top of page

Tại sao phụ nữ Mỹ gốc Á lại có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong 6 tháng dịch vừa qua

44 phần trăm phụ nữ Mỹ gốc Á thất nghiệp đã không có việc trong hơn sáu tháng hoặc lâu hơn, so với nhóm phụ nữ da Đen là 40.8 phần trăm, nhóm phụ nữ La-tinh là 38.3 phần trăm, và tất cả phụ nữ là 38.6 phần trăm.


Katherine Kam, ngày 28 tháng 1, 2021

Một tiệm làm móng ở New York tháng Tám năm ngoái. Noam Galai / Getty Images file


Đã từng có thời khách hàng mê mẩn làm móng bằng đá nóng cùng ngâm chân trong bể mojito dâu tây tại Studio 18 Nail Bar tại Quận Cam, California. Giờ đây bảy người thợ của bà chủ Christie Nguyen không còn làm cho tiệm nữa. Tất cả những người thợ thất nghiệp này là phụ nữ Mỹ gốc Á.


Sau ba đợt đóng cửa bởi đại dịch, Nguyen lo lắng về tương lai. “Chúng tôi không biết liệu mình có thể chống chọi nổi không. Nó thực sự làm chúng tôi mất ăn mất ngủ,” cô nói với NBC Asian America.


Cũng như virus, những suy thoái do Covid-19 đã ảnh hưởng đến các cộng đồng ở nhiều mức độ khác nhau, đặc biệt là nhóm phụ nữ. Trong tháng vừa qua, có tới 156,000 phụ nữ thất nghiệp, theo báo cáo bởi Trung tâm Luật Phụ nữ Quốc gia (National Women’s Law Center), trong đó cộng đồng phụ nữ Mỹ gốc Á có tỷ lệ thất nghiệp dài hạn cao nhất.

Theo số liệu của Cục Thống kê Lao động Hoa Kỳ, 44 phần trăm phụ nữ Mỹ gốc Á thất nghiệp đã không có việc trong sáu tháng hoặc lâu hơn, so với nhóm phụ nữ da Đen là 40.8 phần trăm, nhóm phụ nữ La-tinh là 38.3 phần trăm, và tất cả phụ nữ là 38.6 phần trăm.


Rất nhiều phụ nữ Mỹ gốc Á làm việc trong các ngành dịch vụ, bao gồm nhà hàng, giải trí, khách sạn, bán lẻ và làm đẹp. Theo Diane Lim, một nhà kinh tế học tại Washington và cũng là tác giả của blog EconomistMom.com, trong khi phụ nữ Mỹ gốc Á có việc làm trong nhiều lĩnh vực từ những ngành chuyên nghiệp được trả lương cao cho đến nhân viên thực phẩm, những dịch vụ như nhà hàng, cửa hiệu và tiệm làm móng là những công việc đã gây nhiều tổn hại cho họ vì những nơi này phải đóng cửa để làm giảm lây lan của Covid-19.


Một báo cáo của UCLA năm ngoái cho biết một phần tư người lao động Mỹ gốc Á đang làm việc trong ngành khách sạn, giải trí, bán lẻ và các ngành dịch vụ khác, có tỷ lệ thất nghiệp đáng kinh ngạc ở 40 phần trăm. Trong khi đó, một báo cáo của Hiệp hội người Mỹ gốc Á cho thấy tỷ lệ người Mỹ gốc Á thất nghiệp ở New York đã tăng vọt từ 3.4 phần trăm cuối tháng Hai lên đến 25.6 phần trăm vào tháng Năm - tỷ lệ tăng lớn nhất trong số các nhóm sắc tộc của thành phố.


Nhưng việc tham gia vào ngành dịch vụ không giải thích đầy đủ cho xu hướng này. Ví dụ, phụ nữ Mỹ gốc Á thường có tỷ lệ thất nghiệp dài hạn lâu hơn so với nhóm La-tinh, mặc dù nhóm này cũng tham gia rất nhiều công việc cùng nhóm ngành dịch vụ.


“Rất khó để giải thích giải thích những dữ liệu chúng ta có. Phụ nữ Mỹ gốc Á có khác biệt rất lớn so với phụ nữ La-tinh, da Đen hay da trắng khi nói đến việc làm trong đại dịch. Phải có một cái gì rõ rệt và khác biệt để có thể là tiêu chuẩn cho phụ nữ Á đông,” trích lời Lim.


Với bà, cuộc khủng hoảng cũng mang tính cá nhân bởi bà cũng chỉ làm việc bán thời gian và đang cố gắng tìm một công việc toàn thời gian kể từ hồi tháng Bảy. Cô con gái 24 tuổi tốt nghiệp đại học của bà cũng mất việc làm tại một tiệm bánh ở Brooklyn năm ngoái.


Người dịch: Duong Nguyen

Biên tập: Paul Nguyen



Comments


bottom of page