top of page

Phải ưu tiên xây dựng Hệ thống chăm sóc sức khoẻ toàn dân ngay cả trong đại dịch COVID-19

By Nature, on 18-05-2021

Sự tập trung nguồn lực vào một số bệnh quan trọng đã làm đình trệ nỗ lực trong việc đấu tranh cho quyền bảo hộ y tế toàn dân. Thế giới nhất định không được lập lại sai lầm trên khi đối phó với dịch COVID-19.

Tedros đã phát biểu vào năm 2019: “Sự thất bại của chúng ta trong việc đầu tư vào hệ thống y tế không chỉ khiến các cá nhân, gia đình, và cộng đồng vào nguy hiểm, mà còn khiến cả thế giới trở nên “mong manh dễ vỡ” trước các đại dịch và tình trạng khẩn cấp y tế khác...Một đại dịch có thể đánh gục một nền kinh tế và một quốc gia”. Vài tháng sau đó, điều đó đã được chứng minh. Chúng ta không thể để việc đó xảy ra lần nữa. Mối ưu tiên hàng đầu hiện nay là tiêm chủng vaccine COVID-19 cho mọi người trên thế giới. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải đảm bảo rằng mọi người ở khắp nơi đều được chăm sóc sức khoẻ toàn diện. Mặc dù ta đang đối diện với tình hình nguy cấp hiện tại, việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ toàn dân là việc ưu tiên đối với Tedros Adhanom Ghebreysus, lãnh đạo của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO). Vấn đề trên cũng được coi là thiêng liêng bởi bộ Phát Triển Bền Vững của Liên Hiệp Quốc do sức khoẻ chính là tiền đề cho sự phát triển kinh tế. Các chính trị gia, nhà khoa học, và công chúng nên ủng hộ mục tiêu này vì chăm sóc sức khoẻ toàn dân ảnh hưởng đến lợi ích của mọi người. Đại dịch chỉ ra chính sự thiếu hụt một hệ thống y tế đáng tin cậy là một trong những yếu tố làm một cộng đồng bị suy yếu. Vô số bệnh nhân đã qua đời tại Ấn Độ vì dịch COVID-19 vì các bệnh viện đã bị quá tải. Tại Hoa Kỳ, phần lớn các bệnh nhân qua đời là người có thu nhập thấp, và những người ít có khả năng mua bảo hiểm y tế để được chăm sóc sức khoẻ một cách kỹ lưỡng. Tình trạng tương tự cũng xảy ra ở những nơi khác: một nghiên cứu cho thấy những khu nghèo khó của Santiago, 90% người qua đời vì dịch COVID-19 là ở ngoài các trung tâm chăm sóc y tế. Hơn nữa những cá nhân không được hưởng chăm sóc sức khoẻ sẽ dễ mắc các biến chứng của COVID-19 hơn. Sự thiếu hụt một hệ thống chăm sóc sức khỏe và hệ thống chia sẻ thông tin đã gây cản trở việc nhận diện và theo dõi các ca mắc COVID-19. Thế giới sẽ tốn rất nhiều thời gian quý báu để ngăn chặn dịch bệnh nếu những khu vực thiếu thốn hệ thống chăm sóc sức khỏe bị các loại virus chết người khác tấn công. Trong hai đợt dịch Ebola lớn nhất tính đến nay đã xảy ra tại Tây Phi và Cộng Hòa Congo, dịch bệnh đã lây lan trong vài tuần đến vài tháng trước khi nó được phát hiện. Mặc dù đã có vô số lời kêu gọi để xác lập một hệ thống chăm sóc sức khỏe cho toàn dân trong thế kỷ vừa qua, những nỗ lực trên đã bị dập tắt bởi các cuộc khủng hoảng và việc tập trung chống lại các đại dịch khác nhau. Sau cuộc khủng hoảng kinh tế vào thập niên 1930, các quan chức y tế quốc tế làm việc cho Liên minh Quốc Gia đã đề xuất việc cung cấp một mạng lưới chăm sóc sức khỏe khắp nơi. Ý tưởng bị trì hoãn bởi Thế Chiến II, nhưng được tái khởi động vào năm 1946 trong cuộc họp Liên Hiệp Quốc, lúc đó đang soạn thảo hiến pháp cho WHO. Hiến pháp cho rằng sức khỏe là quyền cơ bản của con người, và chính phủ phải chịu trách nhiệm trong việc chăm sóc sức khỏe cho người dân. Nhưng Hoa Kỳ gần như từ chối WHO và quyền hiến định của WHO. Một số người phản đối các chính sách chăm sóc sức khỏe toàn dân đã liên kết các chính sách trên với tư tưởng cộng sản và chủ nghĩa xã hội. Hoa Kỳ cuối cùng vẫn ký kết nhưng đã thêm vào một vế điều kiện rằng Hoa Kỳ có thể rút khỏi WHO bất kỳ thời điểm nào. Việc trên đồng nghĩa với việc quốc gia quyên góp nhiều tiền nhất có thể rút khỏi nhóm nếu quan điểm của họ khác với WHO.

Những chương trình ngăn ngừa bệnh đơn lẻ trong 20 năm sau đó do WHO và các quỹ sức khoẻ toàn cầu cho thấy kết quả không như mong đợi. Họ đã trông chờ vào các tiến bộ khoa học để đưa ra biện pháp chữa trị đơn giản như dùng thuốc diệt côn trùng DDT để chữa sốt rét và thuốc kháng sinh để chữa nhiễm trùng.

Nhưng vào năm 1978, việc xây dựng các hệ thống chăm sóc y tế đã được tái khởi động tại một hội nghị quốc tế trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho toàn dân tại Alma-Ata sau này là Liên Bang Xô-Viết. WHO đã tài trợ cho Alma-Ata với lời hứa sẽ cung cấp hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn dân trên toàn quốc trước năm 2000.

Nhưng theo Tedros và các chuyên gia chính sách y tế, lời tuyên bố của Alma-Ata bị xem nhẹ bởi các yếu tố như lãnh đạo chính trị thiếu khả năng, khủng hoảng kinh tế, bất ổn chính trị, và việc đầu tư thừa thải trong việc chữa trị từng bệnh riêng lẻ. Một số chuyên gia khác cho rằng sự vận động đã thất bại do chuẩn bị không kỹ lưỡng, cũng như không tính đến hiệu quả kinh tế. Chính sách y tế của WHO thua xa chiến lược của UNICEF, quỹ hỗ trợ trẻ em của Liên Hiệp Quốc. UNICEF đã đặt mục tiêu cứu mạng sống của 4 - 5 triệu trẻ em/ 1 năm thông qua chương trình đã được chuẩn bị kế hoạch và tài chính kỹ càng để cung cấp vaccine sởi, uốn ván, và bại liệt. Chính phủ và các nhà hoạt động thiện nguyện đã nắm bắt ý tưởng kịp thời và UNICEF nhanh chóng trở thành một trong những tổ chức quan trọng của Liên Hiệp Quốc. Năm 2019, UNICEF đã có ngân khố nhiều gấp 3 lần WHO.

Các chương trình tiêm chủng cho trẻ em đã cứu sống được vô số trẻ em, nhưng sự thiếu hụt trong đầu tư vào các hệ thống y tế đã dẫn đến vô số ca tử vong. Tuy câu trả lời không phụ thuộc vào việc ngừng tiêm vaccine, mà phụ thuộc vào việc học hỏi sự thành công của UNICEF và các thất bại của Alma-Ata.

WHO lại một lần nữa đưa ra vấn đề tập trung vào việc phát triển hệ thống chăm sóc y tế toàn dân vào năm 2019 tại hội nghị Liên Hiệp Quốc cấp cao. Một báo cáo cho rằng để cung cấp cho toàn dân một hệ thống chăm sóc sức khỏe, các quốc gia cần tăng chi tiêu lên 1% của tổng GDP của các quốc gia. Các nguyên thủ quốc gia cũng đã ký cam kết trong việc đề xuất hệ thống y tế toàn dân và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cơ bản cho mọi người trong đất nước. Các nhà nghiên cứu đã tạo ra một cổng thông tin điện tử để theo dõi quá trình của các quốc gia thực hiện lời hứa của mình đến năm 2030. Một ví dụ cho thấy 15% dân số của Hoa Kỳ và Cuba vẫn chưa được hỗ trợ các dịch vụ y tế. Con số trên là 20% cho Trung Quốc và 45% tại Ấn Độ và Kenya.

WHO đã đưa ra “y tế cho toàn dân” vào buổi họp tiếp theo với mong ước được nhận sự hỗ trợ về tài chính và chính trị từ các chính quyền. Do Tedros đã quan sát được sự mập mờ trong các nỗ lực trước đây, Tedros đã thành lập một hội đồng gồm các nhà kinh tế học và chuyên gia y tế để đưa ra các chính sách kinh tế trong việc cung cấp toàn dân các dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Dịch vụ y tế toàn dân có thể là một trách nhiệm nặng nề trong đại dịch COVID-19, nhưng chúng ta sẽ hối hận nếu không thúc đẩy sự thay đổi ngay từ lúc này. Đại dịch đã đẩy rất nhiều người dân vào cảnh bần cùng và khiến họ dễ mắc bệnh hơn. Dịch bệnh đã lây nhiễm, gây tử vong và làm sang chấn tâm lý các nhân viên y tế khắp nơi, đặc biệt vào những nơi vốn có ít cơ sở y tế. Tedros đã phát biểu vào năm 2019 “Sự thất bại của chúng ta trong việc đầu tư vào hệ thống y tế không chỉ khiến các cá nhân, gia đình, và cộng đồng vào nguy hiểm, mà còn khiến cả thế giới trở nên “mong manh dễ vỡ” trước các đại dịch và tình trạng khẩn cấp y tế khác...Một đại dịch có thể đánh gục một nền kinh tế và một quốc gia”. Vài tháng sau đó, điều đó đã được chứng minh. Chúng ta không thể để việc đó xảy ra lần nữa.


Người dịch: Janet Yao

Biên tập: Chau Tran

Comments


bottom of page