top of page

Tạm Biệt Nhé, Luật Giữ Bí Mật Cảnh Sát Kiên Cố Nhất Nước Mỹ

Updated: Jun 13, 2020

Ở New York và các nơi khác, các cuộc biểu tình trên đường phố đang dẫn đến cải cách cảnh sát.


Mara Gay, ngày 10 tháng 6, 2020


Translated from NY Times opinion article "Good Riddance to One of America's Strongest Police Secrecy Laws."

Những người biểu tình bên ngoài Tòa án Hình sự Hạt Queens vào Thứ Hai. Frank Franklin II/Associated Press


Biểu tình có tác dụng.

Các cuộc biểu tình lớn trên đường phố và thị trấn trên cả nước đang mang đến những thay đổi đột ngột và sâu rộng cho các thực hành và trách nhiệm của cảnh sát.

Minneapolis đang chuẩn bị giải tán và tái thiết sở cảnh sát.

California đang chuẩn bị cấm cảnh sát sử dụng các đòn gây nghẹt thở.

Hàng chục thành phố đang xem xét chuyển hàng triệu đồng trong tiền thuế từ các sở cảnh sát đã bị quân sự hóa nặng nề, sang cho giáo dục, chăm sóc sức khỏe, nhà ở và các nhu cầu khác của các khu phố người da đen và gốc Latin mà đã thiếu vốn đầu tư qua nhiều thế hệ.

Tối thứ Ba, New York đã tiến tới việc bãi bỏ một đạo luật tiểu bang được gọi là 50-a, một biện pháp đã tồn tại hàng thập kỷ cho phép cảnh sát giữ bí mật án kỷ luật và hồ sơ nhân sự của các sĩ quan. Thống đốc Andrew Cuomo dự kiến ​​sẽ ký luật mới.

50-a từ New York là một trong những luật bảo mật thông tin bí mật nhất của cảnh sát ở Mỹ, một chiến lợi phẩm của quyền lực chính trị không bị giới hạn mà các công đoàn cảnh sát New York đã thụ hưởng.

Qua nhiều thế hệ, luật này đã được sử dụng để giúp các cảnh sát viên đang bị buộc tội về hành vi sai trái, cũng như các nơi họ làm việc, thoát khỏi ánh mắt dò xét của công cộng. Để hiểu được luật này đã gây tổn thất bao nhiêu, hãy xem lại trường hợp những người dân New York đã thiệt mạng dưới tay những cảnh sát viên đáng lẽ không nên được bổ nhiệm ngay từ đầu.

Eric Garner, một người đàn ông da đen không vũ trang, chết năm 2014 vì một cơn hen suyễn bị kích động bởi đòn gây nghẹt thở đã bị cấm sử dụng, bởi một sĩ quan Sở Cảnh sát New York với bốn cáo buộc lạm dụng chống lại anh ta. Công chúng chỉ biết về những khiếu nại sau khi chúng bị rò rỉ.

Ramarley Graham, 18 tuổi, không có vũ trang khi anh ta bị bắn giết tại nhà riêng của mình bởi một sĩ quan khác trong sở. Hồ sơ cảnh sát bị rò rỉ sau đó cho thấy cảnh sát Richard Haste, có số vụ khiếu nại nhiều bất thường.

Các nhà hoạt động và nhà cải cách cảnh sát đã tranh đấu để bãi bỏ luật này trong nhiều năm. Chỉ một năm trước, những nỗ lực đó có vẻ như không đi đến đâu. Cơ quan lập pháp Tiểu bang, dù có lãnh đạo mới của đảng Dân chủ, từ chối thay đổi hoặc bãi bỏ nó. Chính quyền của thị trưởng Dân Chủ Bill de Blasio thậm chí sử dụng luật 50-a một cách nghiêm ngặt hơn so với những người tiền nhiệm, dù ông đã nói rằng sẽ ủng hộ những thay đổi về luật này, nhưng ông không tận dụng ưu thế chính trị để biến cam kết thành hiện thực.

Bất chấp những tác hại 50-a đã gây ra, hầu hết người dân New York đều không biết về nó. Vì vậy, thật đáng ngạc nhiên trong tuần qua khi biểu ngữ "Repeal 50" (Bãi bỏ 50) xuất hiện khắp tiểu bang New York tại các cuộc biểu tình và các nơi khác. Khi lái xe đến Long Island vào Chủ nhật, tôi đã thấy một chiếc xe khác được trang trí bằng cụm từ viết ra bằng băng keo. Trong khu phố Cobble Hill cao cấp của Brooklyn, "Repeal 50-a!" đã được gắn trước cửa một văn phòng bác sĩ địa phương và trong các cửa sổ nhà đá nâu (kiểu nhà đặc trưng ở New York).

Sự thay đổi lớn nhất là mọi người xuống đường biểu tình ôn hòa, một phong trào do người da đen New York và những người khác tranh đấu để cải cách trong nhiều năm. Điều làm nên sự khác biệt là người Mỹ đã theo dõi các sĩ quan cảnh sát, tại đây và trên khắp đất nước, đánh đập những người biểu tình không vũ trang vì tội đòi hỏi sự tôn trọng cơ bản và phẩm giá con người từ các sở với ngân sách tạo ra bằng tiền thuế của họ.

Ở Buffalo hôm thứ Năm tuần trước, một sĩ quan cảnh sát đã đẩy một người biểu tình da trắng 75 tuổi ngã xuống đất, một sự cố được ghi lại trên video. Một số nhà lập pháp cho biết vụ việc trên giúp củng cố sự hỗ trợ quan trọng cho việc bãi bỏ 50-a ở những nơi khác ngoài thành phố New York.

Ở tiểu bang New York, việc bãi bỏ phải là khởi đầu của những thay đổi đối với việc trị an, không phải là kết thúc. Phản ứng dữ dội đối với các cuộc biểu tình đại đa phần là ôn hòa đã vén màn về những gì người Mỹ da đen thừa biết: rằng các sở cảnh sát địa phương trên khắp Hoa Kỳ, bao gồm cả ở New York, thường quá lạm quyền và vô trách nhiêm với chính những người mà họ phải phục vụ. Đã đến lúc cải cách toàn diện hơn.

Nghị sĩ Charles Barron đã nói cho người biểu tình khi ông nói rằng việc bãi bỏ 50-a là chưa đủ chút nào, và ông kêu gọi "thay đổi triệt để, có hệ thống."

"Tôi không còn kiên nhẫn cho việc cải cách từ từ," Ông nói.


Translation by Cookie Duong

Comments


bottom of page