top of page

Tôi từng dạy và làm việc với Amy Coney Barrett. Đây là những gì người ta hiểu sai về đức tin của cô.


Quan điểm từ John Garvey, ngày 25 tháng 9, 2020

John Garvey hiện là chủ tịch Đại học Công giáo Hoa Kỳ (Catholic University of America). Ông là cựu trưởng khoa trường luật Đại học Boston (Boston College Law School) và cựu chủ tịch Hiệp hội Đại học luật Hoa Kỳ (Association of American Law Schools).

Ảnh của Amy Coney Barrett trên bảng vinh danh những gương mặt tiêu biểu của Đại học Rhodes tại Memphis, ngày 22 tháng 9. (Nguồn: Karen Pulfer Focht/Reuters)



Tôi biết đến Amy Coney Barrett lần đầu tiên qua tấm màn học thuật vô danh. Lúc tôi dạy lớp Tu chính án thứ nhất (First Amendment) tại Đại học luật Notre Dame, là sinh viên, cô ấy chỉ là một khuôn mặt trong đám đông. Trong bài kiểm tra cuối kì, một sinh viên (bài nộp chấm điểm đều được ẩn danh) đã có câu trả lời ấn tượng đến mức tôi phải vội chia sẻ với đồng nghiệp của mình. Tôi nói câu trả lời của sinh viên này tốt hơn rất nhiều so với của tôi cho chính câu hỏi mà mình đặt ra. Sinh viên đó là Amy Coney. Tôi thường nhận những thẩm phán tương lai làm trợ lý nghiên cứu cho mình. Chính ở vị trí đó, cô ấy và tôi đồng biên soạn bài viết trên Tạp chí Luật Marquette năm 1998 về các thẩm phán Công giáo và án tử hình. Bài viết này đã gây tranh cãi trong phiên điều trần chuẩn thuận cô cho chức vụ hiện tại ở Tòa phúc thẩm Khu vực 7 vào tháng 9, 2017. Bài viết này, nói cho chính xác, đưa ra lập luận gần như hoàn toàn trái ngược với nhận định từ những người chỉ trích Barrett. Chúng tôi lập luận rằng việc tránh thụ lý là giải pháp thích đáng với thẩm phán Công giáo khi họ thấy niềm tin tôn giáo của mình mâu thuẫn với pháp luật. Thật khó có lý khi buộc Barrett chịu trách nhiệm về tất cả những gì chúng tôi viết vào thời điểm đó, khi cô ấy vẫn chỉ là sinh viên luật và cộng sự cấp dưới. Mặt khác, chúng tôi cũng lập luận hoàn toàn hợp lý - chính đạo luật liên bang về tránh thụ lý cũng đề nghị theo đó trong thực thế. https://www.washingtonpost.com/wp-apps/imrs.php?src=https://arc-anglerfish-washpost-prod-washpost.s3.amazonaws.com/public/S4WVNZH5ZII6VMHEGUHE4YGMSE.jpg&w=916 Ảnh của Amy Coney Barrett trên bảng vinh danh những gương mặt tiêu biểu của Đại học Rhodes tại Memphis, ngày 22 tháng 9. (Nguồn: Karen Pulfer Focht/Reuters) Sau khi cô ấy tốt nghiệp trường luật, tôi đã viết thư giới thiệu cô với chỉ một dòng tới Thẩm phán Antonin Scalia: “Amy Coney là học sinh tốt nhất tôi từng có.” Ông ấy đã đưa ra quyết định đúng đắn khi nhận cô làm lục sự (law clerk). Khi cô được đề cử vào Tòa phúc thẩm Khu vực 7, tất cả các lục sự đã từng làm việc cùng cô trong Tối cao Pháp viện - bao gồm cả những lục sự của Thẩm phán Ruth Bader Ginsburg - đều ủng hộ cô. “Không có gì phải tranh cãi về quyết định này cả,” họ chia sẻ: “Cô ấy là một phụ nữ có nhân cách lẫn trí tuệ tuyệt vời.” Tôi vô cùng sửng sốt khi có người phản đối việc đề cử cô ấy vì lý do nhân cách hay năng lực. Những lo ngại về việc đề cử dường như bắt nguồn từ ý kiến cho rằng đức tin tôn giáo của cô sẽ ảnh hưởng tới tính công tâm trong việc thực thi pháp luật. Một số người cố đề cao sự mờ ám lên mối liên hệ giữa Barret với People of Praise (tạm dịch "Tụng mỹ Cơ Đốc nhân"), một tổ chức Cơ đốc giáo thành lập bởi các sinh viên Notre Dame vào những năm 1970i. People of Praise là một phần của phong trào đổi mới, nhấn mạnh vào cộng đồng, tình ái hữu và quyền năng của Thánh Thần. Giáo hoàng Francis đã khen ngợi các tổ chức trong phong trào này là “một niềm tự hào của Giáo hội và vì Giáo hội.” Trong nỗ lực thu hút trí tưởng tượng của công chúng, những người phản đối Barrett đã so sánh tổ chức People of Praise với chế độ được miêu tả trong tiểu thuyết phản địa đàng “Câu chuyện người hầu gái (The Handmaid’s Tale).” Trong đó, phụ nữ được xem là phái yếu và không hề có quyền hay quan điểm riêng. Tuy nhiên viễn cảnh này sẽ không thể xảy ra dưới quyền của Barrett. Chồng cô - đồng thời là học sinh của tôi - là một người đàn ông tuyệt vời và là luật sư tài năng, cũng như chồng của Ginsburg. Không ai quen cả hai cặp đôi có thể cho rằng những người phụ nữ này cần sự chỉ dẫn bên ngoài trong lối suy nghĩ của mình. Thành viên của People of Praise tham gia vào các buổi cầu nguyện và gặp mặt hàng tuần, họ cũng đóng góp cho người nghèo ở các khu vực như nơi sinh của Barrett tại Louisiana. Trong các thập kỷ trước, chính họ đã thành lập một trong những trường trung học tốt nhất của Indiana. (Nơi mà hai cháu trai tôi đang theo học.) Nơi đây đã trở thành mô hình giáo dục chuẩn mực cho các trường học khắp cả nước, từ Virginia tới Montana. Và Barrett là thành viên hội đồng quản trị của trường. Việc theo mô hình giáo dục Cơ Đốc truyền thống khiến một vài người làm luật quan ngại. Tuy nhiên, ác cảm này không phải là vấn đề mới. Đạo luật Khảo sát Tiếng Anh (The English Test Act) và Đạo luật Doanh nghiệp (Corporation Act) từng bắt những người muốn tham gia bộ máy chính phủ phải chứng minh họ không tin vào Thuyết Biến thể của Công giáo - một giáo lý cho rằng bánh mì và rượu vang trong Lễ ban thánh thể biến thành thân thể và máu của chúa Giêsu. Song, trước khi Tu chính án thứ nhất được thông qua, Hiến pháp chúng ta đã khẳng định về vấn đề tôn giáo rằng, “không được yêu cầu kiểm tra dựa trên tôn giáo để xét tuyển đối với bất kỳ cơ quan chính phủ hoặc công quỹ nào tại Hoa Kỳ.” Nhờ vậy, trong hơn hai thế kỉ qua, nước Mỹ vẫn luôn đảm bảo khoan dung với đa nguyên của đất nước . Chính Hiến pháp cũng mời gọi những người theo Công giáo, đạo Phúc Âm, giáo hội Mặc Môn (Mormons), đạo Do Thái, Hồi Giáo và cả những người vô đạo cùng phục vụ đất nước, và cũng chính Hiến pháp đảm bảo rằng họ sẽ không bị tra khảo về cách mà họ yêu mến và phụng sự Thượng Đế. Với tư cách một giáo sư luật, trưởng khoa, và chủ tịch đại học gắn bó với công cuộc phụng sự Hoa Kỳ của người Công giáo, tôi mong rằng những người chỉ trích Barrett sẽ tôn trọng quan niệm của chúng tôi theo đúng bản chất của nó.


Người dịch: Linh Pham

Biên tập: Derek Phan

Comments


bottom of page