc này để chữa Covid, vì thiếu bằng chứng về hiệu quả của thuốc. Nhưng những lời đồn thổi về thuốc này vẫn lan ra với sự tiếp sức của một nhóm bác sĩ đi ngược lại tuyên bố đồng thuận về y tế, bởi nhóm tuyên truyền thiên hữu, và những nhóm nhỏ trên internet chia sẻ những bí kíp về nguồn gốc và liều dùng của thuốc.
Những người như Smith, và các gia đình bệnh nhân Covid khác, đưa vụ kiện lên toà với mong muốn được đưa thuốc này vào chữa trị, đã cho thấy tính thời sự của cuộc tranh luận về ivermectin tại US.
Jennifer Granston, trưởng nhóm thông tin của Zignal Labs, một công ty phân tích dữ liệu về các xu hướng trên internet, cho biết cả hai phía ủng hộ và chống đều đưa ra những thông tin sai lạc về hiệu quả cũng như tác hại của thuốc. "Nhưng điều quan trọng sau cùng vẫn là khoa học có chứng minh thuốc này chữa được Covid hay không?
Từ một vấn đề khoa học về hiệu quả của một loại thuốc rẻ tiền dễ tiếp cận, nó lại trở thành một cuộc tranh luận sôi nổi về đạo đức cộng đồng- nơi người ở cả hai bên đều tin rằng quyết định sai lầm có thể phải trả giá bằng mạng sống? Đó là một câu chuyện liên quan đến khoa học và chính trị, đặt các quan chức y tế trong vị trí chống lại những người có ảnh hưởng lớn và giới hạn của quyền cá nhân trong trách nhiệm đối với cộng đồng.
Cuộc tranh luận này có thể làm đại dịch kéo dài thêm, khi các cá nhân muốn thay thế vaccine và các biện pháp phòng ngừa đã được chứng minh đầy đủ bằng các phương pháp điều trị thay thế có thể không hiệu quả.
Bổ sung thêm tác dụng chữa bệnh cho “thần dược”
Những người ủng hộ ivermectin đã gọi nó là thần dược - để điều trị ký sinh trùng. Năm 1970, một nhóm các nhà nghiên cứu, đứng đầu là nhà nghiên cứu Satoshi Omura của Viện Kitasato và công ty dược phẩm Merck đã phát hiện ra các hợp chất chống ký sinh trùng trong vi khuẩn sống trong mẫu đất được đào lên từ một sân gôn ven biển gần Tokyo nguồn link.
Từ hợp chất đó, Merck đã phát triển các loại thuốc tiêu diệt ký sinh trùng phổ rộng gây bệnh dịch cho động vật và con người. Ivermectin, ra đời năm 1980 dùng trên gia súc, đã trở thành siêu sao giúp công ty đạt doanh thu hơn 1 tỷ đô la mỗi năm. Ivermectin dùng cho người nhắm vào các bệnh như bệnh phù chân voi - elephantiasis và bệnh mù sông -river blindness ở các nước đang phát triển.
Omura và cộng sự William Campbell tại công ty Merck đã đồng đoạt Nobel Prize năm 2015 cho phát hiện liên quan đến thuốc này.
Trong giai đoạn đầu của đại dịch, tháng 6 năm 2020, nhóm nghiên cứu của Úc thấy được nếu dùng lượng lớn ivermectin sẽ ngăn coronavirus sinh sôi trong tế bào được nuôi cấy nguồn link.
Kết quả này đưa ra nhiều hứa hẹn. Nhưng ngay sau đó, các nhà khoa học nhận thấy liều lượng ivermectin có thể ngăn virus sinh sôi trong tế bào lại gấp 100 lần liều được cho phép dùng trên người link. Như thế, nếu ta dùng liều đó ở người để ngăn virus, thuốc đó cũng có thể gây hại cho cả bệnh nhân, theo giải thích của nhà khoa học Laurel Bristow làm tại trường ĐH Emory.
Sau đó, các nhà nghiên cứu phải tìm hiểu về liều lượng nào đáp ứng được tiêu chí vừa an toàn vừa hiệu quả trên người. Có rất nhiều thử nghiệm vẫn đang tiến hành.
Kiểm duyệt lại các nghiên cứu và truy tìm bằng chứng
Nghiên cứu về Ivermectin trên Covid được công bố gần đây không mang lại hứa hẹn gì.
Dr. Peter Lurie, chủ tịch Trung tâm Khoa học vì Lợi ích Công cộng Center for Science in the Public Interest và là cựu ủy viên liên kết tại FDA, chỉ ra mặc dù có rất nhiều thử nghiệm đã thực hiện, nhưng đa số thử nghiệm có chất lượng kém vì có cỡ mẫu quá nhỏ, hoặc tiến hành trong thời gian quá ngắn, hoặc nhằm vào không đúng mục tiêu.
Đã vậy, có ít nhất hai bản thảo báo cáo có tầm ảnh hưởng lớn ủng hộ cho việc dùng ivermectin bị rút lại vì có chứa dữ liệu giả tạo.
Lurie và các chuyên gia sức khoẻ khác giới thiệu một bài tổng hợp các nghiên cứu về ivermectin trên Covid trong hệ thống Cochrane Database of Systematic Reviews, được xem là tiêu chuẩn vàng để đánh giá các bằng chứng trong y tế. Theo tổng hợp này, không có bằng chứng nào ủng hộ cho việc dùng ivermectin để trị Covid hoặc ngăn ngừa Covid, dù tác giả bài tổng hợp thừa nhận dữ liệu vẫn còn hạn chế.
Nhưng đáng chú ý là các nghiên cứu cho thấy tác động tích cực của ivermectin đến covid mà thường được hội các bác sĩ lâm sàng Front Line COVID-19 Critical Care Alliance- FLCCC lấy làm chứng cứ đã bị bỏ qua khỏi phân tích Cochrane vì có lỗi trong thiết kế thử nghiệm hoặc dựa trên những so sánh không chính xác.
Điều này không loại trừ khả năng: nếu các nghiên cứu bị loại ấy được làm lại theo phương pháp đúng đắn hơn, chúng ta vẫn có thể có bằng chứng về hiệu quả của ivermectin trong điều trị covid. Tuy nhiên, Lurie nói rằng chúng tôi chỉ có thể phân tích dựa trên những dữ kiện hiện tại. Và những dữ kiện hiện có không đủ để đưa ra khuyến cáo dùng sản phẩm này hiện nay.
Những thử nghiệm lâm sàng lớn và nghiêm ngặt đang được tiến hành. Ta có thể kể đến 1 nghiên cứu do ĐH Oxford làm tại U.K và 1 làm tại US do NIH tài trợ dẫn đầu bởi các nhà khoa học ĐH Duke tiến hành tại nhiều địa điểm trên khắp US.
Dr. Bristow nói: “Mọi người cứ tưởng tượng là ivermectin đang bị chính phủ “kiểm duyệt”, trong khi thực tế chúng tôi đang tích cực tìm hiểu về nó. Chúng tôi đang cố gắng đánh giá hiệu quả tiềm năng của ivermectin trong việc ngăn ngừa nhập viện và làm giảm các triệu chứng nhanh hơn”.
Tiến sĩ Aaron Friedberg, bác sĩ chăm sóc chính, người giám sát các bệnh nhân trong bệnh viện tại Trung tâm Y tế Wexner của Đại học Bang Ohio cảnh báo “Ngay cả khi nghiên cứu cho thấy lợi ích của ivermectin, điều đó không có nghĩa tuyệt đối”.
“Khi chúng tôi nói về hiệu quả, nó chỉ có nghĩa là giúp ích được một phần nào”. Ví dụ cụ thể là thuốc steroid đã được xem là có hiệu quả trên covid, thì nó chỉ làm tăng chút xíu cơ hội sống sót trong nhóm bệnh nhân được điều trị với thuốc ấy.
Cả nước dồn sự chú ý vào ivermectin
Tháng 5 2020, khi chúng ta đang cố gắng chế ngự con virus hung hãn này trong điều kiện chưa có vaccine, Tổng thống Trump tuyên bố ông đã dùng hydroxychloroquine để ngăn ngừa nhiễm bệnh, bất chấp cảnh báo từ FDA. Ý tưởng sử dụng các dược chất rẻ tiền để kết thúc đại dịch nhằm đánh lạc hướng khỏi hình ảnh ṃột chính quyền đang vất vả chế ngự virus.
Yunkang Yang, nhà nghiên cứu thông tin sai lệch tại Đại học George Washington, người gần đây là đồng tác giả của chương sách về cách truyền thông cánh hữu và chính quyền Trump hợp tác với nhau để đưa hydroxychloroquine lên tiêu điểm. "Chiêu bài chính trị đã vẽ nên một bức tranh tươi sáng để nền kinh tế mau chóng mở cửa lại, để thuyết phục mọi người quay trở lại làm việc."
Khi đã có vaccine, áp lực mở cửa cũng nhẹ dần. Nhiều người phe cộng hòa lại hoài nghi về vaccine hơn phe dân chủ, sự khác biệt này ngày càng lớn theo thời gian.
Và thế là việc săn tìm liệu pháp chữa trị thay thế cho vaccine trở thành mục tiêu chính trị. Tháng 12/2020, Senator Ron Johnson, R-Wis. mời Dr. Pierre Kory bác sĩ cấp cứu liên kết với St. Luke's Aurora Medical Center in Milwaukee, Wis. điều trần về ivermectin tại thượng viện. Kory là người sáng lập và người phát ngôn của FLCCC. FLCCC là một nhóm bác sĩ có quan điểm về ivermectin trái ngược với phe đa số trong giới y khoa.
Tại phiên điều trần, ông tuyên bố rằng loại thuốc này "được chứng minh là có tác dụng kỳ diệu" và khẳng định chắc nịch nó có tác dụng dự phòng chống lại COVID-19. "Nếu bạn dùng nó, bạn sẽ không bị bệnh," ông nói.
Lời nói này được lan truyền rộng rãi trên internet nhưng không hề có chứng cứ khoa học tại thời điểm đó cho tới nay. Video về phiên điều trần bị rút khỏi Youtube, gắn thẻ “nội dung không chính xác”, nhưng nó đã kịp được 1 triệu lượt xem.
Được dịp, những người thiên hữu kêu gào chỉ trích việc kiểm duyệt thông tin, dệt thêm những thuyết âm mưu xung quanh câu chuyện này.
Không lâu sau, truyền thông cánh hữu như Fox News với host Laura Ingraham bắt đầu “tiếp thị” thuốc này. Những người có ảnh hưởng lớn như Joe Rogan cũng khuếch đại thêm danh tiếng của ivermectin bẳng việc tự nhận ông ấy đã tự chữa covid cho chính mình bằng ivermectin.
Đối với người sẵn có hoài nghi về các nhà khoa học của chính phủ và chính sách liên bang về biện pháp ngăn ngừa lây nhiễm, ivermectin là một món quà lấp đầy chỗ trống cho thất bại của hydroxychloroquine khi nó không được chính thức cấp phép dùng cho covid.
Yang nhấn mạnh: “câu chuyện nhỏ này nằm trong một giả thuyết lớn hơn về “thế lực y tế đen tối” mà trong đó các nhà khoa học, công ty dược và giới chính trị tinh hoa cố tình ép người dân dùng các dược phẩm đắt tiền để làm lợi cho các kỹ nghệ dược. Họ cũng không muốn cho dân dùng những chế phẩm rẻ tiền dễ kiếm mà có thể chữa được covid.” Người dẫn chương trình Ingraham của Fox News cũng đã liệt Dr. Anthony Fauci vào danh sách “thế lực y tế đen tối”.
Niềm tin bị đặt sai chỗ
Chủng mới Delta bắt đầu bùng lên, lan khắp Hoa Kỳ vào mùa hè. Các ca nhiễm tăng vọt tại những nơi có tỉ lệ tiêm chủng thấp như miền Nam và Trung Tây. Một số người vì quá lo lắng đã lên mạng lục lọi bất kỳ tin nào có liên quan đến việc chữa trị Covid. Từ khoá tìm kiếm Ivermectin tăng vọt lên 74% trong năm nay chỉ trong vòng hai tháng bắt đầu từ tháng Tám, theo dữ liệu của Zignal. Từ đó chúng ta thấy câu chuyện về thuốc này bắt đầu nổi lên và chia làm hai hướng. Nguồn từ CDC, FDA và những cơ quan y tế cộng đồng khác mạnh mẽ chống lại việc sử dụng thuốc này vì thiếu căn cứ khoa học. Còn phe ủng hộ “sự kỳ diệu” của dược chất này thì tung ra các trích dẫn từ các chuyên gia y tế trong nhóm FLCCC để làm chứng cứ. Theo Granston, những thông tin sai lệch rõ ràng sẽ dễ tìm luận cứ phản biện. Còn những luồng thông tin trái ngược như thế này rất khó chịu và mang ý kiến chủ quan dựa vào trải nghiệm thực tế trên cơ thể và sức khoẻ của người dùng. Trong khi đó, kiến thức về thuốc này nằm ngoài tầm hiểu biết của các nhân viên y tế cộng đồng vì các nhà khoa học chưa có nghiên cứu về chúng trên diện rộng.
Trong khi các nghiên cứu còn đang tiến hành, một số người lại tin tưởng thuốc này hơn những sự lựa chọn đã được chứng minh khác như khẩu trang và vaccine. Thuốc này mang đến cho họ cảm giác an toàn giả tạo.
Ở vài trường hợp, những thông tin sai lạc đã giết họ. Kolina Koltai, nhà khoa học nghiên cứu sự bất đồng chính kiến về vaccine tại ĐH Washinton ví von những người từ chối vaccine như những người không chịu thắt dây an toàn khi đi xe hơn chỉ vì họ nghe nói có người không thắt dây an toàn nhưng vẫn sống sót sau tai nạn.
Sự nguy hiểm của thông tin sai lạc nằm ở chỗ: nếu họ tự phán xét việc dùng ivermectin là an toàn, hành động này không chỉ ảnh hưởng lên cá nhân họ, mà còn lên sức khoẻ của cả cộng đồng khi họ có thể phải dùng đến nguồn tài nguyên trong bệnh viện để chữa trị bệnh cho họ, hoặc làm lây lan virus cho người khác để người đó mắc bệnh.
Con số bệnh nhân Covid trong nhóm không tiêm phòng thật khủng khiếp. Vào giữa tháng 9, khi chủng delta vẫn hoành hành, số bệnh nhân nhập viện đã lên đỉnh mới tính từ tháng 2. Hơn 1800 bệnh nhân covid đã chết mỗi ngày. Và phần lớn trong số đó là người chưa tiêm phòng.
Julie Smith và chồng đã chọn việc không tiêm phòng. Cô trình bày trước toà là cô nghĩ vaccine này chỉ là đang thử nghiệm, cô và chồng không cảm thấy tin tưởng vì vaccine ra đời chưa bao lâu và không biết tác hại về sau thế nào.
Chồng của Smith đã phải dùng máy thở vài tuần trong phòng cấp cứu tại bệnh viện gần Cincinnati. Vào 23 tháng 8, một quan toà đã ban lệnh khẩn cấp cho bệnh viện phải dùng ivermectin 30mg để chữa cho bệnh nhân theo gợi ý của nhóm FLCCC - Frontline Covid-19 Critical Care Alliance. Cho đến ngày 6 tháng 9, một quan tòa khác đã rút lại phán quyết.
Các bác sĩ thông báo với quan toà tình trạng của Jeffrey Smith không cải thiện gì khi dùng ivermectin. Nhưng Julie Smith lại tin là có. Đến ngày 18 tháng 9, Jeffrey vẫn phải thở máy. Câu chuyện dần trở nên phức tạp. Không có gì rõ ràng để nói bên nào sẽ thắng trong vụ này.
Dịch và biên tập: Chau Tran
Comments