top of page

Người Mỹ vẫn làm việc bất kể ngày tận thế đang đến gần (Phần cuối)

By Anna North, on 16-12-2021, 01:00:00

Từ đại dịch tới biến đổi khí hậu, người Mỹ vẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục làm việc dù chuyện gì xảy ra. Kể từ đó, nhiều đợt khủng hoảng dồn dập ập tới. Một biến thể mới của SARS-CoV đe doạ toàn cầu, nạp thêm sợ hãi và hoang mang ở cả lãnh đạo và dân thường. Lốc xoáy đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 90 người ở 6 tiểu bang hồi tháng 12, điều mà một quan chức liên bang cảnh báo rằng đó sẽ là điều kiện “bình thường mới” do biến đổi khí hậu. Nền dân chủ Mỹ dường như đang gặp nhiều rủi ro hơn, đến mức nhiều chuyên cho rằng đất nước đang “mộng du” và tiến tới một tương lai mà lá phiếu bầu trở nên vô nghĩa. Người lao động không chỉ ngồi không suốt thời gian này: cả năm qua, số lượng người bỏ việc ở mức kỷ lục. Theo báo cáo của Derek Thomson của tờ Atlantic, con số trên bao gồm cả những người thu nhập thấp đã phải bỏ việc để kiếm công việc có lương cao hơn. Thật vậy, mức lương của người lao động vào năm tới có thể sẽ có mức tăng lương cao nhất kể từ 2008. Hàng ngàn người đã biểu tình hoặc gia nhập các nghiệp đoàn để đòi lại quyền lợi lao động của mình. Và nhiều người Mỹ, từ các nhân viên văn phòng cho đến những vận động viên Olympics đang lên tiếng về tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần của họ. Tuy nhiên, nếu bàn về cuộc "Bỏ việc tập thể" thì không thể bỏ qua những người muốn nhưng không thể nghỉ việc được vì không có tiền tiết kiệm (hay tài sản thừa kế) để mạo hiểm nghỉ việc. Trong khi đó, thậm chí dù lương có tăng, thì không có nghĩa là các chủ doanh nghiệp nói riêng và cả nước nói chung có cách để giải quyết vấn đề nhân lực lao động trong thời đại thiên tai liên tục thế này. Kết thúc cực đoan nhất là con người phải làm việc dù sắp chết đến nơi. Một số công nhân ở nhà máy Mayfield Consumer Products, Kentucky, cho biết họ được báo rằng sẽ có thể bị đuổi việc nếu rời khỏi vị trí cho dù có cơn lốc xoáy chết người đang tiến đến. Jamelle Buoie đã viết trên New York Times: Cùng với những công nhân khác tại một nhà kho Amazon ở Illinois, họ “chịu sự chi phối toàn diện bởi các chủ lao động, dẫn đến những hậu quả kinh khủng cho họ, gia đình họ, và cộng đồng nơi họ sống.”, Áp lực công việc trong thế kỷ 21 có thể gây ra những hậu quả khó lường hơn. Chẳng hạn, nhà kinh tế học về môi trường và lao động R. Jisung Park cùng cộng sự đã tìm ra rằng những đợt nóng gần đây, vốn dĩ thường gặp khi khi hậu biến đổi, dẫn tới sự gia tăng các tai nạn lao động như trượt ngã hay tràn hoá chất. Park cho biết: “Nếu làm việc trong một môi trường nguy hiểm, nhiệt độ chỉ là một trong rất nhiều yếu tố có thể khiến bạn khó giữ tập trung và tránh chấn thương”. Park nói thêm: Điều này đúng không những với các công việc ngoài trời như xây dựng hay nông nghiệp, mà còn đối với những công việc trong nhà như xưởng kho, nơi có thể thiếu lưu thông khí hay điều hòa nhiệt độ. Theo Remes: theo đó các tổn thương về mặt cảm xúc và tâm lý của việc cố gắng hoàn thành công việc ngày này qua ngày khác, nhất là trong thời buổi loạn lạc như bây giờ. Vì đại dịch và biến đổi khí hậu, con người bị ép buộc phải liên tục xét lại khả năng chịu đựng của mình. Có an toàn không khi đi ăn ở nhà hàng? khi cho trẻ đi học? khi đi tàu điện ngầm? Phải luôn luôn tính toán những phương án này mọi lúc rất mệt mỏi và sẽ ảnh hưởng tới sức khoẻ tinh thần. Remes nói rằng “stress mức độ thấp và liên tục” của những thảm hoạ chuyển biến chậm, giống như việc các chỏm băng ở hai cực tan chảy, khiến mọi thứ khó khăn hơn, gồm cả công việc. “Nó khiến mọi người khó có thể làm việc năng suất, vì họ luôn phải lo liệu tầng hầm nhà có bị lụt không.” Bảy mươi phần trăm người trả lời một cuộc khảo sát vào tháng mười một đã nói rằng họ lo lắng và bị stress về công việc, và 81 phần trăm đã nói rằng họ kiệt sức hơn so với đầu cơn đại dịch. Đối với những người Mỹ da màu, những người đã trải qua những khủng hoảng của đại dịch một cách sâu sắc hơn, “trầm cảm, lo âu và stress đang tăng đột biến một cách không cân xứng so với những người đồng niên khác,” Anderson nói. Các công ty đã có những nỗ lực để xem xét vấn đề này nghiêm túc. Theo Petersen, nhiều quản lý công sở đã gửi email tới nhân viên với nội dung “hãy thoải mái nghỉ phép nếu bạn cần .” Tuy vậy, các tin nhắn như trên có thể nghe sáo rỗng, khi ngày hôm sau đều đáng sợ hơn ngày trước - sau hơn 20 tháng trong đại dịch, làm sao để chúng ta biết khi nào bản thân cần thời gian? Thêm vào đó, những người thật sự cần nghỉ ngơi nhất thường là những người không được cho cơ hội nghỉ - không ai ở nhà máy Mayfield được cho cơ hội để “dành thời gian.” Các chuyên gia nói rằng điều cần thiết tối thiểu là một cách tiếp cận mới về phúc lợi của người lao động, hoặc, tốt nhất là một cái nhìn hoàn toàn khác về bản chất lao động ở Mỹ. Các doanh nghiệm có thể giảm bớt gánh nặng công việc cho từng nhân viên và đưa thêm cho ngày nghỉ cho tất cả mọi người trong giai đoạn khó khăn. Anderson chỉ ra rằng ngay cả khi quản lý khuyến khích mọi người nghỉ ngơi, các nhân viên có thể vẫn sợ hậu quả khi họ thực sự làm điều đó. Hơn nữa, họ sẽ đối mặt với hàng núi công việc khi họ quay trở lại. Một chiến lược tốt hơn là đưa ngày nghỉ cho toàn bộ nhân viên mà không yêu cầu họ đề xuất điều đó. Ví dụ như Nike, cho toàn bộ nhân viên nghỉ ngơi trong vòng 1 tuần vào đầu năm nay, Bumble và LinkedIn cũng thực hiện các chính sách tương tự. Rebecca Rice, giáo sư ngành truyền thông tại Đại học Nevada Las Vegas, người nghiên cứu về cách các tổ chức hoạt động trong các trường hợp khẩn cấp, cho biết rằng ngoài thời gian nghỉ, nhiều công ty đang cung cấp các chương trình chăm sóc sức khoẻ tinh thần, từ các lớp học nghệ thuật đến việc cử các chú chó trị liệu đến thăm công ty. Những việc đó có thể tốt, nhưng cuối cùng cũng chỉ là “một giải pháp tạm thời cho cảm giác trống trải khi mọi người đã phải cố gắng quá mức,”- Rice cho biết thêm. Rice giải thích: Các nhà tuyển dụng cần hiểu rằng tình trạng khủng hoảng chồng chéo hiện nay “là một bình thường mới mà có thể cần có những tiêu chuẩn khác”. Điều đó nghĩa là có “những cuộc đối thoại trung thực với nhân viên về những việc cần thiết và là ưu tiên, cũng như những việc không nên làm lúc này.” Có nghĩa là những cuộc họp hàng ngày chỉ diễn ra ba ngày mỗi tuần, hoặc không bao giờ. Những cuộc đối thoại này đang diễn ra ở những khu văn phòng và vẫn chưa có tác động nhiều tới những công việc có thu nhập thấp hơn và khu vực dịch vụ. Trong khi nhiều công ty dành ngày nghỉ cho nhân viên văn phòng, một số nhân viên kho hàng của Amazon cho biết công ty sử dụng hệ thống giám sát công nghệ cao để theo dõi mỗi hành động của họ và thúc giục họ làm việc nhanh hơn. Các quy định lao động chặt chẽ hơn, bao gồm những chính sách quản lý dưới thời tiết khắc nghiệt, có thể giúp bảo vệ công nhân trước những nhà tuyển dụng đến nay vẫn không quan tâm đến việc bảo vệ người lao động. Một số ý kiến cho rằng, nói rộng hơn, những thảm hoạ trong hai năm gần đây có thể thúc đẩy việc xem xét lại xem công việc thực sự là để làm gì. Đối với Remes, đại dịch đã cho thấy tầm quan trọng của dịch vụ chăm sóc: từ dạy dỗ, chăm sóc người già đến chăm sóc bệnh nhân. “Nó thực ra nên là mục tiêu thiết yếu nhất trong cuộc sống con người. Tất cả những thứ khác nên hỗ trợ điều đó, chứ không phải việc chăm sóc và bảo vệ con người nhằm hỗ trợ sản xuất hàng tiêu dùng.” Định hướng lại nền kinh tế xoay quanh mục tiêu “chăm sóc con người” nghĩa là trả công xứng đáng cho công nhân trong các lĩnh vực như chăm sóc trẻ em và chăm sóc người già, những ngành thường bị trả lương nghèo nàn. Điều đó cũng có nghĩa là cung cấp cho những lao động khác những ngày nghỉ có lương, cần lịch làm việc linh hoạt và hợp lý để họ có thể chăm sóc chính bản thân họ tại nhà. Nói chung, để sống sót qua những “đại dịch” của thế kỷ 21, người dân Mỹ sẽ cần một loại sức mạnh khác - không phải sự gan góc bền bỉ để tiếp tục thực hiện công việc của chúng ta khi thế giới đang sụp đổ quanh chúng ta, mà là sự đồng cảm và rộng lượng để cùng nhau ngăn chặn sự suy sụp. Như Remes nói: “chúng ta không tiến đến đâu cả khi mà chúng ta đều luôn phải giả vờ sống không lệ thuộc vào ai.”


Người dịch: Phuong Huynh, Nhan Tran & Tran Tuan Hanh

Biên tập: Chau Tran & Tran Tuan Hanh

Comments


bottom of page