top of page

Vấn nạn cảnh sát giết hại trẻ em nhìn từ số liệu hiện có.


Những góc nhìn phóng đại có thể dẫn đến việc ban hành chính sách thiếu thấu đáo và gây nguy hại cho càng nhiều trẻ em.

By Conor Friedersdorf, on 01-05-2021, 13:00:00

Những góc nhìn phóng đại có thể dẫn đến việc ban hành chính sách thiếu thấu đáo và gây nguy hại cho càng nhiều trẻ em. Lực lượng hành pháp trở nên tàn độc nhất trong mắt một cộng đồng khi xuống tay với một đứa trẻ. Bất kể ở hoàn cảnh nào, chúng ta đều tiếc thương mất mát của ngày hôm nay và những ngày sau. Ta càng căm phẫn hơn khi hành động này được ghi lại trên video và cứ thế tiếp diễn. Gần đây nhất, hai vụ cảnh sát giết hại Adam Tolado, 13 tuổi, tại Chicago cuối tháng Ba và Ma'khia Bryant, 16 tuổi, tháng trước tại Columbus, Ohio đã tạo ra các cuộc biểu tình cũng như làn sóng phản đối dữ dội trên mạng xã hội. Cái chết của Tamir Rice vào năm 2014 ở tuổi 12 tại Cleveland đã trở thành một cột mốc của phong trào Black Lives Matter. Tất cả những vụ án này đều bi kịch. Cả xã hội đặt câu hỏi rằng người lớn đã có thể làm gì để ngăn chặn chúng. Nhưng những gì báo chí đã cung cấp đều thiếu điểm mấu chốt để đưa ra câu trả lời thỏa đáng. Nhiều người Mỹ đã hiểu sai vấn đề - và cứ thế tin vào góc nhìn lệch lạc về bản chất như cảnh sát Mỹ săn lùng và giết hại trẻ em da đen, hoặc những giải pháp thiếu thực tế như cắt trợ cấp hoặc xóa sổ lực lượng này dưới danh nghĩa bảo vệ trẻ em. Những giải pháp sơ sẩy có thể dẫn đến cái chết của nhiều trẻ em vì nguyên nhân khác hơn là do cảnh sát giết hại. Việc cảnh sát ra tay với các em nhỏ gần như không xuất hiện ở những nền dân chủ khác. Đây mới nên là mục tiêu của nước Mỹ. Để đạt tới điều này mà không gặp phải những rủi ro lớn khó lường, những nghi ngờ đang tồn tại về hiện tượng giết hại trẻ em trong lực lượng hành pháp phải được kiểm chứng bởi số liệu. Các tính toán này không sẵn có, nhưng đủ để các đảng phái biết được thực tế đang diễn ra. Một trong những nguồn đáng tin nhất là dữ liệu của tờ The Washington Post về tất cả các vụ xả súng do cảnh sát gây ra từ đầu năm 2015. Trong quãng thời gian này, cảnh sát đã giết hại 6241 người. Truyền thông có thể khiến ta tin rằng trong số đó có rất nhiều trẻ em. Tuy vậy, theo tờ báo, từ năm 2015 cảnh sát đã bắn chết 112 trẻ em - chiếm khoảng 2% số lượng nạn nhân. Các dữ liệu khác cho thấy nòng súng của cảnh sát không nằm trong danh sách những nguyên do hàng đầu dẫn tới cái chết đối của con trẻ, kể cả khi không tính tới các vấn đề về sức khỏe như ung thư. Năm 2016, số liệu cụ thể gần đây nhất mà tác giả tìm được, 16 trẻ đã bị bắn và giết hại bởi cảnh sát. Dưới đây là một số nguyên nhân gây tử vong cho người dưới 18 tuổi:

  • Tai nạn giao thông: 4074

  • Mưu sát bằng súng: 1865

  • Tự vẫn do gây ngạt: 1110

  • Tự vẫn bằng súng: 1102

  • Đuối nước: 995

  • Dùng thuốc quá liều hay ngộ độc: 982

  • Cháy hoặc bỏng: 340

  • Tai nạn do súng: 126

Tác giả đưa ra số liệu này không nhằm hạ thấp tầm quan trọng của việc lên án hành động của cảnh sát - hay hiện tượng sang chấn mà nó để lại - mà là để nhấn mạnh việc cần nhắc tới vấn đề này mà không cố tình kéo theo số lượng tử vong do những nguyên nhân khác như mưu sát bằng súng hay tai nạn giao thông, có thể bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi trong chính sách trị an. Sau cái chết của Ma’Khia Bryant, rất nhiều những tài khoản Twitter có tiếng nói đã lên tiếng hoặc đẩy mạnh việc yêu cầu giải thể bộ máy hành pháp. Một bình luận như vậy đến từ nhà hoạt động và cựu ứng cử viên cho chức Phó tổng thống từ Đảng xanh Rosa Clemente, “Cảnh sát chính là mối nguy hại đang hiện hữu. Họ đang giết hại con em chúng ta… Tổng thống và Phó đổng thống cần ban bố tình trạng khẩn cấp và đưa toàn bộ lực lượng này đi khỏi mọi cộng đồng DA ĐEN VÀ NÂU ngay lập tức!!!” Những mối quan hệ giữa quy mô của một đơn vị cảnh sát, hoạt động của họ, hành động cảnh sát giết người so với dân thường vẫn được đem ra để tranh cãi. Nhưng giả thuyết loại bỏ hoàn toàn cảnh sát khỏi khu vực có dân cư người da đen và nâu để giảm thiểu tối đa số ca tử vong của trẻ em do lực lượng này gây ra, trong khi chính sự vắng mặt của họ và việc bỏ điều tra vụ án đẩy tỉ lệ các án mạng liên quan tới trẻ em lên 5% - theo tôi chính là một ước tính mang tính bảo thủ. Việc này sẽ, như năm 2016, giảm được 16 vụ giết hại trẻ bởi cảnh sát và tăng số vụ do dân thường gây ra lên 93. Theo tính toán, 77 em nhỏ nữa sẽ thiệt mạng. Dù bỏ được khả năng cảnh sát giết người thì chỉ cần số vụ dân thường gây án mạng tăng lên 1%, vẫn sẽ có nhiều trẻ em phải chết. Hiểu biết về hiện tượng này ở mức độ trung bình cũng có thể thiếu sót cả ở những mảng khác. Truyền thông thường ém nhẹm một yếu tố quan trọng: sự xuất hiện của vũ khí hoặc các vật có hình dạng tương tự. Trong số 112 em nhỏ bị bắn chết bởi cảnh sát từ năm 2015, theo tờ Post, 54 em có súng và 17 em có dao. 12 em có súng đồ chơi. 5 em được ghi nhận đã sử dụng ô-tô làm vũ khí. 6 em có các loại vũ khí “khác”, và 15 không có gì trong tay. (Nếu một đứa trẻ có nhiều hơn một vũ khí, một vụ có thể được xếp vào nhiều hơn một mục. Ở một số vụ, tờ Post không kiểm chứng được rằng có phương tiện tấn công nào hay không.) Việc một đứa trẻ được trang bị vũ khí, hay bị nhầm tưởng là đang có, chưa chắc đã bào chữa được cho việc thi hành công vụ bóp cò, nhưng yếu tố này thường ảnh hưởng tới cách người đó phản ứng và thay đổi suy nghĩ về cách chúng ta phòng ngừa những trường hợp tương tự trong tương lai. Ví dụ, việc hạn chế trẻ tiếp xúc với súng đạn có thể ngăn chặn việc cảnh sát giết hại chúng. Cảnh sát cũng nên được huấn luyện để nhận biết được súng đồ chơi tại hiện trường, và cả phụ huynh lẫn trẻ cần được giáo dục về hiểm họa khi nhầm lẫn súng giả với súng thật. (Thực tế, bên cạnh những vụ án với trẻ em bị giết vì súng đồ chơi từ năm 2015, hơn 200 người lớn cùng thời điểm đó đã bị hạ bởi cảnh sát vì có súng giả trong người.) Người Mỹ đã đưa ra nhiều ý kiến trái chiều về việc các nhà lập pháp dành bao nhiêu sự chú ý cho hiện trạng giết hại trẻ em, khác biệt về đảng phái và tư tưởng hẳn nhiên có ảnh hưởng tới lối tiếp cận của họ. Tuy vậy, tôi ngờ rằng yếu tố địa lí cũng góp phần vào mức độ thường xuyên của những thảm kịch này. Theo số liệu của tờ Post, ba bang với tỉ lệ trẻ em tử vong cao nhất bởi cảnh sát có dân số lớn nhất: Từ năm 2015, 16 em bị bắn hạ tại California, 12 tại Texas và 10 ở Florida. Bảy em bị giết tại Illionois, 6 tại Arizona, 6 tại Ohio và 4 lần lượt ở Arkansas, Colorado và Oklahoma. Tuy nhiên, đây không phải là một vấn nạn phổ biến. Kho dữ liệu của tờ Washington Post cho thấy, trong nhiều khu vực pháp quyền, kể từ năm 2015, không có vụ cảnh sát giết hại trẻ em nào. Điều này đúng với những nơi có nhiều trung tâm đô thị đông dân và có lượng lớn dân cư người Mỹ da đen - bao gồm Kentucky, Massachusetts, New Jersey, North Carolina, Tennessee, và Rhode Island cũng như Washington, D.C. Các bang vùng nông thôn như Montana, Nebraska, North Dakota, South Dakota, Vermont, West Virginia, và Wyoming cũng tương tự. Cha mẹ nên bắt đầu dạy con về vấn nạn cảnh sát giết hại [dân thường] ở độ tuổi nào? Tôi nghĩ đến câu hỏi này trong bài báo tôi viết gần đây liên quan tới chương trình giảng dạy về chủ đề này dành cho các bé mẫu giáo. Khi tôi hỏi rằng như vậy có phải là nhỏ quá không, một số nhà giáo dục lý luận rằng trẻ em da đen cần phải được dạy về vấn nạn cảnh sát giết hại [dân thường] vì lý do sinh tồn của các em. Theo thống kê trẻ em bị cảnh sát bắn và giết tại Hoa Kỳ, sự chênh lệch lớn trong khác biệt chủng tộc giữa các nạn nhân rất đáng bận tâm. Trong những vụ việc tương tự từ năm 2015, tờ Post ghi chép lại 42 trong số trẻ em bị giết là người da đen, 35 là da trắng, 28 là gốc Hispanic/Mỹ Latin, và 5 được phân loại “khác”. (Sư chênh lệch giữa giới tính còn rõ rệt hơn nữa: 103 nam, 9 nữ.) Nhưng, dữ liệu cho thấy trẻ em 5, 6 tuổi, dù là thuộc chủng tộc hay giới tính nào, không nhất thiết phải được dạy về vấn nạn cảnh sát giết hại để tự vệ. Trong số 112 trẻ vị thành niên bị cảnh sát bắn và giết từ năm 2015, hầu hết đều ở độ tuổi thiếu niên: có 55 em 17 tuổi, 34 em 16 tuổi, 15 em 15 tuổi, 3 em 14 tuổi, và 2 em 13 tuổi. Một vài nghiên cứu chỉ ra cảnh sát không chỉ có khuynh hướng xem các thiếu niên da đen là người trưởng thành, mà nam giới da đen nhìn chung còn bị xem là mối đe dọa thể lực nhiều hơn so với nam giới da trắng. Dựa trên mối tương quan nọ, tôi đoán là dạy cho thanh thiếu niên cách hành xử xung quanh cảnh sát là có lý, tuy rằng thống kê cũng cho thấy các em phải đương đầu với nhiều mối đe dọa nghiêm trọng hơn. Một số phụ huynh - đặc biệt là phụ huynh người da màu - chỉ đơn giản là muốn con trẻ biết được thế giới này có định kiến chủng tộc, và rằng những cuộc chạm trán với cảnh sát có thể nhanh chóng dẫn đến bạo lực. Tuy nhiên, những bài học này có nguy cơ hù dọa trẻ em không cần thiết, đặc biệt là trẻ em nhỏ. 3 đứa trẻ dưới 13 tuổi đã bị cảnh sát bắn chết từ năm 2015. Cả 3 là người da trắng, và không có gì từ 3 vụ án cho thấy các em sẽ sống sót dù có được dạy qua về nạn cảnh sát giết hại. Các em có thể đã sống sót nếu cảnh sát được huấn luyện làm việc một cách có trách nhiệm hơn. Ciara Meyer được 12 tuổi khi một viên cảnh sát đến nhà cô bé tại Hạt Perry, Pennsylvania. Vì cha cô bé chĩa súng săn vào viên cảnh sát đến thi hành thông báo thu hồi nhà, viên cảnh sát đã nổ súng bắn người cha, nhưng viên đạn xuyên qua cánh tay ông ta và trúng cô bé, giết chết em. Hai đứa trẻ còn lại thuộc độ tuổi mẫu giáo. Kameron Prescott, 6 tuổi, lúc đó đang chơi với gia đình ở Hạt Bexar, Texas, khi một kẻ bị buộc tội gian lận thẻ tín dụng chạy trốn vào căn nhà di động nơi cậu bé sống. Cảnh sát bao vây hiên nhà và bắn kẻ đào tẩu lúc ả chạy ra. Vô số viên đạn bắn xuyên tường nhà và trúng đứa trẻ bên trong. Jeremy Mardis, 6 tuổi, ngồi ghế hành khách. Ba cậu bé lúc đó đang lái xe chạy trốn cảnh sát tại Marksville, Louisiana. Các cảnh sát nổ súng, đạn lạc giết chết cậu bé. Tôi không biết đến một vụ án nào mà các bài học về cảnh sát giết người đã có thể cứu mạng một đứa trẻ tầm tuổi mẫu giáo. Nhiều người Mỹ cho rằng số lần cảnh sát giết trẻ em, hay nguy cơ đe dọa của cảnh sát đối với trẻ em là nhiều hơn thực tế, nhưng không có nghĩa là đây không phải là một vấn nạn tại Hoa Kỳ. Những vụ việc này có thể hi hữu, nhưng đồng thời cũng làm mất thể diện quốc gia. Ở Anh và Wales, nơi có khoảng 60 triệu người, trung bình mỗi năm cảnh sát giết ít hơn 3 người. Nhân con số đó lên gấp 5, 6 lần để có tỉ lệ thuận với dân số Mỹ, và chúng ta có được ước tính cho số trẻ em mà cảnh sát Hoa Kỳ giết mỗi năm. Đáng tiếc thay, các cuộc thảo luận về vấn nạn cảnh sát giết hại trẻ em gần như chỉ tập trung vào việc cảnh sát đã có thể hành động khác đi. Còn nhiều yếu tố khác trong sinh hoạt Mỹ cũng góp phần tiếp tay cho các bi kịch này. Nhiều nạn nhân vị thành niên của cảnh sát từ năm 2015 có sở hữu súng, trong khi ở Anh và Wales, dân thường không thể dễ dàng tìm đến súng ống, có thể hiểu tại sao cảnh sát của họ ít nổ súng hơn nhiều. Chúng ta cần có thêm thông tin hữu ích từ bối cảnh xảy ra trước khi cảnh sát tới hiện trường. Để giảm thiểu số án mạng do cảnh sát gây ra, cá nhân tôi ủng hộ nhiều dự án cải cách cảnh sát triệt để, bao gồm thành lập một cơ quan chính phủ chuyên điều tra án mạng do cảnh sát gây ra trên tinh thần phòng chống; đề ra các chính sách sử dụng vũ lực nghiêm ngặt hơn cho cảnh sát; kết thúc việc đột kích nhà dân và bắt dừng xe vô tội vạ; triển khai nhân viên công tác xã hội đi giúp đỡ người vô gia cư hoặc có bệnh tâm lý; và hơn thế nữa. Đây là các giải pháp có khả năng cứu mạng trẻ em và góp phần khôi phục lại niềm tin ở cảnh sát. Trong khi đó, cái giá của việc thổi phồng hay hiểu sai về tính chất của vấn nạn cảnh sát giết hại trẻ em là rất lớn: nó gây tổn thương đến cộng đồng nhiều hơn sự thật, nó còn gièm pha cảnh sát một cách thiếu công tâm và khiến người ta đi sai hướng. Ví dụ, tác giả Mikel Jollett gần đây nói với 299,000 người theo dõi Twitter của ông, “Tôi thỉnh thoảng tự hỏi không biết những người da trắng nói câu, ”Đeo khẩu trang là phát xít,: sẽ nghĩ gì về việc cảnh sát tùy ý giết con họ." Hoa Kỳ có hơn 650,000 cảnh sát viên chính thức. Cứ cho là nói quá thì “cảnh sát tùy ý giết con họ” không phản ánh thích đáng tình huống nhiều bang không có cái chết nào và có ít hơn 20 cái chết mỗi năm trên toàn quốc. Cụm từ này không phản ánh được thực tế rằng trẻ vị thành niên trong các vụ việc này có ít nhiều trang bị vụ khí Nói về vụ án Ma'Khia Bryant, Valerie Jarrett, trợ lý cấp cao lâu năm của cựu Tổng thống Barack Obama, viết trên Twitter, “Một cô bé da đen vị thành niên tên Ma'Khia Bryant bị giết vì cảnh sát ngay lập tức bắn cô bé nhiều phát để ngăn một cuộc ẩu đả bằng dao. Chúng ta phải đòi hỏi trách nhiệm. Chiến đấu vì công lý.” Cụm từ ẩu đả bằng dao khiến người đọc liên tưởng đến hình ảnh 2 đối tượng hiếu chiến với trang bị ngang ngửa nhau, không phải hình ảnh một thiếu nữ bình tĩnh lấy dao đâm một thiếu nữ tay không khác. Chúng ta có thể tiếc thương cho cái chết bi kịch của Bryant mà không xúc phạm đến một cảnh sát, người chỉ có một vài giây để phản ứng và nhiều khả năng đã cứu mạng sống của một trẻ vị thành niên người da đen. Nếu chúng ta trừng trị cảnh sát vì đã ngăn chặn một cuộc tấn công chết người - một trường hợp cho phép dùng vũ lực - chúng ta nên thông báo cho họ biết về tiêu chuẩn mới. Nhưng liệu số đông của bất kỳ cộng đồng nào sẽ ủng hộ cho sự thay đổi lớn thế này? Chúng ta quyết không bao giờ thờ ơ với việc giết hại trẻ em. Và không có gì đáng xấu hổ khi ta có phản ứng đầy cảm tính với các vụ việc kiểu này. Nhưng chúng ta không nên dựa theo những phản ứng cảm tính nhất thời để quyết định giải pháp xã hội. Hãy dựa trên các thông số để thấy được toàn cảnh vấn đề làm thể nào để bảo vệ trẻ em khỏi bị giết.


Người dịch: Phuong Dang & Quyen Tran

Biên tập: Chau Tran


Comments


bottom of page