top of page

Người Mỹ làm việc bất kể ngày tận thế đang đến gần (Phần 1)

By Anna North, on 16-12-2021



Từ đại dịch tới biến đổi khí hậu, người Mỹ vẫn phải tiếp tục làm việc bất kể chuyện gì đang xảy ra.

Trong một khoảnh khắc vào đầu năm 2020, tưởng như chúng ta không cần phải làm việc nữa và theo lí thuyết là: Một loại virus corona mới càn quét toàn cầu, và các nhà lãnh đạo cùng chuyên gia đã khuyên Hoa Kì trả tiền cho hàng triệu người nghỉ ở nhà cho tới khi khủng hoảng qua đi. Mọi người đã nghỉ làm. Họ sống chậm lại, tập trung chăm sóc gia đình, cách ly bản thân để giữ mọi người an toàn. Với gần như toàn bộ nền kinh tế dừng lại, virus ngừng lây lan, và người dân Mỹ đã sớm trở lại cuộc sống bình thường lệ với rất ít mạng sống phải hi sinh. Rõ ràng, điều đó đã không xảy ra. Thay vào đó, tầng lớp trí thức làm việc qua ứng dụng Zoom (thường với con nhỏ ở phía sau), và mọi tầng lớp lao động khác bị bắt buộc tiếp tục làm việc trong khi đương đầu với con virus chết người. Hàng trăm ngàn người chết, hàng loạt rơi vào trầm cảm và kiệt sức, và một tiêu chuẩn nghiệt ngã mới đã được đặt ra: Người Mỹ vẫn phải tiếp tục làm việc, ngay cả khi trời có sập xuống.

Giờ đã gần hai năm kể từ khi đại dịch bắt đầu- khoảng thời gian bao gồm cả một cuộc “đình công” bất thành, vô số thiên tai do thời tiết cực đoan có khả năng liên quan đến biến đổi khí hậu, các hành vi bạo lực tiếp diễn của cảnh sát lên người Mỹ gốc Châu Phi - cuối cùng người dân vẫn phải tiếp tục làm việc. Riana Elyse Anderson, một nhà tâm lý học lâm sàng và giáo sư tại khoa Sức khoẻ Cộng Đồng của trường đại học Michigan: “Tôi không nghĩ là mọi người đang ổn. Chúng ta đang vẫn tiến về trước nhưng chắc chắn rằng chúng ta không ổn." Với một số người Mỹ, làm việc trong thời kỳ khủng hoảng là tự đi vào chỗ chết. Hãy nghĩ đến những nhân viên nhà ga qua đời vì Covid-19 trong 2020, và những công nhân nhà máy Amazon bị giết bởi một cơn bão vào ngày 10 tháng 12 ở Illinois. Jacob Remes, một nhà sử học và người điều hành cho Tổ chức vì Nghiên cứu Thảm hoạ Nguy kịch ở đại học New York cho rằng “Đó đều là thảm hoạ nơi công sở với một số người”. Với những người khác, ảnh hưởng của “ngày tận thế” đến một cách chậm rãi hơn; các cơn stress mãn tính từ việc phải giữ trạng thái chuyên nghiệp cho công việc, ngày qua ngày, trong khi thế giới dần trở nên đáng sợ hơn. Dĩ nhiên, không phải ai cũng im lặng chấp nhận yêu cầu phải làm việc qua thời kỳ khủng hoảng của thế giới. Số người đang nghỉ việc để tìm việc có lương cao hơn và điều kiện tốt hơn đang tăng kỉ lục. Sau hơn 20 tháng bị đòi hỏi phải tiếp tục làm không than phiền trong lúc mọi thứ đang vỡ vụn xung quanh họ, mọi người đang yêu cầu được đối xử nhân đạo hơn trong công việc trong thời đại của những thảm hoạ chồng chất.

Một thảm hoạ, dù là cơn đại dịch hay biến đổi khí hậu hay sự đe doạ đến việc tồn tại của nền dân chủ, hay là tất cả mọi thứ trên, “có thể giúp chúng ta hiểu các kết cấu cơ bản của công việc từ góc nhìn khác,” Remes nói. Điều kiện ảm đạm hiện tại là một cơ hội để xây dựng lại văn hoá Mỹ xoay quanh luân lý của việc đảm bảo chất lượng sống của con người thay vì chăm chăm vào năng suất, để chúng ta có thể cùng nhau đối mặt với đại hoạ tiếp theo cùng nhau - thay vì bị ép buộc vẫn phải làm việc trong các văn phòng cô lập. Từ khi đại dịch bắt đầu, các nhân viên ở Mỹ đã phải đối mặt với các thảm hoạ “liên tiếp và gia tăng chồng chất” , Anderson nói. Trong đó, sự đe doạ của chính bản thân virus, điều đã ảnh hưởng nặng đến các lao động thiết yếu, với các đầu bếp, công nhân nhà máy, và người làm nông ở các vị trí đặc biệt nguy hiểm đến tính mạng vào 2020. Đợt đầu của virus cũng đem đến trở ngại về kinh tế như sự bất ổn của việc làm, số giờ làm bị giảm và các khoản tiết kiệm cạn kiệt, đặc biệt cộng đồng người Mỹ gốc châu Phi và Latin bị ảnh hưởng lớn, những nhóm người mà xuất phát điểm đã thấp hơn người da trắng từ đầu, và là nhóm có ít cơ hội nhận hỗ trợ từ liên bang hơn như các khoản vay PPP.

Khi Covid-19 đang lộng hành, người dân Mỹ đã chứng kiến sự sát hại George Floyd và các cuộc bạo lực đang tiếp diễn từ phía cảnh sát đến các người Mỹ gốc châu Phi, như một lời ghi nhớ rằng cơn đại dịch không phải là “nguồn nguy hiểm duy nhất đến mạng sống của người Mỹ gốc châu Phi,” như cách Anderson đã nói. Đồng thời, cựu tổng thống Donald Trump né tránh phát biểu liệu ông có chấp nhận kết quả của tổng bầu cử 2020, châm lửa vào sự lo lắng về số mệnh của nền dân chủ của Hoa Kì. Và rồi, khi ông thua bầu cử, những người ủng hộ Trump đã đột kích điện Capitol trong một cuộc bạo động khiến năm người chết. Vào ngày đó, một dòng tweet hỏi rằng liệu chúng ta “có nên làm việc trong khi thế giới hỗn loạn” đã lan truyền rất nhanh. Mọi người tự hỏi liệu các chủ doanh nghiệp có đòi hỏi chúng ta vẫn phải đảm bảo năng suất làm việc khi các cơ quan cấp cao nhất của chính phủ Mỹ có vẻ như đang sụp đổ trước mắt chúng ta. Anne Helen Petersen, đồng tác giả của quyển Out of Office, đã viết vào thời điểm đó “Đây là mặt trái của văn hoá làm việc dựa vào năng suất là chính: sự tập trung điên cuồng vào năng lực tạo sản phẩm của từng cá nhân, bỏ qua các yếu tố khác có thể làm đứt quãng sự tập trung và tinh thần làm việc. Nếu chúng ta có thời gian và không gian để xử lý các bi kịch của đời sống, nếu chúng ta cho phép bản thân sự thông cảm sâu sắc - khi đó thì có thể chúng ta mới có đủ nghị lực và ý chí để chiến đấu vì những thay đổi giúp thế giới ít đau thương hơn.” Và rồi cuộc khủng hoảng kết thúc. Một số công ty đã cho nhân viên thêm vài ngày nghỉ, hoặc những lựa chọn hỗ trợ sức khoẻ tâm lí, hay các lớp yoga. Nhưng với đa số, mọi thứ lại trở về như thường lệ. Câu hỏi liệu người Mỹ có phải làm việc cho dù cuộc sống có đảo điên? Trả lời: Có.

Còn tiếp…

Nguoi dich: Nhan Tran, Phuong Huynh

Bien tap: Chau Tran

1 Comment


Son Nguyen
Son Nguyen
Mar 24, 2022

Kính chào quý vị, xin phép quý vị cho tôi đăng lại bài này trên trang nhà của tôi ở: https://nuocnha.blogspot.com

Like
bottom of page