Tổng thống đang điều quân thực hiện cùng một màn trình diễn chuyên chính mà Vladimir Putin đã khởi xướng.
Translated from the Atlantic Trump Is Putting On a Show in Portland
NOAH BERGER / AP
Chính ý tưởng này, nhìn thoáng qua, dường như hoàn toàn điên rồ. Ở Portland, Oregon, các nhân viên an ninh liên bang được trang bị để chiến đấu - mặc quân phục nguỵ trang rằn ri với những phù hiệu không rõ ràng, mang theo vũ khí hạng nặng, dùng dùi cui và hơi cay - đang tuần tra trên đường phố, bắt giữ người vô cớ, tống họ vào xe không có huy hiệu của cơ quan nào. Các nhân viên an ninh này không đến từ các cơ quan được huấn luyện để kiểm soát đám đông biểu tình. Họ đến từ các cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới, Nhập cư và Thực thi Hải quan, Cơ quan An ninh Giao thông và Cảnh sát biển. Đây là những người có kinh nghiệm tuần tra biên giới, khám xét hành khách nhập biên, và trục xuất người nhập cư bất hợp pháp. Đây chính là dạng kinh nghiệm không cần thiết để thực hiện một nhiệm vụ tế nhị: cảnh giới một cuộc biểu tình chính trị trong cơn phẫn nộ.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi những toán an ninh này đã phạm sai lầm một cách thô thiển. Thay vì hợp tác với các nhà lãnh đạo địa phương, họ lại chống đối những người lãnh đạo này. Thay vì khuyến khích mọi người tan hàng, hành vi của họ đã khiến nhiều người tham gia biểu tình hơn nữa. Thay vì xoa dịu tình hình, họ lại khiến mọi người tức giận. Họ đã kích động bạo lực leo thang. Họ đã khiến cho tình hình tồi tệ hơn.
Tại sao điều này lại được phép xảy ra? Bất kỳ ai có chút hiểu biết cũng có thể dự đoán rằng các toán an ninh có vũ trang nhưng không được chuẩn bị sẽ làm gia tăng căng thẳng và kéo dài cuộc khủng hoảng. Những người trong Tòa Bạch Ốc và Bộ An ninh Nội địa, người đã gửi nhân viên của ICE và Lực lượng Bảo vệ Bờ biển đến Portland, chắc chắn biết rằng họ sẽ khiến mọi người tức giận hơn. Mặc dù hành vi của chính quyền liên bang không hợp lý chút nào từ khía cạnh thực thi pháp luật, nhưng nó lại hoàn toàn hợp lý như một chiến thuật tranh cử mới.
Bạn vừa chứng kiến chủ nghĩa độc tài phô diễn, một hình thức chính trị đạt đến tầm cao mới mà Nga đã hoàn thiện trong thập kỷ qua và vừa xuất hiện tại Portland, Hoa Kỳ. Không giống như chủ nghĩa độc tài của thế kỷ 20, chiến dịch ảnh hưởng hậu hiện đại thế kỷ 21 này không đòi hỏi phải tạo ra một nhà nước cảnh sát toàn diện. Nó cũng không yêu cầu thắt chặt kiểm soát thông tin, hoặc bắt giữ hàng loạt. Nó có thể được thực hiện, thay vào đó, với một vài kênh truyền thông và một vài mục tiêu bắt giữ được tính toán kỹ càng.
Việc những chiến thuật này không có tính “toàn trị” không khiến cho chúng trở nên hợp pháp, chấp nhận được, hoặc bình thường. Tôi nhắc lại: Quyền của người công dân đang bị vi phạm ở Portland. Người dân đã bị lôi ra khỏi đường phố lên những chiếc xe không dấu hiệu. Tiền lệ lâu đời về mối quan hệ giữa các tiểu bang và chính phủ liên bang đã bị đảo lộn. Nhiều đơn kiện đã được đệ trình.
Nhưng ngay cả khi các tòa án buộc các toán an ninh mặc quân phục rằn ri phải rút khỏi đường phố, vị tổng thống đã phái họ đến đó và hiện đang đe dọa sẽ gửi những đội quân tương tự đến các thành phố khác, có thể còn không thèm quan tâm. Đó là vì mục đích của những đội quân này không phải mang lại hòa bình cho Portland. Mục đích là để truyền tải một thông điệp. Người Mỹ có thể thấy chiến thuật này quen thuộc, bởi vì nó đã từng xảy ra trước đây. Khi chính quyền Trump tàn nhẫn tách trẻ em khỏi gia đình của họ ở biên giới phía nam, đó là một màn trình diễn được thiết kế để cho công chúng thấy rằng tổng thống không thích người nhập cư từ Mexico và Honduras đến mức nào. Cuộc tấn công vào những người biểu tình ở Portland cũng như thế: một màn trình diễn được thiết kế để cho thấy Trump không thích người Mỹ cấp tiến, người Mỹ trong "đô thị", người Mỹ theo phe dân chủ". Nói cách khác (và để lặp lại đồng nghiệp Adam Serwer): Sự hỗn loạn ở Portland không phải là một tai nạn. Sự hỗn loạn chính là mục đích.
Sự hỗn loạn cũng là một chiến thuật, và bây giờ nó sẽ được đưa vào sử dụng. Với việc bạo lực bị đẩy lên cao một cách có chủ đích, hình ảnh bạo lực sẽ được chụp, quay, và các tài liệu khác cho những phương tiện truyền thông ủng hộ Trump, và sau cùng cho các quảng cáo vận động bầu cử của ông. Trên Fox News, Sean Hannity đã tố cáo Portland là một “vùng chiến sự”. Tucker Carlson đã nói về những người biểu tình như những kẻ nổi loạn muốn giữ những người Dân chủ cấp tiến nắm quyền. Giai đoạn tiếp theo sẽ liên đới tới Joe Biden: Trợ lý của Tổng thống đã nói với các nhà báo rằng ông Biden, nếu ông thắng, sẽ cho phép những kẻ phát xít cánh tả tiêu diệt nước Mỹ. Người biểu tình, đám đông, sự hỗn loạn, phát xít, cánh tả, đảng viên dân chủ - tất cả nằm trong cùng một câu chuyện. Chính quyền Trump sẽ cho mọi người xem hình ảnh về quân lính mặc đồng phục đang đẩy lùi những kẻ nổi loạn, lập lại trật tự bằng bàn tay sắt. Và họ sẽ sử dụng những từ ngữ có sức hấp dẫn một bộ phận dân chúng đề cao sự an toàn lên trên tất cả.
Những người nghiên cứu về chế độ độc tài hiện đại sẽ thấy những chiến thuật này quá đỗi quen thuộc. Tổng thống Nga Vladimir Putin, người mà Trump ngưỡng mộ, đã triển khai chủ nghĩa độc tài phô diễn, bên cạnh các công cụ khác, để giữ cho mình nắm quyền trong nhiều năm qua. Năm 2014, trong một cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine, ông đã tạo ra một câu chuyện truyền thông tinh vi, đánh đồng những người biểu tình dân chủ Ukraine với những kẻ phát xít trong thập niên 1940. Truyền hình nhà nước Nga đã chiếu những cảnh bạo lực liền tù tì, những cảnh mà chính ông Putin đã giúp tạo ra, trước tiên bằng cách khuyến khích cựu tổng thống Ukraine bắn vào người biểu tình, và sau đó bằng cách xâm chiếm đất nước họ. Ông ta đã gửi quân đội trong bộ quân phục không phù hiệu, những người đàn ông "áo xanh" khét tiếng, tràn vào Crimea và cuối cùng là miền đông Ukraine để "khống chế" tình hình, một từ mà Trump đã sử dụng cho chiến thuật của mình ở Portland. Hoặc ít nhất đó là ấn tượng mà những hình ảnh đó mang lại qua màn hình TV.
Truyền thông Nga thậm chí còn đi xa hơn một bước bằng cách thêm thắt một số yếu tố giả mạo vào thảm kịch thực sự, ví dụ, một câu chuyện phi lý về lực lượng Ukraine đóng đinh một đứa trẻ. Đây có phải cũng là giai đoạn tiếp theo của chính quyền Trump? Chỉ trong tuần này, trang Facebook chính thức của Trump, đã tung ra một quảng cáo với mục đích cho thấy một cảnh bạo lực đô thị nữa ở Mỹ. Khẩu hiệu an toàn công cộng đối nghịch lại sự hỗn loạn và bạo lực đi kèm với hình ảnh một tổng thống Trump trầm tư, lo lắng đối lập với những người biểu tình đang tấn công một cảnh sát viên. Nhưng hình ảnh này không được chụp ở Portland. Nó được chụp ở... Ukraine, vào năm 2014. Trong quảng cáo, được cho là của tổ chức "Tin Lành truyền giáo cho Trump", phù hiệu trên vai người cảnh sát, có một cây thánh giá Chính thống giáo ở Ukraine.
Chúng ta có thể thấy sự hấp dẫn của phương pháp mượn dao hại người này. Nếu các vụ kiện trở thành vấn đề, nếu tòa án cản trở, hoặc nếu các thị trưởng địa phương tìm cách ngăn cản các nhân viên hải quan kiểm soát các thành phố của Mỹ, thì đây có thể là giải pháp của chiến dịch Trump: Không càn bận tâm sử dụng hình ảnh thật. Chỉ cần mượn những bức ảnh trực tiếp từ chính Điện Kremlin, và những chiêu trò của nó.
ANNE APPLEBAUM là một người viết tại The Atlantic, một thành viên cao cấp của Viện Agora tại Đại học Johns Hopkins, đồng thời là tác giả của Twilight of Democracy: Sự quyến rũ của chủ nghĩa độc đoán.
Phỏng Dịch L. Tạ
Comments