top of page

Trump tung đòn phản công không đủ tầm trước cú móc ngược của Michelle Obama

Updated: Aug 20, 2020

Cựu đệ nhất phu nhân Michelle Obama đã lên án Tổng thống Trump trong bài phát biểu của bà tại Đại hội Quốc gia đảng Dân chủ (Democratic National Convention) vào ngày 17 tháng 8. (The Washington Post)


Philip Bump, ngày 18 tháng 8, 2020



Michelle Obama 1, Donald Trump 0


Được mọi người biết đến với những quan điểm chính trị luôn xây dựng trên tiêu chí đạo đức cao, những lời chỉ trích của Michelle Obama nhắm vào tổng thống Trump trong đêm đầu tiên của Đại hội Quốc gia đảng Dân Chủ thật sự rất sắc sảo và mang đậm dấu ấn cá nhân.


“Donald Trump là một lựa chọn sai lầm cho chức vụ tổng thống trên đất nước chúng ta.” Bà nói trực tiếp trước ống kính vào buổi tối thứ Hai. “Ông ta đã có quá đủ thời gian để chứng minh rằng ông có thể làm tốt công việc, nhưng rõ ràng ông ta rơi vào tình huống vượt quá khả năng xử lý. Ông ta không thể bắt kịp thời khắc này. Nói một cách đơn giản, ông ta không thể trở thành người mà chúng ta cần.”


Sau đó, bà dùng chính lời của Trump, khi ông tổng thống trả lời một câu hỏi về số ca tử vong do dịch coronavirus tại Mỹ hồi đầu tháng này, để kết luận: "Nó chính là như vậy." (Nguyên văn: It is what it is" - ND).


Bài phát biểu của bà Obama không hoàn toàn dựa trên đại dịch. Quan điểm của bà về khả năng đảm nhận vai trò tổng thống của Trump còn xa rộng hơn mức độ lan tràn của virus. Đó là sự lên án chủ nghĩa Trump (Trumpism) một cách toàn diện.


Đối mặt với sự lên án mạnh mẽ của nhân vật nổi tiếng như vậy - bà Michelle được 3/5 người Mỹ nhìn nhận bằng thái độ tích cực, nhiều chính trị gia đã chọn cách đơn giản là làm lơ. Tại sao phải khuếch tán cuộc tấn công? Guồng quay tin tức sẽ xáo trộn một cách nhanh chóng; hãy để nó trôi qua mau.


Nhưng mà, tất nhiên đó không phải là cách mà Donald Trump tiếp cận sự việc. Vào buổi sáng thứ Ba, ông ta đã trả lời trên Twitter.


“Có ai làm ơn giải thích cho @MichelleObama rằng Donald J. Trump sẽ không hiện diện ở đây, trong căn Nhà Trắng đẹp đẽ này, nếu không phải nhờ những việc mà chồng bà ta - Barack Obama - đã làm,” ông ấy viết. “Biden chỉ là một bản sao, một lý do chính đáng cho sự chứng thực muộn màng và thiếu nhiệt tình đó. Tôi và chính quyền của mình đã gầy dựng một nền kinh tế vĩ đại nhất lịch sử, tại bất kỳ đất nước nào, đã dập tắt nó [đại dịch] đi, đã cứu sống hàng triệu sinh mạng, và giờ tôi đang xây dựng một nền kinh tế vĩ đại hơn cả lúc trước. Công việc thì ngập tràn, NASDAQ (thị trường điện tử toàn cầu để mua và bán chứng khoán) đã và đang ở mức cao kỷ lục, mọi thứ còn lại đang theo sau. Ngồi lại và xem đi!”


“Nhìn lại trong lịch sử, sự phản ứng của đội ngũ Obama-Biden với dịch cúm gia cầm H1N1 được xem là yếu ớt thảm hại. Xem lại các cuộc thăm dò ý kiến, nó quá tệ,” ông nói tiếp. “Sự khác biệt lớn đó chính là họ nhận được ưu ái từ những Công ty truyền thông Giả! Chính quyền Obama-Biden tham nhũng nhiều nhất trong lịch sử, bao gồm cả việc họ đã bị bắt quả tang THEO DÕI CHIẾN DỊCH TRANH CỬ CỦA TÔI, một vụ bê bối chính trị lớn nhất lịch sử Quốc gia. Đó gọi là Phản quốc, và còn hơn thế nữa.”


“Cảm ơn vì những lời hay ý đẹp nha, Michelle!” ông kết thúc.


Hầu hết các lời đáp trả của Trump không đúng sự thật.


Không đúng chút nào, chẳng hạn như việc chính quyền của Trump “đã gầy dựng một nền kinh tế vĩ đại nhất lịch sử.” Nền kinh tế, ngay khi đang mạnh mẽ hồi đầu năm nay, cũng không phải vĩ đại nhất trong lịch sử của thế giới hay của nước Mỹ. Nó cũng không thể nào thoát khỏi hoàn toàn hình bóng của chính quyền tổng thống Barack Obama. Ví dụ, xu hướng tăng trưởng của thị trường chứng khoán - hiện đã kết thúc với đại dịch lần này - bắt đầu dưới thời Obama, cũng như xu hướng giảm tỷ lệ thất nghiệp và xu hướng tăng việc làm. Vào tháng 1, công ty Gallup đã hỏi người Mỹ rằng Obama xứng đáng nhận được bao nhiêu tín nhiệm đối với nền kinh tế; hơn một nửa cho biết ông ấy xứng đáng nhận được ít nhất một sự tín nhiệm hợp lý.


Thật ra cuộc tranh cử của Trump, ở mức độ nào đó đã là một sự phản ứng với nhiệm kỳ tổng thống của Obama, mặc dù phần lớn những phản ứng đó chủ yếu dựa vào những gì Obama đại diện hơn là những gì ông ấy đã làm được. Việc một người đàn ông da Đen đầu tiên giữ chức vụ tổng thống đã dấy lên sự lo ngại của thành phần người Mỹ da Trắng rằng đất nước đang chuyển dịch theo hướng bất lợi cho họ.


Một cuộc thăm dò của Post-ABC News vào tháng 3 năm 2016 cho thấy cảm nhận người da Trắng thua cuộc trong văn hóa Mỹ là một dấu hiệu ủng hộ Trump mạnh mẽ hơn so với khó khăn về kinh tế.


Liệu nền kinh tế có thể phục hồi nhanh chóng và trọn vẹn hay không vẫn còn phải xem lại. Trong những số liệu ngẫu nhiên khác, Trump thích nhấn mạnh con số việc làm được bổ sung trong ba tháng qua, nhưng mức tăng đó hoàn toàn phụ thuộc vào số lượng việc bị mất trong bốn tháng vừa rồi. Nếu bạn tắt tất cả các đèn trong phòng và sau đó bật lại nhiều đèn, có lẽ bạn chỉ xứng đáng nhận được công sức của việc hạn chế sự tăng đột biến về độ sáng.


Rõ ràng là bạn đã bật đèn quá nhanh đến mức hàng chục nghìn người bị nhiễm một loại virus có khả năng gây chết người.


Nhìn chung, việc Trump xử lý đại dịch coronavirus có dấu hiệu tồi tệ hơn so với việc chính quyền Obama xử lý một đợt bùng phát cúm H1N1 vào năm 2009. Ông tổng thống thích nói về một cuộc thăm dò của Gallup từ tháng Hai, trong đó tỷ lệ người Mỹ bày tỏ tin tưởng vào khả năng xử lý đại dịch của chính phủ đương nhiệm nhiều hơn so với tỷ lệ tin tưởng năm 2009. Những cuộc thăm dò đó đã được thực hiện trước khi chính phủ liên bang phải nỗ lực thực sự để chống dịch.


Vào cuối tháng 4 năm 2009, tháng mà virus xuất hiện, 2/3 người Mỹ tán thành cách xử lý tình huống của chính quyền Obama. Vào giữa tháng 5, chỉ có 13% người Mỹ lo ngại về việc nhiễm virus, tuy nhiên vào tháng 8, con số này đã tăng lên khoảng 20%. Vào gần cuối năm, vaccine đã có, nhưng việc phân phối bị cản trở do thiếu sẵn sàng, điều mà hầu hết người Mỹ đổ lỗi cho các công ty sản xuất vaccine, theo một cuộc thăm dò của Fox News vào tháng 11 năm 2009.


Ngược lại, 51% người Mỹ chấp thuận việc Trump xử lý đại dịch coronavirus vào cuối tháng 3, theo cuộc thăm dò của Post-ABC News. Có 56% bày tỏ lo ngại về việc nhiễm virus cùng một lúc. Một phần vì coronavirus nguy hiểm hơn và dễ lây lan hơn virus H1N1, nó tiếp tục lây lan một cách rộng rãi và giết chết hàng nghìn người Mỹ mỗi ngày. Một cuộc thăm dò của Post-ABC được công bố trong tuần này cho thấy vẫn có 40% người Mỹ tán thành việc Trump xử lý đại dịch trong khi gần 2/3 cho biết rằng họ lo lắng về việc lây nhiễm virus với người có bệnh.


Tiếp theo, Trump cáo buộc chính quyền Obama là "tham nhũng nhất trong lịch sử" - lặp lại một ảnh chế phổ biến trong các phương tiện truyền thông cánh hữu. Ông ta lại cáo buộc chính quyền tiền nhiệm của mình đã “theo dõi chiến dịch bầu cả của ông,” mà ông quy là phản quốc.


Ngay cả khi lời buộc tội là đúng, hành vi như vậy sẽ không là phản quốc theo bất kỳ sự hiểu biết nào về thuật ngữ này. Nhưng mà lời buộc tội không đúng sự thật.


Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, khi Obama còn là tổng thống, FBI đã tiến hành các cuộc điều tra tình báo đối với một số người có liên quan đến chiến dịch của Trump. Mọi chuyện đều có lý do. Giám đốc chiến dịch của ông, Paul Manafort, có quan hệ hiện tại với Nga. Một cố vấn cấp cao, Michael Flynn, đã đến Nga vào cuối năm 2015; một cố vấn khác, Carter Page, đã nằm trong tầm ngắm của FBI và đã đến Nga vào tháng 7 năm 2016. Một cố vấn khác, George Papadopoulos, thông báo với một chức sắc nước ngoài rằng ông đã được thông báo rằng Nga có các email liên quan đến Hillary Clinton, mà trên thực tế, là có thật.


Trump và các đồng minh của ông ấy thảo luận các cuộc điều tra nhằm xác định xem liệu có bất kỳ cá nhân nào trong số đó đang hành động theo lệnh của Nga với tuyên bố rộng rãi rằng FBI đang “theo dõi chiến dịch bầu cử của Trump”. Sự nhầm lẫn này xuất phát ở một mức độ nào đó từ tuyên bố vào tháng 3 năm 2017 của Trump rằng lực lượng liên bang đã nghe trộm điện thoại tại Trump Tower, nhưng điều đó đã thiết lập một cơ sở "do thám trực tiếp Trump" mà các đồng minh của ông đã cố gắng củng cố.


Cảnh sát đã điều tra Carter Page thông qua một mệnh lệnh của Đạo luật Giám sát Tình báo Nước ngoài (Foreign Intelligence Surveillance Act), điều này sau đó đã đặt ra câu hỏi - nhưng việc giám sát đó bắt đầu sau khi Page rời khỏi chiến dịch. Một người cung cấp thông tin mật đã liên hệ với một số người trong số những người bị FBI giám sát trong khả năng có hạn. Khi Trump được cộng đồng tình báo giới thiệu tóm tắt là một ứng cử viên, các đặc vụ thực hiện cuộc họp báo cáo lại những câu hỏi được hỏi về Nga, một phần vì Flynn là một trong những người tham gia. (Vào thời điểm đó, điều đáng nhớ là đã có nhiều câu hỏi công khai về khả năng của Trump trong việc xử lý thông tin được phân loại.) Tuy nhiên, không có bất kỳ cuộc thâm nhập điều tra nào đã biết về chính chiến dịch hoặc bất kỳ nỗ lực nào đã biết để khảo sát nói chung Trump hoặc nhóm chính của ông ấy. Tuyên bố rằng chiến dịch của ông bị "theo dõi" phụ thuộc phần lớn vào việc suy ra bên ngoài từ các cuộc điều tra về những cá nhân có liên hệ mật thiết với Nga.


Tóm lại là, phản ứng của Trump dành cho Michelle Obama phụ thuộc nhiều vào việc thuyết giảng cho một dàn hợp xướng đang hát bài ca của Trump. Không có nỗ lực nào để bác bỏ tuyên bố của Michelle Obama về đại dịch hoặc về cách tiếp cận của Trump đối với vị trí của mình; thay vào đó, có những thông tin gây hiểu lầm liên quan đến chính quyền do chồng bà lãnh đạo. Điều này cũng tương đương với quá trình dành cho Trump.

Tuy nhiên, đối với bất kỳ nhà quan sát nào đánh giá cuộc bỏ phiếu vào tháng 11 của họ, không rõ câu trả lời của Trump - bão hòa mạnh mẽ trong các tài liệu tham khảo chủ yếu quen thuộc với những khán giả trung thành của Fox News - có thể đặt để như thế nào. Michelle Obama lưu ý về sự hời hợt của thời điểm này và sự nguy hiểm của đại dịch; Trump nói, chà, còn đại dịch H1N1 mà nhiều người Mỹ hầu như không nhớ thì sao? Còn việc FBI lo lắng về ảnh hưởng của nước ngoài đối với chiến dịch tranh cử của mình thì sao?


Sau đó một chút, cũng trong thứ Ba, Trump lại được hỏi về bài phát biểu của bà Michelle Obama. Hãy xem ông ta chỉ trích những gì? Chính là, số ca tử vong do coronavirus mà bà ấy liệt kê thấp hơn tổng số hiện tại. (Nghĩa là Trump chỉ trích bà Obama vì bà đã nêu số ca tử vong vì coronavirus thấp hơn con số thật sự - BT)


Nếu không còn gì khác, đó là một minh chứng tốt về lý do tại sao hầu hết các chính trị gia sẽ thường không phản ứng gì cả.


Dịch thuật: Tegan Trần

Biên tập: Tuấn Nguyễn

1 Comment


Tia T
Tia T
Aug 19, 2020

Trump ơi là Trump. Vừa nói láo vừa vu khống. Ông lên 2 năm đầu hưởng sái nền kinh tế đang lên như diều của Obama mà còn dám nói láo trắng trợn thế à? Vô liêm sỉ nhất là chả làm gì mà nhận công về mình và tự gọi mình vĩ đại.

Like
bottom of page