top of page

Mặc cảm ngoại hình ở Mỹ: quá khứ, hiện tại và tương lai

By Anna North, on 17-10-2021, 21:00:00

Thế hệ Y trưởng thành trong nỗi căm ghét cơ thể của chính mình. Liệu Gen Z có giống vậy? Isheyla Elena Ariza bắt đầu bị miệt thị ngoại hình (body-shaming) từ cấp hai. Tại ngôi trường chủ yếu là người da trắng của Ariza ở California, cô "thuộc một nhóm nhỏ người gốc Latinh, và cả mỗi người chúng tôi cũng trông rất khác nhau,” Ariza chia sẻ với Vox. "Chúng tôi không nhỏ nhắn, cũng không có mái tóc vàng và thẳng." Ariza bị bắt nạt hết lần này đến lần khác vì mái tóc xoăn, màu da và cân nặng của mình. “Tôi bị gọi là ‘con voi,'” cô nói. Có năm, "tôi bị đồn đang mang thai, nhưng chỉ là vì người tôi mập mạp thôi." Chẳng lâu sau Ariza bắt đầu bỏ bữa và uống thuốc giảm cân. Đôi khi cô bỏ ăn nhiều ngày. “Tôi rất quan tâm đến cân nặng của mình, muốn giảm cân vì tôi muốn được giống như những cô gái khác,” cô nói. Ariza hiện 21 tuổi, thuộc thế hệ Gen Z, nhóm được cho là lớn lên trong môi trường thân thiện hơn so với các thế hệ trước về các vấn đề liên quan đến ngoại hình. Thanh thiếu niên và những người ở độ tuổi 20 ngày nay có thể theo dõi các nhân vật có ảnh hưởng nỗ lực xóa bỏ tâm lý sợ béo và thể hiện cảm giác tự tin, vui vẻ bất kể kích thước cơ thể như nhà văn Gabi Gregg hay Aubrey Gordon. Các thương hiệu nổi tiếng như American Eagle bán quần áo có kích cỡ từ 24 trở lên, do những người mẫu và các nhà hoạt động như Saaneah Jamison quảng cáo. Từng là một phong trào cấp tiến, khái niệm “tích cực về cơ thể” (body positivity) đã trở nên phổ biến, được những người nổi tiếng như Kim Kardashian và Jameela Jamil ủng hộ. Bạn có thể dễ dàng lấp đầy dòng thời gian trên Instagram với những thông điệp yêu thương bản thân và giữ sức khỏe bất kể kích thước cơ thể. Nhưng kinh nghiệm của Ariza cho thấy, chuyện bắt nạt người khác vì cân nặng và ngoại hình chưa thể chìm vào dĩ vãng. Thực tế, tình hình bây giờ còn tệ hơn: Lượng hình ảnh đập vào mắt thanh thiếu niên mỗi ngày nhân lên hàng nghìn. Những hình ảnh này thường được chỉnh sửa bằng Photoshop hoặc các bộ lọc để tạo ra những vẻ ngoài vô tưởng như nhau. Reanna A. Shanti Bhagwandeen, sinh viên năm nhất tại Đại học Bates, nói với Vox: “[Công nghệ] chỉnh sửa và làm Âu hoá các đặc điểm nhận dạng của mình, khiến tôi không còn là tôi.” Trong khi đó, nhiều thanh niên nói rằng ngày nay thuật ngữ “tích cực về cơ thể” lại bị tha hoá bởi những người nổi tiếng mang ngoại hình được nhiều thế hệ coi là vẻ đẹp lý tưởng như cơ thể mảnh khảnh và làn da trắng hoặc sáng màu. Hơn nữa, những nhân vật này lại đang tôn vinh những đặc điểm được gắn với phụ nữ Da đen, như đôi môi đầy đặn, trong khi phụ nữ Da đen vẫn bị phân biệt đối xử vì đặc điểm ấy. Suy cho cùng, có lẽ không có gì ngạc nhiên khi cứ ba cô gái tuổi teen sẽ có một người cảm thấy Instagram làm vấn đề mặc cảm ngoại hình của mình tệ hơn, theo nghiên cứu nội bộ của Facebook. Chứng rối loạn ăn uống, thay vì biến mất cùng sự phát triển của phong trào tích cực về cơ thể, thậm chí còn đang trên đà tăng cao. Quả vậy, lịch sử văn hóa ngoại hình ở Mỹ trong hơn 40 năm qua như một điệu nhảy bất tận: hai bước tiến, hai bước lùi, không tiến bộ theo hướng nào. Trước đây, các tiêu chuẩn sắc đẹp do các tạp chí và thương hiệu tiêu dùng trưng bày và củng cố, Giờ đây, công việc này được thực hiện gia công bởi người sử dụng Instagram và TikTok. Đó là những vẻ đẹp lý tưởng chỉ có được sau rất nhiều can thiệp chỉnh sửa cơ thể. Và những người trục lợi từ sự mặc cảm cơ thể - cụ thể là ngành công nghiệp giảm cân và phẫu thuật thẩm mỹ - đang kiếm được nhiều tiền hơn bao giờ hết. Để phá vỡ vòng lẩn quẩn đó nói dễ hơn làm. Thanh thiếu niên và các nhà giáo dục nói rằng trong cuộc chiến mặc cảm cơ thể, lứa tuổi này cần được hướng dẫn xử lý luồng thông tin liên quan đến ngoại hình bản thân. Thanh thiếu niên và trẻ em đặc biệt cần được giáo dục thường xuyên về “mạng xã hội, các mối quan hệ xã hội và hình ảnh cơ thể một cách lành mạnh," theo Pascale Saintonge Austin - người giám sát chương trình giáo dục đồng trang lứa Just Ask Me tại tổ chức phi lợi nhuận Children’s Aid ở New York, nói với Vox. “Ta cần trò chuyện với thanh thiếu niên nhiều hơn.” Chứng sợ béo ở Mỹ có lịch sử lâu đời gắn liền với phân biệt chủng tộc Các cuộc tranh luận về hình ảnh cơ thể ở Mỹ đã có từ rất lâu trước khi tồn tại sự phân chia thế hệ Y và thế hệ Z ngày nay. Theo Sabrina Strings - giáo sư xã hội học tại Đại học California Irvine và tác giả cuốn sách Nỗi sợ thân thể da đen: Nguồn gốc chủng tộc của chứng sợ béo - cơ thể mảnh mai được xem là lý tưởng bắt đầu xuất hiện ở Mỹ thông qua việc buôn bán nô lệ châu Âu. Bắt đầu từ thế kỷ 18, người châu Âu tìm cách để tạo ra sự khác biệt giữa họ và những người trên khắp thế giới mà họ thu làm nô lệ và thuộc địa. Họ không chỉ dựa vào màu da nữa, vì qua nhiều thế hệ bị thực dân cưỡng hiếp, những người chịu sự kiểm soát của người châu Âu có nhiều sắc da. Vì vậy, họ bắt đầu nói về cân nặng. Theo Strings chia sẻ với Vox, người châu Âu, chủ yếu là người Pháp và người Anh, bắt đầu đưa ra tuyên bố mang itnhs phân biệt chủng tộc đội lốt khoa học rằng "người châu Âu có khả năng tự chủ," tức họ có quyền quản lý không chỉ bản thân mà cả những người khác. Tương tự, họ tuyên bố rằng người Da đen không thể kiểm soát được thói quen ăn uống, rất thích ăn và có xu hướng nặng cân hơn. Strings nói: “Điều này khởi nguồn toàn bộ ý niệm rằng người Da đen là một chủng tộc thấp kém cần tránh xa." Strings còn nói, những ý tưởng này bén rễ ở Hoa Kỳ vào đầu thế kỷ 19 khi những người Mỹ da trắng theo đạo Tin lành đang nỗ lực bài xích người nhập cư từ những nơi như Ireland và phát động tư tưởng rằng “mảnh mai là thuộc tính của chủng tộc và của Cơ đốc giáo.” Việc gán độ mảnh mai lý tưởng với chủng tộc lập tức bị phản đối. Theo Strings, "ta có thể thấy người ta bắt đầu thắc mắc về những ý tưởng này ngay cả khi chúng đang lan rộng.” Tuy nhiên, các phong trào hướng tới việc chấp nhận cơ thể bản thân và chống lại chứng sợ béo như ngày nay mới bắt đầu trong những năm 1960 và 70. Năm 1969, Bill Fabrey và Llewelyn Louderback thành lập Hiệp hội Quốc Gia Đấu Tranh Chấp Nhận Người Béo (NAAFA) để giải quyết tình trạng phân biệt đối xử về cân nặng mà vợ họ phải đối mặt. Vào những năm 1970, hai thành viên của nhóm, Judy Freespirit và Sarah Fishman, đã tạo ra nhóm Fat Underground cấp tiến hơn, lấy cảm hứng từ hoạt động đấu tranh cho nữ quyền và cộng đồng queer. Các nhà văn và nhà văn Da đen cũng liên hệ việc phân biệt trọng lượng cơ thể với phân biệt chủng tộc, như Briana Dominici đã chỉ ra tại Zenerations. “Tôi là một phụ nữ,” nhà hoạt động Johnnie Tillmon viết vào năm 1972. “Tôi là một phụ nữ Da đen. Tôi là một phụ nữ nghèo. Tôi là một phụ nữ béo. Tôi là một phụ nữ trung niên. Ở đất nước này, nếu bạn là một trong những thứ đó, người ta sẽ nhìn bạn bằng nửa con mắt." Strings nói, mặc dù có những tuyên bố táo bạo về vấn đề này, nhưng khía cạnh chính trị chủng tộc của chứng sợ béo lại ít được chú ý hơn là mối liên hệ giữa phân biệt giới tính và sự thù ghét phụ nữ. Nhìn chung, văn hóa Mỹ thay đổi rất chậm. Những năm 1980 và 90 là “thời đại văn hóa một chiều”, Marisa Meltzer, tác giả của This Is Big: How the Founder of Weight Watchers Changed the World - and me (Việc lớn: Người sáng lập Weight Watchers đã thay đổi thế giới và tôi như thế nào), nói với Vox. Trước khi mạng xã hội ra đời, tiêu chuẩn sắc đẹp “được mặc định bởi các tập đoàn lớn” đại diện bởi những người nổi tiếng như Cindy Crawford, Christy Turlington hay Gwyneth Paltrow như chuẩn mực. Meltzer nói: “Đó là vẻ đẹp được khao khát và sẽ luôn là những người hoàn hảo đến mức khó tin. Và hoàn hảo, trong những ngày đó, có nghĩa là mảnh mai. Đó là thời đại của Jenny Craig, khi đế chế giảm cân được thành lập vào năm 1983. Đó là thời điểm nổi tiếng của Oprah, khi người dẫn chương trình kéo theo một chiếc xe chở 30 kí mỡ động vật để minh hoạ cho công cuộc giảm cân gần đây của cô (sau đó Oprah nói rằng bà đã giảm cân bằng cách nhịn thức ăn đặc trong bốn tháng). Như Anne Helen Petersen đã chia sẻ, đó là thời đại một người mẫu cỡ 4 được đưa lên bìa tạp chí Seventeen thay vì cỡ 0 là đủ để thể hiện sự đa dạng về cơ thể - và độc giả vẫn phàn nàn rằng người mẫu này quá béo. Thuyết phục những người bình thường rằng họ quá cỡ, quá xấu, hay quá “gì đó” cũng là một công việc kinh doanh phát đạt. Vào đầu những năm 90, Jenny Craig thu về hơn 400 triệu đô la mỗi năm, phần lớn số tiền này lại được đổ tiếp vào hoạt động quảng cáo. Quảng cáo cho thực phẩm chức năng và các chất hỗ trợ giảm cân - trình chiếu những phụ nữ rất thanh mảnh nhằm giới thiệu tất cả các loại các sản phẩm có thể sử dụng để đạt đến vẻ đẹp siêu tưởng - đã đẩy mạnh lợi nhuận của các tạp chí trong suốt những năm 1990. Tất nhiên, không phải ai cũng chịu tác động giống nhau trong xã hội đơn văn hoá do các công ty truyền thông và thực phẩm chức năng áp đặt lên. Petersen lấy ví dụ rằng độc giả Da đen của các tạp chí tuổi teen sẽ dễ chê bai và ít khi xem những gì đăng tải trên tạp chí là đại diện cho thực tế. Nhưng đồng thời, người Mỹ Da đen và da màu khác vẫn ít nhiều bị ảnh hưởng bởi vẻ mảnh mai lý tưởng được in trên các tạp chí ngay cả khi họ không thực sự thấy thuyết phục. Từng được quảng bá để bào chữa cho chế độ nô lệ và chủ nghĩa thực dân, tư tưởng phân biệt chủng tộc giờ tồn tại trong sự phân biệt đối xử về cân nặng xuyên suốt lịch sử nước Mỹ. “Nếu bạn là một người Da đen béo, đặc biệt là một phụ nữ Da đen béo, nhiều khả năng bạn nhận được dịch vụ chăm sóc y tế kém hơn, nhiều khả năng bạn bị phân biệt đối xử trong công việc của mình,” Strings nói. “Có nhiều đặc điểm nhận dạng mà người Mỹ cho là thô thiển sẽ khiến bạn phải đối mặt nhiều hơn với các hình thức thiên vị hay trù dập khác nhau.” Vào những năm 2000, "tích cực về cơ thể" bắt đầu trở nên phổ biến Khi việc thiên vị và trù dập vẫn tồn tại dai dẳng, phong trào phản đối chứng sợ béo đã được biết đến nhiều hơn và phát triển mạnh mẽ hơn. Như Evette Dionne đã ghi lại trong ghi chép lịch sử phong trào của cô, vào những năm 2000, các blogger và nhà văn như Marianne Kirby và Lesley Kinzel đã giúp việc chấp nhận người béo trở thành xu hướng phổ biến. Khoảng đầu năm 2008, những người ủng hộ "tích cực về cơ thể," trong số đó nhiều người là phụ nữ da màu, bắt đầu đăng ảnh, bài luận và thơ lên ​​Tumblr và Facebook. Theo Stephanie Yeboah, một blogger và là tác giả của cuốn sách Fattily Ever After: A Black Fat Girl’s Guide to Living Life Unapologetically (Béo phì mãi mãi: Cẩm nang cho cô gái da đen mập mạp sống một cuộc sống không hối tiếc), đã nói với Vox vào đầu năm nay, đây là những nỗ lực để “người quá cỡ vẫn thấy hạnh phúc như bình thường, hoặc cảm thấy thoải mái về màu da.” Phong trào tích cực về cơ thể vào thời điểm đó chủ yếu được dẫn dắt bởi “những người phụ nữ Da đen to béo” và đem lại “một không gian an toàn cho những người có mặc cảm xích lại gần nhau, tưởng thưởng cuộc đời mình như bao người.” Khi các nhà hoạt động và nhà văn thúc đẩy thay đổi, văn hóa đại chúng cũng phát triển theo. Năm 2004, Dove phát động phong trào đã trở nên nổi tiếng hiện nay Campaign for Real Beauty (Vì Vẻ đẹp Thực sự), trong đó có một nhóm phụ nữ đa sắc tộc tạo dáng trong trang phục lót. Tất cả phụ nữ đều có thân hình đồng hồ cát, tương đối trẻ và dường như không bị khuyết tật về thể chất - tuy nhiên, không ai là người gầy theo chuẩn mực. Vào thời điểm đó, một chiến dịch giới thiệu những thân hình thậm chí có phần mập mạp thật sự táo bạo. Meltzer nói: “Điều này là bình thường bây giờ, nhưng lúc đó, đối với tôi, là một bước ngoặt.” Sự thay đổi không phải một sớm một chiều - vào năm 2012, khi nhà văn nổi tiếng Gabi Gregg mặc và viết về một bộ “fatkini” cho xoJane, hình ảnh người phụ nữ cỡ 18 tự hào làm người mẫu đồ bơi đã đủ lạ để gây chấn động dư luận. Lúc đó các lựa chọn đồ bơi cho phụ nữ cỡ của Gregg vẫn còn rất ít. Tuy nhiên, sự thay đổi xuất hiện khi các công ty nhận ra rằng họ có thể kiếm thêm tiền từ việc bán hàng cho hàng triệu người tiêu dùng Mỹ, nhóm người tiêu dùng đang bị bỏ qua khi kích cỡ quần áo vẫn bị giới hạn bởi xu hướng siêu gầy của các người mẫu. Năm 2016, Sports Illustrated đưa người mẫu ngoại cỡ đầu tiên, Ashley Graham, lên trang bìa. Vào năm 2019, các thương hiệu như American Eagle và Anthropologie bắt đầu ra mắt các sản phẩm ngoại cỡ. Sự gia tăng quảng cáo của các thương hiệu bán hàng trực tuyến trên Instagram đồng nghĩa với việc giới thiệu đến người tiêu dùng các sản phẩm có nhiều kích cỡ hơn và bởi những người mẫu đa dạng hơn. Trong khi đó, cho dù thông qua các chương trình truyền hình như Girls hay thậm chí sau đó là hình mẫu (ít xúc phạm hơn) của girlboss (cô gái hách dịch), “làn sóng thứ ba trong suy nghĩ về nữ quyền đang trở nên rất phổ biến,” Meltzer nói. Trong thời buổi “The Future Is Female” (Tương lai là Phụ Nữ) được in lên áo phông, các thương hiệu không còn đặt nặng việc áp dụng phong cách thẩm mỹ hướng đến vóc dáng mảnh mai. Thay vào đó, tiêu chuẩn của ngày nay là một vẻ đẹp đa dạng hơn. Meltzer nói: “Quần áo nên sản xuất cho mọi người, vẻ đẹp nên tạo ra cho tất cả, và quan trọng là mang tính đại diện. Những ý tưởng này bây giờ đã trở nên bình thường, nhưng trước đây được xem như viển vông hay có tính hàn lâm và phải thực sự giải thích cho mọi người hiểu.” Thật vậy, tích cực về cơ thể từng là phong trào của những người mang mặc cảm về thân thể, nay đã trở nên phổ biến, và trở thành một từ khóa thường xuyên được sử dụng trên Instagram và TikTok bởi những người bình thường cũng như những người nổi tiếng. Trong một tìm kiếm gần đây, #bodypositivity đã có 15,2 tỷ lượt xem trên TikTok và 8,9 triệu bài đăng trên Instagram. Với vài cú nhấp chuột, bất kỳ ai cũng có thể truy cập các hình ảnh có những dòng như “mọi cơ thể đều phù hợp để mặc bikini” hoặc “tập luyện vì bạn yêu cơ thể của mình, không phải vì bạn ghét nó.” Hoặc bạn có thể bắt gặp các ngôi sao TikTok khoe ngấn bụng và tuyên bố rằng bụng mỡ là bình thường. Tính từ lúc người mẫu cỡ 4 cũng đủ để trở thành chủ đề gây tranh cãi, ta đã đi được một chặng đường dài. Nhưng, trong nhiều khía cạnh khác, ta còn nhiều việc phải làm. Mạng xã hội mang đến một lượng lớn thông tin về thân thể của chúng ta và những người khác Có thể sự khác biệt lớn nhất giữa môi trường truyền thông ngày nay và những năm 80 hoặc 90 là bây giờ có nhiều thông tin hơn. Những năm trước, tuy các tạp chí nhan nhản hình ảnh những người mẫu siêu gầy, nhưng “bạn có thể tạm nghỉ không xem không đọc,” Austin nói. “Lúc đó không có Facebook hay những mạng xã hội tương tự” và “không có Netflix hoặc đầu đọc video.” Ngày nay, ngược lại, “có quá nhiều thông tin,” Austin nói. Thông tin đó có thể bao gồm các thông điệp tích cực về cơ thể, nhưng ngày cũng có càng nhiều hình ảnh những người đã phẫu thuật thẩm mỹ hoặc sử dụng bộ lọc hoặc Photoshop để có được một vẻ ngoài nhất định. “Mọi thứ đều được chỉnh sửa,” Austin nói. Điều đó bao gồm cả những người không phải Da đen cố gắng đạt được những đặc điểm từng được gắn với phụ nữ Da đen, chẳng hạn như đôi môi đầy đặn hoặc bộ mông lớn. Nhà xã hội học Strings cho biết, việc chiếm đoạt các đặc điểm như vậy là hành động phân biệt chủng tộc đã làm phát sinh chứng sợ béo ở Mỹ. Cô nói: “Có rất nhiều người đang nói những điều thiếu tôn trọng về người béo trên internet,” và đặc biệt là về phụ nữ Da đen béo. Nhưng “bạn cũng sẽ thấy những người này đang cố gắng bơm mông hoặc bơm môi.” “Đó không chỉ là nỗi sợ người Da đen,” Strings giải thích. “Cả nỗi sợ hãi và khao khát người Da đen đã khiến nạn phân biệt chủng tộc tiếp tục diễn ra.” Ngay cả những người được cho là theo đuổi lý tưởng về đa dạng đa sắc tộc cũng tham gia vào việc cổ xúy như vậy. “Tích cực về cơ thể - tôi không chắc tôi thấy an lòng với phong trào này,” Bhagwandeen nói. Cô chỉ ra những người nổi tiếng như Kim Kardashian, người đã từng đi đầu về tích cực về cơ thể nhưng cũng là người thu lợi từ văn hóa BIPOC” (ND: Black, Indigenous, (and) People of Color hay Da Đen, Thổ Dân và Các Sắc Tộc Khác). Trong khi đó, một số người nói rằng thái độ tích cực với sự đa dạng cơ thể hiện nay vẫn có giới hạn của nó. Khi còn nhỏ, Wendy Marroquin, hiện là học sinh trung học ở Los Angeles, nói với Vox trong một email là cô luôn xem “phụ nữ da trắng, tóc vàng, gầy và không ăn nhiều” là vẻ đẹp lý tưởng. Mọi thứ đã thay đổi, nhưng chỉ là một chút: "Đường cong đang nổi nhưng vòng eo thon gọn vẫn là chuẩn mực." Marroquin cho biết: “Những thân hình ‘lý tưởng’ được quảng bá bởi truyền thông khiến tôi cảm thấy tự ti về cơ thể và thậm chí có lúc còn ghét nó, mặc dù thân thể này đã làm quá nhiều thứ cho tôi.” Hơn nữa, như Rebecca Jennings của Vox đã báo cáo vào đầu năm nay, nhiều người phàn nàn rằng lý tưởng của “tích cực về cơ thể” đã xói mòn đến mức mà phong trào hiện đang bị thống trị bởi những phụ nữ tương đối gầy, những người được khen ngợi chỉ vì để lộ ngấn bụng khi họ ngồi xuống hoặc có những khác biệt nhỏ so với khuôn mẫu lý tưởng. TikToker @sheismarissamatthews cho biết: “Rất nhiều người béo có bụng mỡ 24/7. Việc tìm cách để có bụng mỡ một cách không tự nhiên cũng như làm đại diện cho một phong trào vốn không dành cho bạn chẳng có ích gì." Mặc dù mạng xã hội có thể đưa ra những lời khẳng định tích cực, đây cũng có thể được coi như một phiên bản khác của loại văn hóa tạp chí và truyền hình từng khiến người xem tự ti và bất an. Hình ảnh lý tưởng trước đây chỉ được một vài biên tập viên và công ty quảng cáo quyết định, giờ lại được rất nhiều người nổi tiếng và ngôi sao TikTok cổ xúy. Trong khi vài chi tiết trong gu thẩm mỹ thời nay có thể thay đổi, áp lực đạt được nó chắc hẳn vẫn như trước. copy Những người hưởng lợi cuối cùng cũng không thay đổi: Ngành công nghiệp ăn kiêng đã bùng nổ trước đại dịch và đang sẵn sàng phục hồi, với các công ty như Noom ngày càng nổi tiếng. Đồng thời, sau một thời gian tạm lắng vì nhiều cuộc phẫu thuật lựa chọn bị hủy bỏ vào năm 2020, ngành phẫu thuật thẩm mỹ đang bùng nổ trở lại. Ngay cả khi bị cách ly vì COVID-19, người Mỹ đã chi hơn 9 tỷ đô la cho phẫu thuật thẩm mỹ vào năm ngoái. Các mạng xã hội đã tạo ra xu hướng phẫu thuật thẩm mỹ riêng - như phương pháp nâng mông Brazil mà, theo Jennings nói, “như cố gắng tạo ra diện mạo khác thanh lọc hình ảnh cơ thể chúng ta trên internet.” Như trước đây, việc liên tục nhìn thấy hình ảnh những thân hình được cho là lý tưởng có thể dẫn đến sự so sánh và đánh giá bản thân, khiến giới trẻ cảm thấy mặc cảm hơn về bản thân. Theo một nghiên cứu nội bộ của Facebook được trình bày vào tháng 3 năm 2020 và được Tạp chí Wall Street Journal thu thập, “33% cô gái tuổi teen nói rằng khi họ cảm thấy mặc cảm về cơ thể của mình, Instagram khiến họ cảm thấy tồi tệ hơn.” Những cảm giác đó có thể gây ra những hậu quả thực sự về sức khỏe tâm thần. Như Wall Street Journal đưa tin, trong số những thanh thiếu niên từng có ý định tự tử, 13% người Anh và 6% người Mỹ xuất hiện những suy nghĩ đó khi xem Instagram. Trong khi đó, tỷ lệ rối loạn ăn uống dường như đã tăng lên trong những năm gần đây, bất chấp sự phổ biến tăng cao của “tích cực về cơ thể.” Theo một nghiên cứu năm 2019, tỷ lệ những người mắc chứng rối loạn ăn uống suốt đời đã tăng từ 3,5% từ năm 2000-2006 lên 7,8% từ năm 2013-2018. Mặc dù chắc chắn có nhiều yếu tố tác động đến sự gia tăng này, nghiên cứu khác đã phát hiện ra mối liên hệ giữa việc sử dụng mạng xã hội và những lo lắng về chế độ ăn uống. Những hình ảnh trên mạng xã hội có thể tác động tâm lý hơn cả chứng rối loạn ăn uống. Theo Wall Street Journal, một slide trong bài thuyết trình nội bộ của Facebook báo cáo: “Thanh thiếu niên cho rằng Instagram là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng tỷ lệ lo âu và trầm cảm. Phản hồi này hoàn toàn bộc phát tự nhiên và hiện diện trong tất cả các nhóm." copy Mặc dù đây là những phát hiện đáng lo ngại, ta cần hiểu rằng các mạng xã hội không tồn tại trong môi trường biệt lập. Cũng giống như các thế hệ trước, mạng xã hội phản ánh và khuếch đại những thông điệp mà thanh thiếu niên tiếp nhận từ gia đình, đồng nghiệp và tất cả những người mà họ gặp trong nền văn hóa được xây dựng dựa trên phân biệt chủng tộc và sợ béo phì. copy Ví dụ, Bhagwandeen bắt đầu vật lộn với hình ảnh bản thân khi còn nhỏ sau khi chú của cô nói rằng một diễn viên Bollywood nổi tiếng sẽ “không bao giờ thích con” vì “con quá đen.” Trong nhiều năm sau đó, Bhagwandeen bắt đầu sử dụng các loại kem làm sáng da, bám víu lấy ý niệm rằng “đặc điểm của người châu Âu đẹp hơn đặc điểm của tôi.” copy Bây giờ, Bhagwandeen cảm thấy khá hơn, thoải mái hơn với làn da nâu, mái tóc xoăn của mình và “toàn bộ con người tôi.” Nhưng cô cũng nói thêm, “điều đó vẫn còn khó khăn với tôi.” copy Bhagwandeen giải thích: “Tôi không thực sự thích soi gương hay thậm chí nhìn vào Instagram và những thứ tương tự. Tôi vẫn nghĩ trong đầu rằng, tôi không đủ tốt." Vẫn tìm được tích cực về cơ thể đích thực trong thời buổi hiện tại - nhưng ta phải cố gắng Đối với Bhagwandeen, điều có ích nhất là “ở bên cạnh những người trông giống tôi,” những người “thực sự khẳng định rằng tôi bình thường.” Nếu có một cách nào đó để vượt qua khoảnh khắc khó khăn đặc biệt này trong cuộc chiến về hình ảnh cơ thể của người Mỹ, thì nhiều người cho rằng đó là vượt qua những thông điệp tiêu cực để tìm ra những hình mẫu, những người đồng nghiệp và các nguồn hỗ trợ có thể giúp nâng đỡ tinh thần mình. So với thời trước, những nguồn hỗ trợ này hiện nay có nhiều hơn - ta chỉ cần chắt lọc giữa nhiễu nhương thông tin. Marroquin kể lại: “Đã có lúc tôi nghĩ rằng mình quá béo hoặc quá lùn vì tất cả những gì tôi thấy ở khắp nơi là hình ảnh những phụ nữ mảnh mai và cao ráo. Nhưng tôi đã dần xóa bỏ suy nghĩ đó khi tiếp xúc với những hình ảnh đại diện khác trên các phương tiện truyền thông như người mẫu quảng cáo của Savage X Fenty, Lizzo và những người khác nữa - họ cảm thấy bình yên và hạnh phúc với cơ thể của họ.” Marroquin cũng chuyển tải kinh nghiệm này vào việc giúp đỡ những người trẻ tuổi khác. Là một tình nguyện viên của tổ chức phi lợi nhuận Peer Health Exchange, họ đã giúp thiết kế ứng dụng selfsea, nơi thanh thiếu niên đăng tải các video nói về các vấn đề như hình ảnh cơ thể, tính dục, sức khỏe tâm thần, v.v. Họ tham gia vì họ muốn những người trẻ tuổi khác được nhìn thấy những hình ảnh đại diện không chỉ cho tất cả các loại cơ thể mà còn cho tất cả các giới, “bởi vì đôi khi phong trào tích cực về cơ thể hướng đến phụ nữ nhưng không khai sáng cho nam giới, phi nhị nguyên hay những người liên giới tính,” họ giải thích. “Thanh thiếu niên chúng ta cần phải nhìn thấy mọi người một cách đa diện nhất để các thế hệ tương lai không phải đối diện với vấn đề và có suy nghĩ không lành mạnh về cơ thể của họ.” Đối với một số người, tham gia vào hoạt động xã hội và giáo dục có thể chữa lành tâm bệnh. Ariza, hiện là sinh viên năm cuối tại Đại học Bang California Dominguez Hills, đã vật lộn với các vấn đề về ăn uống và mặc cảm cơ thể cho đến khi cô tham gia Peer Health Exchange ở trường đại học và bắt đầu chia sẻ cảm xúc về cơ thể của mình với các tình nguyện viên khác. Họ khuyến khích cô tham gia trị liệu và cô đã tìm được chuyên gia tâm lý thông qua trang web của nhóm. Bây giờ, “Tôi thực sự đã trưởng thành và thay đổi quan điểm về bản thân, đặc biệt là về cơ thể của mình,” Ariza nói. “Tôi cảm thấy tự tin hơn và an toàn hơn.” Tuy nhiên, không phải tất cả những người trẻ tuổi đều tiếp cận được các tổ chức như Peer Health Exchange. Đó là lý do tại sao nhiều người ủng hộ các bài học về hình ảnh cơ thể và ủng hộ mạng xã hội trở thành một phần của hệ thống giáo dục công, giống như cách các khóa học về Sức khỏe phổ thông (đã từng) được triển khai . “Nó cần được đưa vào trường học, và các chương trình ngoại khóa,” Austin của Just Ask Me nói. Thật không may, dịch vụ y tế và các chương trình ngoại khóa đã bị cắt giảm ở Thành phố New York và trên toàn quốc trong những năm gần đây, đặc biệt là khi đại dịch dẫn đến thiếu hụt ngân sách. Việc cắt giảm này đặc biệt thiển cận vì những chương trình như vậy “nâng cao lòng tự tôn của thanh thiếu niên, mang lại cho họ ý thức cộng đồng,” Austin nói. “Nếu tất cả những chương trình đó bị cắt giảm, chúng ta sẽ còn lựa chọn nào khác ngoài việc đưa cho con trẻ chiếc điện thoại?” Sau đó là câu hỏi trên điện thoại có gì. Sau những tiết lộ về tác động của Instagram đối với giới trẻ, Quốc hội đã bày tỏ mong muốn tăng cường quy định đối với các mạng xã hội. Frances Haugen, cựu nhân viên Facebook, người đã giúp công khai nghiên cứu nội bộ của công ty, đã đề xuất một số cải cách, bao gồm tăng cường giám sát của quốc hội, giám sát kỹ hơn các thuật toán của Facebook và tăng độ tuổi tối thiểu cho người dùng từ 13 lên 17. Còn quá sớm để nói liệu những cải cách như vậy có được thông qua hay liệu chúng có tác động tích cực đến các loại thông điệp mà giới trẻ nhận được về cơ thể của họ hay không. Trong khi đó, chính những người trẻ tuổi đang dốc sức chèo lái dòng biển diễn ngôn đương đại về cơ thể vô cùng phức tạp, đưa ra hướng dẫn và truyền cảm hứng cho các thanh thiếu niên khác. Lời khuyên của Ariza là “đừng theo dõi những tài khoản khiến bạn cảm thấy cần so sánh bản thân hoặc cần thay đổi. Hãy theo dõi những người sẽ khuyến khích bạn đi bộ 30 phút hoặc đọc một cuốn sách mới hay tham quan triển lãm.” Đối với Marroquin cũng vậy, tránh so sánh là chìa khóa. “Tôi đã bắt đầu chấp nhận cơ thể của mình hơn và cố gắng không so sánh mình với người khác. Tôi thực sự muốn nhắc nhở bản thân rằng cơ thể tôi đã không làm gì sai cả."


Người dịch: Trang Vo

Biên tập: Ren Dinh & Bảo Trân

Comments


bottom of page