ThS. Tuấn Nguyễn, ngày 9 tháng 10, năm 2020
Vào 2016, hàng trăm triệu người Mỹ không bỏ lá phiếu của mình trong cuộc tổng tuyển cử Tổng thống, theo con số của Pew Research Center1. Ba lý do chính theo bài nghiên cứu này là “quá bận, giờ giấc bầu cử mâu thuẫn với lịch làm việc và học tập”, “cảm giác lá phiếu của mình không tạo nên sự khác biệt,” và “ghét các ứng cử viên (ƯCV) hay vấn đề các ƯCV này tranh đấu.” Năm nay, công dân Mỹ lại một lần nữa sẽ quyết định xem ai là vị Tổng thống trong bốn năm tới. Dù 2016 cho thấy có ba lý do khiến hàng trăm triệu cử tri ngồi nhà, các ƯCV ra tranh cử vẫn liên tục nhấn mạnh đây là kỳ bầu cử quyết định sự tồn tại của hệ thống dân chủ. Vậy câu hỏi trọng tâm là: “Tôi có nên đi bầu cử và vì lý do gì?”
Vế đầu của câu hỏi liên quan mật thiết đến vế sau. Không riêng gì bỏ phiếu, dường như các sinh hoạt thường nhật của tôi đều có lý do, mặc tôi có nhận ra nó hay không. Quét dọn nhà cửa để nơi ở ngăn nắp hơn, khuyên con cháu không chạy nhảy trong nhà vì sợ chúng té ngã, đi làm đúng giờ vì sợ bị sếp mắng hoặc sợ mất chức. Việc đi bỏ phiếu là có lý do, và lý do đó phải đáng giá hơn ba lý do mà bạn đã ngồi ở nhà mùa bầu cử 2016. Nhưng trước khi chúng ta nghĩ đến lý do bỏ-phiếu, ba lý do để-không-bỏ-phiếu cần được phủ định. Vì vậy, tôi mong bạn kiên nhẫn xem các lý do phủ định việc không-bỏ-phiếu. Song song với quá trình ấy, chúng ta sẽ nhìn về lý do bỏ-phiếu.
Thứ nhất, “quá bận, giờ giấc bầu cử mâu thuẫn với lịch làm việc và học tập,” nghe qua rất thuyết phục. Thậm chí, thời gian bỏ phiếu còn có thể mâu thuẫn với rất nhiều việc làm khác, bao gồm việc học và làm việc. Thay vì đi bầu cho một ƯCV nào đó tôi chưa hề gặp mặt, hay phải đứng xếp hàng dài đợi bỏ phiếu bầu, tôi có thể làm những việc thỏa mãn bản thân hơn như đi chơi với bạn bè, ăn tối với người yêu, xem một cuốn phim ưa thích… Danh sách này dài vô tận, và tôi hiểu bạn nghĩ chúng quan trọng hơn trong việc sắp xếp lịch và thời gian. Tôi mong bạn hãy nghĩ lại.
Tại nhiều tiểu bang, vì lý do COVID-19, hệ thống bầu cử tự động gửi phiếu bầu đến từng nhà cử tri đã ghi danh. Trước đây, để bỏ phiếu qua thư, bạn phải ghi danh bầu cử và làm đơn xin một lá phiếu gửi về nhà. Năm nay, nếu bạn đã có tên trong hệ thống bầu cử, bạn sẽ nhận được phiếu bầu qua thư vài tuần lễ trước ngày bầu cử. Nếu tiểu bang bạn không tự động gửi thư, bạn có quyền xin nhận lá phiếu khiếm diện. Bạn chọn tên UCV và các chính sách, bỏ vào bìa thư “hợp lệ”, để vào thùng thư, và chờ nhân viên bưu chính mang phiếu đến văn phòng bầu cử địa phương. Bạn sợ sở bưu chính làm thất lạc phiếu của bạn? Hãy mang đến các thùng phiếu của cơ quan bầu cử đặt tại các nơi công cộng, thông thường là thư viện. Chúng trông giống thùng thư của sở bưu chính, nhưng nhân viên văn phòng bầu cử sẽ chịu trách nhiệm đến lấy trực tiếp các lá phiếu. Bỏ phiếu qua thư là một lựa chọn an toàn trong mùa dịch và giúp bạn tiết kiệm nhiều thời gian. Bạn vừa có thể tham gia vào xây dựng hệ thống dân chủ trong khung thời gian tiện lợi nhất mà không tốn mất một buổi đi chơi hay đêm ăn tối với người yêu. Bạn sợ lá phiếu bị đánh tráo và kẻ gian sửa phiếu bầu? Bạn cũng chẳng cần xếp hàng dài đến nửa tiếng vào ngày 3 tháng 11 đâu nếu bạn xem thông tin ngày, giờ bầu cử nơi địa phương mình cư trú. Ở California, các địa điểm bỏ phiếu mở từ ngày 31 tháng 10 đến tận đêm bầu cử, nên bạn tha hồ có thời gian bỏ phiếu. Không cần chờ đến tận ngày bỏ phiếu cuối cùng để xếp hàng dài.
Thứ hai, cử tri cảm giác “một lá phiếu riêng lẻ không tạo nên khác biệt.” Đây là cảm nhận thông thường khi dân số Mỹ vượt trên 330 triệu2. Bạn có thể thuyết phục tôi rằng cuộc bầu cử Al Gore-Bush 2000 được định đoạt bằng việc hơn thua nhau vài trăm lá phiếu ở tiểu bang Florida, nhưng nếu tôi không ở bang này thì sao? hay Pennsylvania như giới truyền thông chính thống đang đề cao? Một hệ thống dân chủ không hoàn hảo thì vẫn là dân chủ3. Mức độ tạo nên khác biệt đôi khi tùy theo việc bạn nhận thức về sự lựa chọn của mình, chứ không phụ thuộc nơi bạn sinh sống. Ngoài việc bầu cho Tổng thống và đại cử tri-- những người trực tiếp ảnh hưởng việc chọn Tổng thống, bạn còn bỏ phiếu cho chính sách và luật lệ nơi bạn sống. Bạn muốn dành ngân quỹ cho giáo dục, cho quân sự, hay cho phúc lợi xã hội, thì lá phiếu của bạn ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả. Bầu cử không phải chỉ là việc khiến cho người có tố chất lãnh đạo X, Y làm Thị trưởng hay Tổng thống mà còn là tương lai và sự ổn định bạn mong muốn.
Sự phủ định cho lý do thứ hai cũng sẽ phủ định luôn lý do thứ ba, “ghét các ƯCV hay các vấn đề mà họ tranh đấu.” Như Giáo sư Scott Davidson ở Đại học West Virginia nói, việc bạn ghét một ai đó không là lý do để bạn không đi đến văn phòng bầu cử và bỏ phiếu cho một luật lệ, chính sách, vấn đề ảnh hưởng nơi bạn sống. Nói đúng hơn, mỗi lý do trên không là điều kiện đủ để chúng ta không bỏ phiếu.
Vậy điều gì khiến tôi nên đi bầu cử?
Nhìn từ khía cạnh lịch sử, hệ thống “dân chủ” (tiếng Hy Lạp Cổ: demokratia) là một khái nhiệm nhà nước ở Athen dựa theo suy nghĩ số đông người dân quyết định các bộ luật và chọn ra vị lãnh đạo đất nước. Socrates, người đặt nền móng cho nền triết học và chính trị Tây phương vì những đóng góp, khuyến khích để học sinh của ông đặt câu hỏi mà sau này nhân loại có khái niệm khoa học, đạo đức, tôn giáo, con người, nghĩ rằng hành động bầu cử phải là một kỹ năng rèn luyện qua lý trí, chứ không đơn thuần là cảm xúc4. Vì theo ông, nếu con người quá thiên về mặt cảm xúc, chúng ta không quý trọng bác sĩ của mình vì bác sĩ có thể làm mình đau còn người bán kẹo thì luôn dỗ ngọt chúng ta. Nhưng bác sĩ làm cơ thể đau vì mục đích để cơ thể con người hồi phục tốt hơn. Người Việt thì có câu “thuốc đắng dã tật.” Người bán kẹo xấu tính nếu chỉ vì lợi ích kinh doanh, sẽ bỏ mặc sức khỏe ta khi ta mang những bệnh tật liên quan việc ăn ngọt quá đà.
Socrates ghét “dân chủ” vì ông lo ngại sự thiếu kiến thức của cử tri Hy Lạp mà khiến xã hội không phát triển theo hướng tích cực. Ví dụ, họ dễ chọn người như người bán kẹo ở trên. Nước Mỹ lại khác biệt hoàn toàn với Hy Lạp Cổ đại. Chúng ta cơ bản là quốc gia có nhiều nền văn hóa và giá trị khác nhau, nhưng chúng ta đồng ý ở đất nước này vì sự tự do dành phiếu bầu cho điều mình ước ao. Dù không phải cứ bỏ phiếu là đạt kết quả mong muốn, cũng như vị bác sĩ kia khó trở thành lãnh đạo ở xã hội Athen, chúng ta vẫn phải đi bỏ phiếu vì đó là quyền dành cho chính kiến của chúng ta. Đó là cách để chúng ta nói rằng: “đây là điều đúng” dành cho nước Mỹ.
Đúng hay sai, lịch sử và xã hội sẽ phán xét với cái nhìn khác. Nhưng ở ngay thời điểm này, thứ ánh sáng có được chính là khả năng tư duy của chúng ta giữa việc chọn bỏ-phiếu hay không-bỏ-phiếu. Dĩ nhiên kết quả bỏ phiếu có khi sở hữu tỷ lệ như trúng số độc đắc, tôi vẫn phải đi bỏ phiếu vì giá trị dân chủ liên quan đến giá trị đạo đức trong chính mình: tôi có muốn bắt buộc thực đơn nhà hàng bao gồm thức ăn chay hay chống lại việc đó? Khi bạn hỏi ý kiến tôi muốn đặt món ăn gì hôm nay, sự lựa chọn của tôi mang lại kết quả cho chính tôi. Còn khi tôi bỏ phiếu, sự lựa chọn có thể ảnh hưởng đến rất nhiều người. Chắc chắn, nếu phiếu bầu của tôi nằm trong đám đông, sự lựa chọn riêng đó sẽ ảnh hưởng cả những người không đồng ý. Nhưng ít nhất trong trường hợp lá phiếu không nằm ở phe đa số, tôi có thể tự hào rằng mình dành sự ủng hộ cho một ông bác sĩ có kiến thức và đạo đức nghề nghiệp.
Tôi mong bạn hãy tham gia bầu cử năm nay, năm sau, và nhiều năm nữa cho đến khi đất nước chúng ta còn hai từ “dân chủ.”
*Bài viết trên không ủng hộ quan điểm hay nhận được sự bảo trợ từ bất cứ Ứng cử viên, chính sách nào.
Tác giả: Tuấn H. Nguyễn, cựu thành viên ban biên tập Người Thông Dịch, thạc sĩ triết học từ San Jose, California.
Trích dẫn
1. López, G., & Flores, A. (2017, June 1). Why registered voters say they didn’t vote in 2016.
Pew Research Center.
2. U.S. and World Population Clock (2020, October 7). U.S. Census Bureau.
3. Davison, S. (2020, September 29). Why there is no ethical reason not to vote (unless you
come down with COVID-19 on Election Day). The Conversation.
4. [The School of Life]. (2016, November 28). Why Socrates Hated Democracy [Video].
Comments