top of page

Tại sao các cuộc biểu tình ở Mỹ cũng là các cuộc biểu tình của thế giới

Updated: Jun 13, 2020

Trên toàn cầu, mọi người đang xuống đường biểu tình - một lời nhắc nhở về vai trò độc nhất của Hoa Kỳ với tư cách là người bảo hộ và sứ giả của tự do.


TAMARA BERENS và SHAY KHATIRI. Ngày 9 tháng 6, 2020.



Quang cảnh đế bức tượng Edward Colston ngày 8 tháng 6, 2020 ở Bristol, Anh. Hôm qua, những người biểu tình ở Bristol đã lật đổ bức tượng của Edward Colston, một người buôn bán nô lệ thế kỷ 17, và ném nó xuống bến cảng. Bên ngoài Tòa nhà Quốc hội ở London, một bức tượng của cựu Thủ tướng Winston Churchill bị phun sơn với dòng chữ "kẻ phân biệt chủng tộc" trong các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc vào cuối tuần qua. (Ảnh của Matthew Horwood/Getty Images)


Cuối tuần vừa qua, một bức tượng của chủ sở hữu nô lệ Edward Colston đã bị giật đổ bởi những người biểu tình chống phân biệt chủng tộc và một bức tượng của Abraham Lincoln bị vẽ bằng sơn tên của người Mỹ da đen bị giết bởi cảnh sát.


Ở đâu? Không phải ở Mỹ, mà là ở Anh.


Tại các thủ đô ở châu Âu và các nền dân chủ khác trên thế giới, người dân đang xuống đường biểu tình sự tàn bạo của cảnh sát và đòi hỏi cải cách hệ thống tư pháp hình sự của Hoa Kỳ sau vụ giết George Floyd.


Tại Paris, 20,000 người đã tuần hành về hướng tòa án tối cao trong một vụ biểu tình lớn. Cuối tuần qua, chính quyền Pháp đã cấm hai cuộc biểu tình mới ở Paris - ở Đại sứ quán Hoa Kỳ và Tháp Eiffel - nhưng chúng vẫn diễn ra. Những người biểu tình Pháp liên hệ cái chết của George Floyd với vụ giết Adama Traoré, chết trong sự giam giữ của cảnh sát bốn năm trước với những lời cuối cùng được cho là, cũng giống như George, “Tôi không thở được”.


Hình ảnh đông đúc của 5000 người biểu tình ủng bộ “Mạng Sống của Người Da Đen đáng trân trọng” (Black Lives Matter) ở quảng trường Dam ở Amsterdam lan truyền nhanh chóng.


Tại London, hàng ngàn người tuần hành về phía tòa nhà Quốc hội, hô to “Tôi không thở được”. Khi họ đến những đài tưởng niệm tại Quảng trường Trafalgar, những người biểu tình đã quỳ xuống trong chín phút để đánh dấu thời gian Floyd bị ghim xuống đất bởi đầu gối của cảnh sát Derek Chauvin.


Tại Rome, hàng ngàn người biểu tình đã tụ tập để tố cáo phân biệt chủng tộc ở cả Hoa Kỳ và Ý. Họ hô vang, “Nói không với kỳ thị chủng tộc, George Floyd đang ở đây”, giương các biển hiệu bằng tiếng Anh cho khán giả Mỹ và tiếng Ý cho chính phủ của họ và đồng bào của họ.


Người biểu tình ở Tokyo, Osaka Shibuya đã tụ tập để phản đối sự tàn bạo của cảnh sát cả ở Hoa Kỳ và Nhật Bản. (Một người đàn ông người Kurd bị cảnh sát Tokyo làm bị thương hồi tháng 5, vài ngày trước cái chết của George Floyd.)


Ở Philippines, các sinh viên đại học đã gắn kết lý do biểu tình của họ, phản đối một dự luật chống khủng bố gây tranh cãi, với các cuộc biểu tình quốc tế. Họ cũng quỳ xuống để thể hiện sự đoàn kết với người Mỹ Da Đen.


Một số vụ biểu tình quốc tế đã kết thúc với sự đụng độ nhỏ giữa lực lượng cảnh sát và một nhóm thiểu số hung hăng, dẫn đến những cuộc tranh cãi nảy lửa về trật tự và an toàn xã hội giữa cơn đại dịch, tương tự như ở Mỹ.


Tại sao sự tàn bạo của cảnh sát Mỹ lại có thể tạo ra nhiều vụ biểu tình trên thế giới? Chắc chắn một phần là là do sự kinh tởm của đoạn video về những giây phút cuối cùng của George Floyd. Và, ở một chừng mực nào đó, những cuộc biểu tình là hệ quả của làn sóng hoạt động công bằng xã hội trên khắp thế giới. (Có thể không quan trọng nhưng một vài nhân vật chính phủ ở châu Âu đã tranh luận rằng phân biệt chủng tộc ở Mỹ không liên quan gì nhiều đến đất nước của họ).


Tuy nhiên nhiều người xuống đường biểu lần này, như họ giải thích, bị thúc đẩy bởi nhận thức rằng Mỹ đã - và nên - là tiêu chuẩn mẫu mực cho sự tự do và phẩm giá của con người.


“Mọi người biết rằng điều này thể hiện không chỉ George Floyd, hay Hoa Kỳ, mà là sự kỳ thị chủng tộc trên cả thế giới,” một sinh viên giải thích tại một cuộc biểu tình bắt đầu bên ngoài đại sứ quán Mỹ tại London. Nói một cách khác: Những nguyên tắc nền tảng của nước Mỹ chính là nguyên nhân làm những gì xảy ra ở đây đặc biệt quan trọng với sự nghiệp [đấu tranh] dân chủ ở các nước khác. “Chúng tôi đồng hành cùng với người Mỹ, đặc biệt là thế hệ trẻ, trong cuộc đấu tranh của họ cho một xã hội không còn sự kỳ thị chủng tộc,” tuyên bố của những tổ chức chống kỳ thị chủng tộc ở Pháp. Nhiều công dân của “thế giới tự do” [chỉ những quốc gia không phải cộng sản, nằm ngoài khối Xô viết trước đây] xem vận mệnh của họ liên hệ mật thiết với vận mệnh của Hoa Kỳ.


Người dân của Mỹ có đủ sức mạnh để đến với nhau, tìm cách hàn gắn sự chia rẽ chủng tộc, và viết nên lịch sử. Tuy nhiên, có một người có sự ảnh hưởng hơn bất cứ ai khác, cả trong và ngoài nước: tổng thống Mỹ.


Thay vì tạm ngưng [các hoạt động khác] để đưa mọi người lại với nhau, Trump kích thích sự căng thẳng. Những phát biểu gần đây của nguyên tổng thống Barack Obama và George W. Bush, nguyên bộ trưởng bộ quốc phòng James Mattis, và tướng đã về hưu Mike Mullen, và nhiều người khác, chứa đầy cảm xúc và sự thông thái. Nhưng các vị lãnh đạo bây giờ không còn phát biểu như vậy. Trump không phải là người có thể đoàn kết mọi người lại. Ông thiếu khả năng đồng cảm với người khác. Ông không có lòng trắc ẩn. Thay vì vậy, ông là người gây sự chia rẽ. Để đoàn kết, điều tốt nhất ông có thể làm là đừng nói gì cả. Nhưng ông lại chọn những chiêu trò rẻ tiền.


Như tuần trước ở Quảng trường Lafayette - buổi chụp hình mà ông vung vẩy vụng về một cuốn Kinh Thánh làm đạo cụ trước nhà thờ Thánh John. Theo người phát ngôn Nhà Trắng Kayleigh McEnany, Trump muốn nhìn giống như Winston Churchill đang kiểm tra thiệt hại vụ Blitz [Phát xít Đức oanh kích nước Anh trong thế chiến II]. Tổng thống đã làm gì để xứng đáng được so sánh với nhà lãnh đạo vĩ đại thời chiến này? Việc ông dùng hơi cay chống đồng bào của mình để dọn đường cho chiêu trò này làm cho nó càng tồi tệ hơn.


Churchill, trong bài diễn văn “Bức màn sắt”, nói về nguồn gốc của chủ nghĩa tự do Anh-Mỹ - “những nguyên lý vĩ đại của sự tự do và quyền con người” đã được đảm bảo trong những thành tựu như “Đại Hiến chương về những quyền tự do” và “Luật về các Quyền”, và cảm thấy “[những nguyên lý đó] được thể hiện rõ nhất trong Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ.” “Đây là thông điệp của người Anh và Mỹ tới nhân loại,” ông nói. “Hãy để chúng tôi rao giảng những gì chúng tôi thực hành, và chúng ta hãy thực hành những gì chúng ta rao giảng.”


Nếu Churchill hiểu rằng sức mạnh to lớn của nước Mỹ không chỉ nằm ở sức mạnh kinh tế và quân sự mà cả về lý tưởng, thì kẻ thù nước Mỹ cũng vậy. Họ sợ sức mạnh đó như một mối đe dọa sống còn. Đó là lý do tại sao họ khai thác những điểm yếu của chúng ta - như khi Xô viết nói về sự phân tách theo chủng tộc ở miền Nam nước Mỹ. Và khi kết thúc sự cách ly này, Hoa Kỳ không chỉ có một bước tiến lớn cho công lý - mặc dù trễ nải - mà còn củng cố được tinh thần của mình trước Xô viết.


Tương tự như cách Liên Xô tìm cách khai thác sự tách ly theo chủng tộc, những kẻ thù hiện nay của chúng ta rất thích những gì họ thấy ở nước Mỹ hiện tại. Họ có thể vẽ bức tranh về Mỹ như một kẻ đàn áp: Thấy không? Người phương Tây, người Mỹ, chẳng tốt đẹp gì hơn chúng ta. Đó là lý do các quốc gia theo chủ nghĩa toàn trị đã ra tuyên bố công khai về vụ giết Floyd. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, một nhà tuyên truyền khét tiếng, tweet, “Tôi không thở được.” Một tiêu đề bài báo của Politico chạy, “Các nhà tuyên truyền Trung quốc tận dụng cơ hội từ các cuộc biểu tình cho George Floyd,” phác thảo bức tranh về sự tuyên truyền cho cả người dân phương Tây và Trung Quốc. Mahmoud Ahmadinejad, nguyên tổng thống Iran, nổi tiếng chống phương Tây và chống Do Thái, đã tweet về sự bất công chống lại Floyd, trích dẫn [lời bài hát] Tupac Shakur [rapper người Mỹ]. Truyền thông nhà nước Iran đã đưa tin về các cuộc biểu tình ở Mỹ - và sự đàn áp - không ngừng nghỉ. Và, tất nhiên, truyền thông Nga không bao giờ để lãng phí những cơ hội công kích như vậy.


Những nhà lãnh đạo độc tài và những và kẻ tham nhũng không phải là những người bạn thực sự của Hòa Kỳ - hay của công lý. Những chỉ trích của họ được đưa ra với mục đích xấu. Nhưng những người bạn của chúng ta ở châu Âu và ở khắp “thế giới tự do” (những quốc gia không phải cộng sản, nằm ngoài khối Xô viết trước đây) không muốn kẻ thù chung có được sức mạnh như vậy. Họ được truyền cảm hứng từ sự [bản năng] tự bảo vệ mình. Họ được truyền cảm hứng từ sự sợ hãi: Nếu nền tự do ở Mỹ sụp đổ, thì thế giới tự do cũng đổ sụp. Họ xem sự tuyên bố của Lincoln rằng Mỹ là “niềm hy vọng tốt nhất và cuối cùng trên thế giới” nghiêm túc hơn ai hết vì gót giày của chủ nghĩa toàn trị ở Trung Quốc, Nga, và Iran gần họ hơn là chúng ta. Nhà báo chuyên mục chính trị Charles Krauthammer quá cố nói: “Châu Âu có thể ăn, uống, và vui vẻ, vì có nước Mỹ bảo vệ họ. Nhưng với Mỹ thì khác. Nếu chúng ta chọn con đường dễ dàng, ai sẽ bảo vệ chúng ta?” Chúng tôi muốn nói thêm rằng: Nếu nước Mỹ chọn “con đường dễ dàng”, ai sẽ đứng ra bảo vệ thế giới?


***

Chúng tôi - hai tác giả của bài viết này - đều được sinh ra bên ngoài nước Mỹ. Một người sinh ra có quốc tịch Anh, người còn lại là người Iran. Đối với một người, là dân di cư từ Anh, Mỹ như là một người chị lớn hơn, giỏi hơn, bảo vệ nền tự do ở châu Âu. Với người kia, tị nạn từ Iran, Mỹ là ngọn hải đăng của tự do và vị cứu tinh chống lại các bạo chúa. Quá khứ của chúng tôi khiến một người xem Mỹ là người bảo vệ sự tự do, và là sứ giả của nó với người còn lại. Nhưng chúng tôi đều xem Mỹ như là một quốc gia của tự do và công lý, cho tất cả mọi người.


Trong cuộc đấu tranh hiện tại cho bình đẳng chủng tộc trong công lý hình sự, chúng ta phải thành công, trước hết là vì người Mỹ Da Đen. Nhưng chúng ta cũng phải thành công để dẹp bỏ sự hư cấu, dối trá, rằng chủ nghĩa tự do của Mỹ không tốt hơn gì so với chế độ toàn trị của Trung Quốc, Nga, và Iran. Chúng ta phải tiếp tục chiến đấu cho sự bình đẳng quyền lợi của mọi công dân - để chúng ta có thể còn là hình ảnh kiểu mẫu [“shining city on a hill”] cho các quốc gia khác tìm cảm hứng. Để mà Mỹ có thể vừa truyền cảm hứng vừa đủ tư cách để lên án sự vi phạm nhân quyền - của người Uighur, Tatar, hay Bahaís - bởi những kẻ áp bức.


Trích lời Lafayette - người anh hùng trong Chiến tranh Cách mạng Hoa Kỳ, người Mỹ sinh ở Pháp - “sự hạnh phúc của nước Mỹ liên hệ chặt chẽ với sự hạnh phúc của toàn thể loài người; nước Mỹ sẽ là nơi nương náu tốt đẹp và an toàn với những phẩm chất đức hạnh, liêm chính, khoan dung, bình đẳng, và tự do hòa bình.”


Translation by Nhan Nguyen

Comments


bottom of page