top of page

Ý kiến: Nước Mỹ không kỳ thị

Nếu muốn có một cuộc đối thoại quốc gia về điều này, chúng ta cần có một sự biện hộ đầy táo bạo và hăng say về các thành tích mà chúng ta đã chạm tới.


Ward Connerly, ngày 24 Tháng 7 Năm 2020

Translated from Wall Street Journal article America isn't a racist country

Tổng thống Lyndon Johnson trao cây bút mà ông đã dùng để ký Đạo luật quyền Bầu cử cho Martin Luther King Jr. tại Washington, ngày 6 tháng 8 năm 1965.

Hình: GETTY


George Floyd đã bị giết hại. Còn cách nào khác để diễn tả những gì họ đã làm với anh lúc anh bị còng tay, bị vật xuống đường, và bị đè bẹp bởi 4 người đàn ông, mà một trong số họ còn dùng đầu gối và đặt hết trọng lượng cơ thể lên cổ họng của anh trong khoảng 9 phút? Sau khi quy trình pháp lý đã được thông qua, sự trừng phạt phải nhanh chóng xảy đến với những người chịu trách nhiệm cho cái chết của anh.


Ấy vậy mà, tại Hoa Kỳ, một quốc gia ngày càng cố thử thách các giới hạn về sự văn minh, công lý cho Floyd và gia đình của anh chưa bao giờ là mục tiêu chính của những người xuống đường biểu tình. Thay vào đó, sự việc phản ánh những kẻ lợi dụng cơ hội để bám theo thời khắc nhằm tận dụng sự phân biệt chủng tộc, một diễn biến khó tin so với lịch sử chủng tộc ở Mỹ. Đối với những người nóng lòng muốn trở lại thời điểm khi chủng tộc từng là trọng tâm của các chính sách công, thời khắc đó đã đến.


Một số người nói rằng Hoa Kỳ cần có một cuộc đối thoại quốc gia về chủng tộc. Tôi e ngại rằng đó là một ý kiến không hay, nhưng một cuộc đối thoại như vậy thì không thể tránh khỏi và trong thực tế đã và đang xảy ra. Để chuẩn bị cho sự rèn luyện thậm chí còn căng thẳng hơn nhằm thử thách nền dân chủ Hoa Kỳ, lấy vấn đề chủng tộc làm chủ đạo, tôi có một vài yếu tố để hướng dẫn cuộc thảo luận này.


Trước tiên, chúng ta nên nhận thức rằng có một áp lực không thể chối cãi, trong cả tiếng nói và sự im lặng, để tạo sự chấp thuận mà không thách thức kiểu quan điểm phổ biến rằng Hoa Kỳ là một cái nồi đang sục sôi vì “sự phân biệt chủng tộc có hệ thống.” Chúng ta nên đáp lại bằng một sự biện hộ đầy táo bạo và hăng say về các thành tích đã chạm được về cách chúng ta đã giải quyết những vấn đề về chủng tộc.


Khi quyền bầu cử của nhiều công dân Mỹ vẫn còn bị trì hoãn vì màu da họ, đó mới là sự phân biệt chủng tộc có hệ thống. Khi mà học sinh và sinh viên Da Đen đã phải cần Lực lượng Vệ binh Quốc gia (National Guard) bảo hộ đến trường, khi những người lập pháp và chính sách tiểu bang trước đây còn tìm cách để duy trì sự phân biệt chủng tộc, đó mới là sự phân biệt chủng tộc có hệ thống. Khi mà người Mỹ Da Trắng và Da Đen đã bị cấm kết hôn, đó mới là sự phân biệt chủng tộc có hệ thống -- và là sự xâm phạm thô bạo đến quyền tự do cá nhân.


Lịch sử của chúng ta là bằng chứng tốt nhất để phản biện rằng Hoa Kỳ không phải là một quốc gia kỳ thị chủng tộc. Một quốc gia của người Da Trắng kỳ thị sẽ không bầu cử và tái cử một người đàn ông Da Đen lên làm tổng thống. Những người mà khẳng định rằng nước Mỹ kỳ thị chủng tộc, ở mức tối thiểu, cần ghi nhận sự kiện lịch sử này.


Điều gì đã đem chúng ta từ một quá khứ kỳ thị một cách không thể chối cãi đến chiến thắng cuộc bầu cử của Barack Obama? Tín ngưỡng Mỹ -- “Chúng tôi khẳng định những chân lý này là hiển nhiên, mọi người sinh ra đều bình đẳng” -- đã truyền cảm hứng cho bộ luật đằng sau các thay đổi trong cấu trúc pháp lý và xã hội để biến khát vọng đó thành hiện thực.


Chúng ta đang chứng kiến sự công kích từ tứ phương vào Hoa Kỳ, không chỉ vào quá khứ mà còn vào hiện tại và vào cả hoài bão cho tương lai của nó. Trong xã hội này, chúng ta đã trì trệ trong việc đối đáp với những người có nhiều đề xuất để thay đổi Hoa Kỳ. Chúng ta vẫn chưa đặt câu hỏi mà nên được hỏi từ lâu: Thay đổi từ cái gì sang cái gì? Câu trả lời này chắc có thể tìm được ở các tiểu bang được phủ xanh nhiều nhất (ám chỉ màu xanh của đảng Dân chủ) ở Hoa Kỳ -- bao gồm California và Washington -- nơi mà sự thay đổi đó đang nở rộ.


Luận điểm hoạt động của một bộ phận lãnh đạo không nhỏ ở các tiểu bang này là Hoa Kỳ là một quốc gia phân biệt chủng tộc, được cai trị bởi một nhóm đàn ông Da Trắng thượng đẳng, những người tận dụng sự bình đẳng giả vờ để duy trì vị thế vượt trội của họ. Khi được yêu cầu bằng chứng để biện minh cho sự hiện diện của “chủ nghĩa Da Trắng thượng đẳng,” thì câu trả lời duy nhất tôi thường nhận là, “Nhìn xung quanh đi.” Họ khẳng định điều giả dối này là hiển nhiên. Ông tôi đã sinh ra trong kiếp nô lệ vào đầu thế kỷ 19. Cha tôi thì sinh vào cuối thế kỷ đó và ông đã sống qua thời đại Jim Crow (Jim Crow là tên chung cho một loạt các luật pháp địa phương ở Mỹ có tính kỳ thị và phân biệt chủng tộc với người Da Đen, phổ biến vào giữa thế kỷ 20). Tôi sinh vào năm 1939, nhưng chỉ trở thành người Mỹ cách trọn vẹn sau sinh nhật năm 25 tuổi, khi Đạo luật Dân quyền năm 1964 được thông qua. Tôi giờ có thể tận hưởng thành quả của sự tự do Mỹ cùng với bình đẳng về cơ hội như mọi người Mỹ khác. Trải nghiệm này củng cố niềm tin và sự lạc quan của tôi trong sự tiến bộ về việc xây dựng một liên bang thêm hoàn hảo hơn.


Khi đất nước chúng ta đang dỡ bỏ luật Jim Crow, những nỗ lực gấp rút để tiến hành sự hội nhập của người Mỹ Da Đen đã được thúc đẩy. Năm 1961, Tổng thống John F. Kennedy đã ban hành Sắc lệnh 10925. Sắc lệnh này đã sử dụng thuật ngữ “hành động khẳng định” (affirmative action) lần đầu tiên. Nó đã chỉ thị các nhà thầu liên bang thực hiện “hành động khẳng định để đảm bảo rằng những người xin việc sẽ được đối xử một cách bình đẳng mà không bị gạt bỏ vì chủng tộc, màu da, tôn giáo, giới tính hoặc quốc tịch của họ”


Năm 1965, Tổng thống Lyndon B. Johnson đã ra sắc lệnh 11246. Sắc lệnh này đã chuyển trọng tâm của hành động khẳng định (affirmative action) từ không phân biệt đối xử “bất kể đến” chủng tộc nào, trở thành tìm kiếm “kết quả" dựa trên chủng tộc. Sau 55 năm, hành động khẳng định vẫn tiếp diễn, mặc dù tính hợp pháp của nó luôn bị chất vấn. Nhiều người nghĩ nó là đặc quyền xứng đáng cho người thiểu số, người khác lại nghĩ nó là một sự công kích đến quyền bình đẳng và không còn hữu ích trong xã hội Mỹ. Bởi nếu hành động khẳng định đã được tạo ra qua một sắc lệnh, nó cũng có thể bị chấm dứt bơi một sắc lệnh khác. Những hoàn cảnh phân biệt chủng tộc vào những năm 1965, khi Sắc Lệnh 11246 thật sự cần thiết, đã không còn hiện diện sau nửa thế kỷ. Tuyên bố rằng nước Mỹ “kỳ thị có hệ thống" là một kịch bản dối trá, không làm được gì bổ ích ngoài việc tiếp nhiên liệu cho những hoang tưởng về chủng tộc, chia rẽ, và sự ganh ghét. Nếu chúng ta có thể nhận định các cơ quan hay thể chế hay cá nhân nào bên trong mà thật sự có kỳ thị, chúng ta nên đối mặt với họ. Nếu không, sẽ không có lợi ích gì nếu chúng ta cứ để các giả định sai quấy về sự kỳ thị dẫn dắt cách ta hành xử.


Vào năm 1996, cử tri California đã phê duyệt sự khởi xướng đến từ người dân tiểu bang. Dự luật 209 (Proposition 209) đã thêm thắt các chữ như sau vào hiến pháp của California: “Tiểu bang này không được phép phân biệt, hoặc có hành vi ưu ái đến, bất kỳ cá nhân hay nhóm người nào dựa trên cơ sở về chủng tộc, giới tính, màu da, sắc tộc hoặc nguồn gốc, trong bối cảnh vận hành của công vụ, trường công lập hoặc hợp đồng công.” Trong vài tháng vừa qua , đã có nhiều sự chú ý đến việc phá huỷ các tượng đài lịch sử, trong khi có quá ít sự chú trọng vào các hành động từ cơ quan lập pháp California để xóa bỏ Dự luật 209 (Proposition 209) khỏi Hiến pháp California, nhằm bãi bỏ luân lý của sự bình đẳng vốn có của nó.


Là một người từng lớn lên ở Louisiana khi nó còn bị phân tách theo chủng tộc, tôi có thể làm chứng cho ý nghĩa quan trọng của luân lý cho sự bình đẳng. Sự bình đẳng đó tạo cho mỗi công dân một cảm xúc thiết yếu rằng xã hội này thuộc về họ. Với tôi, sự bình đẳng đồng nghĩa với quyền được tự do tìm kiếm hạnh phúc theo mong ước của mình. Ông Martin Luther King Jr. đã từng bày tỏ cái mong muốn này: “Tự do là đây! Tự do là đây!” Ông ấy hân hoan không chỉ vì ông đã ruồng bỏ những xiềng xích của kiếp nô lệ-- bất bình đẳng trong các trường học, pháp lý tiêu chuẩn kép và sự bất bình đẳng trong mọi nẻo đường cuộc sống. Ông đã vui mừng vì đã chạm được quyền tự do (liberty).


Tôi tin rằng cách mà nước Mỹ giải quyết những vấn đề liên quan đến “affirmative action” và trấn an cộng đồng sẽ định nghĩa mối quan hệ đầy căng thẳng giữa cộng đồng Da Đen và xã hội vĩ mô cho nhiều thế hệ phía trước. Thế nhưng, những tiến triển hiện tại của đất nước này không được khả quan cho lắm.


Ông Connerly là chủ toạ của tổ chức phi lợi nhuận Californians for Equal Rights (Người Dân California cho Quyền Bình Đẳng).


Translated/Edited by Tegan Tran and Cookie Duong

Comments


bottom of page