top of page

Chuyện gì đã xảy ra vào 99 năm trước trong cuộc thảm sát sắc tộc ở Tulsa

Updated: Jun 24, 2020

“Lịch sử không phải là quá khứ; nó là hiện tại.”


Gretchen Frazee, ngày 19 tháng 6 năm 2020



Năm 1921, ở Tulsa (Oklahoma), có một cộng đồng người da đen được biết đến là “kiêu hãnh và giàu có”. Họ đã phải trải qua một cuộc thảm sát tàn bạo với khoảng 300 người tử vong do sự tàn sát bởi chính những cư dân da trắng. Cũng vì sự kiện ấy, một trung tâm kinh tế đang phát triển mạnh của tiểu bang Oklahoma chỉ còn lại đống tro tàn.


Theo lời một luật sư da đen, cũng là nhân chứng của sự kiện, B.C.Franklin, không còn gì sót lại “ngoại trừ bụi tro, két sắt và những chiếc rương cháy rụi cùng những hoài niệm về nơi đã từng là những ngôi nhà đẹp” với các cửa hiệu.


Ngày tưởng niệm 99 năm sau cuộc thảm sát ở Tulsa (hiện được biết đến là Cuộc Thảm sát Sắc tộc Tulsa) năm 2020 đã qua từ một vài tuần trước. Sự kiện này nhận được sự quan tâm có hạn bởi các cuộc biểu tình chống sự tàn bạo của cảnh sát và sự phân biệt chủng tộc có hệ thống đang diễn ra khắp Hoa Kỳ.


“Chúng ta đang sống và kế thừa di sản của những thứ đã xảy ra trong quá khứ”

Tổng thống Donald Trump tuyên bố kế hoạch của ông về việc tổ chức một buổi mít tinh tại thành phố Tulsa (Oklahoma) vào thứ Sáu, ngày 19 tháng 6, một ngày mang ý nghĩa lịch sự đặc biệt. Ngày 19 tháng 6 còn có tên gọi là Juneteenth, một ngày lễ không chính thức đánh dấu ngày tướng Gordon Granger của quân đội Liên minh đến Galveston, Texas đọc bản Tuyên Ngôn Giải Phóng. Sự kiện này là một tín hiệu để những người đang là nô lệ, dù ở bất cứ đâu trên đất nước Hoa Kỳ, rằng đã đến lúc họ được tự do. Từ cuối những năm 1800, ngày Juneteenth được kỉ niệm hằng năm bởi người Mỹ gốc Phi.


Kế hoạch về buổi mít tinh của Tổng thống Donald Trump đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận. Đáp lại, chính quyền của Tổng thống Trump đã lùi sự kiện một ngày, tức thứ Bảy thay vì thứ Sáu ngày 19 tháng 6.


Tuy nhiên, với nhiều sự quan tâm hơn dành cho sự kiện ở Tulsa gần một thế kỉ trước, các học giả và các nhà hoạt động xã hội hi vọng đây sẽ vén màn để đưa một trong những sự kiện tồi tệ nhất của bạo lực chủng tộc của đất nước ra ngoài ánh sáng.


Hannibal Johnson, luật sư và tác giả của một số ấn phẩm về lịch sử sắc tộc ở Oklahoma đã phát biểu: “Lịch sử không phải quá khứ; nó là hiện tại. Chúng ta đang sống trong di sản của những thứ đã xảy ra. Đó là mối liên kết sâu sắc và ràng buộc mà ta không thể chối bỏ.”


Điều gì đã xảy ra trong cuộc thảm sát?

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến vụ thảm sát chính là sự giàu có của những cư dân da đen thành phố Tulsa, một phần nhờ vào sự bùng nổ trong nền công nghiệp dầu mỏ đã thúc đẩy nền kinh tế của thành phố Tulsa và toàn tiểu bang Oklahoma. Quận Greenwood, nơi các doanh nghiệp từng đặt trụ sở và được biết đến với cái tên “Phố Wall Da Đen” (Black Wall Street), sau khi Booker T. Washington lần đầu gọi nó là “Phố Wall của Người Phi” (Negro Wall Street).


Johnson, tác giả cuốn sách “Black Wall Street” miêu tả: “Cộng đồng này giống như Main Street (đường phố mua bán truyền thống trong mỗi thành phố Mỹ) của người Da Đen. Tại đây tập hợp các bác sĩ và luật sư, rạp phim, địa điểm chơi bida, nhà hàng, tiệm làm tóc, salon chăm sóc sắc đẹp. Nhưng nơi đây lại bị tách biệt, Thành phố Tulsa, chế độ phân chủng Jim Crow.”

Nơi giao nhau giữa Đại lộ Greenwood và đường Archer năm 1917. Bảo tàng Lịch sử và Cộng đồng Tulsa


Điều khiến cho Quận Greenwood với diện tích 35 mẫu vuông (khoảng 35 ha) trở nên nổi bật cũng như biến nó trở thành mục tiêu cho các cuộc tấn công mang tính bạo lực chính là sự thành công của người da đen bị xem như mối đe dọa đến sự thượng đẳng của người da trắng lúc bấy giờ.


“Nếu như các người không mấy khá giả và trước mắt là những người Da Đen đang hơn mình về kinh tế như sở hữu nhiều bất động sản, mặc những bộ đồ đắt tiền, bạn hẳn nghĩ rằng có điều gì sai trái ở đây.”, Johnson nói, và thêm rằng “sự đố kị” đã thêm yếu tố châm ngòi sự kiện 99 năm trước.

John Wesley Williams và vợ, Loula Cotten Williams, cùng con trai W.D.Williams, ngồi trong chiếc ô tô Norwalk 1911. John là một kĩ sư thuộc Công ty Kem Thompson. Loula là giáo viên ở Fisher. Gia đình Williams sở hữu Rạp chiếu Dreamland, nơi bị phá hủy vào năm 1921 trong cuộc Thảm sát Sắc tộc Tulsa. Bảo tàng Lịch sử và Cộng đồng Tulsa


Ngày 31 tháng 5 năm 1921, báo Tulsa Tribune xuất bản câu chuyện với tiêu đề “Bắt quả tang tên Da Đen quấy rối cô gái trong thang máy.” Bài báo mô tả vụ bắt giữ người thanh niên Da Đen Dick Rowland, 19 tuổi, với cáo buộc tấn công cô Sarah Page, Da Trắng, 17 tuổi, nữ nhân viên điều hành thang máy.


Theo một số nhân chứng có mặt ở hiện trường, Rowland đã dẫm lên chân của Page trong thang máy. Một số khác cho rằng anh ta đã túm lấy tay cô. Số khác lại nói anh ta bị trượt chân và túm lấy tay của cô này để giữ thăng bằng. Theo bài báo, Page khai rằng Rowland đã tấn công và xé rách quần áo của cô.


Với lí do nào đó, Page đã hét lên, và cảnh sát đã được gọi tới. Rowland sau đó bị bắt giữ do nghi ngờ tấn công tình dục. Lời đồn lan truyền nhanh chóng đến mức cáo buộc của cậu trở thành hiếp dâm.


Cùng ngày tờ báo được phát hành, một nhóm người da trắng tụ tập trước tòa án thành phố, yêu cầu giao Rowland cho họ.


Những cư dân Da Đen lo sợ cậu thanh niên Rowland sẽ bị hành hình bởi các tiền lệ về tư hình ở Tulsa nên kéo đến để can thiệp. Theo lời của nhân chứng William Danforth Williams, một người có mặt tại hiện trường, trả lời trong một cuộc phỏng vấn với Bảo tàng Lịch sử Cộng đồng Tulsa, mọi người đang chuẩn bị trở về nhà và cùng lúc ấy, tiếng nổ súng ở cách đó khoảng một dãy nhà vang lên, và bạo lực xảy ra sau đó.


Lực lượng hành pháp gần như tiếp tay thêm bằng cách phớt lờ những hành động gây rối của cư dân da trắng, cung cấp súng và đạn cho họ, kích động thêm sự tàn bạo của đám đông.

Bốn người đàn ông đang nhìn một tòa nhà cháy nằm phía tây Đại lộ Bắc Cincinnati trong cuộc Thảm sát Sắc tộc Tulsa 1921. Tư liệu thuộc về Bảo tàng Lịch sử Cộng đồng Tulsa


Bắt đầu từ đêm hôm ấy đến hết ngày hôm sau, những cư dân Da Đen bị bắn hạ trên đường phố. Nhà và cửa hàng của họ ở Quận Greenwood bị cướp bóc và đập phá. Một số nhân chứng cho biết rằng những người da trắng còn sử dụng máy bay tư nhân để dội bom đốt phá tài sản của những người da đen tại đây.

Khung cảnh hoang tàn sau cuộc Thảm sát Sắc tộc Tulsa. Ảnh chụp bởi Hội Chữ thập đỏ quốc gia/ Thư viện Quốc hội


Những cư dân Da Đen sống sót bị tập trung lại và lùa về phía Trung tâm hội nghị thành phố. Khi những người da đen sống sót rời khỏi thành phố trong cuộc thảm sát quay trở lại, họ cũng bị bắt nhốt và đưa tới sân bóng chày hay khu đất trống tại địa phương.

Sau đó, quân đội đã đến Tulsa và tước vũ khí phe Da Trắng. Dù vậy, Quận Greenwood gần như đã bị tàn phá.

Các cư dân da đen bị áp giải đến Tòa Hội nghị trong cuộc Thảm sát Sắc tộc Tulsa. Ảnh thuộc Bảo tàng Lịch sử Cộng đồng Tulsa


Theo như một báo cáo năm 2001 bởi ủy ban điều tra vụ thảm sát, trong nhiều ngày sau đó, những người da đen sống sót đã “thành công giành lại sự tự do của mình, bằng cách này hay cách khác, thoát khỏi các trại giam.”


Cuộc Thảm sát Chủng tộc Tulsa có liên quan đến hiện tại như thế nào?

Cũng như nhiều sự kiện đàn áp người Da Đen dọc chiều dài lịch sử nước Mỹ, Cuộc Thảm Sát Sắc Tộc Tulsa không được biết đến rộng rãi, đặc biệt là trong cộng đồng người Mỹ Da Trắng.


Đối với vấn đề này, ông Larry O’Dell, giám đốc của các dự án đặc biệt tại Bảo tàng Lịch Sử Cộng Đồng Oklahoma, phát biểu: “Cộng đồng Da Trắng ở Tulsa không nói về nó. Đó là một vết nhơ trong lịch sử của họ.”


Chỉ vài tháng trước đó, thống đốc bang Oklahoma đã tuyên bố sẽ cung cấp cho các giáo viên giáo trình đề cập đến Cuộc Thảm Sát Chủng Tộc Tulsa để kết hợp vào trong chương trình giảng dạy.


Cho đến thời gian gần đây, nhiều người Mỹ Da Đen cũng đã không nhắc đến sự kiện kinh hoàng năm ấy.


Phoebe Stubblefield, một người có bà là người sống sót sau cuộc thảm sát, cô phát biểu: “Nó như thể là một thứ kiến thức bí mật vậy.”. Cô nói tiếp: “Tôi có cảm giác như người da đen thường phải làm quen và sống chung với những điều kinh khủng đó bằng cách không nhắc đến.”


Cô Stubblefield lần đầu tiên biết bản thân có mối liên hệ với Cuộc Thảm Tát Sắc tộc Tulsa khi gia đình cô có cuộc nói chuyện về gia phả. Kể từ đó, với vai trò là nhà nhân chủng học pháp y tại Đại học Florida, cô đã trở thành thành viên của uỷ ban Chống Bạo Động Chủng Tộc Tulsa.


Tuy uỷ ban đã giải thể vào năm 2001 sau khi đưa ra bản báo cáo cuối cùng. Nhưng ngay tháng tiếp theo, cô và các nhà nghiên cứu khác đã lên kế hoặc để khai quật một phần Tulsa, nơi họ tin rằng là phần mộ của các nạn nhân trong cuộc thảm sát.

Tại Tulsa, những người biểu tình ngày nay một lần nữa phải đối mặt với bạo lực từ cảnh sát. Ngoài việc bày tỏ lòng tiếc thương và cả sự giận dữ về cái chết của George Floyd, các nhà hoạt động xã hội tại địa phương còn tập trung vào vụ việc một cư dân tên Terence Crutcher bị bắn chết khi đang dừng trên đường năm 2016 và sau đó viên sĩ quan đã nổ súng giết anh ta đã không bị truy cứu tội giết người.

Năm 2016, người biểu tình tuần hành đến tòa thị chính Tulsa trong một cuộc biểu tình hòa bình tưởng nhớ Terence Crutcher, người bị bắn chết bởi sĩ quan cảnh sát Betty Shelby ở Tulsa, Oklahoma. Ảnh chụp bởi Nick Oxford/Reuters


Kristi Williams, một hướng dẫn viên du lịch tại Quận Greenwood nhận định rằng những gì người da đen ở Tulsa đã phải đối mặt năm 1921 - và cảm nhận của họ ở thời điểm hiện tại - có ảnh hưởng trực tiếp đến cô. Bà của cô đã ở trong rạp chiếu Greenwood khi cơn bạo loạn 1921 diễn ra, và anh trai của cô thì qua đời trong tù vì hen suyễn, nơi cô cáo buộc các quản ngục đã bỏ mặc không làm gì để cải thiện tình hình.


“Tôi không nghĩ cảm thấy hối lỗi sẽ có tác dụng. Tôi muốn mọi người cảm thấy phải có trách nhiệm.”


Cô Williams nói: “Chúng ta là những người đã truyền những ám ảnh từ thế hệ này sang thế hệ khác. Và chúng ta thậm chí còn không nhận ra mình đang làm thế.”


Cũng như rất nhiều người Mỹ Da Trắng khác đang tự vấn lại vai trò của cá nhân trong những bất công đã hằn dấu lên xã hội hiện hành, Hannibal Johnson cho rằng bài học mà cá nhân ông và những người da trắng khác cần phải học chính là làm thế nào để vượt qua cảm giác đó, và hướng đến sự thay đổi, và chính những thứ đó nên là chất xúc tác để chuyển hóa những cảm xúc thành hành động.


Ông Johnson chỉ ra đã có một số cư dân người Da Trắng tại Tulsa thuê người Da Đen và giấu họ trong nhà để bảo vệ họ khỏi đám đông kích động. Hội Chữ Thập Đỏ và tình nguyện viên tại nhà thờ cũng tham gia chăm sóc các nạn nhân.


Ông Johnson phát biểu: “Tôi không nghĩ rằng cảm giác tội lỗi là hữu ích. Tôi muốn mọi người cảm thấy có trách nhiệm. Tôi muốn mọi người chịu trách nhiệm cho một cộng đồng chung.”


Không chỉ là câu chuyện về những sang chấn tâm lí và sự kinh hoàng của nạn phân biệt chủng tộc, Cuộc Thảm Sát Sắc Tộc Tulsa còn là một minh chứng hùng hồn cho sự kiên cường của những người Mỹ gốc Phi. Dù bị từ chối các khoản đền bù và trợ cấp từ thành phố, bang hay các công ty bảo hiểm cho tài sản mất mát, chỉ vài năm sau đó, Quận Greenwood lại được xây dựng lại lần nữa khang trang.

Đại lộ Greenwood vào khoảng 1925 được xây dựng lại sau cuộc Thảm sát Sắc tộc Tulsa 1921. Bảo tàng Lịch sử Cộng đồng Tulsa


Sự kiên cường của cộng đồng Da Đen ở Tulsa đã phản ánh qua lời tường thuật của B.C.Franklin, từ chối việc kết thúc khoảng thời gian kinh hoàng ở Tulsa với cảnh hoang tàn đổ nát.


Ông Franklin đã viết: “Và thế là cộng đồng giàu có, kiêu hãnh của người Da Đen ở Tulsa đã bị thiêu rụi bởi ngọn lửa.”, ông tiếp: “đó chỉ là những kiến trúc, tài sản và vật chất bên ngoài; nhưng tinh thần của thành phố này sẽ không thể bị khuất phục hay tiêu tan.”


Ngày nay, Kristi Williams nói rằng cô thấy sự can trường từ chính tinh thần bất khuất và lòng quyết tâm của những người đi trước trong việc gầy dựng lại những gì đã mất - hậu quả của cuộc thảm sát năm ấy.


“Nếu như tổ tiên chúng ta đã làm được khi phải đối mặt với đạo luật Jim Crow ngày trước, chúng ta cũng có thể làm được ngày nay. Vậy nên, mục tiêu của tôi chính là: đoàn kết và tái thiết.”


Translation by Duong Nguyen

Copy edits by Helen Nguyen

Comments


bottom of page