top of page

Những điều cần biết về vụ kiện quyền phá thai của Mississippi lên Tối cao Pháp viện

Updated: May 21, 2021


Toà án cấp bậc cao nhất quốc gia đã đồng ý xem xét lại một phán quyết mang tính lịch sử của án lệ trọng yếu Roe v. Wade

By Jacob Gershman, on 18-05-2021, 10:30:00

Toà án cấp bậc cao nhất quốc gia đã đồng ý xem xét lại một phán quyết mang tính lịch sử của án lệ trọng yếu Roe v. Wade Vấn đề về quyền phá thai sẽ trở lại trên Toà án Tối cao. Hôm thứ Hai, các thẩm phán đã đồng ý thụ lý kháng cáo cho một đạo luật cấm phá thai sau khoảng tuần 15 của thai kỳ của bang Mississippi. So với các vụ kiện về quyền phá thai khác, tiền đề của trường hợp này trực diện hơn: toà án dự định sẽ xem xét lại tính hợp hiến được xác lập lâu đời cho quyền phá thai trước khi thai nhi đủ trưởng thành để tiếp tục sống bên ngoài tử cung bắt nguồn từ phán quyết mang tính bước ngoặt năm 1973 cho vụ kiện Roe v. Wade Sau đây là câu trả lời cho một vài câu hỏi về vụ kiện cũng như hệ lụy của nó. Toà án Tối cao đang xem xét vụ kiện nào? Toà án Tối cao sẽ thụ lý một vụ kiện có tên Dobbs v. Jackson Women’s Health Organization (tổ chức sức khỏe phụ nữ Jackson). Sự việc lần này là một kháng cáo cho Gestational Age Act (Đạo luật Tuổi thai) của Mississippi, một luật ra đời năm 2018 nghiêm cấm bác sĩ thực hiện các biện pháp phá thai lên thai trên 15 tuần tuổi, ngoại lệ là trường hợp y tế khẩn cấp hoặc thai nhi dị thường. Cơ sở được cấp phép thực hiện các biện pháp phá thai duy nhất của bang là Tổ chức Sức khỏe Phụ nữ Jackson đã đâm đơn khởi kiện để đạo luật này bị bãi bỏ. Một toà án quận cùng một toà phúc thẩm liên bang đã xác nhận tính bất hợp hiến của đạo luật trên, dẫn đến việc bang Mississippi khiếu nại lên Toà án Tối cao. Tổ chức Sức khoẻ Phụ nữ Jackson cho rằng Toà án Tối cao không cớ gì phải thụ lý vụ này dựa theo cơ sở: phán quyết trên góp phần củng cố “một chuỗi liên tiếp các phán quyết đã duy trì trong suốt năm mươi năm vừa rồi”. Do đó, lệnh cấm phá thai trước khi thai nhi có thể tồn tại ngoài tử cung là hoàn toàn bất hợp hiến. Tiểu bang lại cho rằng các tiền lệ trên nên được xem xét lại theo như hiểu biết khoa học về việc phá thai cũng những rủi ro y khoa liên quan, nhấn mạnh rằng đạo luật này nhằm bảo vệ sức khoẻ thai phụ và tránh tổn thương thai nhi. Toà án Tối cao sẽ chú trọng tới vấn để nào? Khi chấp nhận thụ lý vụ kiện, Toà án Tối cao sẽ chú tâm đến duy nhất một vấn đề: “liệu có phải tất cả các luật nghiêm cấm chuyện tự nguyện phá thai trước khi thai có thể tồn tại ngoài tử cung đều là bất hợp hiến hay không.” Toà án Tối cao đã nói gì về quyền được phá thai trước khi thai nhi đủ khả năng trưởng thành ngoài tử cung? Với phán quyết Roe v. Wade năm 1973, lần đầu tiên Toà án Tối cao công nhận quyền được tự chủ phá thai là một quyền tự do căn bản. Trước đó, các tiểu bang có toàn quyền quyết định buộc tội cho việc phá thai, và nhiều tiểu bang thời điểm đó chỉ cho phép phá thai khi tình thế bắt buộc để bảo toàn mạng sống thai phụ. Quyết định 7-2 của vụ Roe đã bác bỏ các dự luật nọ, khẳng định là sự xâm nhập phi lý vào quyền tự do cá nhân và riêng tư chiếu theo Điều khoản Tố tụng Hợp pháp của Tu Chính Án số 14. Phán quyết Roe tuyên bố các tiểu bang không có quyền ngăn cản quyết định phá thai cho quý thai kỳ đầu tiên. Năm 1992, toà tối cao khẳng định lại cốt lõi của phán quyết Roe trong vụ kiện Planned Parenthood v. Casey. Nhưng giờ đây, quyền tự chủ trong vấn đề phá thai đã không còn dựa trên một độ tuổi nhất định của thai. Thay vào đó, nó dựa trên “ngưỡng khả năng tồn tại” của bào thai (tức vào khoảng 24 tới 28 tuần theo ước tính của toà), một khái niệm thời gian mập mờ hơn. Hầu hết các quy định hạn chế thực hiện phá thai trước ngưỡng khả năng tồn tại đều là bất hợp hiến. Từ đó đến nay toà án vẫn kiên định với phán quyết này. Các thẩm phán đã đưa ra bất cứ dấu hiệu nào về quyết định của mình hay chưa? Việc toà án chấp nhận thụ lý vụ Dobbs cho thấy có ít nhất 4 thẩm phán muốn xem xét lại quy tắc về ngưỡng khả năng tồn tại. Toà án đã trở nên bảo thủ hơn dưới Tổng thống Donald Trump, và phong trào chính trị bảo thủ nói chung từ lâu đã phản đối cơ sở của quyền phá thai trong Hiến pháp. Tuy nhiên, mặc dù 6 trong số 9 thẩm phán thuộc phía bảo thủ, kết luận cuối cùng của toà án vẫn khó có thể đoán trước. Thẩm phán Clarence Thomas có một bề dày lịch sử phản đối Roe v. Wade, cho rằng quyết định này “sai trái một cách trầm trọng”. Thẩm phán Samuel Alito đã luôn bỏ phiếu ủng hộ giới hạn phá thai. Người ủng hộ lẫn người chống quyền tự chủ phá thai đều nghĩ Neil Gorsuch, Brett Kavanaugh và Amy Coney Barrett, các Thẩm phán do Đảng Cộng hoà bổ nhiệm, sẽ có nhiều hoài nghi hơn đối với phán quyết Roe lẫn hậu duệ của nó so với các toà án trước. Chánh án John Roberts dự sẽ là một nhân tố đột phá. Trong quá trình bổ nhiệm năm 2018, Thẩm phán Kavanaugh tuyên bố ông xem phán quyết Roe là “luật đã thành văn” với một Thượng nghị sĩ Cộng hoà. Người kế nhiệm Thẩm phán Anthony Kennedy cũng là một trong bốn người bỏ phiếu chống cùng với Thẩm phán Thomas, Gorsuch, và Alito - trong phán quyết bãi bỏ một đạo luật bang Louisiana bắt buộc các bác sĩ thực hiện phá thai phải có được sự cho phép nhận bệnh nhân từ bệnh viện với số phiếu 5-4 của toà án hồi tháng 6 vừa rồi. Trong vụ kiện Louisiana, Chánh án Roberts nhấn mạnh sự tôn trọng của ông đối với án lệ, bỏ phiếu đồng tình với bốn thẩm phán bên tự do, gồm cả Thẩm phán quá cố Ruth Bader Ginsburg, người được thay thế bởi Thẩm phán Barrett. Ba vị thẩm phán khác của toà án đương nhiệm - Stephen Breyer, Sonia Sotomayor và Elena Kagan, tất cả đều được bổ nhiệm bởi các tổng thống Dân chủ - có tầm nhìn đa dạng về quyền tự chủ trong quyết định phá thai.

Người dịch: Quyen Tran

Biên tập: Tran Nguyen


Comments


bottom of page