top of page

Khổ thay thân phận chống người-chống-Trump

Charles Sykes, ngày 14 tháng 8, 2020


Translated from The Bulwark article The Agony of the Anti-Anti-Trumpers


Đang giữa tháng Tám và dạo này, tôi thấy mình hay nghĩ về nhà thơ Dante. Có lẽ vì đám ruồi bọ bay xung quanh làm tôi nhớ đến vài cảnh trong bài thơ Địa Ngục, hoặc tôi đã lướt Twitter quá nhiều.


Mừng bạn đến với mục Đếm Ngược Mỗi Ngày. Còn 81 ngày nữa là đến cuộc bầu cử; thêm 78 ngày sau đó là Lễ Nhậm Chức.


Một trong những danh ngôn đắc ý mà John F. Kennedy ngỡ xuất phát từ nhà thơ Dante là: “Nơi sục sôi nhất Địa Ngục dành cho kẻ nào vẫn giữ thế trung lập trong thời đạo đức lung lay.”


Tưởng sao, hóa ra ông trích dẫn lời sai. Nhưng cái mà Dante viết ra còn hay hơn nhiều.


Trong bài Địa Ngục của Dante, những kẻ đạo đức đớn hèn không được phép đến Địa Ngục; chúng bị đày bên ngoài cổng chờ, đời đời kiếp kiếp phải chạy theo một ngọn cờ bị quăng quật trước gió. Lúc Dante hỏi thiên sứ Virgil đang dẫn dắt mình rằng họ là ai, người giải thích:


Cái hậu cùng cực này có âu cũng do những linh hồn đáng thương sống một cuộc đời không vinh chẳng nhục.


Bọn họ phải chịu chung cảnh đày với những thiên sứ hèn nhát, không phản bội Chúa nhưng cũng chẳng hề trung thành với Ngài, chỉ đứng riêng một phía.


Theo định mệnh, bọn họ sẽ bị lãng quên. “Thế giới sẽ không đoái hoài gì đến chúng,” Virgil giải thích. “Đừng bàn thêm gì nữa, cứ lướt nhìn rồi đi thôi.” Dante diễn tả cảnh cả bầy người đuổi theo một ngọn cờ hư ảo “lướt nhanh đến nỗi bất cứ sự ngừng nghỉ nào cũng là không tưởng”. Đằng sau lá cờ, ông viết, “là cả hàng dài/ những thân người - tôi chưa bao giờ có thể tin/ rằng cái chết có thể hủy diệt biết bao linh hồn.”


Điều này, tất nhiên, làm tôi liên tưởng đến thành phần chống người-chống-Trump và mùa âu lo đang đến của họ.


Tiếng la ó phản đối dậy lên trong tuần này từ nhóm người trên, cho thấy giây phút bà Kamala Harris được đề cử là lúc họ chính thức quả quyết mình sẽ lưỡng lự. Họ khăng khăng rằng, dù có ghét Trump cỡ nào, họ cũng không thể ủng hộ cho cặp Biden-Harris được.


Nhưng việc bà Harris được chọn thật ra không phải là giọt nước làm tràn ly, vì phe này sẽ không bao giờ bầu cho người làm đối thủ khả thi của Trump. Cốt lõi của khái niệm “chống người chống Trump” là sự nhìn nhận toàn diện về độ tệ hại của Trump và tất cả những gì ông ấy làm, nhưng cũng dứt khoát không can thiệp vào việc thay đổi tình trạng đó.


Họ đã tìm ra vị trí lý tưởng để vừa có thể chỉ trích tổng thống, vừa có thể chế nhạo những ai phê bình con người này, và nhờ đó giữ được cái danh (cũng như lương tri) bảo thủ của họ nguyên vẹn.


Mới hôm nọ, Dan McLaughlin của tạp chí National Review đã gần như tạo ra biểu ngữ xứng tầm in ra dán hẳn lên xe hơi cho nhóm chống-người-chống-Trump bằng cách hô hào trên Twitter rằng ông ta sẽ chẳng bao giờ có thể ủng hộ bộ đôi Biden-Harris, vì bà Kamala Harris là dạng “sẵn sàng phá bỏ lề thói, cũng như coi thường quyền hạn của chính phủ và pháp luật. Là ứng cử viên trái với Hiến Pháp nhất có thể.” (Chắc gã tên Donald thì không thế đâu ha.)


Nói không đùa, bà này tệ hơn Trump rất nhiều. Vì sao? Vì bà ta không đùa được đâu.


Ngược 180 độ với Trump, bà ta sẽ có hệ thống yểm trợ từ Washington mỗi khi giáng đòn vào chính phủ lập hiến.

— Dan McLaughlin (@baseballcrank) vào ngày 12 tháng 8, 2020.


Nghe có vẻ khá trơ tráo, nhưng nếu thuộc thành phần chống-người-chống-Trump thì bạn hẳn sẽ tin. Nếu nghĩ Trump là mối đe dọa tha hóa cho nền Cộng Hòa, thì bạn không thể xem đảng Dân chủ là những người cấp tiến thông thường được. Bà Kamala Harris không thể chỉ là một chính trị gia cơ hội của đảng Dân chủ với vài lý tưởng hơi mâu thuẫn. Không; bà ta phải được xem là tệ hẳn so với Donald Trump. Tệ hơn nhiều.


Hồi 2017, tôi có viết về cách vận hành của kiểu tư duy này:


Đối với nhiều người theo xu hướng bảo thủ, cái gọi là chống-người-chống-Trump là giải pháp cho vấn đề hóc búa và nhức nhối do chính quyền Trump gây ra. Với đa số cử tri và người theo dõi chính trị bảo thủ đều nhất nhất ủng hộ Trump, các nhà phê bình tổng thống, dù cũng thuộc phe bảo thủ, cảm thấy mình bị cô lập và bủa vây. Nhưng, như Damon Linker từng nhận xét, khái niệm này “cho phép cánh hữu tha hồ đổ mọi sự căm ghét lên những người theo Đảng Tự do và chủ nghĩa tự do, trong khi vẫn né tránh việc đối mặt với thứ thảm họa mang tên bộ máy chính trị của Trump.”


Đây là cách nó vận hành: Thay vì biện hộ cho từng hành động của Tổng thống Trump, những anh hùng bảo thủ của Trump sẽ lái đề tài sang (1) nhóm truyền thông “lan tin giả” thiên vị, (2) những người thuộc Đảng Tự do lố lăng, (3) kẻ đạo đức giả thuộc cánh tả, (4) bất kỳ ai buộc tội ông Trump hoặc những người ủng hộ ông, và (5) chủ nghĩa “vậy-còn-thì-sao”, thí dụ như “Vậy còn Obama thì sao?”, “Vậy còn Clinton thì sao?”


Trong ba năm trở lại đây, từ những khu thời thượng cho đến những vùng ít xa hoa hơn của giới trí thức cánh hữu, kiểu tư duy này đã trở thành một lối sống.


Với vài người, đó là một cung cách xã giao khôn ngoan. Dè bỉu tính ngạo mạn, thiếu thận trọng, vị kỷ và vô thiên vô pháp của Trump là một chuyện - nhưng ủng hộ việc luận tội và bãi nhiệm, hay giờ đây mong Trump thua lại là một chuyện rất khác. Tốt nhất nên thong thả chuẩn bị xé xác những kẻ bại cuộc khi tàn cuộc thôi.


Cứ coi như Trump có thể quản nổi sự thất bại ê chề của hệ thống y tế công, tweet mấy cái meme phân biệt chủng tộc, và hành động theo cách mà đến độc tài cai trị cũng phải thấy thẹn - nhưng còn sự thiên vị trong truyền thông đó thì sao?


Việc không thể cam kết đi theo một hướng có nhiều cái lợi, ít nhất phải kể đến là lợi chính trị. Chọn đứng trung dung, họ vẫn giữ mình “thân cận” trong hệ thống chính trị của đảng Cộng hòa, làm thỏa mãn các mạnh thường quân, lại có thể né mọi khiển trách khi Trump thua cử. Đâu phải do bọn tôi, họ có thể nói, là do cái bọn khốn bên Dự án Lincoln ấy.


Nhưng bạn cũng có thể thấy áp lực từ kiểu “chuyển phe” này, vì nó khiến lương tâm chồng chất tội lỗi. Phần lớn họ biết rõ như ban ngày Trump là người thế nào, và sự kinh hoàng khi ông có được nhiệm kỳ thứ hai.


Mới hôm 13/8, Rich Lowry của báo National Review đã khóc than cho “sự thối nát của QAnon trong Đảng Cộng hòa,” và rằng Trump đã đầu độc đảng của mình. Ông viết rằng, việc QAnon được truyền bá rộng rãi như vậy “cho thấy Đảng Cộng hoà dưới trướng Trump đã suy yếu trước những trò bịp bợm.”


Chính Trump tạo điều kiện cho hiện tượng này. Là chủ nhân của những tài khoản Twitter tai tiếng với thói quen tweet bừa bãi, cá nhân ông cũng đã truyền bá đủ loại thuyết âm mưu lố lăng trong nhiều năm - cứ hỏi cha của Ted Cruz hay Joe Scarborough xem. Ông còn khen nức nở Majorie Taylor Greene khi bà thắng bầu cử sơ bộ, trở thành một ngôi sao mới nổi của làng Cộng hoà.


Nhưng điều quan trọng là, Lowry sẽ không dứt hẳn việc ủng hộ tái bầu cử của Trump bằng cách kêu gọi Joe Biden đánh bại ông. Thay vào đó, Lowry sẽ cùng lúc chỉ trích Trump và đả kích những kẻ chống lại Trump.


Tuần trước, ông tweet:


Một biểu tượng hoàn hảo dành cho hội Không Bao Giờ Theo Đảng Cộng Hoà.

Kasich và Sanders chung tay đoàn kết trong buổi hội nghị của Đảng Dân chủ.


— Rich Lowry (@RichLowry) August 7, 2020


Vậy cái gì thì dành cho Lowry? Một bữa tiệc đầy rẫy QAnon? Những kẻ Birther (tin rằng Obama không được sinh ra ở Mỹ và vì thế không hợp pháp làm tổng thống)? Hay đám 9/11 Truther (phong trào xoay quanh thuyết âm mưu rằng truyền thông đã che đậy sự thật về Sự kiện 11/9)?


Lowry tiếc thương cho những thất bại của Trump, và cũng rất hăng hái lên án Dự án Lincoln chống Trump “đến đỏ mặt tía tai.” Trong mắt Lowry, Trump có tệ đến mức nào cũng chưa đáng khinh bằng những kẻ Không Bao Giờ Theo Trump với quan điểm “căm phẫn và cực đoan, nhưng lại đi vào lòng người.”


Đúng bài nước đôi không sai một li nhé.


Tuy nhiên, đã bầu cử thì phải đưa ra lựa chọn. Hoặc theo Trump, hoặc tạm thời liên kết với nhau để loại bỏ Trump. Với một số người theo phe bảo thủ (như tôi), phải hợp tác với những người có lý tưởng chính trị đối lập suốt hàng năm qua là rất khó khăn.

Nhưng với những kẻ hiểu thấu thứ thảm hoạ đến từ bốn năm nữa dưới chính quyền Trump mà lại không chịu lên tiếng hay làm gì để ngăn chặn nó, chắc hẳn cảm giác ấy kinh khủng hơn rất nhiều.


Vậy nên tuần vừa qua họ đã rất cáu bẳn khi phải đối mặt sự thật rằng mình phải đứng chung hàng ngũ với “những thiên thần hèn nhát, không phản bội Chúa nhưng cũng không hề trung thành với Ngài, chỉ đứng riêng một phía.

***

Khó mà diễn tả được sự kinh khủng của ngày 13/8. Những người ở Wisconsin chúng tôi đang tận hưởng một ngày hè đẹp đến ngây người, nhưng nếu ngốc nghếch mở xem thời sự, thì đây là những hung tin đập vào mắt: Trump (1) công khai nói rằng Dịch vụ Bưu chính Hoa Kỳ sẽ cần thêm trợ cấp để triển khai phương pháp bầu qua thư trên toàn quốc, nhưng ông không muốn hỗ trợ họ, và (2) Kalama Harris có thể không hợp lệ trở thành phó tổng thống vì cha mẹ bà là dân nhập cư.


Ở Pennsylvania, viên chức bầu cử đã báo động dân rằng phiếu bầu qua thư của Pennsylvania có thể sẽ không được giao đúng hạn.


Rồi tên luật sư tội phạm của Trump là Michael Cohen lại thông báo sẽ ra mắt một cuốn sách “vạch trần tất cả” mà chắc chắn độc giả sẽ đón nhận nội dung không chút hoài nghi (thực ra nên nghi mới đúng).

***

Khoảnh khắc Trump công kích nơi sinh của Kamala Harris vừa kinh ngạc, vừa đúng chuẩn thương hiệu Trump. Có lẽ rồi Trump sẽ lại thanh minh rằng ông ta “chỉ đang thắc mắc thôi mà” dù rõ là rất hào hứng buông lời vu khống trắng trợn này.


Như từng cáo buộc sai lệch về nơi sinh của Tổng thống Barack Obama, Tổng thống Trump bày tỏ sự “nghiêm túc” khi nêu ra khúc mắc về tính hợp lệ tranh cử phó tổng thống của Thượng nghị sĩ Kamala D. Harris.


Harris được sinh ra tại Oakland, California và được Hiến pháp công nhận là công dân Hoa Kỳ. Thế nhưng một số thuyết âm mưu birther lại lý luận sai lệch rằng tình trạng nhập cư của cha mẹ lúc sinh hạ bà khiến bà không có quyền tranh cử phó tổng thống. Những lời này của Trump chính là xào lại lời vu cáo rằng Obama được sinh ra ở Kenya chứ không phải Hawaii, và vì vậy không thể trở thành tổng thống.

***

Trump cũng thông báo rằng sẽ nhận tái đề cử làm ứng viên tổng thống trong khuôn viên Tòa Bạch Ốc. Hành động này vi phạm nguyên tắc lâu đời rằng không được phép sử dụng địa điểm vận hành từ thuế cho mục đích chính trị. Nhưng ai mà cần phép tắc cơ chứ? Và có ai ngăn được ông ta đâu?

***

Chỉ còn 81 ngày nữa là tới ngày bầu cử. Lời đùa trên có vẻ đang thành hiện thực.

(Tweet: Thành viên Đảng Cộng hòa bây giờ dễ thành tín đồ Q hoặc 9/11 Truther hơn là ủng hộ Mitt Romney. - ND)

***

Trump nhận công đã dàn xếp được một cuộc đàm phán giữa Israel và UAE, đồng thời cũng rất lo lắng về đánh giá các chương trình TV.

***

Tin chấn động: một cuộc thăm dò do NPR/PBS NewsHour/Marist đồng thực hiện cho thấy Biden với 53% đang dẫn trước Trump với 42%, hơn hẳn so với hồi tháng Sáu khi Biden dẫn trước 8 điểm. Cuộc thăm dò này cũng tiết lộ những điều không được khả quan cho lắm:

Với thực trạng 167.000 người Mỹ tử vong và năm triệu người nhiễm, hiện 71% dân số nước Mỹ, nhiều hơn thấy rõ so với vài tháng trước, đã nhận thấy coronavirus là một mối đe dọa thực sự.

Tuy nhiên, hơn một phần ba người Mỹ (35%) nói sẽ không tiêm vaccine. 60% trả lời có. Có điểm khác nhau rõ rệt giữa hai nhóm về mặt trình độ học vấn và đảng phái chính trị. Xu hướng sẽ tiêm vaccine của người có bằng đại học cao hơn 19 điểm (72%) so với người không có bằng đại học (53%). Xu hướng sẽ tiêm vaccine của người thuộc đảng Dân chủ cao hơn 23 điểm (71%) so với người thuộc đảng Cộng hòa (48%).

Chúng ta còn 81 ngày nữa thôi.


Người dịch: Ren Dinh & Giang To

Biên tập: M. K. Tran

Comments


bottom of page