Translated from pitchfork's article The Latest TikTok Trend Is… Vietnamese Music About the Countryside?
Hàng loạt bản nhạc Việt đã trở nên phổ biến toàn cầu trên TikTok, nhưng bản hit gây ngạc nhiên nhất với giới trẻ Mỹ là một bài hát có giai điệu réo rắt mà thường được xem là “nhạc ngày xưa."
By Cat Zhang, on 04-08-2021, 13:00:00
Hàng loạt bản nhạc Việt đã trở nên phổ biến toàn cầu trên TikTok, nhưng bản hit gây ngạc nhiên nhất với giới trẻ Mỹ là một bài hát có giai điệu réo rắt mà thường được xem là “nhạc ngày xưa."
Trong TikTok Report, chúng tôi đánh giá những bài hay, bài dở và những bài thật sự kỳ dị lan truyền khắp nền tảng này qua vũ đạo và hình chế (memes).
Từ nhiều năm nay, rapper Tyga chỉ tồn tại trong đầu tôi với hình ảnh người đàn ông từng rap rằng “Rack, rack city bitch/Ten ten ten twenties on yo titties, bitch.” Vậy nên khi tôi phát hiện anh ta đã góp mặt trong “2 Phút Hơn”, một bài nhạc Việt của rapper Pháo và phối lại bởi DJ/nhà sản xuất KAIZ, phản ứng của tôi ít nhiều kiểu “Huh?” Sau đó tôi nhớ ra Tyga mang một nửa dòng máu Việt, và anh xuất hiện trong các bản hit TikTok với sự bất cần của một người uống 4 ly Frosés về đêm. Dĩ nhiên anh ta sẽ tận dụng “2 Phút Hơn”, một bản hit toàn cầu đã trở nên nổi tiếng qua video của nhân vật anime Zero Two lắc hông theo từng nhịp như thôi miên.
“2 Phút Hơn” là một trong nhiều bài nhạc Việt đã lan tràn vào TikTok quốc tế gần đây; một bài khác của Hoàng Read là “The Magic Bomb” mix, ban đầu nổi trên ứng dụng này nhờ “vũ điệu chặt thịt” từ tiếng beat đập liên tục của bài. (Cả hai đều được phát hành bơi hãng nhạc nhảy Hà Lan Spinnin' Records, và phía A&R bên này đã nói với tôi rằng họ đang “quan sát Việt Nam một cách tích cực những ngày gần đây.”) Đa số các bài này là điển hình của vinahouse, một biến thể của EDM mà chủ yếu là remix, mang đầy năng lượng tương tự như Eurodance, những bài không thể không có mặt tại các club Việt Nam. Nhưng bài hit gây bão gây bất ngờ nhất thì không phải một thứ gì gây kích động sàn nhảy như một liều sốc caffeine. Đó là một bài hát réo rắt kiểu ngày xưa, viết theo kiểu tự sự và mang âm sắc Á Đông truyền thống.
Trong bài “Dưới Quê Vui Hơn”, một cô gái từ vùng quê nhỏ đến Sài Gòn vài ngày, cảm thấy choáng ngợp vì sự nô nức và nhộn nhịp của thành phố. “Chào anh em là, em là con gái miền Tây”, cô gái tự giới thiệu mình, trước khi tiếng đàn nhị, một nhạc cụ hai dây, vang lên với giai điệu khắc khoải lặp đi lặp lại. ("miền Tây" ở đây để chỉ vùng Đồng bằng Sông Cửu Long ở miền Nam Việt Nam, phía tây Sài Gòn.) Cuối cùng cô khẳng định cuộc sống thôn quê vui hơn, mải miết trên những cánh đồng xanh và thơm mùi lúa.
Bài hát được đăng tải lên TikTok vào tháng Năm 2020 bởi một người dùng duyên dáng hài hước ở Việt Nam, với những video nhòe và chất lượng thấp - ít nhất là trước khi anh để chúng ở chế độ riêng tư - trong đó anh đang hát nhép và nhìn vào xa xăm; những video này hiếm khi đạt vài chục views. Chính xác làm sao bài “Dưới Quê Vui Hơn” cất cánh từ đó thì vẫn chưa được biết rõ. Hiện tại, hơn 150.000 TikToks đã được tạo với bài hát này - nhiều video trong số đó là những bạn tuổi teen người Mỹ gốc Việt đại diện cho nguồn gốc của mình, tuy cũng có nhiều người không phải gốc Việt cũng bị lôi cuốn. Thêm 61,000 video đã được tạo theo bản rap remix, mà chủ yếu là được đón nhận ở Việt Nam.
Không có nguồn tin nào tôi tìm được - từ Trinh, thiếu niên ở SoCal giới thiệu “nhạc Việt xưa/vàng” tương tự trên TikTok tới Hien Pham, giám đốc âm nhạc của một trong những club nổi nhất ở Hà Nội-từng nghe “Dưới Quê Vui Hơn” trước sự bùng nổ của mạng xã hội. Có lẽ bởi vì nó được phát hành năm 2016 bởi một ca sĩ ít người biết tên Lương Khánh Vy, mà tiểu sử thưa thớt của cô trên nền tảng nghe nhạc trực tuyến Việt Nam Zing MP3 nói rằng cô là trợ lý giám đốc của một công ty mỹ phẩm gia đình. Cho đến rất gần đây, bài hát còn không có mặt ở Spotify hay Apple Music; giờ nó chỉ đơn giản được biết đến là “Con Gái Miền Tây”. Có người ở Việt Nam đã đăng tải nó lên tài khoản Youtube vào tháng 8 năm 2020; vài tháng sau, khi ca khúc gây bão, một người Mỹ gốc Việt tên Daniel tìm thấy phiên bản này và đăng tải lại ca khúc lên Youtube dưới một tiêu đề dễ tìm kiếm hơn "Nhạc TikTok Việt Nam”, bao gồm cả lời dịch tiếng Anh. “Bài hát quá là đỉnh, tôi phải đưa nó lên sân khấu lớn hơn,” anh ta nói với tôi. Video của anh được làm cho những người không biết tiếng Việt, anh nói “và cho cả những người như tôi, thích R&B và không biết gì về loại nhạc dân gian này.”
Mặc dù ít người biết đến, “Dưới Quê Vui Hơn” đạt được sự phổ biến bao trùm: một vài người dùng TikTok còn nhấn mạnh sự hài hước của bài hát như thế này trở nên nổi tiếng với thế hệ Gen Z của Mỹ, rằng bài này sẽ bị chế giễu bởi giới trẻ Việt Nam là “nhạc ông bà già”. Thế hệ trẻ tại Việt Nam có xu hướng thích K-Pop, những bài hit của Mỹ và nhạc Việt hiện đại và hip hop, hơn là bất kì thứ gì với nhạc cụ có âm sắc truyền thống. “Em họ ở Việt Nam đến ở với tôi, và tôi nghe ”Dưới Quê Vui Hơn" trên điện thoại của nó," Van Tran Nguyen, học giả và họa sĩ đa phương tiện, cô đang viết luận văn dựa trên nhạc Việt và kí ức. “Tôi thành thật tưởng đây là một dạng châm biếm.”
Nguyen nói rằng “Dưới Quê Vui Hơn” nghe hợp với sân khấu của Paris By Night, một chương trình tạp kĩ nhạc kịch được yêu mến bởi cộng đồng Việt Nam hải ngoại - và một cái tên được nhắc đến nhiều ở phần bình luận của những video TikTok dùng bài hát này. Chương trình truyền hình hoành tráng này được bắt đầu vào thập niên 80 bởi một người tị nạn ở Paris nhưng dần dần chuyển sang hoạt động ở Quận Cam, nơi có dân số người Việt lớn nhất bên ngoài Việt Nam. Chương trình này thỏa mãn một nhu cầu thiết yếu: Sau sự sụp đổ của Sài Gòn năm 1975, chính phủ Cộng sản mới cấm sóng nhạc miền Nam cũ, những bài thường chậm rãi và sướt mướt, nói bằng những ngôn ngữ đơn giản về cuộc sống: tình yêu, chiến tranh, nỗi buồn. Nhiều nghệ sĩ rời bỏ Việt Nam, tạo dựng cộng đồng văn hóa riêng thường mang tính hoài niệm về một quê hương thanh bình, trước chiến tranh. “Họ không tìm cách để cải tiến,” nhà âm nhạc dân tộc học Adelaida Reyes từng nói về những cuộc đày ải của người Việt, “Cái họ cố gắng làm là bảo tồn ngôn ngữ âm nhạc của một Việt Nam mà họ tiếp tục lý tưởng hóa.”
Một trong những đặt điểm nổi bật của “Dưới Quê Vui Hơn”, theo nhà nghiên cứu âm nhạc Việt nam Jason Gibbs, là Lương Khánh Vy hát theo giọng miền Nam, trong khi âm nhạc hiện đại thường được hát với chất giọng miền Bắc. Nhưng nói chung, bài hát này rất bình thường, kết hợp các yếu tố từ các bài nhạc Việt Nam khác: hát bè, tiếng organ bắt chước tiếng gảy đàn tranh và các yếu tố giai điệu gợi nét cải lương, một dạng nhạc kịch dân gian đương đại của miền Nam.
Với những thính giả trẻ, ít trải nghiệm, sức hút của “Dưới Quê Vui Hơn” có lẽ là nét dân dã của nó, là trải nghiệm được bước vào một di sản của văn hóa nào đó; Cộng đồng TikTok sẽ ngấu nghiến bất kì video nào có các bạn thiếu niên hát những bài xưa cũ cùng cha mẹ, vốn là những người nhập cư. Nhưng bài hát này thì sôi động hơn và đương đại hơn nhạc dân gian truyền thống khi có nhạc điện tử và âm thanh nhịp nền. “Đó là một sự giao thoa tuyệt vời giữa thứ âm nhạc lớn lên cùng người Mỹ gốc Việt và âm nhạc hiện tại - một chút pop, nhưng đầy hoài niệm,” Nguyen nói. Thêm vào đó, cách hát hơi đưa đẩy của Lương Khánh Vy - thể hiện sự ngây thơ của con gái miền quê - hợp với phong cách hát nhép có chút phần khêu gợi theo xu hướng TikTok.
Hầu hết những học giả tôi gặp thường đặt sự nổi bật của “Dưới Quê Vui Hơn” trong bối cảnh tầng lớp trung lưu Việt Nam nở rộ, và đô thị hóa dẫn đến sự di cư từ nông thôn sang thành thị. “Kể cả trước năm 1975, đã có những bài hát về chủ đề này - vùng quê trong lành, trong khi các thành phố như Sài Gòn có thể tráng lệ, nhưng đầy cám dỗ khiến người ta đánh mất sự trong sáng của mình,” theo tiến sĩ Tuan Hoang, một giáo sư tại Pepperdine. Để so sánh, ông lấy ví dụ về cô thôn nữ và hiện tượng nấu ăn trên mạng Lý Tử Thất, người có hơn 15 triệu lượt đăng ký trên Youtube. Các video về đồng quê của cô - có chim hót, núi non hữu tình và đồ ăn nhà làm - tạo ra một sự chậm rãi cho những ai mệt mỏi vì nhịp sống hối hả của đô thị. “Điều [Lương Khánh Vy] đang thể hiện là tại sao đồng quê lại tươi đẹp hơn so với đô thị - tôi nghĩ nó đại diện cho những gì xã hội đang trải qua khi quay lưng với chủ nghĩa tư bản - đặc biệt là trong năm qua cùng cơn đại dịch,” Daniel cho biết, đặt trong bối cảnh của xã hội Mỹ.
Có một nhân tố sâu xa khác ở đây: rằng “người châu Á”, theo Daniel, “đang ngày càng gây được sự chú ý hiện nay.” Dĩ nhiên, “văn hóa Á đông" được thấy ở trên mạng thường chỉ bị giới hạn ở góc nhìn hiện đại với những sản phẩm văn hóa được xây dựng cầu kỳ từ Nhật hoặc Nam Hàn: BTS, phim Hàn Quốc, anime. Nhưng có lẽ sự phổ biến hiện tại cũng có thể kích thích nhiều sự hứng thú về các nền văn hóa và tính thẩm mỹ của các quốc gia ngoài Đông Á. Hơn thế nữa, vì thuật toán TikTok lọc những video theo các thị hiếu khác nhau, ứng dụng cho phép người dùng Mỹ gốc Á bàn luận các khía cạnh đặc trưng của họ (và thỉnh thoảng là người ngoài cuộc), tương tự như nhóm Facebook Subtle Asian Traits (Những điều châu Á nhỏ nhặt) và nhiều nhánh nhỏ khác. (Cá nhân tôi đã xem các video giải thích chủ nghĩa techno Á đông, pha trò về tình cảm của các ông bố Việt Nam cho “Hotel California” và trêu chọc các phim dài tập Phillippines.) “Người Mỹ gốc Á đang ở một vị thế rất đặc biệt trong xã hội chúng ta nơi chúng ta thực sự hiểu được văn hóa Tây phương,” Daniel cho hay, “nhưng chúng ta cũng khao khát hiểu thêm về nền văn hóa châu Á nữa.”
Người dịch: Kim Pham
Biên tập Tung Nguyen
Comments