top of page

Chia sẻ của nhà văn Helen Hoàng về chứng tự kỷ, tình dục và sự giải thoát

Updated: Sep 9, 2021

Vào mùa hè này trên chương trình Code Switch, chúng tôi cùng trò chuyện với vài nhà văn ưa chuộng về những cuốn sách có các góc cạnh về sự tự do khác nhau.


By Alyssa Jeong PERRY, on 30-07-2021, 20:30:00

Vào mùa hè này trên chương trình Code Switch, chúng tôi cùng trò chuyện với vài nhà văn ưa chuộng về những cuốn sách có các góc cạnh về sự tự do khác nhau. Vào tuần trước, nhà văn Sandra Cisnero đã tham gia để chia sẻ về căn nhà mơ ước của cô. Và hôm nay, chúng tôi xin mời một nhà văn chuyên viết chuyện tình lãng mạn Helen Hoàng. Trong lúc Helen Hoàng đang viết cuốn sách đầu tiên của mình có tên là, The Kiss Quotient, cô cũng vừa mới được chẩn đoán mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ. Vì vậy, trong lúc đang cố gắng tìm hiểu thêm về chẩn đoán của mình, Helen đã rút tỉa từ chính kinh nghiệm sống của mình, rồi biến chúng thành một cuốn tiểu thuyết lãng mạn, kể về câu chuyện tình yêu của Stella, một người phụ nữ trẻ mang trong mình chứng rối loạn phổ tự kỷ. Stella không phải là nhân vật duy nhất trong trong cuốn sách The Kiss Quotient được Helen tạo ra bằng những trải nghiệm cá nhân. Nhân vật chính khác, Michael, là một người Mỹ gốc Á cũng giống như Helen, và trong chuyện thì giống như cô, anh cũng gặp phải những trắc trở tới từ gia đình mìnhvới một người cha không mấy khi đưa ra được những quyết định sáng suốt. Cuốn sách này đã được xuất bản vào năm 2018, nhưng phải tới tận những ngày cao điểm của đại dịch, tôi mới biết đến nó. Tôi đã rất hào hứng được đọc một thứ gì đó khiến tâm trí mình thoát khỏi những nỗi u ám và bi quan. Một khi đã cầm cuốn sách trong tay, tôi không thể rời mắt. Cuốn này khá là “ướt át" - tôi có cảm giác hơi kì cục khi phải đọc lại nó vì lí do “công việc." Tuy nhiên thời gian dành cho cuốn sách đã giải thoát tôi khỏi nỗi sợ khi phải sống trong tình trạng phong tỏa. Vì vậy, trong một tập gần đây của chương trình thu âm (podcast) Code Switch, tôi đã trò chuyện với Helen về cuốn The Kiss Quotient, về việc đọc nó khiến tôi cảm thấy tự do như thế nào và bằng cách viết ra những trang tiểu thuyết này, cô đã được giải thoát ra sao Cuộc đối thoại của chúng tôi đã được cắt gọt lại vì lý do thời gian và cho dễ hiểu. Dành cho những người chưa biết cuốn sách này, The Kiss Quotient kể về câu chuyện gì, và điều gì khiến cuốn sách này nổi bật so với các tiểu thuyết lãng mạn khác?

The Kiss Quotient do tác giả Helen Hoang Nhà sách Berkley Books Cuốn sách này là về một nữ nhân vật chính mắc chứng tự kỷ tên là Stella, cô nghĩ rằng cô kém cỏi trong quan hệ tình cảm và tình dục. Để tiến bộ thêm, cô quyết định thuê một cậu “trai gọi” tên là Matthew để “dạy” cô “yêu" [trong tình cảm và tình dục]. Và trong quá trình đó, họ đã vô tình phải lòng nhau. Tôi nghĩ cuốn sách có một số điều thú vị: Trước tiên là góc nhìn của người tự kỷ là điều ít thấy thấy trong truyện lãng mạn. Và dù tôi không phải là người đầu tiên [thực hiện điều này], nhưng tôi chưa bao giờ thấy một cuốn sách có một nhân vật nam chính gốc Á, hoặc ít nhất là có nét Á Đông trong đó. Cuốn sách này rõ ràng mang tới cho tôi cảm giác giải thoát. Là một nhà văn tiểu thuyết lãng mạn, việc viết một cuốn sách có cảm giác giải thoát cho độc giả của mình có phải là điều quan trọng đối với cô hay không? Tôi tin rằng truyện lãng mạn là về sự giải thoát. Đó là cách đưa bạn ra khỏi cuộc sống thực tế và khiến bạn nghĩ về những thứ khác và trải nghiệm những điều mà bạn thường không có trong cuộc sống thực của mình. Tôi nghĩ rằng đó là điểm mạnh của tiểu thuyết lãng mạn và là điều khiến nó là một trải nghiệm tích cực. Bởi vì nó giải thoát bạn khỏi mọi thứ và cho bạn cơ hội đắm chìm vào cảm xúc và trải nghiệm của con người. Nhiều người có sẵn định kiến về cách những người tự kỷ cư xử và hành động, một trong số đó bao gồm việc quan hệ tình dục. Mặc dù vậy, cô có thể kể thêm về quá trình miêu tả những cảnh làm tình trong cuốn sách của cô không? Tôi nhớ đã từng được nghe người ta nói rằng, bạn biết đấy, thật phản cảm khi miêu tả cảnh người tự kỷ quan hệ tình dục, và để tỏ ra tôn trọng, bạn cần phải “ngây thơ hoá" họ. Điều này khiến tôi rất lo lắng. Nhưng khi viết cuốn sách này, tôi cũng chưa biết gì về những “đòi hỏi” đó khi viết về chủ đề tự kỷ, bởi tự kỷ vẫn là một điều mới mẻ đối với tôi. [Vào lúc đó], tôi chỉ mới bị chẩn đoán rối loạn phổ tự kỷ 5 năm trước. Nhưng sau khi hoàn thành cuốn sách, tôi cảm thấy rất vui vì đã làm điều đó. Tôi đã viết về đời sống tình dục của người tự kỷ, và tôi cảm thấy rất tự hào. Trong mùa hè này, [chương trình của] chúng tôi hiện đang trò chuyện với các tác giả về ý nghĩa của sự tự do/giải thoát. Ý niệm này được thể hiện trong cuốn sách của cô như thế nào? Tôi nghĩ rằng nhân vật chính, Stella, phải sống trong nỗi bất an thường trực bởi chứng tự kỷ của cô. Và đây cũng là một điều mà bản thân tôi cũng đã phải trải qua. Được chứng kiến chặng đường mà cô ấy phải trải qua để đối mặt với thực tế, và thôi không còn cảm thấy xấu hổ về bản thân, mang lại một cảm giác rất giải thoát.Tôi viết về điều này một cách rất tự nhiên. Hy vọng rằng mọi người, dù có chứng tự kỷ hay không, cũng có thể tự nhận thức được về bản thân mình và thoát khỏi những chuẩn mực mà họ tự đặt ra. Tôi để ý có một chủ đề về việc buông bỏ những điều kiềm giữ lòng mình - và không chỉ với Stella. Nam nhân vật chính, Michael, cũng đã có lòng oán giận cha anh khiến anh khó thổ lộ. Cô có thể giải thích thêm về điều ấy không? Michael luôn lo ngại rằng anh sẽ giống như cha anh hoặc vết thương của gia đình sẽ ảnh hưởng tới con người anh. Hay thậm chí hình ảnh của cha sẽ phản chiếu trong anh . Tôi nghĩ điều quan trọng đối với tôi là tìm cách xóa bỏ ý nghĩ đó và nhủ mình rằng: Tôi là cá nhân riêng tôi, tôi có khả năng vượt qua quá khứ của tôi và tôi có khả năng vượt qua điều tôi đã phải trải qua. Cha của tôi cũng đã có vài lựa chọn sai lầm trong đời và việc chấp nhận rằng tôi vẫn thương cha dù ông ấy không hoàn hảo, cũng đã giải thoát tôi trong một chừng mực nào đó. Tiếp tục với chủ đề về sự tự do/giải thoát: Việc viết cuốn sách này và biết rằng mình mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ liệu có mang lại cho cô sự giải thoát không? Trong trường hợp của tôi, tôi nghĩ chắc chắn rằng việc biết mình mắc chứng tự kỷ đã giải thoát tôi. Bởi vì tôi nghĩ rằng hiểu biết là sức mạnh, và khi chúng ta nhận ra vấn đề của mình, chúng ta sẽ có sự chuẩn bị tốt hơn để thể hiện nhu cầu của mình cũng như chấp nhận bản thân. Tôi đã dành rất nhiều thời gian trong đời để giả vờ làm một ai đó khác vì tôi muốn hòa nhập. Tôi đã bỏ ra rất nhiều nỗ lực để cố gắng hòa nhập. Đôi khi đến mức khiến tôi kiệt sức và tôi nghĩ đó chỉ là một cách sống thực sự đáng buồn. Vì vậy, tôi cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm khi nhận ra rằng tất cả những gì tôi đang phải trải qua cũng không tệ đến thế.

Người dịch: Que Do

Biên tập: Đông Phong


Comments


bottom of page