top of page

Quan điểm: Đảng Dân chủ làm dân nhập cư như tôi không yên lòng

Đại đa số dân nhập cư đã đến Hoa Kỳ hợp pháp và chúng tôi không cho mình là những nạn nhân bị vùi dập.


Tunku Varadarajan, ngày 21 tháng 8, 2020


Translated from the Wall Street Journal article Democrats Make This Nonnative Restless

Một ứng viên cho quốc tịch Hoa Kỳ đang cầm cờ trước lễ tuyên thệ quốc tịch ở Miami, ngày 16 tháng 8, 2019.

Ảnh: WILFREDO LEE/ASSOCIATED PRESS


Qua bốn đêm theo dõi Đại hội Đảng Dân chủ trước màn hình TV, tôi đã thở phào nhẹ nhõm khi nó kết thúc. Với tư cách là một người dân nhập cư vào Hoa Kỳ, tôi cảm thấy sự chú ý thái quá đến dân nhập cư từ Đảng Dân chủ thật chói tai. Tôi muốn giải thích điều này đến người dân Hoa Kỳ.


Hiếm có một bài phát biểu hay một phân đoạn nào xuyên suốt đại hội mà người dân nhập cư không được tôn sùng một cách thái hóa. Họ được miêu tả đồng nhất như những nạn nhân - những thân phận không may bị chèn ép bởi sự “phân biệt chủng tộc có hệ thống” và những bất công của xã hội Hoa Kỳ. Họ vĩnh viễn bị vướng ở chốn âm ty đầy tâm tối và sợ hãi từ những khước từ nhân đạo của Tổng thống Trump.


Đảng Dân chủ đã sai lầm khi đánh đồng dân nhập cư trái phép với phần lớn người nhập cư - những người đã đến đây hợp pháp. Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, 77% người dân Hoa Kỳ được sinh ra tại nước ngoài là những thường trú nhân hợp pháp (như tôi chẳng hạn) hay là công dân nhập tịch hợp pháp Hoa Kỳ.


Với việc tập trung dồn dập vào số dân nhập cư trái phép, Đảng Dân chủ gây tổn hại sâu sắc đến 35.2 triệu người dân nhập cư hợp pháp, khi mà họ cần là tâm điểm, với những công việc chân chính, những mối quan tâm về công việc, gia đình cùng với sự biết ơn cho cơ hội được sinh sống ở Hoa Kỳ - biết ơn cho cơ hội trở thành những công dân Hoa Kỳ.


Nhiều người nhập cư đã đến Hoa Kỳ từ những quốc gia có chính quyền thường giả vờ như giúp đỡ nhưng lại hay gây trở ngại cho cuộc sống người dân. Điều dân nhập cư mong muốn mà Đảng Dân chủ cần chú tâm hơn là chính quyền nên nhường chỗ để họ có thể tự vạch ra vận mệnh riêng của mình. Đó là lý do hàng đầu mà họ đã tìm đến nước Mỹ. Mặc cho cánh tả có thích điều đó hay không, đó là sự thật căn bản mà mọi người dân nhập cư đã ghi trong lòng.


Không ai nói chúng ta phải lờ đi cảnh ngộ của dân nhập cư bất hợp pháp. Nhưng nỗi ám ảnh của Đảng Dân chủ với sự bần cùng của dân nhập cư bất hợp pháp đã bị những kẻ phân biệt chủng tộc và theo chủ nghĩa bản địa (bài ngoại) lợi dụng. Trớ trêu thay, những kẻ này lại có chung cái nhìn”cấp tiến” về dân nhập cư như một nhóm dân luôn thuộc về một vùng vô định. (Những kẻ theo chủ nghĩa bản địa xem dân nhập cư là những người không bao giờ có thể đồng hóa, trong khi những người cấp tiến cũng phỉ báng chính sự “đồng hóa” này theo lý lẽ riêng của họ.)


Sự áp đặt một cách gượng ép của Đảng Dân chủ để nạn nhân hóa người dân thiểu số bằng cách thêm “dân nhập cư” vào danh sách những nhóm bị ngược đãi chẳng mang lại lợi ích gì cho dân nhập cư cũng như đất nước này. Người ta có thể thấy được sự mở rộng trong thành phần cử tri như cái lợi ngắn hạn cho Đảng Dân chủ trong. Tuy nhiên, tôi và hàng triệu người khác như tôi không hề xem Hoa Kỳ là nơi chúng tôi không thể tìm được một bản sắc chính thống, hay là một nơi mà các thế lực chính trị khẳng định rằng cách chắc chắn nhất để chúng tôi được chấp nhận là phải mãi mãi nung nấu những nỗi bất bình. Mỗi người nhập cư đều đến lúc sẽ cảm thấy, hay muốn cảm thấy, họ đã vượt qua được khó khăn và giành được tự hào cho vị trí xứng đáng của mình (mà không cần được người khác ban phát dưới cái lốt của kiếp nạn nhân).


Tiếp tục lợi dụng khái niệm “dân di cư” đòi hỏi cố định hóa một khái niệm chỉ có bản chất tạm thời. “Dân di cư” chỉ là một trạng thái trong quy trình thủ tục quan liêu mà mọi người di cư đều muốn vượt qua để hướng đến một trạng thái hoàn toàn thuộc về. Đảng Dân chủ muốn nhiều người trong chúng ta phải bám víu vào một trạng thái tạm thời như chính nó là một khát vọng. Khẩu hiệu Latin “E pluribus unum” (trên Đại ấn Hoa Kỳ) - hay “Từ nhiều, chúng ta là một” - kém hấp dẫn với họ hơn là thứ giáo điều “Từ một, chúng ta là nhiều”.


Ông Varadarajan là Tổng biên tập tại Viện Hoover của Đại học Stanford.


Người dịch: Q. Mai

Biên tập: Derek Phan

Comments


bottom of page