top of page

Lịch sử của người Da Đen- lịch sử của những tranh đấu sục sôi cho quyền lao động

Translated from The Atlantic's article Black History Is Also Labor History

By Imani Perry, on 18-02-2022, 00:00:00

Nỗ lực hợp nhất liên đoàn của nhân viên Starbucks có liên quan gì đến tháng lịch sử người da Đen?

Vào ngày 9 tháng 2, tôi đọc được một loạt các bài đăng khi đang lướt Twitter, nói về việc Starbucks sa thải những nhân viên có ý định thành lập một tổ chức công đoàn ở thành phố Memphis (Starbucks cho biết rằng những nhân viên này đã vi phạm nhiều chính sách của công ty.) Sau khi đọc qua một vài bài báo về vấn đề này, tôi cũng để ý thấy một số bình luận đề cập sự trớ trêu đáng buồn về việc sa thải của họ ngay giữa tháng Lịch Sử người da Đen, ở tại thành phố Memphis thay vì những nơi khác. Suy cho cùng thì Martin Luther King Jr., được cho là người Mỹ gốc Phi nổi tiếng nhất đã bị giết ở Memphis. Ông đến đó để ủng hộ nổ lực đình công của những công nhân vệ sinh da Đen đã phải chịu đựng điều kiện làm việc bất bình đẳng và tồi tệ. Những tập đoàn lớn, bao gồm cả Starbucks, xem việc mừng kỷ niệm Tháng Lịch sử da Đen nhiều khi như một hình thức “tỏ vẻ” với công chúng. Họ nhắm lấy cảm tình của công chúng bằng cách quảng cáo những khoảnh khắc dễ chịu, bùi tai nhưng đó thường chỉ là bề nổi của tảng băng. Họ hiếm khi đề cập những chi tiết lịch sử, như trải nghiệm của các công nhân vệ sinh da Đen ở Memphis. Trong khi công nhân da trắng được ngồi trên cabin xe tải thì những người công nhân da Đen phải đeo theo đứng ở phía sau xe, chưa kể đến việc họ được trả công ít hơn. Công nhân da Đen phải làm việc trong môi trường đầy giòi và chuột mặc bất chấp thời tiết có ra sao. Vào tháng Hai năm 1968, hai công nhân da Đen Echol Cole và Robert Walker chỉ vì để tránh một cơn mưa rào, hai người họ chui vào phía sau một chiếc xe tải để rồi bị đè chết bởi chiếc máy ép rác bị trục trặc. Gia đình của họ chẳng nhận được quyền lợi bảo hiểm gì và chỉ được trả một tháng lương cộng với chi phí trợ cấp cho tang lễ. Thảm kịch này ngay lập tức dẫn đến cuộc đình công của các công nhân vệ sinh Memphis. Cuộc đình công được tiến hành vào ngày 12 tháng 2, trùng ngày sinh nhật của Abraham Lincoln. Tuần lễ Lịch sử người da Đen, tiền thân của Tháng Lịch sử người da Đen được tổ chức vào chính tuần đó do đó trùng vào dịp sinh nhật của cả Lincoln và Frederick Douglass. (Vì Douglass là một đứa trẻ nô lệ, ngày sinh của ông không được ghi chép lại mà chỉ ghi theo mùa nên ông đã chọn ngày 14 tháng 2 làm ngày sinh của mình.) Đây là một hoạt động chính trị chủ chốt khác của cộng đồng Mỹ gốc Phi, bên cạnh phong trào biểu tình toạ kháng vào năm 1961. Không phải ngẫu nhiên mà cuộc biểu tình của người da Đen lại trùng với khoảng thời gian tôn vinh lịch sử kiên cường của người Mỹ gốc Phi. Nó rất có lý, bởi vì mục đích của việc tôn vinh lịch sử không chỉ đơn giản là để ca vang những câu chuyện đi vào lãng quên. Nó còn là dịp để dám đứng lên cự tuyệt thứ ý thức hệ vốn đặt người da Đen ở tầng cuối cùng ở mọi phương diện của xã hội Mỹ, và còn là để nuôi dưỡng sự phản kháng của cộng đồng Mỹ gốc Phi. Tôi không chắc chuyện gì sẽ xảy ra với nỗ lực thành lập công đoàn tại Starbucks ở Memphis. Nhưng sự kiện này là một lời nhắc nhở đầy ý nghĩa. Đúng thế, Tháng Kỷ niệm Lịch sử người Da Đen là một cột mốc thời gian để tưởng nhớ các nhân vật lịch sử và các tổ chức phi thường. Nó là một thời điểm để tôn vinh văn hoá và truyền thống. Nhưng nó cũng cần phải đề cập lịch sử chính trị. Lịch sử người Da Đen bao gồm nỗ lực tổ chức dẫn đầu bởi những công nhân tại các trại gà và mỏ than. Nó bao gồm các giáo viên tại các trường học phân tách theo chủng tộc đã khởi kiện các tiểu bang và học khu vì điều kiện lương bổng yếu kém. Nó bao gồm những người lĩnh canh bị sa thải vì dám tổ chức đấu tranh cho quyền bỏ phiếu. Nó bao gồm các công nhân nhà máy thép bị phơi nhiễm bệnh phổi đen, và các tù nhân bị đẩy đi làm ở những cánh đồng, bị đối xử như những tổ tiên nô lệ của họ. Và tất cả mọi dòng lịch sử đó đều có mối quan hệ trực tiếp đến thời điểm chính trị hiện tại này. Lịch sử người Da Đen, cùng với rất nhiều sự kiện khác, cũng là lịch sử lao động. Sao mà khác được cơ chứ? Rốt cuộc thì điều kiện sống của người Da Đen ở Mỹ được định hình một cách rõ rệt bởi điều kiện làm việc của họ. Đó là thứ công việc bòn rút sức khoẻ một cách vô nhân, hạ thấp và gạt ra một bên trí tuệ và khao khát vươn lên của họ. Điều kiện làm việc ở Starbucks thường được cho là tốt hơn hầu hết các tập đoàn khác trong ngành dịch vụ ăn uống ở Mỹ (mặc dù họ đã từng nhận chỉ trích gay gắt do cách vận hành các đồn điền trồng cà phê ở Brazil, và điều đáng nói là Martin Luther King Jr. là một trong số rất nhiều nhà hoạt động người Mỹ gốc Phi đã thể hiện tình đoàn kết rõ ràng với dân lao động nghèo trên toàn thế giới). Tôi không rõ liệu đây là kết quả của việc tiếp thị khôn khéo hay là một sự thật hiển nhiên, nhưng tôi không nghĩ làm việc ở Starbucks nặng nhọc hơn làm việc tại các các chuỗi lớn cửa hàng thức ăn nhanh khác. Nhưng vậy thì sao? Công đoàn lập ra không chỉ để đấu tranh chống lại điều kiện làm việc tồi tệ. Nó được lập ra để bảo vệ sự công bằng và để xem liệu ban lãnh đạo của các tập đoàn có đứng ra chịu trách nhiệm trước những cá nhân hàng ngày làm việc để duy trì hoạt động kinh doanh của công ty hay không. Ở thời điểm hiện tại, chỉ có khoảng 10% số công nhân Mỹ làm công ăn lương là thành viên công đoàn, và vấn đề bất bình đẳng kinh tế ngày càng trở nên trầm trọng hơn hậu đại dịch. Tháng Kỷ niệm Lịch sử người Da Đen có thể giúp chúng ta hiểu hơn về thực tế này. Hãy rút ra những bài học từ lịch sử, áp dụng nó cho hiện tại, chứ đừng chỉ tôn vinh suông. Chúng ta nên tự hỏi bản thân mình: Làm cách nào để ta có thể soi xét các mối quan hệ về quyền lực qua lăng kính lịch sử của người Da Đen? Và ai có thể dẫn dắt ta hơn chính Frederick Douglass vĩ đại, người với tài hùng biện đầy cá tính đã khai sáng cho chúng ta về sức mạnh của sự phản kháng, giống như những gì ông đã từng viết: Nhìn lại toàn bộ quá trình phát triển của sự giải phóng con người, ta thấy được rằng tất cả những nhượng bộ có được đều là kết tinh của quá trình đấu tranh nghiêm túc. Ngay lúc này đây, sự mâu thuẫn đang sục sôi, dâng trào, thu hút mọi sự chú ý, khiến người ta quên đi tất cả những xáo trộn khác. Nó phải là như vậy, không thì sẽ chẳng còn nghĩa lí gì. Nếu không có đấu tranh sẽ không có tiến bộ. Những người tự nhận ủng hộ quyền tự do nhưng lại phản đối những xáo động, họ chẳng khác gì những người nông dân muốn thu hoạch mà không cần cày xới, muốn muốn mưa rào nhưng chẳng kéo theo sấm chớp, muốn đại dương mà lại thiếu đi tiếng gầm rú hiên ngang của từng đợt sóng.


Người dịch: Phuong Anh

Biên tập: Đông Phong

bottom of page