top of page

Tập tính bộ tộc da trắng đang bị tấn công - từ chính người da trắng. Đó là một bước tiến đáng kể

Cuối cùng thì người da trắng cũng đã thừa nhận sự nghiêm trọng và rộng khắp của việc kỳ thị chủng tộc. Lần biểu tình này họ đã sát cánh với người Da Đen đòi hỏi một xã hội công bằng hơn. Đó là dấu hiệu chủ nghĩa bộ lạc của người da trắng đang rạn nứt.


ERIN AUBRY KAPLAN, ngày 11 tháng 6, 2020


Biểu tình phản đối vụ sát hại George Floyd có sự tham gia của nhiều sắc tộc và đã lan đến những nơi không thường có biểu tình, bao gồm South Pasadena (ảnh trên), Glendale, Hawthorne and El Segundo. (Myung J. Chun / Los Angeles Times)


Gần bốn năm trước, sau khi Donald Trump thắng cử vào Nhà Trắng, tôi có phỏng vấn nhà chính trị học Dorian Warren để biết những suy nghĩ của ông về bước ngoặt gây sốc đó. Tôi hỏi ông ấy về ý nghĩa lớn hơn của cuộc bầu cử này, và những gì người Mỹ có thiện chí cần làm tiếp theo, cùng một số vấn đề khác.

Warren, người điều hành Trung tâm Hành động Thay đổi Cộng đồng, trả lời thẳng thắn. “Đây là vấn đề của người da trắng,” ông ấy nói với tôi. “Người da trắng có trách nhiệm phải sửa sai. Người da màu đã làm tất cả mọi thứ họ có thể rồi.”

Theo cái nhìn của Warren, chính chủ nghĩa bộ lạc da trắng - chứ không đơn giản là sự bất mãn về công ăn việc làm và nền kinh tế như truyền thông hay nói - đã đưa Trump lên nắm quyền. Ông ấy đã dự đoán rằng thứ chủ nghĩa bộ lạc đó sẽ lưu chuyển tự do trong toàn bộ nền chính trị.

Giải pháp duy nhất, theo ông, là người da trắng với tư cách tập thể phải thừa nhận sự tồn tại của kỳ thị chủng tộc trong cộng đồng của họ, sự kỳ thị xuyên thấu những ranh giới chính trị và kinh tế, và làm gì đó [để khắc phục nó]. Warren không hy vọng lắm về điều này xảy ra. Trong khi đó, ông nói, người Da Đen - và người nhập cư, cùng khác nhóm dễ bị thương tổn khác - cần phải chuẩn bị tinh thần như chuẩn bị cho một cơn bão Cấp độ 5.

Tuy nhiên, một điều kỳ thú đã xảy đến trên con đường dẫn đến sự huỷ diệt toàn bộ nền dân chủ Mỹ: Sau tất cả, người da trắng cuối cùng đã sáng mắt ra.

Hai tuần biểu tình toàn quốc phản đối vụ cảnh sát giết hại George Floyd đã chứng kiến người da trắng không chỉ xuống đường biểu tình đông đảo, mà họ còn chỉ ra được vấn đề lớn hơn là kỳ thị chủng tộc và công khai từ bỏ nó - với tư cách là người da trắng. Điều này có ý nghĩa rất lớn. Ngày qua ngày, tôi đã chứng kiến người da trắng và người không phải Da Đen từ L.A. đến D.C. mang những biển hiệu với thông điệp ủng hộ mạng sống người Da Đen và phản đối chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, mà không có một tí nào những sự nhạy cảm, e ngại hay chột dạ thường thấy ở người da trắng [White fragility: sự khó chịu và đề phòng của người da trắng khi bị đối chất với thông tin về sự bất bình đẳng và sự bất công giữa các chủng tộc]. Có một cảm giác thực sự về tình bằng hữu và hướng về mục đích chung từ phía người da trắng mà tôi chưa từng thấy trong các cuộc biểu tình của người Da Đen, một sự thừa nhận lớn tiếng rằng “sinh mạng của người Da Đen là đáng trân trọng” mà không cần thiết phải chứng minh rằng “tất cả mạng sống đều đáng quý”.

Bản chất của sự hiện diện của người da trắng trên đường phố cũng đã thay đổi. Không còn chỉ là những người đồng minh da trắng cấp tiến mà giờ có cả những người da trắng trung lưu và ngoại ô khá giả tôi thường không nghĩ rằng họ sẽ tham gia bất cứ cuộc biểu tình nào. Tổ chức Black Lives Matter (Mạng Sống Người Da Đen Đáng Trân Trọng) luôn luôn đi biểu tình ở những cộng đồng da trắng khá giả, như một nguyên tắc, để truyền tải thông điệp đến những người cần nghe. Nhưng diễn biến những tuần vừa qua đã đi xa hơn thế nữa.

Người da trắng đang biểu tình – cùng con cái và chó cưng - không chỉ ở Santa Monica và Hollywood, mà cả ở những con đường chính tại những nơi nổi tiếng với những chiêu trò kỳ thị của cảnh sát trong quá khứ, như Thành phố Culver và Glendale. Gần đây khi lái xe qua El Segundo và Hawthorne, tôi đã bất ngờ khi thấy những cuộc biểu tình ở những nơi này – hẳn là nhỏ, nhưng đầy sức sống và không nhân nhượng như bất kỳ cuộc biểu tình nào khác tôi thấy trên TV. Và những gương mặt trong đám đông chủ yếu là người da trắng.

Có phải chống phân biệt chủng tộc cuối cùng cũng đang trở thành xu hướng? Việc các công ty lớn gấp rút thể hiện sự đồng lòng với lý tưởng chống kỳ thị chủng tộc – Lyft, Ben & Jerry’s và các công ty khác – có thể không hoàn toàn vô vụ lợi, nhưng sự gấp rút rộng khắp của họ cho tôi lý do để hy vọng rằng đây không chỉ là một xu hướng nhất thời.

Tất nhiên ngay cả khi đây là một sự thay đổi đáng kể thì vẫn còn tới 45% người Mỹ sùng bái Trump, những người vẫn ủng hộ Tổng thống bất chấp tính bầy đàn và vô tri về vấn đề sắc tộc của ông ta. Một sự bắn ngược từ phe cực hữu đáp trả những cuộc biểu tình và đòi hỏi công lý càng ngày càng lên cao là không thể tránh khỏi.

Dù vậy, tôi nghĩ rằng sự kinh hoàng trong cái chết của Floyd, cách mà tất cả chúng ta phải chứng kiến sự sống của anh bị bóp nghẹt như không khí tràn khỏi bong bóng trong gần chín phút – dài như vô tận – trong khi Floyd van xin viên cảnh sát và có lúc la lên “Mẹ ơi”, đơn giản là quá sức chịu đựng với hầu hết chúng ta, kể cả những người da trắng. Trong tất cả các video rùng rợn mà chúng ta đã xem, thì video này không chừa cho người da trắng dù chỉ một lý do nào để biện minh rằng “có lẽ người Da Đen đó làm gì đáng tội”.

Đáng sợ không kém là cách những cảnh sát đồng nghiệp của Derek Chauvin, những người đã tuyên thệ bảo vệ và phục vụ nhân dân, đứng đó như những nhân chứng tại một cuộc hành quyết. Đây có lẽ là lúc những người Mỹ da trắng có thiện tâm, những người đã không bỏ phiếu cho Trump và không bao giờ gọi bản thân là kẻ kỳ thị chủng tộc, nhìn thấy chính mình trong đó và co rúm lại: không phải là những kẻ trực tiếp làm ác, nhưng là những kẻ đứng làm thinh khi tội ác diễn ra.

Tôi đang hy vọng sự tỉnh ngộ về những tác động sự kỳ thị theo quán tính sẽ đi xa hơn vấn đề bạo lực cảnh sát. Người da trắng năm 2020 không hô hào như George Wallace “Tách ly [chủng tộc] mãi mãi!” nhưng họ là những bậc cha mẹ đã cẩn trọng qua nhiều thế hệ để tránh gửi con tới những trường học có quá nhiều trẻ da màu. Họ có thể đã không chủ động ngăn cấm người Da Đen khỏi những khu dân cư của họ bằng những thỏa thuận (chính sách) hạn chế, nhưng nhiều khu dân cư người da trắng mà họ đang sinh sống là di sản của những thỏa thuận này.

Sự bất bình đẳng chủng tộc hiện diện khắp mọi mặt xã hội, và những cuộc biểu tình như một lời tự thú của người da trắng, những người đã e ngại phải thừa nhận điều đó cho đến bây giờ. Họ bỗng nhiên vượt qua được nỗi sợ bị đổ lỗi, họ thấy được rằng sự áp bức lên người Da Đen cũng chẳng tốt đẹp gì cho họ. Họ cũng bị cảnh sát xịt hơi cay và bị hành hung. Có ai quên được cảnh người đàn ông da trắng 75 tuổi ở Buffalo bị xô ngã bởi một cảnh sát và nằm bất tỉnh, máu chảy ra từ vết thương ở đầu, trong khi các cảnh sát khác đi vòng qua ông?

Tôi biết chúng ta nên cảnh giác. Và sẽ có đôi chút khó chịu khi chứng kiến sự bất công chủng tộc mà người Da Đen đã luôn chung sống và đấu tranh chống lại bỗng nhiên trở nên hợp thời khắp nơi chỉ vì người da trắng nhận ra điều đó. Nhưng chúng ta cũng luôn biết rằng để công lý có thể lên ngôi ở đất nước này, chúng ta cần tất cả mọi người phải đồng lòng, đặc biệt là những người nắm quyền.

Điều then chốt cần phải lưu ý là sự lên án kỳ thị chủng tộc của những đám đông người da trắng là dấu hiệu rất tốt cho thấy chủ nghĩa bộ lạc da trắng, bản khế ước xã hội nguyên thủy của đất nước này đã tồn tại hàng trăm năm, cuối cùng cũng đã rạn nứt. Với người Da Đen cung cấp thông tin về bối cảnh đạo đức, người da trắng đang tự lên án chính họ, tách bạch người kỳ thị và người không kỳ thị, chọn lựa xem họ sẽ đứng về bên nào của ranh giới chủng tộc. Và đó là một sự thay đổi tốt đẹp.


Translated by Nhan Nguyen.

Edited by Khoa Le.

Comments


bottom of page