Translated from Vox's article Why Shang-Chi’s success matters — and why it shouldn’t By Alex Abad-Santos, on 03-09-2021, 10:30:00
Shang-Chi là một thắng lợi cho sự đại diện truyền thông (representation). Thế nhưng, đánh giá tầm quan trọng của thắng lợi này không hề đơn giản. Đã hai năm trôi qua kể từ lần cuối cùng Marvel đưa một siêu anh hùng mới lên màn ảnh rộng. Nhân vật gần đây nhất là Captain Marvel/Đại Úy Marvel, nữ siêu anh hùng Marvel đầu tiên có riêng cho mình một bộ phim. Trước Captain Marvel có Black Panther/Chiến Binh Báo Đen, siêu anh hùng da đen đầu tiên có cho riêng mình một bộ phim từ Marvel Studios. Vì mang áp lực “đầu tiên” này nên hai bộ phim khi ra mắt không chỉ bắt buộc phải hay mà còn phải đạt doanh thu cao, phải dịch chuyển cán cân chính trị xã hội của Marvel. Giờ đây, trong thời buổi thế giới đảo lộn và phim ảnh khan hiếm vì dịch bệnh — và trong khi Vũ trụ điện ảnh Marvel cũng vừa trải qua hàng loạt sự kiện động trời hậu Avengers: Endgame — chúng ta có Shang-Chi và Huyền Thoại Thập Luân. Shang-Chi(Thượng Khí) là siêu anh hùng người Mỹ gốc Á đầu tiên có một bộ phim Marvel cho riêng mình. Tương tự như các tiền bối tiên phong mở đường, nhân vật này sẽ phải đối mặt với hàng tá những câu hỏi đến hẹn lại lên: Việc anh là người Mỹ gốc Á có ý nghĩa gì? Anh có gì khác biệt so với những siêu anh hùng mà anh sẽ tiếp xúc? Và liệu bộ phim của anh có kiếm đủ tiền để thuyết phục Marvel giữ anh lại hay không? Vấn đề cuối cùng tùy vào việc khán giả ở Mỹ có ra rạp để xem Shang-Chi trong lúc biến thể delta của Covid-19 hoành hành hay không. (Shang-Chi sẽ chỉ chiếu tại các rạp phim 45 ngày trước khi chuyển qua Disney+.) Tương tự như các bộ phim mang vinh dự “đầu tiên” khác của Marvel, thời gian công chiếu ngoài rạp của Shang-Chi là chủ đề chính trong các buổi thảo luận đáng chán về mối quan hệ giữa các khái niệm như công lý, bình đẳng và đại diện truyền thông với doanh thu phòng vé và giá trị nhân văn của cốt truyện. Có một quan niệm là nếu như phim Shang-Chi cháy vé thì tức là những câu chuyện về người Mỹ gốc Á đáng được đầu tư thêm, tức là khán giả muốn thấy người Mỹ gốc Á trên màn ảnh rộng, và tức là siêu anh hùng người Mỹ gốc Á cũng đáng được trọng vọng như các đồng nghiệp da trắng của họ. Nhưng về lâu dài, tôi không chắc rằng thành công của Shang-Chi sẽ có thể giúp người Mỹ gốc Á xoay chuyển càn khôn hay chiếm thế thượng phong trong công cuộc đấu tranh công lý xã hội. Áp đặt các mục tiêu đao to búa lớn lên một bộ phim là một điều rất bất công, bởi lẽ sẽ không có bộ phim nào giải quyết được những vấn nạn như kỳ thị chủng tộc hay bất bình đẳng chỉ trong hai tiếng vỏn vẹn. Doanh thu cao thì đối tượng hưởng lợi chủ yếu sẽ là đoàn phim và dàn diễn viên chính; cái quan niệm rằng lợi nhuận cao sẽ trực tiếp thúc đẩy cải cách xã hội là một lý tưởng duy tâm đậm chất tư bản. Tuy vậy, Shang-Chi thực sự là một bộ phim chất lượng, thậm chí là đặc sắc. Nó rành mạch trả lời các câu hỏi về vai trò của Shang-Chi trong Vũ trụ điện ảnh Marvel, và tại sao sự tồn tại của anh rất quan trọng. Nếu nhìn sơ thì đây chỉ là câu chuyện về một anh hùng mang sứ mệnh bảo vệ thế giới khỏi thế lực xấu xa được tô điểm bằng các pha trình diễn võ nghệ đẹp mắt. Nhưng thật ra, đây là một bài luận sắc sảo và gay gắt về bản sắc [văn hóa], về [bản chất của] khái niệm nam tính, và về [cái giá của] sự đồng hóa. Nó là lòng ái mộ đối với thể loại võ hiệp Trung Quốc, đồng thời là một bộ phim kể về trải nghiệm của người Mỹ gốc Á dưới góc nhìn đầy cảm thông. Tước vị anh hùng không đến với Shang-Chi tự nhiên như với Captain America Steve Rogers hay ngạo nghễ như với Iron Man Tony Stark. Năng lực bẩm sinh của Shang-Chi không thua kém gì Thor, nhưng [trong anh] lại khuyết đi một bản năng xả thân vì nghĩa để có thể làm chủ sức mạnh ấy. “Anh hùng” là một khái niệm xa lạ đối với người mà cả cuộc đời đã thấy quá hổ thẹn về thân phân thật của mình, nói chi đến sứ mệnh cao cả. Con đường của Shang-Chi chậm rãi định hình trong 15 phút đầu của bộ phim. Khán giả bắt đầu nhận thức được những gì Shang-Chi sẽ phải trải qua để trở thành một Avenger. Trên con đường này, Shang-Chi sẽ khám phá bản thân, tìm về quá khứ, và rồi quyết định lấy con người và anh hùng mà anh muốn trở thành. Có lẽ hành trình làm người hùng của anh dễ đoán như bất kỳ bộ phim Marvel nào, và song hành với nó là áp lực của danh hiệu bộ phim siêu anh hùng đầu tiên có diễn viên chính là người Mỹ gốc Á. Tuy nhiên, Shang-Chi vẫn là một cột mốc đáng ăn mừng, bất chấp tính nhạy cảm của chủ đề “tầm quan trọng của sự đại diện”. Shang-Chi là một bộ phim siêu anh hùng về [cái giá của] sự đồng hóa và [hành trình tìm kiếm] thân phận
Lưu Tư Mộ (Simu Liu) và Awkwafina trong vai Shang-Chi và Katy, hai nhân viên đậu xe hoàn cảnh trong Shang-Chi và Huyền Thoại Thập Luân. Shang-Chi là câu chuyện về một vị anh hùng biết tôn kính tổ tiên của mình. Thoạt nhìn, Shawn chỉ là nhân viên đậu xe quèn ở San Francisco. Nhưng thật ra, anh chính là Shang-Chi, con trai của lãnh chúa bất tử Wenwu/Văn Vũ (Lương Triều Vỹ) cùng vị phu nhân cao quý Jiang Li/Ánh Lệ (Trần Pháp Lai). Nỗi đau từ cái chết của của bà đã li tán cả gia đình - chồng, con trai, con gái của bà - mỗi người một nơi Trong Shang-Chi luôn có một cuộc đấu tranh tư tưởng dữ dội. Thân là một cỗ máy giết người thiện nghệ, nhưng anh lại giả vờ làm một người Mỹ thiếu chí tiến thủ nhạt nhòa. Anh làm vậy để bảo vệ người bạn thân Katy (Awkwafina). Anh thấy bế tắc với cha mình, người vốn đang buồn bực chuyện anh không chịu về nhà. Ông lại còn là một lãnh chúa bất tử với sức mạnh thập luân huyền thoại cùng một đạo binh tinh nhuệ. Chuyện này đặc biệt nguy hiểm cho bạn bè anh, những người có thể bị bắt cóc làm con tin và sử dụng như vật đổi chác. Cách Shang-Chi tiếp cận hình tượng anh hùng rất khác so với các Avenger như Tony Stark hay Steve Rogers. Bọn họ chấp nhận và chưa từng lẩn tránh thân phận siêu anh hùng của mình. Với họ, những danh xưng như Iron Man hay Captain America mang một ý nghĩa nhất định. Chúng là di sản, là biểu tượng cho phẩm giá người hùng. Chưa bao giờ họ thôi là Iron Man hay Captain America. Thật đáng sợ nếu như một người không bao giờ có thể tự ý rời khỏi con đường đã vạch sẵn cho họ. Nhất là với Shang-Chi, người không khao khát gì hơn ngoài việc được thoát khỏi thân thế của mình. Không may cho Shang-Chi, vì tham vọng bá quyền của phụ thân, anh đã không thể tiếp tục sống dưới thân phận bí mật. Lưu Tư Mộ diễn khá tròn vai Shang-Chi, đặc biệt là ở các phân đoạn hài hước. Tuy nhiên, các diễn viên thường không có nhiều cơ hội thể hiện khả năng khi phải lột tả một nhân vật mang nỗi niềm chất chứa đang che giấu một bí mật đen tối (ví dụ: Captain Marvel của Brie Larson). Gần như suốt phim, gặm nhấm bí mật mới chính là nhân thân của Shang-Chi. Điểm độc đáo của Shang-Chi là đạo diễn Destin Daniel Cretton cùng với hai biên kịch Dave Callaham và Andrew Lanham đã khéo léo cài phép ẩn dụ về thân phận, sự đồng hóa, và văn hóa [người Mỹ gốc Á] qua hành trình anh hùng chông gai của Shang-Chi. Trong suy nghĩ của Wenwu, con trai y thà sống đời vật vờ trên đất Mỹ thay vì đón nhận cái vinh quang mà định mệnh đã an bài cho nó. Vinh quang là quý tử của tập đoàn tội phạm tinh nhuệ và kinh hoàng nhất thế giới. Chỉ cần Wenwu muốn, y có thể buộc Hoa Kỳ lẫn toàn nhân loại phải phủ phục dưới chân. Thế giới này tồn tại là vì y cho phép. Thế nên, y nghĩ, tại sao đứa con nào của y cũng muốn trốn tránh quyền lực? Tại sao lại sống trái với bản chất? Tại sao không chọn mưu đồ bá quyền, mà lại an phận thủ thường? Tại một thời điểm, Wenwu yêu cầu Katy cho biết tên Trung Quốc thật của cô. Cô trả lời lí nhí. Cô thậm chí còn không thể phát âm nó. Katy không nói được tiếng Hoa là một tình tiết tưởng chừng vô thưởng vô phạt nhưng rất đắt giá của bộ phim. Cô là kẻ ngoài cuộc, không chỉ với thế giới của siêu nhân và thuật sĩ, nhưng còn là với đất nước Trung Quốc ngoài đời (Ma Cao là một trong những địa điểm có thật mà cô và Shang-Chi đến). Đây là trải nghiệm đặc biệt của người Mỹ gốc Á: không thể hòa hợp với thế sự trên đất Mỹ, cũng không thể dung hợp với văn hóa nơi quê cha đất tổ. Trong mắt Wenwu, sự mất gốc của Katy đã chứng minh cho lập trường của ông. Ông cho rằng Katy đã lãng quên nguồn cội và sức mạnh trong cái tên của mình. Wenwu nghĩ cô chọn một danh phận người Mỹ nhằm thỏa hiệp với những người xung quanh thay vì sống tự hào với thân phận mà cha mẹ đã ban tặng cho cô Ying Nan/Ánh Nam (Dương Tử Quỳnh), dì của Shang-Chi, cũng có chung quan điểm nhưng bà lại có góc nhìn vị tha hơn. Bà thấy được lý do Shang-Chi chọn chối bỏ quá khứ và quên đi nguồn gốc bản thân. Tất nhiên cháu trai bà mong muốn quên đi cái quá khứ đẫm máu của phụ thân mình. Nhưng quyết định này đồng nghĩa với việc quên luôn cả sự cao quý, thần thông, và sức mạnh của dòng máu mẫu thân chảy trong cậu. Bà đau lòng khi phải chứng kiến cảnh này. [Đối với nhiều người Mỹ gốc Á], phải đối diện với sự thất vọng từ cha mẹ là một trải nghiệm chua chát. Tôi chưa từng mong đợi phim Marvel sẽ phản ánh điều này. Nhưng đây là năm 2021, cũng đã đến lúc. Có lẽ, nỗi thất vọng của những đấng sinh thành và muôn hình vạn trạng cách thể hiện của nó - từ người Asgard, người Wakanda (trong những bộ phim trước của Marvel), đến bây giờ người châu Á (qua ngôi làng Ta-Lo/Đại La), và người Mỹ gốc Á - cũng là dấu hiệu phát triển của bình đẳng xã hội. Các cảnh quay cận chiến tỉ mẩn trong phim của Cretton còn bao hàm văn hóa của người Mỹ gốc Hoa. Trước khi phát hành, Cretton chia sẻ về nguồn cảm hứng từ truyện võ hiệp (thể loại văn học Trung Quốc pha trộn võ thuật với các yếu tố giả tưởng) và sự nghiệp phim hành động của Thành Long, và khi xem phim, khán giả có thể dễ dàng nhận ra lòng thành kính của anh. Cretton cố tình quay chậm những pha liên hoàn quyền cước để khán giả có cơ hội tận mục sở thị các màn biểu diễn võ thuật nhịp nhàng. Nhất cử nhất động của mỗi diễn viên trong cảnh quay mở màn đều được dàn dựng vô cùng trau chuốt; góc quay của Cretton luôn tập trung vào diễn viên trong các pha hành động nhưng cũng chưa từng bỏ sót đường quyền nào. Phim bao gồm nhiều cảnh đấu võ truyền thống lẫn các trận tỉ thí kỳ ảo mang đậm màu sắc võ hiệp. Thế mạnh của Shang-Chi nằm ở những góc quay cận cảnh, thân mật hơn — bao gồm cả cảnh chiến đấu. Bộ phim là sự chiêm nghiệm về một thế giới giả tưởng của những siêu năng lực kỳ thú, của bản sắc văn hóa. Và thế giới này được kiến tạo bởi những con người hiếm khi có cơ hội tỏa sáng trong phim Mỹ. Sự kết hợp đầy thi vị này là thành quả khi bộ phim nắm bắt được tiết tấu riêng. Ý nghĩa của chuyện Shang-Chi thắng đậm phòng vé
Shang-Chi đại diện cho lòng yêu kính mẹ của những người đàn ông Mỹ gốc Á
Giá trị của niềm vui không phải là thứ có thể cân đo đong đếm. Khả năng khích lệ người xem của một bộ phim không phải là một bài toán, cũng không phải là một đơn vị tiền tệ giao thương. Ấy vậy mà người xem vẫn không ngừng khao khát rằng các bộ phim yêu thích của họ sẽ dẫn đến thay đổi lâu dài (thường đối tượng là các phim siêu anh hùng vì chúng cực kỳ phổ biến).
Tranh luận về doanh thu của Shang-Chi nổ ra hồi đầu tháng 8, vài tuần trước khi bộ phim chính thức ra mắt. CEO của Disney là ông Bob Chapek miêu tả chiến thuật phát sóng của Shang-Chi là một “cuộc thí nghiệm” — bộ phim siêu anh hùng gốc Á đầu tiên của Marvel sẽ chỉ trình chiếu ngoài rạp 45 ngày trước khi chuyển qua phát trực tuyến.
Diễn viên chính Lưu Tư Mộ vô cùng giận dữ với cách dùng từ của Chapek. Trong bài đăng ngày 14/8, Lưu Tư Mộ phản pháo lại cụm từ “cuộc thí nghiệm” của Chapek. Theo anh, thứ bị ông ta xem là một thử nghiệm không phải là chiến thuật phát sóng, mà chính là sự đại diện truyền thông của người Á châu. Lưu Tư Mộ xem đây là một sự xúc phạm. Anh tuyên bố rằng trong xuyên suốt lịch sử, người Mỹ gốc Á đã luôn bị xem thường và coi nhẹ. Và thắng lợi phòng vé của Shang-Chi là một cơ hội để thay đổi “lịch sử”.
"Chúng tôi không phải là vật thí nghiệm. Chúng tôi là những người bị áp bức; những người bị thua thiệt. Chúng tôi là những người phá vỡ rào cản. Chúng tôi là chứng nhân hào hùng của nền văn hóa và niềm vui vẫn sẽ vững vàng sau một năm nhiều đắng cay. Chúng tôi là người đem đến bất ngờ. Tôi đang cực kì nôn nóng làm nên lịch sử vào ngày 3 tháng 9; HÃY THAM GIA CÙNG CHÚNG TÔI.” Lưu Tư Mộ đăng bài trên Twitter tức là anh không chỉ muốn công khai tỏ lộ sự bất mãn với ngôn từ của Chapek mà còn muốn huy động người hâm mộ mua vé sớm (vé phim Shang-Chi bắt đầu bán vào 16/8). Giống như Captain Marvel và Black Panther, hay thậm chí là Wonder Woman hồi năm 2017 của DC Comics và Warner Bros., Shang-Chi là một đại diện tiên phong trong phạm vi ảnh hưởng xã hội của riêng nó. Tương tự với các bộ phim trên, Shang-Chi buộc phải thành công để có thể chứng tỏ [cho các nhà làm phim thấy] rằng sự đầu tư vào những chủ đề cấp tiến như thế này là hoàn toàn xứng đáng. Chúng ta xem thắng lợi điện ảnh như một biện pháp đấu tranh công lý chỉ đơn giản là vì ở Hollywood, người châu Á, người da đen, người gốc Mỹ Latin, phụ nữ, và người LGBTQ rất hiếm khi được đóng phim giả tưởng bom tấn và được làm người hùng trong câu chuyện của riêng họ. Trong quá khứ, những điệp khúc như “phim về người da đen không tiến xa được” và “chẳng ai muốn xem nữ siêu anh hùng” thường được áp dụng tối đa để phản đối các dự án về siêu anh hùng người da đen hay nữ giới. Có một nỗi lo âu đã luôn bủa vây Black Panther và Wonder Woman: nếu doanh thu thất bại, lãnh đạo các hãng phim sẽ lấy đây làm cớ để không bao giờ sản xuất phim siêu anh hùng về người da đen hay phụ nữ nữa. Shang-Chi cũng đang phải đối mặt với mối đe dọa vô hình này: nếu bộ phim không thu lợi, Chapek và Disney sẽ không thèm “bật đèn xanh” cho các dự án phim lấy người Á châu làm đề tài nữa. Cái thói quen đánh đồng doanh thu phòng vé với bình đẳng hay lợi ích xã hội của Hollywood vẫn chưa phải là khía cạnh nhức nhối nhất. Trong cuộc chiến chứng minh tầm quan trọng từ sự đại diện truyền thông này, chiến thắng nhanh nhất và duy nhất thuộc về túi tiền của Disney, của Chapek, của Marvel, và tất nhiên là của Lưu Tư Mộ. Bọn họ có cự cãi với nhau tới đâu thì cuối cùng bọn họ vẫn làm việc dưới một công ty, và tất cả đều muốn Shang-Chi thắng đậm (nhất là với ông hoàng phòng vé thế giới là Trung Quốc). Kết quả nhãn tiền từ thành công của Shang-Chi là [chúng ta sẽ có nhiều cơ hội xem] các bộ phim Lưu Tư Mộ tham gia cùng với nhân vật của anh. Bất quá, nó giống như việc đặt chỗ tại một cái bàn mà người bình thường sẽ chẳng bao giờ được ngồi ăn. Tôi thấy bộ phim rất hay, rất đáng xem. Nhưng tinh thần tôi đã quá rệu rã để tiếp tục tin rằng thành công phòng vé của Shang-Chi hay danh tiếng của Lưu Tư Mộ sẽ cải thiện đời sống của tôi hay của bất kỳ người Á châu nào. Sẽ tuyệt biết bao nếu điều đó xảy ra. Tôi rất muốn tin rằng sau một năm phải chứng kiến bao nhiêu cảnh tượng khủng khiếp như việc hàng loạt các cụ già trông giống ông bà mình bị hành hung, một hành động đơn giản như cúng tiền cho một bộ phim có thể giải quyết nạn kỳ thị chủng tộc. Mọi chuyện sẽ dễ chấp nhận hơn nếu mọi người chịu thành thật thừa nhận rằng Shang-Chi sẽ không thay đổi lịch sử. Mục đích tồn tại của nó chỉ là để mua vui một vài trống canh, và có lẽ cũng là món ăn tinh thần cho những bạn trẻ vẫn còn quá non nớt để thấu hiểu cái thực tại quanh ta. Bộ phim lột tả trải nghiệm và văn hóa của người Mỹ gốc Á rất chi là tài tình và sống động. Tôi, cũng như Lưu Tư Mộ, rất hy vọng chúng ta có thể thay đổi thế giới và đập bỏ rào cản và vững vàng trước mọi chông gai hiểm ác đã và đang cố nhấn chìm chúng ta như nạn kỳ thị chủng tộc, định kiến xã hội hay cảm giác tuyệt vọng. Giá mà điều này chỉ đơn giản như mua vé xem phim.
Người dịch: Vũ Yên
Biên tập: Bảo Trân
Comments