top of page

Quan điểm: Báo chí Ukraine đã vạch trần thiên kiến kì thị chủng tộc trong báo chí phương Tây từ lâu

By H.A. Hellyer, on 27-02-2022, 12:00:00

Charlie D’Agata, một phóng viên đài CBS ở Kyiv chia sẻ với đồng nghiệp trong trường quay rằng “Ukraine không chịu chiến tranh trong nhiều thập kỷ nay như Iraq hay Afghanistan. Ukraine là đất nước khá văn minh và tương đối giống các nước châu Âu khác – tôi cũng phải dùng từ cẩn thận – nơi mà không ai ngờ hay mong đợi là chiến tranh sẽ xảy ra.” Cuộc xâm lược Ukraine phạm pháp của Putin đã dấy lên làn sóng đoàn kết mạnh mẽ từ nhiều nơi trên thế giới, nhưng với nhiều người – nhất là người da màu – thì việc nhắm mắt cho qua những thiên kiến về chủng tộc trong báo chí và chính trị phương Tây là bất khả thi. Bình luận của D’Agata đã ngay lập tức nhận sự phản đối mạnh mẽ – và anh đã nhanh chóng xin lỗi – tuy nhiên D’Agata không hề là người duy nhất. Một bình luận viên đài truyền hình tại Pháp cũng phát biểu, “Chúng tôi không nói về việc người Syria chạy trốn bom đạn của chế độ nhà nước Syria do Putin hậu thuẫn; mà là về những người châu Âu chạy thục mạng bằng các mẫu xe hơi mà chính chúng ta cũng đang dùng." Trên đài BBC, một cựu phó công tố viên tuyên bố, ”tôi không cầm lòng được trước cảnh những người châu Âu mắt xanh tóc vàng… bị giết hại mỗi ngày." Ngay cả biên tập viên thời sự đài Al Jazeera cũng phát biểu, “Những người này rõ ràng không phải người tị nạn bỏ trốn khỏi những nước Trung Đông." Một biên tập viên ITV News nói thêm, “Ngay lúc này, một việc không tưởng đã xảy đến với họ, và đây không phải một quốc gia thế giới thứ ba đang phát triển. Đây là một quốc gia châu Âu.”

Học giả người Anh Daniel Hannan cũng chia sẻ ý kiến tương đồng trên báo Telegraph. “Họ không khác gì chúng ta cả. Đây là lí do tại sao sự kiện này chấn động đến vậy. Chiến tranh không còn là mối hoạ với những người dân vùng nghèo đói hay hẻo lánh. Nó có thể xảy ra với bất cứ ai,” ông viết. Vậy bài học cho bất cứ ai theo dõi tin tức – nhất là những người có quan hệ với những nước mà đã trải qua sự can thiệp, xung đột, các lệnh trừng phạt và di cư hàng loạt từ nước ngoài – đã quá rõ ràng: sự tình khủng khiếp hơn hẳn khi những người chịu thiệt hại là những người châu Âu Da trắng so với nạn nhân người Arab hay những người da màu khác. Người Yemen, Iraq, Nigeria, Libya, Afghanistan, Palestine, Syria, hay Honduras – họ coi chiến tranh như thường lệ đối với những người dân này vậy. Sự xúc phạm này còn vượt ra khỏi những bản tin. Một chính trị gia người Pháp nói rằng người tị nạn Ukraine đại diện cho “làn sóng di cư cao cấp.” Thủ tướng Bulgari cũng nói người di cư Ukraine “thông minh và có học. […] Đây không phải làn sóng người tị nạn ta thường thấy gồm những người không rõ danh tính, có tiểu sử không rõ ràng, và đã có thể là khủng bố.” Trong cơn giận dữ và bàng hoàng trước sự tàn bạo của Nga, ta không nhận ra được sự thật giản đơn: thái độ này không hề mới. Một thường trú viên đặc biệt của Vanity Fair phủ nhận hoàn toàn điều này trong một tweet: “Đây có lẽ là cuộc chiến tranh đầu tiên (theo thời gian thực) xảy ra trong thời đại mạng xã hội, và những hình ảnh đau thương đang làm Liên bang Nga trông rất đỗi tàn bạo.” Tweet này sau đó đã bị xóa - giống như hàng loạt những trải nghiệm chiến tranh kinh hoàng được ghi lại trên mạng xã hội và hơn thế nữa trong những thập kỉ gần đây. Quân đội của Putin trước đó đã can thiệp rất quyết liệt vào chiến sự Syria, chống lưng cho một chế độ chính trị khát máu. Hệ quả của cuộc chiến là hàng loạt vụ thảm sát, khổ đau, thiệt hại vật chất và li khai trên diện rộng mà tình cảnh hiện tại của Ukraine chưa thể sánh được - nhưng phương Tây lại thờ ơ hơn rất nhiều. Phản ứng này cũng tương tự với các chiến dịch quân sự của Mỹ tại Afghanistan và Iraq, thảm kịch tại Yemen do quân Saudi đứng đầu hay sự kiện Israel chiếm đóng Palestine. Tiêu chuẩn kép này thể hiện rõ thái độ của phương Tây chúng ta trong quan hệ quốc tế. Ta đã quá nhiều lần rẻ rúng và phủ nhận tầm quan trọng những người không phải người da trắng, dẫn tới việc những cộng đồng này cũng bị tước đi quyền được sống với lòng tự trọng. Ngoài đạo đức và chuẩn mực xã hội, tư tưởng trên còn có ý nghĩa địa chính trị sâu sắc - nhìn nhận nỗi đau chiến tranh bằng góc nhìn hạn hẹp này chính là củng cố sức mạnh cho những người như Putin. Chúng biết rằng những sự răn đe chỉ mang tính hình thức, miễn là không đụng tới thế giới “văn minh” kia. Việc các quốc gia can thiệp để bảo vệ quyền lợi của mình là sự thật. Dù có luôn miệng phát biểu về các “giá trị," nhưng họ vẫn áp dụng thực dụng lãnh cảm để đưa ra quyết định. Tuy vậy, những “quyền lợi” của ta cũng chịu ảnh hưởng lớn bởi các giá trị. Khi xã hội định ra sẵn các nấc thang “văn minh” trong đó một cộng đồng được tôn lên trên và những người khác đều ở tận đáy, thế mạnh đạo đức của ta cũng theo đó mà sụp đổ. Sự đoàn kết với người dân tại Ukraine đã cho thấy được sức mạnh của sự đồng cảm chân thành, nhưng ý nghĩa này sẽ vơi bớt ta nếu chỉ dừng lại trên bề mặt. Vai trò của truyền thông trong việc ngăn chặn điều này rất quan trọng. Một số đã làm tốt, nhưng vẫn còn nhiều nơi cần phải cải thiện mạnh mẽ hơn.


Người dịch: Phuong Dang & Linh Nguyen

Biên tập: Ren Dinh

bottom of page