top of page

Phụ nữ Da Đen đã mở đường cho phong trào này

Các cuộc biểu tình ngày nay được xây dựng dựa trên một truyền thống hoạt động xã hội lâu đời.


Keisha N. Blain, NGÀY 9 THÁNG 6, 2020


Translated from the The Atlantic article The Black Women Who Paved the Way for this Movement

GEORGE RINHART / GETTY


Tại các thành phố khắp nước Mỹ, các nhà hoạt động xã hội Da Đen đang tố cáo nhà nước về việc phê duyệt các hình thức bạo lực và yêu cầu thay đổi cấp tiến cho cảnh sát Hoa Kỳ. Các nữ lãnh đạo Da Đen chiếm một vai trò trọng yếu trong các phong trào này. Họ tận dụng các khu vực công cộng, như công viên thành phố và đường phố, để ủng hộ sự bình đẳng và công bằng, đồng thời phơi bày những sự thật lịch sử có thể làm phật lòng nhiều người Mỹ. Phụ nữ Da Đen là những người đi đầu trong các cuộc biểu tình được châm ngòi bởi cái chết oan của George Floyd, Breonna Taylor và Tony McDade dưới tay cảnh sát, gồm nhà hoạt động Tamika Mallory, người đã phát biểu trước đám đông biểu tình ở thành phố Minneapolis, và Patrisse Cullors, người đồng sáng lập phong trào Sinh Mạng Người Da Đáng Trân Trọng và cũng là người thúc đẩy phong trào giảm kinh phí cảnh sát đang phát triển.


Nhưng sự nổi trội của phụ nữ Da Đen tại các cuộc biểu tình này không phải là một biến chuyển đột ngột. Khi xuống đường ủng hộ mục tiêu của mình, họ xây dựng một truyền thống tổ chức phong phú dưới sự lãnh đạo của phụ nữ Da Đen.


Vào thế kỷ 20, những người phụ nữ theo chủ nghĩa dân tộc Da Đen trở thành những nhà lãnh đạo chính trị chủ chốt ở cấp địa phương, quốc gia, và thậm chí quốc tế - đây cũng là những người ủng hộ việc giải phóng người Da Đen, sự tự túc trong kinh tế, niềm tự hào chủng tộc, tình đoàn kết và tự quyết trong chính trị. Trong khi hầu hết phụ nữ Da Đen ở Hoa Kỳ không thể tiếp cận được phiếu bầu, những người phụ nữ này thường dựa trên kiến ​​thức về lịch sử của họ để mạnh dạn đối mặt với sự giả nhân giả nghĩa của người Mỹ da trắng. Và họ đã công khai làm vậy trước đám đông, trong các cuộc họp cộng đồng lớn, tại các công viên địa phương và trên vỉa hè. Những người phụ nữ này khai thác sức mạnh trong tiếng nói của họ, trong niềm đam mê và tính xác thực không xảo trá trong thông điệp chính trị của họ để tập hợp những người Da Đen trên toàn quốc và toàn cầu.


Đầu những năm 1920, Amy Ashwood Garvey, người đồng sáng lập Hiệp Hội Cải Thiện Da Đen Toàn Cầu (Universal Negro Improvement Association), đã lên tiếng ủng hộ việc đấu tranh cho quyền lợi và tự do của người Da Đen trên các góc phố đông đúc ở Harlem. Bằng cách sử dụng những nơi công cộng này làm nơi diễn thuyết để thúc đẩy chương trình nghị sự chính trị của mình, Ashwood đã không ngần ngại kêu gọi người Da Đen chống lại chủ nghĩa người Da Trắng thượng đẳng dưới mọi hình thức. Đôi khi, nhà hoạt động này công khai ngâm thơ, bao gồm tác phẩm nổi tiếng của Paul Laurence Dunbar, với tựa đề Chúng Tôi Đeo Mặt Nạ (We Wear the Mask) với nội dung nhấn mạnh các chiến lược người Da Đen đã sử dụng cho sự sống còn của họ dưới sự phân biệt, áp bức và suy thoái hàng ngày.


Trong một bài phát biểu, Ashwood nhắc nhở những cư dân phố Harlem rằng các cuộc đấu tranh của người Da Đen ở Hoa Kỳ không thể bị tách biệt khỏi những thách thức mà những người gốc Phi trên toàn cầu phải đối mặt. “Vấn đề của người Da Đen không còn là vấn đề của địa phương”, Ash Ashwood lập luận, “mà là của những người Da Đen trên khắp thế giới đang chung tay và chiến đấu vì một nguyên nhân chung.” Cô tiếp tục nói với mọi người rằng họ không thể “có được nền Dân chủ trừ khi họ giành được nó cho riêng mình.”


Trong những năm 1930, Mittie Maude Lena Gordon, một nhà hoạt động có trụ sở tại Chicago, đã quảng bá thông điệp nêu trên dưới sự bảo trợ của tổ chức của bà, tổ chức mang tên Phong trào Hòa bình ở Ethiopia, là tổ chức dân tộc Da Đen lớn nhất do một phụ nữ ở nước này thành lập. Được thành lập vào năm 1932, PME đã thu hút khoảng 300,000 người ủng hộ - chủ yếu là những thành viên Da Đen từ tầng lớp lao động - tại hơn một chục thành phố trên toàn quốc. Tổ chức này đã mở rộng phạm vi và phát triển nhanh chóng trong những năm 1930 và thập niên 40, trực tiếp nhờ vào kỹ năng của Gordon, một người với tư cách là một diễn giả. Như Garvey, Gordon đã sử dụng các công viên thành phố và các góc phố làm nơi truyền bá các ý tưởng chính trị của mình và tạo động lực cho phong trào.


Được mô tả bởi những người đương thời như một “diễn giả mạnh mẽ và có ảnh hưởng”, Gordon đã thu hút được sự chú ý của khán giả mỗi khi cất tiếng. Bà có một khả năng kì lạ là khuấy động cảm xúc của người nghe trong nỗ lực thôi thúc họ hành động. Những bài diễn văn của Gordon mạnh mẽ đến nỗi nhiều người đã tham gia vào các hoạt động địa phương đôi khi còn không hiểu đầy đủ về tầm nhìn chính trị của bà. Trong những năm đầu thập niên 1930, Saw Hawthorne, một người da đen đến từ Hạt Attala, Mississippi đã bắt gặp Gordon ở Chicago. Sau khi nghe bài phát biểu cảm động của bà “trước công chúng, trên đường,” Hawthorne đã nhanh chóng trở thành thành viên của PME và sau đó thành lập phân hội ở chính quê nhà mình.


Năm 1939, Gordon đã có một bài phát biểu sôi nổi tại một cuộc họp báo trên bậc thềm của Toà nhà Quốc hội ở Washington D.C. Đứng trước đám đông các nhà hoạt động và phóng viên da trắng, Gordon đã gọi to sự đạo đức giả của Mỹ. “Các người không muốn chúng tôi,” bà tuyên bố khi chỉ vào những người da trắng trong đám đông, “và chúng tôi cũng chẳng cần các người.” Bà tiếp tục lên án những người da trắng vì đã dựng nên những quan niệm sai lầm về “thuần chủng”, và cả những hành động của họ xuyên suốt bề dài lịch sử của đất nước.


Gordon chỉ ra sự trớ trêu của những người Mỹ da trắng chống lại sự pha trộn sắc tộc - kể cả đối với những người đàn ông da đen có quan hệ xác thịt với phụ nữ da trắng - và kể cả khi những chủ nô đã tấn công tình dục phụ nữ da đen trong nhiều thế kỉ. “Tất cả các bạn đều biết - tôi cũng vậy, và nếu như bạn không - đã qua những ngày tháng tổ tiên của các bạn nuôi dạy những đứa trẻ da trắng ở sân trước và đem lũ trẻ da đen ra sân sau,” cô giải thích. “Một ngày nào đó, người đàn ông mà bạn bầu [làm tổng thống] sẽ là một người da đen, bởi bạn không thể chỉ ra điểm khác biệt nữa. Và đó chỉ đơn giản là cái giá phải trả cho những tội lỗi của cha ông đi trước.”


Bài phát biểu của Gordon, nêu bật lên cả những sự thật mà ít ai muốn nghe đến, đã đánh lên một hồi chuông. Báo chí trong nước đã kể lại những khoảnh khắc mạnh mẽ, nếu không muốn nói là đáng kinh ngạc. Đó là bản cáo trạng người Mỹ trắng - được nói bởi một người phụ nữ da đen thuộc tầng lớp lao động, nắm trong tay nguồn tài nguyên ít ỏi, nhưng lại tràn đầy đam mê và can đảm.


Mặc dù rất nhiều người Mỹ da trắng cảm thấy bị xúc phạm nặng nề bởi tuyên bố của bà, các nhà hoạt động xã hội da đen lại hoàn toàn ủng hộ và chấp nhận. Những lời nói của bà cũng thúc đẩy và cổ vũ họ không ngừng chiến đấu - thậm chí trong hoàn cảnh sự chống đối gia tăng.


Ngày nay, các nhà hoạt động là phụ nữ da màu đang được kế thừa nền tảng di sản từ những người phụ nữ can đảm như Gordon. Khi các cuộc biểu tình càn quét cả quốc gia và toàn cầu, họ đã chiếm lấy vị trí lãnh đạo để giúp nước Mỹ đi lên. Sử dụng không gian công cộng làm nền tảng chính trị, những người phụ nữ này đang lên tiếng đòi công bằng và bình đẳng, nói lên sự thật trước quyền lực vào thời điểm mà chúng ta cần đến nhất.

KEISHA N. BLAIN là phó giáo sư môn Lịch sử tại University of Pittsburgh. Bà là tác giả cuốn sách: Set the World on Fire: Black Nationalist Women and the Global Struggle for Freedom (Tạm dịch: “Thắp lửa: Những người phụ nữ da đen theo Chủ nghĩa dân tộc cùng Cuộc đấu tranh toàn cầu giành lại tự do)


Translated by Duong Nguyen và T. Nguyen

Copy edits by J. Le

Comments


bottom of page