top of page

‘Người Mỹ gốc Á:’ câu chuyện huyễn tưởng đẹp đẽ và đầy khiếm khuyết

Updated: Jun 22, 2021

Translated from New York Times's article The Beautiful, Flawed Fiction of ‘Asian American’

Không ai sinh ra đã là người Mỹ gốc Á. Đây là một nhân dạng có đặc tính chính trị cố hữu, và phải được chọn. Trước khi vào đại học, tôi chưa một lần nghe qua thuật ngữ này. Vậy mà ký ức về ngày tôi trở thành người Mỹ gốc Á vẫn luôn sống động trong tôi.


By Viet Thanh Nguyen, on 31-05-2021, 01:00:00

Không ai sinh ra đã là người Mỹ gốc Á. Đây là một nhân dạng có đặc tính chính trị cố hữu, và phải được chọn. Trước khi vào đại học, tôi chưa một lần nghe qua thuật ngữ này. Vậy mà ký ức về ngày tôi trở thành người Mỹ gốc Á vẫn luôn sống động trong tôi. Tôi lớn lên cùng với người Mỹ gốc Mexico và người lao động da trắng giữa lòng thành phố đa văn hóa San Jose, California vào những năm cuối thập niên 70s và 80s. Gia đình chúng tôi là người tị nạn chiến tranh đến từ Việt Nam. Thế nhưng, những gì tôi được học về phần lịch sử đã đem tôi, cũng như nhiều người trong số láng giềng của tôi, đến đất nước Hoa Kỳ chỉ vỏn vẹn gói gọn trong lời kể của Hollywood. Tôi hoang mang, nhục nhã khi xem những thước phim, nơi những người trông giống cha mẹ tôi được khắc hoạ như những đám đông mờ nhạt, để cho người ta sát hại, cưỡng hiếp, cứu vớt hoặc buộc phải câm lặng. Mỗi khi cha mẹ tôi nhắc tới người Mỹ, ngụ ý của họ là những người khác chứ không phải chúng tôi, nhưng tôi lại xem mình vừa là người Mỹ, vừa là người Việt. Cha mẹ tôi có thể dùng từ “Oriental” mà không mảy may áy náy, nhưng tôi thì không. Tôi cảm giác có gì đó không đúng với từ này, nhưng tôi không biết nó không đúng ở chỗ nào cho đến khi tôi học về lịch sử và văn học người Mỹ gốc Á tại Đại học California, Berkeley. Đó là khi tôi được biết về Đạo luật Bài trừ người Hoa, về trại giam giữ người Mỹ gốc Nhật, về quá trình thuộc địa hóa Philippines, về sự thôn tính Hawaii, về sự tồn tại bị lãng quên của dân nhập cư Hàn Quốc và Ấn Độ vào đầu thế kỷ 20, về những tấm biển “Cấm chó hoặc bọn Philippines”, và về trải nghiệm của người Việt, người Campuchia, người Lào, và người Hmong trong và sau chiến tranh Đông Dương. Đó là khi tôi trở thành người Mỹ gốc Á. Và thứ cảm xúc dâng tràn trong tôi khi được học về phần lịch sử này là một nỗi căm phẫn. Muhammad Ali đã nói “viết lách là đấu tranh” - và tôi muốn viết và tranh đấu, nhất là khi tôi nhận ra những người Mỹ gốc Á như cặp chị em Sui Sin Far và Onoto Watanna, Carlos Bulosan, John Okada, Frank Chin, Maxine Hong Kingston và nhiều người khác, đã bền bỉ chiến đấu bằng ngòi bút của mình trên mặt trận tiếng Anh kể từ cuối thế kỷ 19. Tôi không được học về họ sớm hơn bởi nạn phân biệt chủng tộc đã cô lập, tước quyền và xóa bỏ lịch sử của chúng tôi. Một giải pháp là tìm người giống mình và khai thác sức mạnh từ số đông những câu chuyện cá nhân. Hồi ở trung học, tôi và các người bạn gốc Á khác thường gọi đùa nhau là “cuộc xâm lược châu Á”, bởi vì vốn ngôn ngữ của chúng tôi chỉ có bao nhiêu đấy. Thời đại học, tôi tham gia Liên minh Chính trị người Mỹ gốc Á (Asian American Political Alliance). Đó là khi tôi được biết rằng thuật ngữ “người Mỹ gốc Á” là do Yuji Ichioka và Emma Gee đặt ra khi họ thành lập nhóm vào năm 1968. “Người Mỹ gốc Á” là một khái niệm mới, và người ta đúng khi nói rằng ở châu Á không có cái gì gọi là “người Á châu” cả. Nhưng ở châu Á, khái niệm “Orient” hay “Orientals” cũng không tồn tại, đó là những mảnh bịa đặt lung linh vỡ ra từ trí tưởng tượng phương Tây, như Edward Said lý giải. Để chống lại khái niệm ảo tưởng Oriental sặc mùi kì thị sắc tộc và giới tính này, chúng tôi dựng lên một huyễn ảnh khác, hoàn toàn trái ngược, về người Mỹ gốc Á. Chúng tôi tự huyễn hoặc chính mình, nhưng cũng giống như bao sản phẩm tư tô vẽ khác trên đất Hoa Kỳ, chúng tôi vấp phải một sự mâu thuẫn giữa lý tưởng và thực tế. Một mặt, người Mỹ gốc Á chúng ta vốn từ lâu luôn tự nhận là những người Mỹ siêng năng và yêu nước. Chúng ta thường dựa vào ảo tưởng về nhóm thiểu số kiểu mẫu, rằng người Mỹ gốc Á gặt hái được thành công trong các lĩnh vực như y tế và công nghệ bởi vì chúng ta là dân nhập cư có bằng cấp và con em chúng ta được nuôi dạy để làm việc chăm chỉ, để tự bảo vệ bản thân mình. Nhưng sự hiện diện của người Mỹ gốc Á cũng lại gợi nhớ tới những cuộc chiến đẫm máu, vốn cướp đi sinh mạng của hàng triệu người, đẩy vô số người khác vào cảnh tha hương. Và người Mỹ gốc Á cũng đến để thỏa mãn nhu cầu tìm kiếm nguồn lao động lớn mà rẻ tiền và dễ bóc lột của Hoa Kỳ - từ lao động đường ray xe lửa cho đến việc làm móng tay móng chân. Chúng ta vẫn luôn bị xem là đối thủ cạnh tranh trong một nền kinh tế tư bản sứt sẹo bởi những ranh giới về chủng tộc, giới tính, và giai cấp cũng như cái khoảng cách bất bình đẳng ngày càng lớn đang ảnh hưởng đến hết thảy người Mỹ. Những vai trò mà chúng ta đảm nhận, những mâu thuẫn mà chúng đại diện, tất cả sẽ không tự dưng mà biến mất. Miễn là Hoa Kỳ cứ nhất quyết theo đuổi chủ nghĩa tư bản hung hãn trong nước và chủ nghĩa quân phiệt hung hãn ngoài nước, người châu Á và người Mỹ gốc Á sẽ tiếp tục bị xem là vật hy sinh, vừa là một mối đe doa vừa là một khát vọng, là “hiểm họa da vàng” (yellow peril) phi nhân tính và đồng thời là nhóm thiểu số kiểu mẫu siêu phàm. Ta có thể cố hết sức để hoà vào thành một phần của nước Mỹ, nhưng có cố bao nhiêu thì người Mỹ gốc Á sẽ không thôi bị đe dọa bởi sự phân biệt chủng tộc và các vòng xoáy bạo lực có tính chu kì. Và ngay cả khái niệm hoà vào thành một phần của nước Mỹ, nó có ý nghĩa quái quỉ gì? Nếu chúng ta thuộc về đất nước này, vậy thì đất nước này cũng thuộc về chúng ta, tất cả mọi thứ nơi đây, kể cả sự phân biệt chủng tộc chống người da đen lẫn các chính sách thực dân hóa áp đặt lên người Bản địa và mỗi tấc đất của họ. Giống như lớp lớp người nhập cư tới đây từ trước, người nhập cư gốc Á học được cách nhanh chóng hòa nhập bằng việc tiếp thu và lặp lại sự phân biệt chủng tộc chống người da đen. Và cũng như dân di trú châu Âu, người nhập cư và tị nạn gốc Á khát khao được sống giấc mơ Mỹ, một thứ ảo vọng về sự thành công tự chủ và làm giàu vốn được dựng nên trên nỗi đau bị cướp mất quê cha đất tổ của người Bản địa. “Người Mỹ gốc Á” giờ đây lại biến hóa thành một khái niệm huyễn tưởng mới: cộng đồng người Mỹ gốc Á và các đảo Thái Bình Dương (Asian American and Pacific Islander - A.A.P.I.). Nhưng lần nữa, tự bản thân của danh xưng này đã đầy rẫy các mâu thuẫn. Người dân các đảo Thái Bình Dương - người Hawaii, người Samoa, người Chamorro của Guam - là nạn nhân từ quá trình thực dân hóa của Hoa Kỳ. Đảo Hawaii và Guam là nơi đặt các căn cứ quân sự nhằm tăng cường ảnh hưởng Mỹ lên khu vực Thái Bình Dương và châu Á. Cụm từ “A.A.P.I” trở thành một nguyên liệu chủ đạo trong các vở hùng biện cao siêu và cẩm nang ngôn ngữ thực dụng về sự đa dạng và hòa nhập cho các tập đoàn lớn. Tuy nhiên, nó cũng lờ đi những trang sử dài đằng đẵng, đầy rẫy những cuộc xâm lược và bạo lực của Hoa Kỳ. Trải nghiệm A.A.P.I không chỉ dừng lại ở đường sắt và lao tù, mà còn bao gồm cả sự thuộc địa hóa được che đậy với ảo tưởng của khách du lịch về một hòn đảo thiên đường Hawaii. Giờ thì chúng ta vỗ tay tán tụng câu chuyện thành công của một tỉ phú, một chính trị gia, một minh tinh màn bạc, một người nổi tiếng gốc Á nào đó. Chúng ta tung hô tầm ảnh hưởng của các thương phẩm văn hóa đặc trưng, từ trà sữa trân châu cho đến BTS. Chúng ta nâng đỡ lẫn nhau thông qua việc kết giao xã hội - với niềm hy vọng rằng bằng cách sốt sắng đón nhận chủ nghĩa tư bản toàn cầu, chế độ nhân tài và văn hóa tập đoàn, chúng ta sẽ trở thành một phần của nước Mỹ. Nhưng cảm giác thuộc về không đưa ta đi đến đâu cả, vì sự thuộc về luôn song hành với sự loại trừ. Chúng ta nên tiếp nhận các lý tưởng khác như là sự đoàn kết, sự thống nhất, và sự phi thực dân hóa. Quá trình thực dân hóa cũng như sự phân biệt chủng tộc chia để trị, khiến các nhóm người bị đàn áp tin rằng họ không có điểm chung nào. Điều này cho thấy tầm quan trọng của sự đoàn kết, và một khối thống nhất rộng lớn hơn sẽ đâm chồi từ tình đoàn kết tương thân giữa người Mỹ gốc Á chúng ta, đó chính là thứ sức mạnh có khả năng gắn kết những con người tới từ những hoàn cảnh khác biệt. Lòng quyết tâm tương thân này có thể trở thành nền tảng cho những sự liên kết rộng mở hơn - với những nạn nhân của diệt chủng và sự chiếm hữu nô lệ, phân biệt chủng tộc và chủ nghĩa tư bản, chế độ phụ hệ và chuẩn mực dị tính mà quá trình thuộc địa hóa mang lại trên toàn cầu. Đây là cách duy nhất để hợp lý hóa liên minh người Mỹ gốc Á-người các đảo Thái Bình Dương, cũng như là cách để liên minh với các nhóm người bị áp bức khác, từ người Mỹ da đen cho đến người Hồi giáo, người Mỹ Latinh cho đến người trong giới L.G.B.T.Q. Người Mỹ gốc Á là một nhân dạng chính trị trong vô vàn các nhân dạng chính trị khác cần sát cánh với nhau vì mục tiêu phi thực dân hóa.


Người dịch: Quyen Tran

Biên tập: Bảo Trân & Vu Nguyen


Comments


bottom of page