top of page

"Tôi e là chúng ta đang chứng kiến sự kết thúc của nền dân chủ Mỹ."

Updated: Aug 31, 2020

Translated from the New York Times article “I fear that we are witnessing the end of American Democracy


Đại hội Toàn quốc Đảng Cộng hòa cho thấy chương trình nghị sự kỳ thị lộ liễu của đảng Cộng hòa đương thời.


Thomas E. Edsall, ngày 26 tháng 8, 2020

Hình vẽ của The New York Times; Ảnh từ Republican National Convention, via Associated Press


Là một liên minh phe trung hữu của Mỹ, Đảng Cộng hòa ngày nay có thể được diễn tả là đang nắm giữ hai mục tiêu tổng quát: Thứ nhất, bãi bỏ quy định và giảm thiểu các nghĩa vụ thuế doanh nghiệp và các loại thuế khác được viết rõ ràng trên trang mạng Nhà Trắng, và thứ hai, với thúc đẩy mạnh mẽ, bảo tồn hiện trạng bằng cách ngăn chặn sự xói mòn địa vị đặc quyền của người Mỹ da Trắng theo đạo Tin Lành.


Đối với những người muốn xác nhận những thành tựu của Đảng Cộng hòa trên các tuyến kinh tế, Viện Brookings (Brookings Institution) đã cung cấp một công cụ theo dõi bãi bỏ quy định hữu ích. Và Times đã xuất bản một bài kiểm tra kỹ lưỡng về thành tích của Trump trong việc cắt giảm thuế cho người giàu — không chỉ qua dự luật thuế “to đẹp” trong năm 2017 mà còn qua “Cắt giảm thuế béo bở bên trong gói cứu trợ kinh tế” (Tax-Break Bonanza Inside the Economic Rescue Package) của năm nay.


Tuy nhiên, vấn đề chính thức đẩy sự thăng tiến của Trump không phải là kinh tế mà là chủng tộc.


Tuần trước, tôi đã tranh luận rằng đối với đảng Dân chủ, tầm quan trọng của sắc tộc và chủng tộc đã tăng lên chứ không hề giảm đi kể từ giữa những năm 1960. Điều tương tự cũng đúng đối với các đảng viên Cộng hòa — và nhiều khía cạnh thiếu rõ ràng nhất trong chiến lược chính trị của đảng Cộng hòa, là mong muốn che giấu hoặc ngụy trang sự kỳ thị chủng tộc rõ rệt trong chương trình nghị sự đương thời của Đảng Cộng hòa.


Robert P. Jones, người sáng lập và C.E.O. của Viện Nghiên cứu Tôn giáo Công cộng (Public Religion Research Institute), đã mô tả hiện trạng trong cuốn sách “Kết Thúc của Người da Trắng theo Đạo Tin Lành tại Hoa Kỳ” (The End of White Christian America) năm 2014:

Cuộc sống hiện nay vẫn bị phân biệt đối xử tại Mỹ được đánh dấu bởi ba thực tế: Thứ nhất, sự cách biệt về nơi sống, có nghĩa là hầu hết người Mỹ da Trắng tiếp tục sống ở các khu biệt lập nhằm cách ly họ ra những trở ngại mà nhiều cộng đồng có người da Đen chiếm đa số phải đối mặt — có thể xem những nơi như Ferguson và Baltimore là những ví dụ nổi bật. Thứ hai, di sản này cùng với sự tự phân biệt trong xã hội đã dẫn đến một kết quả rõ ràng: phần lớn người Mỹ da Trắng không có quan hệ thân thiết với bất kỳ ai không phải là người da Trắng. Thứ ba, hiện gần như không có tổ chức nào của Mỹ có thể giải quyết những vấn đề này. Sự phân biệt xã hội vẫn còn tồn tại trong hầu hết các tổ chức lớn của Mỹ.

Sự trung thành mạnh mẽ với chương trình nghị sự bảo thủ đã trở thành yếu tố quan trọng cho khả năng của Trump và Đảng Cộng hòa duy trì lòng trung thành của một liên minh da Trắng đông đảo đang bị mất tư thế số đông và bị đe dọa mất quyền lực. Thời điểm mà một đảng chính trị lớn có thể nêu rõ một chương trình nghị sự kỳ thị chủng tộc một cách lộ liễu đã trở thành quá khứ, mặc dù Trump đạt tới mức gần nhất có thể.


“Trump dốc toàn lực vào vấn đề chủng tộc,” (Trump goes all-in on race) là đầu đề một câu chuyện trên Politico chỉ sau đêm khai mạc đại hội đảng Cộng hòa vào hôm thứ Hai kết thúc (ngày 24 tháng 8).


Mặc dù một số diễn giả miêu tả ông Trump như một người bạn của người Mỹ gốc Phi, “những người khác đã có một chiến lược cứng rắn hơn để hạ thấp thông điệp về sự hòa hợp,” Politico cho biết.


Bà Patricia và ông Mark McCloskey, cặp vợ chồng bị buộc tội “sử dụng vũ khí trái phép” sau khi họ chĩa súng vào một nhóm người biểu tình Black Lives Matter đi ngang qua nhà họ ở St. Louis, đã đóng vai trò quan trọng trong việc dàn dựng toàn bộ đại hội. Bà Patricia McCloskey đã nói với khán giả rằng “Những gì xảy ra với chúng tôi có thể dễ dàng xảy ra với bất kỳ người nào đang canh chừng những khu xóm yên tĩnh trên toàn quốc. Đừng mắc sai lầm: Bất kể bạn sống ở đâu, gia đình bạn sẽ không được an toàn trong nước Mỹ của Đảng Dân chủ cực tả.”

Ông Mark và bà Patricia McCloskey bước ra từ căn biệt thự của họ ở St. Louis với súng chỉa vào một nhóm biểu tình trên con đường ngang nhà họ vào ngày 28 tháng 6, năm 2020. Ảnh: Laurie Skrivan/St. Louis Post-Dispatch, via Associated Press


Cặp vợ chồng McCloskey đã phụ họa phụ họa một chủ đề mà Trump liên tục nhấn mạnh trên Twitter. Trump hầu như không cố gắng duy trì giới hạn của ngôn ngữ kỳ thị chủng tộc được ngụy trang khi ông cảnh báo “những bà nội trợ vùng ngoại ô của Mỹ” rằng việc Joe Biden hỗ trợ nhà ở giá cả phải chăng “sẽ phá hủy khu dân cư và Giấc mơ Hoa Kỳ của bạn. Tôi sẽ bảo vệ nó và sẽ biến nó thành tốt hơn nữa!” Nghị sĩ đảng Cộng hòa Matt Gaetz từ Florida nhấn mạnh lời của Trump về tương lai nếu Biden đắc cử: “Nó thật sự là một bộ phim kinh dị. Họ sẽ tước đi vũ khí của bạn, để nhà tù trống rỗng, nhốt bạn trong nhà và mời MS-13 (băng nhóm tội phạm quốc tế) đến sống cạnh nhà bạn.”


Trong một chuỗi nghiên cứu được ra mắt từ năm 2014 đến năm 2018, hai giáo sư ngành tâm lý học tại trường Đại học New York (N.Y.U.) và Yale bà Maureen A. Craig và bà Jennifer A. Richeson chứng minh rằng người da Trắng đã ủng hộ Đảng Cộng hòa để tình trạng của họ được bảo vệ có tổ chức khi phải đối mặt với cảnh tượng trở thành thiểu số.


Trong một bài nghiên cứu năm 2014 của họ mang tên “Trên vách đứng của “Đa số-Thiểu số” Mỹ: Mối đe dọa về địa vị được nhận thức từ thay đổi thống kê nhân khẩu theo chủng tộc ảnh hưởng tư tưởng đảng phái của người Mỹ da Trắng” (On the Precipice of a ‘Majority-Minority’ America: Perceived Status Threat From the Racial Demographic Shift Affects White Americans’ Political Ideology), Craig và Richeson đã thăm dò một số người da Trắng tự cho là độc lập chính trị trên toàn quốc và chia họ thành hai nhóm. (Majority-Minority nghĩa là một hoặc nhiều chủng tộc và/hoặc dân tộc thiểu số chiếm phần lớn dân số địa phương.)


Một nhóm được hỏi là “liệu họ nghe nói rằng California đã trở thành tiểu bang với thiểu số chiếm phần lớn dân số,” khiến cho vấn đề về tình trạng người da Trắng thiểu số trở nên nổi bật, và nhóm khác được hỏi "liệu họ có nghe nói rằng số người gốc Châu Mỹ Latin đã gần như ngang bằng với số người da Đen trên toàn quốc", mà không đề cập đến tình trạngcủa người da Trắng.


Trong phần cuối cuộc khảo sát, những người tham gia được hỏi liệu họ có nghiêng về đảng nào không. Những người được thông báo về tình trạng thiểu số da Trắng ở California nghiêng về Đảng Cộng hòa với sự chênh lệch 45-35. Còn những người không được thông báo thì nghiêng về Đảng Dân chủ với sự chênh lệch 40.5 và 24.3.


Trong một bài nghiên cứu sau đó vào năm 2018 mang tên “Động lực chính trị và chủng tộc của một Hoa Kỳ đang tiếp cận ‘Đa số-thiểu số’” (Racial and Political Dynamics of an Approaching ‘Majority-Minority’ United States), Julian Rucker tiền tiến sĩ ngành tâm lý tại Đại học Yale cùng với Craig và Richeson đã báo cáo rằng “người da Trắng bị ảnh hưởng bởi những thay đổi nhân khẩu về chủng tộc sắp xảy ra là những người dễ nhận ra” đã tán thành những quan điểm bảo thủ về nhiều vấn đề chính sách và đã “ủng hộ mạnh hơn cho ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump.”

Theo Joshua Greene, giáo sư ngành tâm lý học tại Đại học Harvard và tác giả của cuốn sách “Những bộ lạc đạo đức: Cảm xúc, lý trí và khoảng cách giữa chúng ta và họ” (Moral Tribes: Emotion, Reason, and the Gap Between Us and Them), Trump là chuyên gia trong việc gửi "những tín hiệu rất lọt tai cho nhóm cử tri ủng hộ của ông ấy", những tín hiệu khẳng định tư cách thành viên của ông trong cánh hữu dân túy của Đảng Cộng hòa một cách sâu xa.


Ông Greene tranh luận trong một email rằng khi

“Trump nói rằng một thẩm phán gốc Mexico không thể làm công việc của mình, tấn công phụ nữ vì ngoại hình của họ, chế giễu một phóng viên tàn tật, nói rằng có những người tốt ở cả hai phía của một cuộc vận động bạo lực của tân Quốc xã (neo-Nazi), hoặc gọi nước Haiti là một “hố phân” (shithole). hoặc "những người cuồng Tu chính án thứ hai" có thể làm điều gì đó về Hillary Clinton, Trump đang cố ý và công khai cắt đứt bản thân khỏi nhóm của những người theo chủ nghĩa cấp tiến, thậm chí cả những người ôn hòa.

Theo quan điểm của ông Greene, Trump cung cấp một nghiên cứu điển hình trong việc triển khai "các tín hiệu đắt giá.”


Nó hoạt động như thế nào? Ông Greene viết:


Làm cho bản thân trở nên không thể chấp nhận được đối với sắc tộc khác tương đương với việc ràng buộc bản thân vĩnh viễn với sắc tộc của riêng mình. Những bình luận này giống như hình xăm băng đảng. Và trong trường hợp của Trump, đó là những hình xăm trên khắp cổ và mặt ông ấy.


Đồng thời, "những tín hiệu đắt giá" của Trump đã làm cho ông được tin tưởng hơn với tư cách là người bảo vệ đặc quyền của người da trắng.


Trong một cuộc trò chuyện Edge năm 2017 (2017 Edge talk), giáo sư nhân chủng học tại Đại học California-Santa Barbara ông John Tooby đã mô tả hiện tượng tín hiệu là kết quả của cái mà ông gọi là “bản năng liên kết.”


Ông Tooby nói, “để giành được tư cách thành viên trong một nhóm, bạn phải gửi các tín hiệu cho thấy rõ ràng rằng bạn ủng hộ nó một cách khác biệt so với các nhóm kình địch.”


Theo Ông Tooby, điều này khuyến khích chủ nghĩa cực đoan: "Những tín hiệu dùng sự thật trước mắt nói chung là vô dụng, bởi vì bất kỳ người thật thà nào cũng có thể nói ra được cho dù lòng trung thành cỡ nào." Hiệu quả hơn nhiều là "những niềm tin bất thường và phóng đại", bao gồm "sự báo động/hoang mang quá mức, âm mưu hoặc sự so sánh cường điệu.”


Theo quan điểm của Greene, thành công trong chiến lược của Trump sẽ có hậu quả lâu dài đối với Đảng Cộng hòa:


Trump đã giành được nhóm cử tri trung thành bằng cách công khai hy sinh uy tín quần chúng của mình. Trở lại năm 2016, các ứng cử viên sơ bộ khác của Đảng Cộng hòa đã nhìn về phía trước cuộc tổng tuyển cử và cho rằng đây là một chiến lược thất bại. Nhưng Trump đã thực hiện được, có lẽ vì ông ấy không thực sự quan tâm đến chiến thắng. Nhưng bây giờ ông ấy dẫn đầu đảng. Không có đảng viên Cộng hòa nào có thể đắc cử mà không có nhóm cử tri Cộng hòa trung thành, và nhờ những tín hiệu đắt giá của ông mà nhóm ấy tin tưởng Trump và chỉ Trump.


Theo như những gì Trump nhận biết ngay từ đầu, Đảng Cộng hòa là bệ đỡ của người da Trắng theo Đạo Tin Lành và vùng nông thôn của Mỹ - những người cho rằng đặc quyền của họ, bao gồm những giá trị và văn hóa họ đã trải qua, đang bị đe dọa bởi những liên minh đang xuất hiện ngày càng nhiều của dân thiểu số, nữ quyền, những người có học thức theo chủ nghĩa tự do, và những người từng đấu tranh trong các cuộc cách mạng tình dục.

Mít tinh trong vận động tranh cử Tổng thống Trump tại sân bay Wittman tại Oshkosh, WI vào ngày 17 tháng 8 năm 2020. Credit: Doug Mills/The New York Times


Alexandra Filindra, một nhà khoa học Chính trị, đã viết trong một bài khảo luận vào năm 2018: “Trong bối cảnh của sự đa dạng đang dần tăng trong xã hội, một số nhóm trong công chúng sẵn sàng ủng hộ việc kêu gọi cho một cộng đồng đặc quyền nhân phẩm, đánh đổi các quy tắc chuẩn mực và những nền tảng của dân chủ.”


Bà Filindra cho rằng:

Trái với các định nghĩa lý tưởng về chuẩn mực của chúng ta, người dân không bị ràng buộc vào nguyên tắc và cách thức tiếp cận nền dân chủ, hơn là nguyên tắc tiếp cận quản lý chính quyền và chính sách.
Thay vào đó, hầu hết công dân có xu hướng nhận biết ý nghĩa dân chủ từ góc nhìn của thành viên trong nhóm. Khi mà địa vị xã hội của các nhóm được nâng trọng bị đe dọa, và khi những thành viên thuộc giới thượng lưu trong nhóm đứng ra chia sẻ những câu chuyện về mối đe dọa cho nhóm, và cách nhóm bị hạ nhân phẩm để biện minh cho những hành động phản dân chủ, thì các thành viên trong nhóm sẽ trở nên thiên về những lãnh đạo và phe phái độc tài hứa hẹn sự bảo vệ hay sự phục hồi lại địa vị của nhóm, trả giá bằng thể chế dân chủ.

Phân cực chính trị đóng vai trò vô cùng quan trọng trong vấn đề này.


Jennifer McCoy và Murat Somer, các nhà khoa học chính trị tại tiểu bang Georgia và Đại học Koç đã viết trong một bài khảo luận năm 2019 của họ, mang tên “Hướng tới lý thuyết về sự phân cực tai hại và cách nó gây hại cho nền dân chủ”:

Tầm ảnh hưởng phân cực và phân chia đảng phái tăng dần, góp phần càng lớn cho cái nhìn của người dân đối với đảng đối lập của đảng họ rằng những chính sách của đảng đối lập có thể gây hại cho quốc gia hoặc lối sống của người dân. Đáng lo ngại nhất cho nền dân chủ, là những nhận thức này sẽ dẫn đến hành vi phản dân chủ từ một đương nhiệm và những người ủng hộ đương nhiệm đó để nuôi giữ quyền lực, hoặc là từ người của phe đối lập để tước quyền lực của đương nhiệm đó.

Bà McCoy và ông Somer cho biết thêm, kết quả tích lũy “là sự giảm uy tín của nền dân chủ, dẫn đến việc đi ngược đà, phi tự do, và, trong một số trường hợp, đảo ngược về chế độ chuyên quyền.”


Milan W. Svolik, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Yale, đã lập luận trong bài luận “Khi sự phân cực vượt qua đạo đức công dân: Sự xung đột đảng phái và sự đào mòn nền dân chủ bởi các đương nhiệm” năm 2017 của ông, rằng sự phân cực chính trị có thể làm giảm khả năng của các cử tri ôn hòa trong việc kiểm soát hành vi chính trị cực đoan.


Ông Svolik viết thêm: “Trong các bài nghiên cứu đặc trưng về dân chủ hóa, sự phản đối từ công chúng thường được để kiểm sát việc các đương nhiệm mưu mô lật đổ nền dân chủ.”


Tuy nhiên, “việc kiểm sát này sẽ thất bại” trong các xã hội bị phân cực chính trị, vì đối với nhiều cử tri, sức mạnh của lòng trung thành với đảng phái là trên hết.


Khiến họ phải trả giá đắt cho việc trừng phạt một đương nhiệm bằng cách bỏ phiếu cho đối thủ của người đó. Những đương nhiệm sẽ lợi dụng việc trừng phạt thiếu hiệu quả này, bằng cách thao túng quá trình thiết lập nền dân chủ sao cho nó có lợi cho họ. Số đông cử tri ôn hòa là biện pháp hiệu quả nhằm chống lại thao túng phát xuất từ xã hội bị phân cực.


Matthew Graham, một nhà khoa học chính trị khác cũng tại Yale, cùng viết với ông Svolik, đã xuất bản một bài nghiên cứu năm nay cho thấy rằng khi các cử tri bị bắt phải chọn giữa việc trung thành với đảng và việc theo quy tắc, chỉ một số ít cử tri của mỗi đảng chọn đi theo nguyên tắc. Đại đa số chọn trung thành với đảng phái. Kết quả này gần như giống hệt nhau đối với những người theo Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ.


Trong một email, ông Svolik đã đặt ra một câu hỏi khác: “Nếu người ủng hộ của hai đảng chống đối/cho phép chủ nghĩa chuyên quyền ở mức độ như nhau, thì tại sao Đảng Cộng hòa hiện nay lại có xu hướng thiên về chuyên quyền nhiều hơn?” Ông tự trả lời cho câu hỏi của mình rằng: “Câu trả lời ngắn gọn là Trump.” Nhưng

Sâu xa hơn, các cơ hội để lật đổ thể thức dân chủ nhằm mang lợi cho đảng của họ đã trở nên bất cân xứng. Do sự thiên vị vốn có trong địa lý chính trị và các đảng phái, hai cách dễ nhất để đạt được lợi thế bầu cử không công bằng - gerrymander (gian lận khu vực bầu cử) và luật nhận diện cử tri - không có mục đích gì khác ngoài mang lại cơ hội gian lận cho Đảng Cộng hòa.

Đối với ông Svolik, Trump đã cho

Những người ủng hộ ông lựa chọn giữa những thành tích căn bản của ông (nhập cư, bổ nhiệm tư pháp, giảm thuế), và đồng thời dán nhãn Đảng Dân chủ là cực đoan cánh tả (một việc ông đã làm thành công với bà Hillary Clinton, và theo tôi đó là lý do tại sao ông ấy thường nhắc đến Portland, AOC, Sanders). Bằng cách đó, tổng thống Trump đã đạt được hiệu quả trong việc tăng cái giá mà người ủng hộ ông phải trả trong việc đặt ưu tiên các quy tắc dân chủ lên trên lợi ích của đảng họ.

Các nhà khoa học chính trị và nhà tâm lý học khác lại cho rằng có những khác nhau sâu sắc hơn giữa Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ.


Hyun Hannah Nam, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Stony Brook lập luận trong một email “có một vài bằng chứng cho thấy rằng Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ có phản ứng khác nhau trước thông tin xúc phạm niềm tin và lòng trung thành của họ - gọi là ý thức bất đồng trong chính trị.


Một bài viết năm 2013 với tiêu đề “Không phải tất cả trà từ Trung Quốc! Thiên hướng chính trị và việc tránh né tình huống gây bất hòa”, được viết bởi Nam cùng John Jost và Jay Van Bavel, hai giáo sư tâm lý học từ Đại học New York, đã cung cấp dữ liệu từ một cuộc khảo sát

yêu cầu người theo Đảng Cộng hòa và người theo Đảng Dân chủ đưa lý do tại sao người lãnh đạo đảng đối lập họ lại tốt hơn người lãnh đạo của đảng họ.

Nam và đồng nghiệp của cô

nhận thấy rằng 28% số người ủng hộ Obama sẵn sàng viết một bài luận ủng hộ Bush, trong khi không có người ủng hộ ông Bush nào sẵn sàng làm vậy.

Nam cho biết thêm trong email:

Có một sự khác biệt về người theo Đảng Cộng hòa khi họ miễn cưỡng chỉ trích người lãnh đạo của họ, hay khen ngợi người lãnh đạo đảng đối lập. Mặc dù bài nghiên cứu này được viết trước thời tổng thống Trump, nhưng rất có thể những người ủng hộ Trump bây giờ cũng có lòng trung thành tương tự, bất chấp những sai lầm về đạo đức và tư tưởng của ông ấy, hay thậm chí của cả họ.

Trong email, Nam nói thêm:


Có vẻ như hệ thống thần kinh giúp ta nhận thức những mối đe dọa và hiểu biết về sự phân tầng xã hội, cũng là hệ thống giúp hình thành quan điểm và hành vi của chúng ta trong chính trị. Nếu như việc đàn áp cử tri được coi là có thể giúp duy trì hệ thống quyền lực sẵn có trong chính trị, thì rất có thể thần kinh của chúng ta ủng hộ việc đó nhằm mục đích bảo vệ tình trạng hiện có.

Sư xuất hiện của một Đảng Cộng hòa cánh hữu có thiên hướng chuyên quyền trùng hợp với sự ra đời của một Đảng Dân chủ đang bị phân rẽ làm đôi và phần lớn được dẫn đầu bởi một người từ thành thị có học, quan tâm đến vấn đề toàn cầu, đa văn hóa, thuộc tầng lớp thượng lưu, và đồng thời đồng minh với các cử tri đoàn thiểu số đang ngày càng tăng.


Về mặt hệ thống, Đảng Dân chủ là một đối thủ lý tưởng cho Đảng Cộng hòa, với mục đích định nghĩa cạnh tranh chính trị như là một cuộc chiến giữa “ ta là dân” và “họ, phía bên kia" - kẻ thù. Kết quả ngắn hạn và trung hạn có kết quả đen tối cho các cuộc cạnh tranh chính trị.


Joshua Greene, một nhà tâm lý học tại Harvard, đã kết thúc email của mình với câu “P.S. Tôi nghĩ rằng Biden có thể trúng cử. Nhưng tôi không thể nói gì hơn ngoài “có thể”, và điều đó thực sự làm tôi lo sợ. Tôi e là chúng ta đang chứng kiến cái kết của nền dân chủ Mỹ.”


Người dịch: Vy Nguyen & Nhi Nguyen

Biên tập: L. Ta

Yorumlar


bottom of page