Translated from CNBC's article From 'Avatar' to London Tipton, Asian Americans look back on characters that shaped their self-image
Cơn hoài niệm về những năm 2000 và một năm ở nhà đã khiến những người thế hệ Y và thế hệ Z có thời gian nhìn lại quá khứ khi thế giới đang chuyển mình bước tiếp.
By Sakshi Venkatraman, on 09-07-2021, 13:00:00
Cơn hoài niệm về những năm 2000 và một năm ở nhà đã khiến những người thế hệ Y và thế hệ Z có thời gian nhìn lại quá khứ khi thế giới đang chuyển mình bước tiếp. Cho dù đó là một ngày cày phim “Avatar: The Last Airbender” hay một tập “iCarly” ngẫu hứng thì việc xem lại những chương trình truyền hình dành cho thiếu nhi mới có mặt trên những nền tảng xem phim trực tuyến đã khiến nhiều thế hệ mê mẩn hệt như năm 2008. Nhưng đối với người Mỹ gốc Á, nhìn lại những chương trình được yêu thích thời niên thiếu vào năm 2021 có thể là một lời nhắc nhở cho một hiện tượng khi ấy vẫn còn mơ hồ: không hề có gương mặt châu Á nào trên màn ảnh. Và nếu có, đó thường là những vai diễn đáng ngờ. “Giữa việc cộng đồng bạn xuất hiện trên truyền thông một cách cợt nhả hay hoàn toàn vắng bóng, bạn sẽ chọn cái nào?” Kevin Do, 24 tuổi, một nghiên cứu sinh về đại diện trong truyền thông tại Đại học California, Santa Barbara, thường hỏi học sinh. “Nếu là tôi, tôi sẽ chớp lấy mọi cơ hội.” Sự thiếu bóng này làm cho những nhân vật gốc Á hiếm hoi - dù là chính diện hay phản diện - càng quan trọng đối với hình ảnh của nhóm người trẻ Mỹ gốc Á đang tăng nhanh. Trẻ em sẽ bắt lấy bất kỳ hình tượng nào, và vào những năm 90 hay 2000, đã xuất hiện một số nhân vật gốc Á nhưng rất nhiều trong số đó đã bị ảnh hưởng tiêu cực nặng nề. Theo nhiều người trẻ, phụ nữ Á thường bị coi là đẹp một cách ngoại lai và bị tình dục hóa, còn đàn ông gốc Á rơi vào nhóm thiểu số kiểu mẫu. Kể cả một số đặc điểm như tóc đen cũng được gán với nhân vật phản diện so với nhân vật chính có tóc vàng, mắt xanh. “Những khuôn mẫu bây giờ gồm cả tích cựu và tiêu cực,” Do nói. “Những khuôn mẫu tích cực cũng có thể gây hậu quả tai hại.” Do chia sẻ thêm rằng khi trẻ lớn lên và thấy những người giống chúng được truyền thông mô tả là ẻo lả, mọt sách, gợi cảm quá trớn, hay nhạt nhẽo, chúng có thể trở nên kém tự tin và bó hẹp trong cách tự nhìn nhận bản thân so với những bạn người Mỹ da trắng. Nhưng những nhân vật có chiều sâu hiếm hoi cũng đã để lại dấu ấn tích cực đáng kể. London Tipton: “The Suite Life of Zack and Cody” “The Suite Life of Zack and Cody” chiếu trên Disney là một món ăn tinh thần quan trọng trẻ em những năm 2000. Phim thuật lại quá trình lớn lên của Zach và Cody (do Dylan và Cole Sprouse thủ vai) trong một khách sạn 5 sao tên Khách sạn Tipton. Cùng sống trong khách sạn đó là London Tipton, người thừa kế chuỗi khách sạn của bố, do Brenda Song thủ vai. Đối với những người trẻ Mỹ gốc Á thời đó, cô tiểu thư ngốc nghếch, giàu có và thời thượng ấy là một làn gió mới cho những khuôn mẫu trên màn ảnh mà họ thường thấy trước đó. “Rốt cuộc tôi cũng thấy kiểu, ‘Đội ơn trời, cuối cùng thì chúng tôi cũng không phải thành siêu mọt sách mà có thể ngốc nghếch và ngớ ngẩn được rồi.'” Suki Lanh, 29 tuổi, nói. Shannon Donaghy, 28 tuổi, đang học cấp 2 khi cô bắt đầu xem phim này. Cô ấy nói vai diễn của Song đã nới lỏng khuôn mẫu rằng tất cả phụ nữ châu Á đều phải thông minh. “Đây là lần đầu tiên tôi thấy một diễn viên nữ người Đông Á trở nên nổi tiếng không phải vì cô thông minh, mà vì cô chẳng hề thông minh." Shannon nói. “Đúng là đi ngược kịch bản luôn. Thật mừng khi phần nào được thấy rằng không phải tất cả phụ nữ châu Á đều phải là thiên tài.” Cristina Yang: Grey's Anatomy Bác sĩ Cristina Yang, do Sandra Oh đóng, là một vai diễn được ưa thích trên loạt phim truyền hình y khoa này. Diễn viên Oh cũng đã lên tiếng đấu tranh quyền công dân cho người Mỹ gốc Á. Tác giả Shonda Rhimes nói khi phân vai cho “Grey's Anatomy,” bà không cân nhắc sắc tộc của dàn diễn viên, và mặc dù chương trình đã nhận chỉ trích vì dàn diễn viên chính hầu như là người da trắng, những người trẻ Mỹ gốc Á lại ca tụng Yang có kịch bản xứng đáng với nhân vật của cô.
“Ta không chỉ thấy cô ấy là một bác sĩ và một bác sĩ giỏi, mà còn là người vừa rắn rỏi vừa dễ động lòng,” Do nói. “Cô ấy đóng vai này lâu đủ để chúng ta biết Sandra Oh là ai trong phim 'Grey's Anatomy.' Bạn hiểu rõ cô ấy không chỉ là một người thông minh."
Harold và Kumar
Loạt phim "Harold và Kumar" nói về hai nhân vật chính là Harold Lee (John Cho) - người Mỹ gốc Hàn Quốc, và Kumar Patel (Kal Penn) - người Mỹ gốc Ấn Độ. Hai người là dân sử dụng ma túy và thường xuyên dây vào nhiều vụ ẩu đả.
Một số chi tiết trong kịch bản có đụng đến vấn đề sắc tộc. Trong phần hai của phim, Kumar bị phân biệt chủng tộc thành “kẻ khủng bố” và cả hai bị đày đến Vịnh Guantanamo. Khán giả người Mỹ gốc Á bày tỏ thích thú với sự ngốc nghếch và những sai lầm của hai nhân vật này, trong khi chủng tộc vẫn là một phần trải nghiệm của họ.
“Tôi thấy mình được phản chiếu trong bộ phim,” Bhargava Chitti, 27 tuổi, nói. “Nó cho thấy rằng chúng tôi không chỉ là những khuôn mẫu mà mọi người gán cho. Nó giành lại thực tại của những khuôn mẫu đó một cách chân thật.”
'Avatar: The Last Airbender'
"Avatar: The Last Airbender," một phim hoạt hình dài tập từ 2005 đến 2008, là một phim kinh điển đình đám. Gần đây, bộ phim đã thu hút được một thế hệ người xem mới khi cả ba mùa được trình chiếu trên Netflix. Cơn sốt đã kéo theo thú nhồi bông, những bài trắc nghiệm tính cách, và trà sữa trân châu lấy cảm hứng từ bộ phim. Nhưng câu hỏi vẫn còn đó là: nó có thực sự đại diện cho người châu Á hay không?
Loạt phim nói về một nhóm trẻ từ những bộ tộc đại diện cho bốn nguyên tố trong cuộc chiến ngăn chặn tộc Lửa âm mưu xóa sổ họ. Chương trình chưa bao giờ trực tiếp chỉ điểm vấn đề chủng tộc nhưng tất cả những nhân vật đều có ngoại hình gốc Á với màu da khác nhau.
“Ta không chỉ có một hay hai mà hàng loạt những nhân vật hoạt hình gốc Á,” Do nói. “Nhân vật mọt sách, kẻ xấu, kẻ bắt nạt, rất đa dạng."
Do nói rằng một phê bình hiển nhiên của chương trình là hầu hết nhân vật được lồng tiếng bởi người da trắng.
“Đây là một vấn đề, bởi những nhân vật này gần như lúc nào cũng phải pha thêm giọng Á vào,” ông nói. “Vậy điểm khác biệt giữa đại diện tích cực trên màn ảnh và yellowface là gì?” (yellowface: hiện tượng người da trắng trang điểm hoặc hành xử như người Đông Á - ND)
Cặp song sinh người Nhật: 'Austin Powers'
Đối với người Mỹ gốc Á lớn lên trong những năm 90 và 2000, những diễn viên duy nhất trên màn ảnh nhìn giống họ thường bị tình dục hóa quá trớn hoặc bị dè bỉu bởi những diễn viên chính da trắng. “Austin Powers,” một series gồm ba phim hài chiếu từ 1997 đến 2000, là một ví dụ nổi bật trong tâm trí của nhiều người Mỹ gốc Á trẻ.
Bộ phim xoay quanh hai phụ nữ người Nhật, “Fook Mi” và “Fook Yu,” với hình tượng mang đặc sự phân biệt chủng tộc. Nhân vật chính của phim săn đuổi cơ hội làm tình với hai phụ nữ này như là một mục tiêu cần đạt được.
“Tôi cảm thấy thật dơ bẩn,” Lucca Wang, 32 tuổi, nói. “Tôi nhận thấy rõ rằng đàn ông nhìn tôi như một vật thể tình dục dễ bị xâm hại thay vì tôn trọng tôi như một đứa trẻ đầy hoài bão và mơ ước. Tôi mặc quần áo quá khổ và ngại ngùng tới mức không thể nói chuyện với bất cứ người đàn ông nào, kể cả khi họ cư xử đúng mực, tôn trọng và tốt bụng với tôi.”
Cho Chang, Parvati và Padma Patil: “Harry Potter”
Trong một vài năm trở lại đây, nhiều người đã nhìn nhận lại cách J.K. Rowling đối xử với những nhân vật người Á trong bộ truyện “Harry Potter,” cụ thể là nhân vật Cho Chang. Khi được chuyển thể thành phim, cái tên châu Á điển hình, nhiệm vụ duy nhất là để nam chính hẹn hò, và tính cách nông cạn nhưng khó chịu của nhân vật nữ này đã bị khán giả lên tiếng chỉ trích.
Theo một vài người Mỹ Desi (người Mỹ gốc Đông Á, thường là Ấn Độ, Pakistan, và Bangladesh - ND), cặp song sinh phù thủy người Ấn Độ Parvati và Padma Patil cũng là những nhân vật biếm hoạ. Chức năng của họ chỉ để hẹn hò với Harry Potter và Ron Weasley, và hai cô gái thường xuất hiện ở đằng sau (luôn đi cùng nhau), cố gắng bắt lấy sự chú ý của Harry với những lời tán tỉnh đồng thanh lanh lảnh.
“Họ chỉ là diễn viên phụ,” Do nói. “Ta chưa bao giờ thấy cặp song sinh này như những cá thể riêng biệt có chiều sâu. Vai trò của họ chỉ để tô điểm cho nhân vật chính mà thôi.”
Comments