top of page

Thật đáng lo lắng cho nền văn hóa chính trị bệnh hoạn của Mỹ


Các chính phủ ngoại bang có thể đang cố khai thác điểm yếu của chính trị Mỹ hòng thay đổi kết quả cuộc bầu cử hoặc làm cho dư luận Mỹ bị xáo trộn. Tuy nhiên, người dân Mỹ chỉ có thể tự trách chính mình vì đã biến nền dân chủ tồn tại hàng thế kỷ thành một sân chơi cho những thủ đoạn rẻ tiền.


J.D. Tuccille, ngày 16 tháng 10, 2020

(Democratic National Convention via CNP/Newscom)


Là một quốc gia nổi tiếng thờ ơ trước sự việc nằm ngoài đất nước họ, người dân Mỹ quả thực dành nhiều trí lực để lo lắng về cách điều hành chính trị của nước ngoài. Phe chủ nghĩa tự do thì lo ngại rằng người Nga đang ngấm ngầm lên kế hoạch ủng hộ cho sự tái đắc cử của Tổng thống Donald Trump, còn phe chủ nghĩa bảo thủ lại đau đầu suy nghĩ rằng các công ty năng lượng của Trung Quốc và Ukraine đang tài trợ cho ứng cử viên Tổng thống Đảng Dân chủ - Joe Biden - qua con trai của ông ấy.


Việc những thế lực ngoại quốc đã cố can thiệp vào các cuộc bầu cử của Hoa Kỳ trong những năm gần đây không còn là thông tin mới mẻ, song, dường như những cố gắng này không mang lại tác động mạnh. Và việc có quá nhiều người dân Mỹ tin rằng những ứng cử viên Tổng thống là con rối của ngoại bang đã thể hiện khuynh hướng bất ổn của văn hoá chính trị Mỹ thay vì chứng tỏ rằng mưu đồ của nước ngoài thực sự đáng lo ngại.


Trong bối cảnh chính trị bất ổn hiện nay, tờ New York Times gần đây đã báo cáo rằng “Tổng thống Vladimir V. Putin của nước Nga có khả năng rất cao sẽ tiếp tục thực thi các phương thức can thiệp nhằm gia tăng khả năng tái đắc cử của Tổng thống Trump, theo phân tích của C.I.A.” Thông tin này trùng hợp với những lời cảnh báo từ RAND Corporation rằng “Nga có thể sẽ tiếp tục cố gắng thao túng và chia rẽ cử tri Mỹ qua mạng xã hội.”


Cả hai bài phân tích trên đều chỉ là suy đoán - CIA chỉ “tự tin một phần” vào kết luận này - nhưng cả hai đều trích dẫn những báo cáo về các mánh khóe của Nga vào cuộc bầu cử năm 2016, bao gồm việc hack và phát tán trái phép email qua Wikileaks hay đăng các bài viết mang tính bạo động lên các nhóm xã hội vốn được tạo ra để người Mỹ quay lưng với nhau (hơn mức bình thường).


Đối với những người cảm thấy hoàn toàn xa lạ với các mánh khóe này, hãy xem thử bản báo cáo của Công tố viên Đặc biệt Robert S. Mueller. Mặc dù đội của Mueller đã phát hiện rất nhiều hành vi không đứng đắn và sự ngấm ngầm chấp thuận các mánh khóe chơi bẩn trong chiến dịch của đội ngũ Trump, “vụ điều tra không kết luận rằng chiến dịch đã hợp tác hay hiệp lực cùng chính phủ Nga trong các hành vi can thiệp bầu cử.”


Điều này có nghĩa là những vụ việc của Nga đã được che đậy (không có mối liên quan hệ quả nào được truy tới nguồn này) và được thực hiện mà không có sự tham gia chủ động của ứng cử viên Nhà trắng nào. Theo Dov Levin của Đại học Hong Kong, người đã nghiên cứu về sự việc này, đã chỉ ra rằng cách can thiệp này khó có khả năng sẽ gây ra ảnh hưởng gì.


“Khi không có sự hợp tác của người trong nước cho việc cung cấp thông tin (hoặc ‘kiến thức địa phương’) về xu hướng của các cử tri và cách tốt nhất để can thiệp gây ảnh hưởng theo ý muốn, các thế lực thường sẽ coi khả năng thành công là quá thấp để đáng can thiệp vào cuộc bầu cử,” anh viết trong một bài báo năm 2016 ở tờ International Studies Quarterly. Tương tự, “một vụ can thiệp ngầm sẽ có khả năng bị lật tẩy thấp hơn nhiều do sự bảo mật vốn có trong việc cung cấp quỹ cho chiến dịch bầu cử. Tuy nhiên, khả năng rủi ro thấp hơn đi kèm với khả năng thành công cũng giảm đi.”


Và ngược lại, hợp tác với một đảng và ủng hộ công khai ứng cử viên của đảng đấy - hoặc ví dụ như việc đe doạ sẽ cắt giảm viện trợ nếu ứng cử viên còn lại thắng - đem lại nhiều rủi ro hơn nhưng cũng mang nhiều khả năng thành công hơn.


Điều đó không có nghĩa là các hoạt động bí mật không hề được biết đến-chúng chiếm phần lớn trong số 117 cuộc can thiệp bầu cử bởi Mỹ và Liên Xô/Nga từ năm 1946 đến năm 2000 mà Levin đã nghiên cứu (vâng, Mỹ đã là một kẻ phạm tội lớn khi chĩa mũi vào cuộc bầu cử của nước khác). Nhưng các hoạt động bí mật vẫn luôn đòi hỏi một cam kết đáng kể, chẳng hạn như hàng triệu đô là mà Mỹ đã rót vào một chính đảng Thái Lan trong cuộc bầu cử năm 1969 của nước này.


Qua so sánh, việc rò rỉ email và chi hàng trăm ngàn đô la Mỹ cho quảng cáo chính trị trên TwitterFacebook, ngay cả khi được điều phối bởi Cơ quan Nghiên cứu Internet được tài trợ khiêm tốn của Nga, thì đó là một mức tiền quá thấp. Chiến dịch dường như ít ảnh hưởng đến cuộc bầu cử, nhưng lại giúp các quan chức của Nga thời hậu Chiến tranh Lạnh phô trương và thuyết phục công chúng Nga rằng đất nước của họ vẫn là một tay cự phách trên trường quốc tế.


Một góc nhìn tương tự cần được áp dụng vào bài viết của New York Post về việc những nhà lãnh đạo doanh nghiệp của UkraineTrung Quốc đã trả tiền cho Hunter Biden để được tiếp cận một người có thể trở thành Tổng thống. Nếu là thật, bức thư được công bố bởi Post sẽ xác nhận nghi ngờ về tài sản chính của Hunter Biden qua những nguồn kinh doanh sơ sài nhiều năm qua mà ông này đã đứng tên.


Nhưng việc một chính trị gia rao bán những hứa hẹn về quyền tiếp cận là bằng chứng cho sự lũng đoạn thường thấy đã làm băng hoại nền chính trị cả trong lúc hưng thịnh lẫn lúc suy đồi. Đó không phải là sự xác nhận cho những lời buộc tội rằng nhà chính trị bị mua chuộc bởi nước ngoài hay là “một ứng cử viên tổng thống Mỹ của đảng Cộng Sản Trung Quốc”, như lời cáo buộc của cựu Bộ trưởng Bộ Tư Pháp Mỹ nói.


Điều đó có thể nói lên rằng không có bất cứ chứng cớ gì về việc Biden che giấu hay công khai tham gia chính trị ngoài nước Mỹ dưới bất kỳ hình thức nào.


Qua tất cả những điều này, những gì chúng ta nhìn thấy là có ít bằng chứng về việc người nước ngoài thao túng cuộc tranh cử tổng thống Mỹ một cách nghiêm trọng hơn là việc chính người Mỹ đang làm suy thoái nền văn hóa chính trị của họ. Hơn nữa, có rất nhiều người trong chúng ta đang thắc mắc về sự nghiêm túc và tính hợp pháp của những đối thủ chính trị.


55% số người đảng Cộng Hòa và 44% của đảng Dân Chủ cho rằng đảng đối lập “không chỉ làm cho chính trị tệ hơn-họ còn rất ác độc”, dựa theo khảo sát của YouGov năm 2019. 34% trong đảng Dân Chủ và 27% trong đảng Cộng Hòa nói rằng đối thủ của họ “thiếu những phẩm chất để được xem là con người-họ hành xử như những con thú vật.”


“Chúng tôi nhìn thấy rõ từ cả đảng Dân Chủ và Cộng Hòa khuynh hướng muốn chà đạp nhân cách những người ngoại đảng”, bốn nhà khoa học chính trị đã nhận xét trong một bài viết công bố năm 2019. “Bằng cách loại bỏ đối thủ chính trị, dù chỉ là một ít, ra khỏi những tư duy và suy xét thường được dùng để đánh giá nhân cách, chúng ta sẽ dễ dàng áp đặt định kiến vào họ, và có thể ngay lập tức gán cho họ những động cơ hèn hạ và đê tiện.”


Kết quả cho thấy, rất nhiều người không chỉ từ chối bầu cho những ứng cử viên mà họ không thích, hoặc đơn giản là không đồng tình với những người ủng hộ. Thay vào đó, họ cho rằng những ứng cử viên này phải là những người ác tâm, nguy hiểm, thậm chí không đáng được tôn trọng, và thêm vào đó là những động cơ bất chính, sẵn sàng làm nô lệ cho những ông chủ ngoại quốc xấu xa.


Các chính phủ ngoại bang có thể đang cố khai thác điểm yếu của chính trị Mỹ hòng thay đổi kết quả cuộc bầu cử hoặc làm cho dư luận Mỹ bị xáo trộn. Tuy nhiên, người dân Mỹ chỉ có thể tự trách chính mình vì đã biến nền dân chủ tồn tại hàng thế kỷ thành một sân chơi cho những thủ đoạn rẻ tiền.


Người dịch: May Huynh, Linh Pham

Biên tập: Diễm

Comments


bottom of page