Translated from Deseret News's article Is it fair to blame ‘missing white woman syndrome’ for the Gabby Petito news coverage?
By Jennifer Graham, on 20-09-2021, 13:03:39
Đã có nhiều lời than phiền rằng cả nước đang phản ứng mạnh mẽ với vụ ám sát Gabby Petito chỉ bởi màu da của cô. Các bản tin về cuộc tìm kiếm Gabby Petito và cái chết đau lòng của cô ngay sau đó đã là bàn đạp kêu gọi sự chú ý với những trường hợp mất tích khác ở vùng phía Tây nước Mỹ. Hiện tượng này cũng khơi gợi những diễn giải rằng nạn phân biệt chủng tộc có hệ thống là cơ sở giải thích tại sao cả nước đang đổ dồn quan tâm vào một cô gái ưa nhìn và tình cờ là người da trắng. Nhiều ngày vừa qua, mọi người đã phàn nàn trên mạng xã hội rằng lượng tin về trường hợp mất tích của cô Petito trong chuyến du lịch xuyên Mỹ qua nhiều công viên quốc gia đã áp đảo tin về nnhững người phụ nữ mất tích thuộc sắc tộc khác. Có nhiều người đã nhân tiện dùng độ phủ sóng tin tức của Petito để đăng tin tìm kiếm những trường hợp mất tích khác. Họ hy vọng rằng với hàng triệu người đang theo dõi các hashtag trên mạng xã hội như #GabbyPetito hay #BrianLaundrie, sẽ có người ghi nhận danh tính và khuôn mặt của các trường hợp mất tích khác, từ đó giúp xác định vị trí của họ. Nhưng đề tài này trở nên chính trị hoá khi Joy Reid, người dẫn chương trình của đài MSNBC, phát biểu rằng cả nước bị thu hút bởi vụ Petito là do “hội chứng phụ nữ da trắng mất tích," một thuật ngữ do Gwen Ifill, cố vấn quá cố ở PBS đặt ra. Reid cho biết cụm từ miêu tả một xu hướng trong giới truyền thông đại chúng khi họ tập trung vào các trường phụ nữ da trắng mất tích như Laci Peterson hoặc Natalee Holloway nhưng "thờ ơ” với những vụ mất tích liên quan đến người da màu. Bà trích dẫn một trường hợp cụ thể của Daniel Robison, 24 tuổi, một nhà địa chất học Da đen được nhìn thấy lần cuối vào ngày 23 tháng 6 ở Arizona. Reid phát biểu: “Tôi đặc biệt ngạc nhiên với trường hợp mất tích của anh vì sự tương đồng [với vụ mất tích của Gabby Petito]. Anh ấy mất tích ở cùng địa điểm. Vụ mất tích này cũng có yếu tố bí ẩn kì thú y chang vậy.” Bà cũng nói thêm: “Tôi chưa bao giờ nghe về vụ này cho đến khi một người bạn gửi cho tôi. Đó là vấn đề, không phải sao?” Thời điểm này, người Mỹ vẫn bị chia rẽ phần lớn về mặt chính trị xoay quanh câu hỏi liệu đất nước vẫn chìm trong nạn phân biệt chủng tộc. Việc gán cho vụ Petito cái mác "hội chứng phụ nữ da trắng mất tích” đang gán thêm vấn đề về màu da vào một vụ án hình sự vốn không liên quan gì tới màu da. Những nghiên cứu về vấn đề này cho thấy có sự khác biệt về cách báo chí đưa tin, không chỉ giữa phụ dữ da trắng và phụ nữ da màu mà còn giữa đàn ông và phụ nữ. Nhà xã hội học Zach Sommers, từng nghiên cứu về chủ đề này, đã tìm thấy "bằng chứng đáng kể" cho hội chứng phụ nữ da trắng khi ông nghiên cứu các trang tin năm 2013 trên CNN.com và các báo ở Minneapolis, Chicago and Atlanta. “Người Da đen chắc chắn đang đối mặt với hai kiểu phân cách. Họ ít có khả năng được xuất hiện trên báo, và khi có xuất hiện, họ thường không được đưa tin nhiều,” Sommers viết. Nhưng Sommers cũng thấy rằng đàn ông được đưa tin ít hơn phụ nữ, và đàn ông da trắng được đưa tin ít nhất. Vào năm 2016, ông nói với NPR: “Qua việc chọn đưa nhiều hơn hẳn tin về trải nghiệm của đàn ông và phụ nữ da trắng, bốn trang báo này đang ám chỉ - hoặc có lẽ là trực chỉ - rằng vụ án của những cá nhân này quan trọng hơn.” Nhưng đồng thời, ông cũng nói rằng có ít chứng cứ cho thấy việc đưa tin giúp giải quyết những trường hợp được làm bật lên này. Tuy nhiên, trong vụ Petito, có báo cáo cho thấy mối quan tâm đặc biệt của những người sử dụng mạng xã hội với một phụ nữ trẻ tuổi mang danh “con gái nước Mỹ" đã hỗ trợ công cuộc tìm kiếm thi thể của cô. Cũng có hai yếu tố nữa cho thấy việc coi hội chứng phụ nữ da trắng như nguyên nhân thúc đẩy các trang đưa tin về vụ việc là không công bằng. Thứ nhất, vụ Petito có những video rất gay cấn, từ những gì cô ghi lại trong chuyến du lịch của cặp đôi đến cảnh tượng đau lòng từ máy quay gắn người tại trạm dừng giao thông ở Utah. Đây là trường hợp người nổi tiếng mất tích đầu tiên trong thời đại người ảnh hưởng. Trong những năm trở lại đây, chúng ta có thể cho rằng câu chuyện này đã được "dàn dựng cho TV.” Nhưng trong trường hợp của Petito thì ngược lại. Nó được làm cho internet. Reid miêu tả Petito như một “người mong muốn tạo ảnh hưởng trên mạng xã hội” và mô tả chuyến đi của cặp đôi này như một “cuộc du ngoạn trên xe.” Ta không chắc Petito có muốn trở thành người tạo ảnh hưởng trên mạng xã hội hay chỉ đang ghi lại chuyến đi cho gia đình và bạn bè. Dù sao, cô cũng thuộc cộng đồng giới những người làm vlog trên Youtube và TikTok, và sau khi mẹ của Petito trình báo về việc cô mất tích vào 11 tháng 9, cộng đồng này đã chung sức tìm cô. “Nhiều người theo dõi (của Petito) cảm thấy như họ được trao cho nhiệm vụ tìm kiếm cô vì khi cô kể những câu chuyện cá nhân của mình, cô đã trở thành một phần cuộc sống của họ. Lúc mọi chuyện đột ngột kết thúc vì thảm kịch này, họ muốn tìm ra thủ phạm,” Todd Shipley, chủ tịch Hiệp hội Điều tra Tội phạm Công nghệ Cao, nói với USA Today. Điều này cho thấy một khía cạnh chưa từng thấy trong vụ việc này: tiềm năng điều tra của đám đông. Sau cuộc truy tìm diện rộng, một thi thể được cho là của Petito được phát hiện tại rừng quốc gia ở Wyoming, nơi cặp đôi Kyle và Jenn Bethune vô tình quay được xe tải của cô khi đang đi du lịch. Michael Alcazar, một cựu thám tử hiện đang là Giáo sư tại Đại học Tư pháp Hình sự John Jay, trả lời tờ The Washington Post rằng hầu hết các cơ quan hành pháp đang thiếu nhân lực, vậy nên những thám tử trực tuyến có thể giúp đỡ họ. “Chúng ta hiện tại có rất nhiều tai mắt, hàng ngàn những điều tra viên thường dân, vì họ đang nâng cao cảnh giác. Nó giống như Hệ thống cảnh báo Amber, nhưng hiệu quả hơn.” Những video sẵn có cùng hàng loạt phát hiện của cư dân mạng không chỉ thu hút sự chú ý cho vụ Petito mà còn phanh phui những tình tiết kì lạ như chuyến tự mình về nhà cha mẹ tại Florida của Brian Laundrie, sự biến mất của anh ta và cả mối liên hệ tới video của cặp Bethune. Jenn Bethune tìm được đoạn phim quay chiếc xe bán tải của Petito sau khi một người bạn nói rằng Petito cũng có mặt tại Rừng Quốc gia Bridger-Teton cùng thời điểm với vợ chồng cô. Cô phát hiện điều này vào ngày 19 tháng 9 – trùng với sinh nhật 17 tuổi của đứa con trai quá cố Ethan, người đã mất vì tai nạn xe hơi. Cô viết trên Instagram rằng chính Ethan đã giúp cô tìm thấy đoạn ghi hình và vỗ về được một người mẹ khác cũng đang phải chịu đau đớn - mẹ của Petito. Câu chuyện cảm động trên báo chí về một trải nghiệm phổ quát của con người cùng lời hứa thoáng qua về sự sống sau cái chết không có mối liên hệ gì với màu da của những người trong cuộc. Nhưng với nhiều người, bao gồm cả chuyên gia tội phạm học Scott Bonn, cách truyền thông đưa tin đều liên quan đến ngoại hình của Petito. Bonn nói với tờ Washington Post: “Đó là vấn đề văn hóa và xã hội của chúng ta. Chúng ta ưu tiên người da trắng. Chúng ta ưu tiên sự trẻ trung và những kỳ vọng về vẻ đẹp bên ngoài.”
Người dịch: Phuong Anh, Phuong Dang & Linh Nguyen
Biên tập: Ren Dinh
Comments