top of page

Mục tiêu khí hậu công bằng cho Hoa Kỳ sẽ tốn bao nhiêu?


Ông Biden sắp công bố mục tiêu khí hậu mới tới năm 2030. Liệu mục tiêu này có đủ mạnh để giúp môi trường khí hậu của chúng ta?

By Lili Pike, on 09-04-2021, 15:30:00

Ông Biden sắp công bố mục tiêu khí hậu mới tới năm 2030. Liệu mục tiêu này có đủ mạnh để giúp môi trường khí hậu của chúng ta? Vào ngày 22 tháng 4, Tổng thống Biden sẽ triệu tập các nhà lãnh đạo toàn cầu vào một hội nghị thượng đỉnh qua mạng về khí hậu nhằm tái khẳng định sự lãnh đạo của Hoa Kỳ và thúc đẩy các quốc gia này tích cực cắt giảm khí thải hơn nữa. Thật ra, Mỹ chỉ cam kết lại những kế hoạch về cải thiện khí hậu đã đề cập trước đây sau một khoảng thời gian “từ bỏ vị trí lãnh đạo". Trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, Donald Trump đã xoá bỏ hàng chục quy định về môi trường và rút Mỹ khỏi thỏa thuận khí hậu Paris, làm suy yếu tiến trình toàn cầu để giảm khí thải. Bây giờ, để trấn an thế giới rằng Hoa Kỳ coi trọng mối đe dọa khí hậu, Biden có kế hoạch công bố mục tiêu khí hậu mới năm 2030 dưới thỏa thuận Paris trước hội nghị thượng đỉnh. Chính quyền đang xem xét mục tiêu cắt giảm khí thải ở khoảng từ 48% đến 53% so với mức của năm 2005 cho đến năm 2030, Bloomberg đưa tin hôm thứ Tư. Điều này phù hợp với các đề xuất từ nhiều nhóm môi trường, đã kết hợp với mục tiêu giảm 50%. Mặc dù mục tiêu đó sẽ đòi hỏi những thay đổi đáng kể, diễn ra trong vòng chưa đầy một thập kỷ, nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy nó nằm trong tầm tay. Nhưng một báo cáo mới, được tạo ra bởi một nhóm các tổ chức môi trường bao gồm Friends of the Earth và Sunrise Movement do nhóm lãnh đạo trẻ, tiếp cận câu hỏi từ một góc độ khác. Thay vì xác định những gì khả thi đối với Hoa Kỳ, họ bắt đầu bằng cách hỏi: Trách nhiệm của Hoa Kỳ là gì trong việc giảm lượng khí thải toàn cầu để giữ cho trái đất không ấm lên đến mức nguy hiểm? Kết quả là một tầm nhìn táo bạo hơn nhiều đối với việc giảm phát thải của Hoa Kỳ vào năm 2030: 195%. Đúng rồi - họ đang đề xuất rằng trách nhiệm thực sự của Hoa Kỳ không chỉ là loại bỏ tất cả lượng khí thải vào năm 2030 (sẽ là 100%) mà còn đi xa hơn nữa. Các nhóm vận động thừa nhận rằng nó thực sự khả thi đối với Hoa Kỳ để thực hiện điều này trong biên giới của chính mình. Thay vào đó, họ đề nghị Hoa Kỳ giảm 70% lượng khí thải carbon trong nước và đóng góp 125% còn lại bằng cách tài trợ cho các nước đang phát triển giảm phát thải. Các tác giả lập luận rằng nếu Hoa Kỳ đạt được các mục tiêu này, đó là sự “chia sẻ trách nhiệm công bằng” để hướng tới giải quyết biến đổi khí hậu, với tư cách là quốc gia phát triển với nguồn phát carbon lớn nhất trong lịch sử và giàu có nhất thế giới. Tuy nhiên, con số này có vẻ hơi xa với thực tế chính trị so với các đề xuất khác. Nhưng đó là điểm chính. “Dựa trên sự hiểu biết của chúng ta, có thể dự đoán cách làm việc hiện tại của Thượng viện, thì cuộc thảo luận về biến đổi khí hậu này là chưa thực sự cần,” theo Sivan Kartha, một nhà khoa học cao cấp có trụ sở tại Hoa Kỳ tại Viện Môi trường Stockholm và đồng tác giả của báo cáo. Mục tiêu mới của ông Biden chắc chắn sẽ bị hạn chế về mặt chính trị. Nhưng nếu vội vàng hành động cho kế hoạch khí hậu tương lai sẽ tác động nghiêm trọng đến những người ít chịu trách nhiệm nhất cho vấn đề này, chúng ta nên dừng lại một chút để xem xét câu hỏi về sự công bằng này hơn nữa. Tầm nhìn rộng về trách nhiệm khí hậu của Hoa Kỳ - và chi phí bao nhiêu Để đưa ra ý tưởng về những gì Hoa Kỳ nợ phần còn lại của thế giới trong cuộc chiến khí hậu, một liên minh rộng lớn hơn của các nhóm xã hội dân sự thuộc Mạng lưới Hành động Khí hậu Hoa Kỳ đã đề xuất con số 195% vào mùa hè năm ngoái. Quá trình đánh giá, họ lập luận, nên bắt đầu bằng cách quay ngược thời gian. Như hoạt hình dưới đây cho thấy, Hoa Kỳ nổi bật là quốc gia thả khí carbon lớn nhất trong lịch sử với một biên độ rộng.

Các nhóm đã chọn xem xét lượng khí thải từ năm 1950, khi nền kinh tế và khí thải toàn cầu thực sự tăng lên. Con số phát thải tích lũy có liên quan vì một khi các phân tử carbon dioxide xâm nhập vào khí quyển, chúng tồn tại hàng trăm năm - vì vậy khí thải trong quá khứ vẫn đang góp phần cho sự nóng lên toàn cầu. Yếu tố chính khác trong tính toán công bằng của liên minh là khả năng mà bất kỳ quốc gia nào cũng phải giải quyết vấn đề. Họ sử dụng thu nhập quốc gia như một xấp xỉ cho năng lực nhưng loại trừ thu nhập từ các cá nhân dưới mức nghèo nhất định. Giữa hai yếu tố này, liên minh kết luận rằng Hoa Kỳ chịu trách nhiệm cho 39% nỗ lực toàn cầu để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu. (Bạn có thể thử tính toán bằng công cụ Climate Equity để xem các giả định đằng sau kết quả cuối cùng.) Để đảm nhận phần đó của gánh nặng, Mỹ sẽ phải giảm 195% lượng khí thải, tương đương với 14 tỷ tấn carbon dioxide, tính đến năm 2030 từ cấp độ năm 2005 để phù hợp với những gì mà Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu đã thể hiện là cần thiết để giữ cho sự nóng lên toàn cầu dưới 1.5 độ C. Nhưng, như đã đề cập ở trên, liên minh đề xuất Hoa Kỳ chỉ cắt giảm 70% lượng khí thải của chính họ, hoặc khoảng 4 tỷ tấn trong nước. “70% không phải là chia sẻ công bằng của Hoa Kỳ, đó là những gì chúng ta có thể làm nếu chúng tôi thực sự đặt tâm trí và cơ bắp của mình, và phần còn lại của chia sẻ công bằng đó [...] sẽ cần phải được thực hiện bằng cách hợp tác với các quốc gia khác - các nước nghèo hơn,” ông Kartha giải thích.

Caption: USA Fair Shares NDC Report Về trách nhiệm giúp đỡ các nước khác của Mỹ, báo cáo mới cũng đề xuất một cam kết tài chính tương ứng. Sử dụng ước tính thấp cho chi phí giảm một tấn carbon, các tác giả tính toán rằng sẽ cần khoảng 570 tỷ đô la Mỹ vào năm 2030 để giúp các quốc gia khác giảm lượng khí thải đủ để đạt được mục tiêu 195% của họ. Nhưng để bắt đầu bồi thường cho các quốc gia về những tác động của biến đổi khí hậu từ hiện tượng nóng lên hiện nay, họ cho rằng Hoa Kỳ nên hỗ trợ các khoản tương tự nhằm mục đích thích ứng và bù đắp “mất mát và thiệt hại”. Trong khi tài trợ thích ứng sẽ giúp các quốc gia giảm bớt những thiệt hại do khí hậu ấm hơn gây ra trong thời gian tới, đền bù cho “mất mát và thiệt hại” sẽ được coi là một hình thức để bù đắp cho các quốc gia trải qua thiệt hại không thể phục hồi do nước biển dâng. Khi đó, tổng số sẽ ở mức 1,6 nghìn tỷ đô la vào năm 2030. Đây chỉ là những ước tính ban đầu vì những thiệt hại này rất khó tính toán. Kartha nói: “Các câu hỏi về mặt tài chính thực sự phức tạp hơn rất nhiều." Để hiểu rõ hơn, Biden gần đây đã đề xuất chi khoảng 1 nghìn tỷ USD cho quá trình chuyển đổi năng lượng sạch của Hoa Kỳ trong 8 năm tới và các tổ chức tiến bộ đã kêu gọi rằng số tiền đó phải được chi hàng năm. Tuy nhiên, 1,6 nghìn tỷ USD cho các quốc gia khác là con số vượt xa bất cứ điều gì mà Mỹ từng công khai dự tính. Cho đến nay, chúng ta mới chỉ tài trợ tổng cộng 1 tỷ USD cho Quỹ Khí hậu Xanh, cơ chế của Liên hợp quốc hỗ trợ các nước đang phát triển giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu, vì Trump từ chối hỗ trợ thêm. Những con số này có thể rất tham vọng - nhưng đây nên là mục tiêu cho nước Mỹ. Liên minh không hoàn toàn đơn độc trong việc thúc đẩy một mục tiêu đầy tham vọng vào năm 2030. Các think tank Phân tích Khí hậu và Viện NewClimate cũng đề xuất một mức tương tự: 75% cho các khoản chi trong nước, với sự hỗ trợ thêm cho các công việc ở nước ngoài. Nhưng câu hỏi được đặt ra là: Tính khả thi của mục tiêu đề ra là tới mức nào? Báo cáo mới không đề cập đến bất kỳ nghiên cứu cụ thể nào cung cấp thông tin về việc lựa chọn mục tiêu 70% trong nước. Mục tiêu 71% đã được đưa ra trong kế hoạch khí hậu của Thượng nghị sĩ Bernie Sanders với tư cách là ứng cử viên tổng thống. Hầu hết các nghiên cứu đều tập trung vào các mục tiêu thấp hơn, mặc dù kỹ sư-nhà phát minh Saul Griffith đã lập mô hình con đường cắt giảm 70 đến 80% vào năm 2035. Dan Lashof, Giám đốc Hoa Kỳ cho Viện Tài nguyên Thế giới, nơi đã đề xuất mục tiêu 50%, cho biết, “Về mặt khoa học, có cơ sở tốt để triển khai kế hoạch đi xa hơn. Tuy nhiên, cá nhân tôi không thấy các động lực chính trị hoặc kinh tế phù hợp để đưa chúng ta vào phạm vi cắt giảm 60 đến 70% so với mức của năm 2005 vào năm 2030. Tôi rất muốn điều này là sai, nhưng đó là nhận định của tôi. " Riêng việc cắt giảm 50% sẽ đòi hỏi một nỗ lực đáng kể trên toàn nền kinh tế, bao gồm việc loại bỏ dần tất cả các nhà máy than của Mỹ vào năm 2030. Và trong nhiệm kỳ của Trump, ông đã đặt Mỹ vào thế bất lợi so với các nước phát triển khác như Anh và EU, nơi việc cam kết chính trị ổn định với hành động bảo vệ khí hậu đã cho phép các chính phủ nhắm mục tiêu cắt giảm lần lượt ở mức 68 và 55%. Lashof đã nói: “Không có gì phải bàn cãi khi nói rằng 4 năm dưới thời chính quyền Trump đã đưa Mỹ tụt hậu và khiến công việc trở nên khó khăn hơn." Karen Orenstein, giám đốc khí hậu và năng lượng của tổ chức phi lợi nhuận về môi trường Friends of the Earth, người cũng là đồng tác giả của báo cáo mới, thừa nhận rằng kế hoạch khó có thể đạt được sức hút về mặt chính trị. “Tôi không mong đợi nhiều thành viên Quốc hội nắm được những con số này, nhưng tôi cũng nghĩ rằng bạn sẽ thấy nhiều thành viên tiến bộ mới cũng như cũ đang bàn luận về một sự thay đổi lớn trong cách chúng ta tiếp cận những vấn đề này,” cô nói. Mặc dù bản thân Biden có lẽ sẽ không chấp nhận đề xuất này, Orenstein cho rằng nó phản ánh cách tiếp cận của ông trong việc giải quyết bất công về chủng tộc và xã hội thông qua vấn đề khí hậu trong nước, bao gồm việc phân bổ 40% lợi ích của các khoản đầu tư khí hậu cho các cộng đồng khó khăn. Để trở thành một nhà lãnh đạo khí hậu toàn cầu, Biden cũng nên mở rộng sự tập trung vào bình đẳng ở nước ngoài. “Cho đến nay, Biden đã làm rất tốt khi tập trung nói về công lý môi trường,” cô nói, “và ông không thể hạn chế điều đó ở chỉ trong biên giới Hoa Kỳ”. Đính chính, ngày 9 tháng 4 năm 2021: Bài báo đã được cập nhật để làm rõ rằng chi phí ước tính để giảm một tấn carbon mà các tác giả báo cáo đã sử dụng để đưa ra đề xuất tài trợ giảm nhẹ vấn đề khí hậu của Hoa Kỳ cho các quốc gia khác trị giá 570 tỷ USD là một ước tính thấp, nhưng khí thải hiện đang được loại bỏ với chi phí thấp hơn.

Người dịch: Uyen Duong & Linh K Pham

Biên tập: Chau Tran


Comments


bottom of page