top of page

Hãy Gọi Đúng Tên: Chủ Nghĩa Bài Da Đen

Khi cảnh sát giết người da đen, đó không chỉ là phân biệt chủng tộc.


kihana miraya ross, ngày 4 tháng 6, 2020

Tiến sĩ Ross là một giáo sư ngành nghiên cứu Mỹ-Phi ở trường đại học Northwestern.


Translated from NY Times article Call it what it is: anti-Blackness.

Link to original translation: http://bit.ly/antiblackness


Từ “phân biệt chủng tộc” được dùng khắp nơi để giải thích tất cả những nguyên nhân gây ra nỗi thống khổ và cái chết của người Mỹ gốc Phi: thiếu thốn tiếp cận chăm sóc y tế, thực phẩm, nhà ở, việc làm, bị ăn đạn, đánh bằng dùi cui, hoặc đầu gối cảnh sát. Nhưng từ “phân biệt chủng tộc” không thể diễn tả được hết những gì người da đen phải đối mặt trên đất nước này.

Rõ ràng, “phân biệt chủng tộc” không phải là một từ vô nghĩa. Nhưng nó bao hàm quá nhiều vấn đề, từ việc người da đen bị từ chối tiền vay mua nhà, cho đến việc học sinh châu Á bị coi là “hình tượng thiểu số mẫu mực.” Từ “phân biệt chủng tộc” quá chung chung, thiếu cụ thể.


Cần phải gọi cho đúng tên: đây là “chủ nghĩa bài da đen.”

Giật mình sau khi xem đoạn phim quay viên cảnh sát Derek Chauvin giết George Floyd bằng cách đè đầu gối lên cổ, nhiều người Mỹ đang vật lộn với câu hỏi tại sao. Tại sao thế giới ta đang sống cứ lặp đi lặp lại vở bi kịch, với cái chết của người da đen trên nhạc nền là tiếng khóc bi ai của những bà mẹ mất con, và thái độ thản nhiên của những kẻ giết người. Hiểu được [đây là] chủ nghĩa bài da đen mới chỉ là bước đi đầu tiên.

Một số học giả người da đen đã sử dụng khái niệm “chủ nghĩa bài da đen” để miêu tả trải nghiệm sống khi bị đánh dấu là da đen trong một thế giới bài da đen. Điều này nghiêm trọng hơn là chỉ “phân biệt chủng tộc đối với người da đen” - cách nói này quá đơn giản hóa hiện tượng bài da đen. Chủ nghĩa bài da đen là một khung lý thuyết soi rọi cách xã hội bất lực trong việc nhìn nhận nhân tính của chúng tôi - nỗi khinh bỉ, coi thường, ghê tởm đối với sự tồn tại của chúng tôi.

Giáo sư nghiên cứu Mỹ-Phi Frank B.Wilderson, người đặt ra lý thuyết “Afro-pessimism” (tạm dịch: “chủ nghĩa bi quan của người Phi”), lập luận rằng chủ nghĩa bài da đen đã sắp xếp một cấu trúc xã hội mà trong đó phạm trù da đen bị gắn liền với khái niệm “nô lệ.” Mặc dù chế độ nô lệ ở Hoa Kỳ đã chính thức chấm dứt hơn 150 năm trước, nó vẫn tiếp tục quy định địa vị bản thể của người da đen. Bởi vậy, trong tâm trí nhiều người, giữa nhân loại và phạm trù da đen là mối quan hệ thù địch và không thể hòa giải.

Trong tâm trí nhiều người, giữa nhân loại và phạm trù da đen là mối quan hệ thù địch và không thể hòa giải.

Chủ nghĩa bài da đen miêu tả sự bất lực đối với việc nhìn nhận nhân tính của người da đen. Nó khắc họa thực tế rằng thứ bạo lực thấm đẫm đời sống của người da đen không phải do hành động cụ thể nào của một người da đen - đúng hơn là người bị phân loại chủng tộc là da đen. Những bạo lực chúng tôi phải chịu đựng chẳng liên quan tới bất kỳ hành vi sai trái cụ thể nào, mà cứ vô cớ và dồn dập không ngưng.

Một khu tưởng niệm ở thành phố Minneapolis, nơi George Floyd bị cảnh sát giết chết. Ảnh: Stephen Maturen / Getty Images


Chủ nghĩa bài da đen đề cập tới một thực tế: sự thù ghét của xã hội đối với những gì thuộc phạm trù da đen, cũng như thứ bạo lực vô cớ đối với người da đen, trở nên phức tạp hơn nếu ta biết rằng chính xã hội này lại rất cần đến sự tồn tại của chúng tôi. Đơn cử, đối với người da trắng - hay đúng hơn là người được phân loại chủng tộc là da trắng - sự cùng cực của người da đen củng cố phạm trù da trắng, nhân tính, quyền lực và đặc quyền của họ, dù họ có ý thức được việc đó hay không. Người da đen vừa bị coi thường, vừa bị người khác sử dụng như đối trọng để cân đo tính người của mình. Nói cách khác, dù ai cũng có thể phải chịu rất nhiều thiệt thòi chồng chất trong cuộc sống, thì ít nhất họ vẫn không phải bị làm người da đen.


Vậy nên, khi đặt câu hỏi làm thế nào một sĩ quan cảnh sát da trắng có thể bình tĩnh và thản nhiên dồn trọng lượng toàn cơ thể xuống đầu gối của mình đang đè lên cổ một người đàn ông da đen - người đã van xin tha mạng trong hơn tám phút cho đến khi anh ta không còn chút không khí nào để nài nỉ - chúng ta phải hiểu rằng chưa bao giờ có một khoảnh khắc nào trong lịch sử của đất nước này mà đây không phải là thực tế của người da đen.


Từ roi da đến họng súng, những đội tuần tra nô lệ của thế kỷ 18 chính là cha ông của cảnh sát thời nay. Vô tình mà vụ giết George Floyd được lên báo, vô tình mà có video ghi lại tiếng anh tuyệt vọng kêu cứu người mẹ đã khuất. Vụ sát hại tàn bạo này không chỉ là ngoại lệ, mà chính là quy luật ở một quốc gia đã biến người da đen thành đồ vật, theo nghĩa đen.


Người da đen bị coi như tài sản, phải xây dựng đất nước này, phải đổ máu, mồ hôi và nước mắt xuống tấc đất trồng rau ta ăn, nước ta uống, và bầu không khí ta hít thở. Việc đồ vật hóa người da đen chính là căn tính cơ bản của quốc gia này.


Chấp nhận thực tế này khó hơn nhiều so với việc học về những định kiến, sự phân biệt chủng tộc, thậm chí cả về hệ thống và thể chế phân biệt chủng tộc. Nó cũng sẽ có ích hơn bất kỳ khái niệm nào khác nhằm giúp chúng ta hiểu hơn 400 năm thống khổ của người da đen - về nỗi đau, sự kiệt sức, và cơn giận khôn cùng không ngơi của chúng tôi.

Cái chết của George Floyd chính là câu chuyện của những đứa con chúng tôi, của vô số những đứa trẻ da đen lớn lên dưới gót giày cảnh sát, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Đó là câu chuyện của những gia đình chúng tôi, kể từ con đường buôn bán nô lệ xuyên Đại Tây Dương đã phải gồng mình gánh chịu những điều không tưởng.


Nhưng khi họ giết con, giết mẹ, giết cha chúng tôi, người ta lại đòi chúng tôi phải tha thứ, phải ôn hòa khi đối mặt với cường bạo. Chúng tôi được yêu cầu phải tôn trọng thứ pháp luật không thể nhìn nhận nhân tính của chúng tôi, một hệ thống không thể khắc phục được vấn đề. Và khi mà hết lần này đến lần khác, luật pháp chứng minh rằng nó sẽ không bao giờ bảo vệ chúng tôi, không bao giờ bắt những cá nhân và hệ thống gây hại cho chúng tôi phải chịu trách nhiệm, thì chúng tôi vẫn bị đòi hỏi phải tuyên truyền câu chuyện rằng hệ thống này hoạt động ổn thỏa, rằng công lý sẽ được thực thi.


Em trai George Floyd cảm thán, “không thể hiểu chúng tôi còn phải chịu đựng thêm đến đâu nữa.” Ngày hôm nay mọi người xuống đường bởi đằng đẵng nhiều năm chúng tôi diễu hành hòa bình hát vang những khúc nhạc dân gian của người Da Đen, hằng mong nhân tính của chúng tôi được công nhận. Trên đầu chúng tôi là mái tóc xù Afro như tấm vương miện gợi nhớ vẻ đẹp của mình. Chúng tôi vung nắm đấm thể hiện sức mạnh.


Chúng tôi tuyên bố cuộc sống của mình đầy ý nghĩa ở mọi góc cạnh đẹp đẽ. Chúng tôi đòi họ ngừng giết hại chúng tôi trên đường phố cũng như trong nhà mình mà hoàn toàn không bị trừng phạt. Người ta xuống đường hôm nay là bởi, trong cuộc đấu tranh đòi quyền sống của người da đen này, mặc cho tất cả những sinh mạng đã mất - theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, chúng ta vẫn còn phải tiếp tục chiến đấu.


Vậy nên đừng nói rằng chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đã giết George Floyd, hay tệ hơn, rằng một viên cảnh sát phân biệt chủng tộc giết anh ấy. George Floyd bị giết bởi vì chủ nghĩa bài da đen là khung xương và cốt lõi của cái cách chúng ta dùng để hiểu về những khía cạnh xã hội, kinh tế, lịch sử và văn hóa của đời sống loài người.


Dịch bởi: Nga L.H. Nguyen | hiennga@live.com

Chỉnh sửa: Ly Thuy Nguyen | thuyly.nguyen88@gmail.com

VSAN for Black Lives Matter & Abolition Project.

Comments


bottom of page