Translated from Creative Review's article Photo series Perpetual Foreigner reflects on the Asian American experience
By Rebecca Fulleylove, on 05-09-2021
Nhiếp ảnh gia Andrew Kung và đạo diễn sáng tạo Kathleen Namgung đã cùng tạo ra một loạt ảnh tôn vinh sự đa dạng mà người Mỹ gốc Á đã đóng góp vào nền văn hóa Mỹ
“Chúng tôi bắt đầu lên ý tưởng cho dự án vào cuối năm 2020 qua một vài cuộc trò chuyện về cảm nhận người Mỹ gốc Á; chúng tôi phát hiện ra một câu chuyện chung về việc những người Mỹ gốc Á đã và đang được coi là những người ngoại quốc trên quốc gia này,” Andrew Kung và Kathleen Namgung nói với phóng viên của CR.
“Mục tiêu của chúng tôi với Perpetual Foreigner (tạm dịch: Những kẻ ngoại tộc muôn kiếp) là để định nghĩa lại cách chúng ta hình dung ra một người Mỹ bằng việc tôn vinh người Mỹ gốc Á. Người Mỹ thường được gán cùng da trắng, nhưng nước Mỹ lại được hình thành từ những cộng đồng đa dạng và giàu văn hóa khác nhau.”
Toàn bộ hình ảnh: Perpetual Foreigner. Nhiếp ảnh gia: Andrew Kung, đạo diễn sáng tạo kiêm stylist: Kathleen Namgung
Bộ ảnh này nhằm tôn vinh người Mỹ gốc Á thuộc về một đất nước nơi đã nhìn nhận họ như những người vô hình, những người ngoại quốc, và “không đủ chất Mỹ” hàng thập kỷ qua. Bộ ảnh này được chụp bởi nhiếp ảnh gia Kung và đồng nghiệp Numgung, đạo diễn sáng tạo của dự án. Bộ ảnh làm nổi bật người Mỹ gốc Á như một phần bức tranh của một cuộc sống Mỹ, Kung và Namgung cũng nhận định rằng bộ ảnh này không phải một cố gắng để trở nên phù hơp với “hình mẫu người Mỹ da trắng”, mà muốn truyền tải cách thức người Mỹ gốc Á đóng góp cho sự đa dạng của nền văn hóa Mỹ. Loạt ảnh này lấy cảm hứng từ các chiến dịch và phong cách từ những năm 90s và đầu 2000, thời kỳ mà hai nhà làm sáng tạo này lớn lên. "Chúng tôi không thấy nhân vật chính người Mỹ gốc Á trong các chiến dịch quảng cáo, những chiếc túi mua sắm của Ralph Lauren hoặc Abercrombie, hoặc trên bất kỳ phương tiện truyền thông chính thống nào như âm nhạc, phim ảnh hoặc truyền hình, ”họ nói.
Khi bắt đầu dự án, cả hai cùng lên ý tưởng và thống nhất chủ đề, và trong quá trình chụp ảnh, bộ đôi cho biết họ thay phiên nhau làm từng việc để có thể bắt kịp những chi tiết mà đối phương bỏ qua. “Quá trình làm việc của bọn tôi khá liền mạch vì bọn tôi đều cùng tham gia vào tất cả các khâu từ lên kế hoạch đến sản xuất loạt ảnh; thế mạnh của mỗi người chúng tôi tương trợ lẫn nhau,” họ giải thích. “Kathleen có rất nhiều nguồn cảm hứng và tài liệu tham khảo, với sở trường kể chuyện qua hình ảnh trong khi Andrew biến tấu những câu chuyện thành các yếu tố khác nhau để làm nên một bức ảnh tĩnh.”
Việc chọn người mẫu cho dự án là yếu tố quan trọng hàng đầu, Kung và Namgung nói họ quyết tâm để có được những người Mỹ gốc Á đại diện cho các sắc tộc, trải nghiệm và câu chuyện khác nhau. “Từ cá nhân đến các cặp đôi và gia đình, chúng tôi muốn ghi lại được những mối quan hệ mà người xem có thể đồng cảm với trải nghiệm của mình,” 2 người nói. “Những người mẫu này thường là bạn bè hoặc bạn của bạn; việc trò chuyện với người mẫu về trải nghiệm người Mỹ gốc Á của họ là rất quan trọng. Nó giúp chúng tôi hiểu vấn đề hơn cũng như truyền cảm hứng cho các câu chuyện qua ảnh của chúng tôi, đồng thời đảm bảo rằng dự án này cũng có ý nghĩa với [họ].”
Với việc gần đây số lượng tội ác căm thù chống người châu Á tăng vọt tại Mỹ cũng như việc giới truyền thông chú ý đến các vụ tấn công năm ngoái, trọng trách của Perpetual Foreigner lại càng to lớn, và bộ đôi cảm thấy những tấm hình họ chụp lại càng quan trọng hơn nữa.
“Người Mỹ gốc Á chỉ là người Mỹ khi thuận tiện; ví dụ, như khi Minari (một câu chuyện về dân nhập cư Mỹ) bị phân loại là phim nước ngoài, văn hóa Mỹ gạt bỏ những câu chuyện mà thoạt nhìn thoạt nghe khác biệt với khuôn mẫu,” họ giải thích. "Người Mỹ gốc Á đã luôn bị gán mác là những kẻ ngoại tộc muôn kiếp và dân tộc thiểu số kiểu mẫu, như đã thấy qua lịch sử tội ác căm thù hàng trăm năm. Những tội ác kỳ thị này đã kéo dài sự thờ ơ đối với người Mỹ gốc Á và cho thấy sự cấp thiết của những dự án góp phần truyền đạt và hình tượng hóa trải nghiệm Mỹ Á như Perpetual Foreign.
Họ hy vọng qua loạt ảnh này, mọi người sẽ hiểu rằng nước Mỹ được xây dựng từ nhiều tiếng nói và cộng đồng đa dạng, chứ không chỉ từ góc nhìn đồng hóa của người da trắng (white gaze). “Nếu mọi người xem hình xong mà trở nên đồng cảm, đầy hy vọng, và thấu hiểu trải nghiệm của người Mỹ gốc Á hơn, đó sẽ là thành công của chúng tôi,” họ nói.
Về phần mình, Kung và Namgung cho biết họ học thêm nhiều điều về bản thân cũng như cộng đồng của mình qua các cuộc trò chuyện bình dị mà sâu sắc. Trong tương lai, bộ đôi muốn tiếp tục tìm hiểu thêm về lịch sử, cộng đồng, cũng như đồng minh của mình, để những câu chuyện họ chia sẻ cũng rực rỡ và đậm chất nhân văn như chính những nhân vật đằng sau chúng. “Điều này thôi thúc chúng tôi tạo ra thêm nhiều dự án kệ chuyện hình ảnh hơn cho những câu chuyện chưa được kể của người Mỹ gốc Á, từ đó chúng tôi có thể vẽ nên các bức tranh sống động hơn cho sự đại diện chân chính.”
Người dịch: Linh Nguyen, Vũ Yên
Biên tập: Bảo Trân
Comments