top of page

Tình báo Mỹ dự báo thế giới hậu coronavirus sẽ đảo lộn do biến đổi khí hậu và phân hóa xã hội

Các quan chức tình báo Mỹ đã đưa ra nhận định không mấy khả quan về hướng đi của thế giới trong 20 năm tới trong khi cả hành tinh còn đang lo ngại về dịch bệnh.


By Shane Harris, on 07-04-2021, 23:30:00

Các quan chức tình báo Mỹ đã đưa ra nhận định không mấy khả quan về hướng đi của thế giới trong 20 năm tới trong khi cả hành tinh còn đang lo ngại về dịch bệnh. Vào thứ Năm vừa rồi, Hội đồng Tình báo Quốc gia (National Intelligence Council), trung tâm của Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia - nơi chuyên soạn thảo các báo cáo và dự đoán chiến lược dựa trên dữ liệu thu thập bởi các cơ quan tình báo Mỹ, đã công bố báo cáo bốn năm một lần mang tên “Các Xu hướng Toàn cầu." Họ nhận thấy một thế giới mất ổn định bởi đại dịch coronavirus, cùng sức tàn phá của biến đổi khí hậu - một động lực cho di cư hàng loạt - và khoảng cách lớn dần giữa những yêu cầu của dân chúng với các nhà lãnh đạo và những gì các lãnh đạo này có thể hiện thực hóa. Cộng đồng tình báo từ lâu đã cảnh báo các nhà chức trách và công chúng về việc bệnh dịch có thể mang đến nhiều thay đổi lớn về chính trị toàn cầu và an ninh quốc gia Mỹ. Các tác giả của báo cáo (không đại diện chính sách chính thức của Mỹ) đã gọi bệnh dịch là tiên lượng của những khủng hoảng sắp đến. Đây là sự kiện gây bất ổn toàn cầu - hội đồng này gọi nó là “sự kiện bất ổn có sức ảnh hưởng lớn nhất kể từ Thế chiến thứ 2" và ”nhắc nhở thế giới về sự mỏng manh của mình" và “ làm lung lây các giả định đã có sẵn từ lâu” về năng lực đối phó khủng hoảng của các chính phủ và định chế. Cùng lúc đó, đại dịch nhanh chóng lan rộng và đã trầm trọng hóa thêm những rạn nứt xã hội và kinh tế hiện hữu. Và nó nhấn mạnh những rủi ro từ “nhiều thử thách toàn cầu dồn dập, từ dịch bệnh đến biến đổi khí hậu đến những xáo trộn do công nghệ mới và khủng hoảng tài chính,” theo các tác giả. Với lời lẽ mà bất kì ai từng trải qua khó khăn năm vừa rồi cũng có thể đồng cảm, các tác giả viết về một “sự mất cân bằng đáng lo ngại giữa các thử thách hiện tại và trong tương lai so với khả năng đối phó với chúng của các định chế và hệ thống.” Phân hóa chính trị, văn hoá, kinh tế trong các xã hội cũng đang gia tăng, và “nhiều phần dân số thế giới đang trở nên ngờ vực với các định chế và chính phủ, họ nghĩ rằng những cơ quan này không sẵn sàng hoặc không đủ khả năng để giải quyết nhu cầu của họ," theo báo cáo. Sức ảnh hưởng của dịch bệnh vẫn sẽ tồn đọng, và có thể sẽ hình thành các kì vọng mới của thế hệ tương lai về chính quyền của họ, cụ thể hơn là khi thế giới đang nóng lên, dẫn đến các xung đột mới, trong đó và trong trường hợp tệ nhất, sẽ xảy ra thiếu hụt lương thực toàn cầu dẫn đến bạo lực trên diện rộng. Tranh chấp quyền lực toàn cầu đã hiện hữu trước cả khi dịch bệnh xảy ra, và xu hướng đó vẫn chưa giảm nhiệt. Báo cáo nhận định thế giới sẽ phần lớn bị chi phối bởi sự tranh đua giữa Trung Quốc và Mỹ, cùng với đồng minh của họ. Không có nước nào sẽ trở thành sức mạnh chính toàn cầu, theo lời các tác giả. Và các sức mạnh sẽ cạnh tranh để chiếm được vị trí đó, dẫn đến “một môi trường địa chính trị dễ xảy ra xung đột và dễ thay đổi hơn.” Công nghệ, với mọi tiềm năng thúc đẩy kinh tế và nâng cao khả năng giao tiếp của nó, cũng có thể làm căng thẳng hóa chính trị - như nó đã làm trong thực tế hiện tại. Dân chúng “dễ đi theo khối thông tin khép kín từ những cá nhân có chung quan điểm với mình, điều này lại càng củng cố niềm tin và cách hiểu về sự thật mà bản thân họ đã có từ trước,” báo cáo kết luận. Dự đoán là một việc luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro, và những nhà tình báo nhanh chóng nhấn mạnh rằng họ không thể dự trù được tương lai. Nhưng Hội đồng Tình báo Quốc gia đã vạch ra năm viễn cảnh nằm trên một thang đối chiếu và có thể giúp chúng ta hình dung thế giới sẽ phát triển như thế nào từ nay đến 2040. Trong viễn cảnh lí tưởng nhất, sự “Phục hưng các nền dân chủ” sẽ mang lại một kỷ nguyên mới trong đó Mỹ tiếp tục lãnh đạo toàn cầu, phát triển kinh tế và thành tựu công nghệ mang lại giải pháp cho những vấn đề nhức nhối nhất thế giới. Trong khi Nga và Trung Quốc phần lớn đã bị lãng quên và những doanh nhân cùng nhà khoa học sáng giá nhất của các tàn dư độc tài này đã trốn chạy sang Mỹ và Châu Âu. Còn tương lai u ám nhất là “bi kịch và huy động,” khi Mỹ không còn là kẻ chơi chủ đạo, và thảm hoạ môi trường toàn cầu dẫn đến khan hiếm lương thực và một cuộc cách mạng “từ dưới lên,” trong đó những người trẻ tuổi - vẫn mang theo tổn thương từ thất bại của chính phụ họ trong đại dịch coronavirus - đi theo con đường vận động chính sách để khôi phục lại môi trường và xử lý bất bình đẳng xã hội đã dai dẳng từ lâu. Trong viễn cảnh này, một Liên minh châu Âu do đảng xanh áp đảo sẽ hợp tác với Liên Hiệp Quốc để mở rộng cứu trợ quốc tế và tập trung vào phát triển bền vững, và Trung Quốc sẽ tham gia phần nào nỗ lực để kiềm chế bạo loạn nội địa tại những thành phố bị ảnh hưởng bởi nạn đói. Giữa hai thái cực trên, báo cáo cũng đưa ra ba tình huống khả thi khác: Trung Quốc trở thành đất nước dẫn đầu nhưng không áp đảo toàn cầu; Mỹ và Trung Quốc đều thịnh vượng và cạnh tranh như hai thế lực chính; và toàn cầu hóa thất bại trong việc tạo nên một nguồn ảnh hưởng độc tôn, và thế giới ít nhiều tan rã thành những khối cạnh tranh lẫn nhau, quay cuồng đối phó với những nguy cơ cho phát triển và an ninh của chính mình. Tình hình hiện tại có sức ảnh hưởng rất lớn đến tương lai. Vì vậy, các tác giả nhận thấy họ cần cảnh báo công chúng. “Hệ thống toàn cầu - gồm các tổ chức, liên minh, luật lệ, và quy tắc - được thiết lập một cách rất lỏng lẻo, không đủ khả năng xử lý những thử thách toàn cầu dồn dập mà các nước đang phải đối mặt,” họ cho biết. Nhưng đại dịch có thể mang lại nhiều bài học để tránh lặp lại lịch sử gần đây. Các tác giả nhận định rằng cho dù các quốc gia Châu Âu đã nhanh chóng hạn chế du lịch và xuất khẩu vật dụng y tế khi khủng hoảng bắt đầu, Liên minh châu Âu hiện đang cùng nhau quay lại đấu tranh cho một gói cứu trợ kinh tế. Điều này “có thể củng cố dự đoán về một Châu Âu hộp nhập hơn trong tương lai.” “Covid-19 cũng có thể dẫn đến việc ngân sách quốc gia được phân phối lại vào kế hoạch đối phó với đại dịch và hồi phục kinh tế,” họ viết thêm, “rút bớt từ chi tiêu quốc phòng, viện trợ nước ngoài, và các chương trình cơ sở hạ tầng đối với một số quốc gia, ít nhất trong tương lai gần.” Nhưng nhìn chung, đại dịch đã làm các tác giả đặt ra nhiều câu hỏi hơn là câu trả lời - và khiến họ tự khiêm nhường hơn. “Với tư cách nhà nghiên cứu và phân tích, chúng ta phải luôn thận trọng, đặt ra những câu hỏi tốt hơn, thường xuyên xem xét các giả định của chính mình, kiểm điểm lại định kiến của bản thân, và tìm kiếm những tín hiệu khó thấy của sự thay đổi,” họ viết. Báo cáo của họ không hoàn toàn quá bi quan. Những thế lực tác động lên thế giới “không cố định mãi mãi,” các tác giả chia sẻ. Những quốc gia tận dụng công nghệ và biết lên kế hoạch, cụ thể là những quốc gia có chuẩn bị trước cho hậu quả dường như không thể tránh khỏi của biến đổi khí hậu, sẽ ở vị thế tốt nhất để xử lý khủng hoảng. Và những quốc gia sử dụng trí thông minh nhân tạo có thể tăng năng suất và mở rộng kinh tế theo hướng giúp chính phủ cung cấp thêm dịch vụ, giảm nợ và giúp chi trả chi phí chăm sóc cho dân số đang lão hóa. Cuối cùng, những xã hội thành công sẽ là những xã hội có thể thích nghi với thay đổi, đồng thời thúc đẩy đồng thuận chung về những điều nên làm. Trong một thế giới đang phân hóa, đây có lẽ là viễn cảnh khó tưởng tượng nhất.


Người dịch: Ren Dinh & Adelia Duong

Biên tập: Derek Phan


Comments


bottom of page